Thiếu hụt vitamin D có thể gây trầm cảm?
Vai trò của vitamin D
Vitamin D là một chất dinh dưỡng tan trong chất béo, có vai trò giữ cho xương chắc khỏe, thúc đẩy sự tăng trưởng tế bào và hỗ trợ chức năng miễn dịch.
Vitamin D được gọi là “vitamin ánh nắng mặt trời” vì cơ thể tổng hợp vitamin D khi da tiếp xúc với ánh nắng. Vitamin này còn có trong một số loại thực phẩm như gan, lòng đỏ trứng, các loại cá béo, hàu, nấm,…
Thiếu hụt vitamin D xảy ra khi cơ thể không tổng hợp đủ vitamin từ ánh nắng hoặc không cung cấp đủ vitamin D từ chế độ ăn uống. Lượng vitamin D không đủ có thể khiến xương trở nên yếu, giòn và dễ gãy. Tình trạng thiếu hụt vitamin D có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe như:
- Chứng nhuyễn xương
- Loãng xương
- Viêm xương khớp
- Bệnh tim mạch
- Ung thư
- Còi xương ở trẻ em
Vitamin D và bệnh trầm cảm
Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa sự thiếu hụt vitamin D và chứng trầm cảm. Các nhà nghiên cứu trong một phân tích tổng hợp vào năm 2013 đã nhận thấy rằng trong số những người tham gia nghiên cứu, những người bị trầm cảm cũng có nồng độ vitamin D trong máu thấp. Cũng theo bản phân tích này, những người có mức vitamin D thấp có nguy cơ mắc chứng trầm cảm cao hơn. (1)
Các nhà nghiên cứu cho rằng vì vitamin D đóng vai trò rất quan trọng đối với chức năng não khỏe mạnh nên tình trạng thiếu hụt có thể gây trầm cảm và các vấn đề về tâm thần khác. Một nghiên cứu trước đó vào năm 2005 đã phát hiện các thụ thể vitamin D trong cùng khu vực não bộ có liên quan đến chứng trầm cảm. (2)
Các yếu tố làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin D
Lối sống, chế độ ăn uống và tuổi tác đều có thể góp phần dẫn đến thiếu hụt vitamin D.
Ít tiếp xúc với ánh nắng
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D chính ở hầu hết mọi người. Việc ở trong nhà nhiều hoặc có đi ra ngoài nhưng luôn bôi kem chống nắng và dùng các biện pháp bảo vệ da khác sẽ làm hạn chế sự tiếp xúc với nắng. Điều này có thể dẫn đến thiếu hụt vitamin D.
Thời gian mà mỗi người cần tiếp xúc với ánh nắng để cung cấp vitamin D cho cơ thể sẽ phụ thuộc vào màu da, khí hậu, thời điểm trong ngày và thời điểm trong năm. Có thể cần để da tiếp xúc với nắng từ 15 phút đến 3 tiếng mỗi ngày để có đủ lượng vitamin D. Những người có da sáng màu có khả năng tổng hợp vitamin D nhanh hơn.
Chế độ ăn uống
Có rất ít thực phẩm tự nhiên giàu vitamin D. Ngoài ánh nắng mặt trời, có thể bổ sung vitamin D cho cơ thể bằng cách ăn nhiều những thực phẩm như:
- Các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá mòi,…
- Dầu gan cá
- Gan
- Lòng đỏ trứng
- Các sản phẩm được tăng cường vitamin D, ví dụ như nước cam ép đóng chai, sữa và ngũ cốc
Vì vitamin D có chủ yếu trong các loại thực phẩm nguồn gốc động vật nên những người ăn thuần chay thường rất dễ bị thiếu hụt vitamin D.
Da tối màu
Những người có làn da tối màu có lượng melanin cao hơn. Melanin là một sắc tố tự nhiên mang lại màu sắc cho da và làm giảm sự tổng hợp vitamin D trong da.
Một nghiên cứu vào năm 2006 đã cho thấy rằng tình trạng thiếu hụt vitamin D xảy ra phổ biến ở những người da màu hơn là người da trắng. (3)
Sống ở vĩ độ cao
Các nghiên cứu được công bố trên The Journal of Nutrition và The Journal of the American Osteopathic Association đã chỉ ra rằng những người sống ở vĩ độ bắc có nguy cơ thiếu hụt vitamin D cao hơn so với những khu vực khác do đây là khu vực có khí hậu lạnh, số ngày nắng ít trong năm. (4, 5)
Những người sống ở nơi có ít ánh nắng nên dành nhiều thời gian hơn ở ngoài trời và tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu vitamin D.
