Thiếu hụt vitamin D có thể gây rụng tóc
Vitamin D là gì?
Vitamin D là một chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sức khỏe. Vitamin này có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch, giữ cho xương chắc khỏe, bảo vệ da, kích thích sự phát triển của tế bào và giúp tạo ra các nang tóc mới. Một nguồn cung cấp vitamin D chính cho cơ thể là từ ánh nắng mặt trời. Khi tiếp xúc với nắng, da tự tổng hợp vitamin D và ngoài ra, loại vitamin này còn có trong một số loại thực phẩm.
Sự thiếu hụt vitamin D không chỉ gây mệt mỏi, làm giảm mật độ xương, tăng nguy cơ loãng xương và bệnh tim mạch mà còn có thể gây rụng tóc.
Liều lượng vitamin D khuyến nghị hàng ngày
Sau 1 tuổi, mỗi người cần ít nhất 600 IU hay 15 microgam (mcg) vitamin D mỗi ngày. Trẻ dưới 1 tuổi cần 400 IU vitamin D. Đối với những người trên 70 tuổi thì liều lượng khuyến nghị tăng lên 800 IU (hay 20 mcg). Nếu nghi ngờ mình bị thiếu hụt vitamin D thì nên đi khám và làm xét nghiệm máu để kiểm tra. Bổ sung đủ lượng vitamin D hàng ngày sẽ giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, giữ cho xương chắc khỏe, kích thích sự mọc tóc và mang lại nhiều lợi ích khác.
Tại sao thiếu hụt vitamin D gây rụng tóc?
Nghiên cứu cho thấy rằng sự thiếu hụt vitamin D có thể dẫn đến rụng tóc. (1) Một trong những vai trò của vitamin D là kích thích các nang tóc mới và cũ. Khi cơ thể không có đủ vitamin D, sự mọc tóc mới sẽ bị chậm lại.
Thiếu hụt vitamin D có thể góp phần gây ra chứng rụng tóc từng vùng hay rụng tóc từng mảng – một dạng bệnh tự miễn gây hình thành các mảng hói trên da đầu và các vùng có lông trên cơ thể. Cả nam giới và nữ giới đều có thể gặp phải vấn đề này. Một nghiên cứu khác cho thấy những phụ nữ từ 18 đến 45 tuổi từng bị rụng tóc từng vùng hoặc các dạng rụng tóc khác có nồng độ vitamin D ở mức thấp. (2)
Có nhiều nguyên nhân gây thiếu hụt vitamin D, ví dụ như ít tiếp xúc với nắng, bôi kem chống nắng và không bao giờ để lộ da khi ra ngoài trời, ít ăn thực phẩm chứa vitamin D,…
Lợi ích của vitamin D đối với tóc
Một số bằng chứng chỉ ra rằng các thụ thể vitamin D mới là yếu tố giúp khắc phục tình trạng rụng tóc chứ không phải do bản thân chất dinh dưỡng này. Một nghiên cứu được thực hiện trên chuột vào năm 2014 và được công bố trên tạp chí Molecular Endocrinology cho thấy lông của những con chuột thí nghiệm đã mọc lại sau 2 tuần kể từ khi bổ sung thụ thể vitamin D. Tuy nhiên, sẽ cần có thêm các nghiên cứu trên người để kiểm tra xem liệu việc bổ sung vitamin D có mang lại hiệu quả tương tự hay không và phải mất thời gian bao lâu để tóc mọc trở lại sau khi tăng lượng vitamin D.
Các cách bổ sung vitamin D
Dùng viên uống bổ sung
Có thể dùng viên uống bổ sung vitamin D hoặc vitamin tổng hợp nhưng các loại vitamin tổng hợp thường chỉ có một lượng vitamin D nhỏ (khoảng 400 IU) - thấp hơn so với mức khuyến nghị hàng ngày. Trước khi uống vitamin D thì nên làm xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ vitamin D và xác định liều lượng cần bổ sung. Dựa trên kết quả xét nghiệm mà bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng cụ thể. Vì vitamin D là vitamin tan trong chất béo nên tốt nhất là uống trong bữa ăn để cơ thể có thể hấp thụ một cách hiệu quả nhất.
Tắm nắng
Ở những nước có khí hậu nhiệt đới, ánh nắng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D chính. Tuy nhiên, ít khi ra ngoài hoặc thói quen mặc quần áo dài và sử dụng kem chống nắng sẽ hạn chế khả năng tổng hợp vitamin D của da, điều này có thể dẫn đến thiếu hụt vitamin D. Nên dành ra 10 - 15 phút tắm nắng từ 2 – 3 lần mỗi tuần mà không dùng kem chống nắng để tăng cường vitamin D cho cơ thể. Nhưng không nên tắm nắng khi trời nắng gắt và nếu phải ở lâu ngoài trời thì vẫn nên dùng kem chống nắng để bảo vệ da.
Chế độ ăn uống
Một chế độ ăn uống lành mạnh với các loại thực phẩm có chứa vitamin D tự nhiên hoặc thực phẩm được bổ sung vitamin D cũng là một cách để tăng lượng vitamin này cho cơ thể. Các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi, cá nục,… và dầu gan cá tuyết là những nguồn thực phẩm giàu vitamin D nhất. Trên thực tế, một muỗng canh dầu gan cá tuyết có thể đáp ứng đến 340% lượng vitamin D khuyến nghị hàng ngày. Vitamin D còn có trong các loại thực phẩm tự nhiên khác như hàu, tôm, gan, lòng đỏ trứng, nấm (loại mọc tự nhiên hoặc nấm được chiếu tia cực tím) cũng như là các loại thực phẩm được bổ sung vitamin D, chẳng hạn như ngũ cốc ăn sáng, nước ép hoa quả đóng chai, sữa đậu nành và các sản phẩm từ sữa (phô mai, sữa tươi, sữa chua, váng sữa…). Vì vitamin D có chủ yếu trong các loại thực phẩm nguồn gốc từ động vật nên những người ăn thuần chay rất dễ bị thiếu hụt và cần ăn nhiều các loại thực phẩm được bổ sung vitamin D có nguồn gốc thực vật như nước ép, sữa hạt, ngũ cốc.
Tóm tắt bài viết
Thiếu hụt vitamin D có thể gây ra một số triệu chứng, trong đó có rụng tóc. Có nhiều cách để tăng lượng vitamin này, ví dụ như tắm nắng, dùng viên uống bổ sung và ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin D. Các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để kiểm chứng tác dụng thúc đẩy sự hình thành nang tóc và kích thích mọc tóc của vitamin D.
Sự thiếu hụt vitamin D và canxi sẽ khiến cho xương giòn và dễ gãy – tình trạng này được gọi là còi xương ở trẻ em và loãng xương ở người lớn.
Thiếu hụt vitamin D là vấn đề vô cùng phổ biến nhưng hầu hết mọi người đều không biết mình bị thiếu hụt vì các dấu hiệu, triệu chứng thường không biểu hiện rõ và nếu có thì cũng thường được cho là dấu hiệu của các vấn đề khác.
Thiếu vitamin C ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trên cơ thể và có thể gây ra nhiều dấu hiệu, triệu chứng khác nhau.
Mới đây, một nhóm nghiên cứu đã có những phát hiện mới về vitamin D và mối liên hệ với bệnh viêm khớp dạng thấp.
Vì vitamin D đóng vai trò rất quan trọng đối với chức năng não khỏe mạnh nên tình trạng thiếu hụt có thể gây trầm cảm và các vấn đề về tâm thần khác.