Béo phì
Những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên (béo phì) có nguy cơ thiếu hụt vitamin D cao hơn do vitamin D được lưu trữ trong các mô mỡ thay vì lưu thông trong máu. Vì thế mà những người béo phì sẽ cần bổ sung nhiều vitamin D hơn so với những người có cân nặng bình thường.
Những người có chỉ số BMI từ 30 trở lên nên có kế hoạch giảm cân khoa học để về mức cân nặng khỏe mạnh và tăng lượng thực phẩm giàu vitamin D trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Tuổi tác
Tuổi tác có thể góp phần gây thiếu hụt vitamin D. Khi có tuổi, khả năng tổng hợp vitamin D của da sẽ trở nên kém đi. Người lớn tuổi cũng thường ít ra ngoài nên ít tiếp xúc với nắng và chế độ ăn uống lại không cung cấp đủ chất dinh dưỡng.
Dấu hiệu, triệu chứng của thiếu hụt vitamin D
Những dấu hiệu, triệu chứng thường gặp khi bị thiếu hụt vitamin D gồm có:
- Đau nhức xương
- Mệt mỏi, uể oải, thường xuyên cảm thấy buồn ngủ
- Yếu, đau nhức cơ và khớp xương
Ngoài ra, những người bị thiếu hụt vitamin D còn có thể gặp các triệu chứng trầm cảm như:
- Luôn cảm thấy buồn bã, chán nản, tuyệt vọng
- Mất ngủ hoặc buồn ngủ quá mức
- Ngủ nhiều
- Không còn hứng thú với những thứ đã từng yêu thích trước đây
- Sụt cân hoặc tăng cân nhiều
- Chán ăn
- Giảm khả năng tập trung
- Hay quên
- Mất ham muốn tình dục
- Hay bị nhức đầu hoặc đau lưng
- Lo âu, bồn chồn
- Có ý nghĩ về cái chết hoặc tự tử
Nếu đang gặp phải bất kỳ triệu chứng nào của bệnh trầm cảm thì cần đi khám bác sĩ ngay lập tức.
Chẩn đoán thiếu hụt vitamin D
Để chẩn đoán tình trạng thiếu hụt vitamin D, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu để đo nồng độ vitamin D.
Để chẩn đoán bệnh trầm cảm, bác sĩ sẽ đặt ra những câu hỏi về các triệu chứng gặp phải. Người bệnh cũng có thể cần điền một bảng câu hỏi về những biểu hiện, thay đổi gần đây trong cảm xúc, tinh thần và cuộc sống thường ngày. Không thể chẩn đoán chứng trầm cảm bằng phương pháp xét nghiệm máu.
Bác sĩ cũng sẽ tiến hành khám lâm sàng để xác định xem có đúng là bị trầm cảm hay không. Ngoài ra còn cần thực hiện thêm một số biện pháp xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để phát hiện hoặc loại trừ các vấn đề khác cũng có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng, đồng thời để xác định xem liệu chứng trầm cảm (nếu mắc) có liên quan đến tình trạng thiếu hụt vitamin D hay không.
Khắc phục thiếu hụt vitamin D
Giống như tất cả các chất dinh dưỡng khác, khi bị thiếu hụt vitamin D thì cần phải bổ sung. Các cách để bổ sung vitamin D cho cơ thể gồm có:
- Tăng thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
- Ăn nhiều thực phẩm có chứa vitamin D
- Dùng viên uống bổ sung vitamin D
Hai phương pháp phổ biến nhất để điều trị chứng trầm cảm là liệu pháp tâm lý và uống thuốc trị trầm cảm. Có thể chỉ cần điều trị bằng hai phương pháp này hoặc kết hợp với thay đổi chế độ ăn uống, tùy thuộc vào các triệu chứng và mục tiêu điều trị.
Nếu chứng trầm cảm có liên quan đến sự thiếu hụt vitamin D thì việc bổ sung vitamin D có thể giúp làm giảm các triệu chứng.
Khi đi khám, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị cụ thể.
Những người bị trầm cảm cũng có thể thực hiện các biện pháp dưới đây để giảm bớt các triệu chứng bệnh:
Tham gia nhóm hỗ trợ
Các nhóm hỗ trợ có thể giúp người bệnh trầm cảm kết nối với những người khác đang gặp vấn đề tương tự hoặc các bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực để được chia sẻ, tư vấn các biện pháp điều trị.
Tập thể dục thường xuyên
Hoạt động thể chất sẽ giải phóng các hóa chất tạo cảm giác vui vẻ, phấn chấn trong não bộ, ví dụ như endorphin và nhờ đó làm giảm các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Tập thể dục cũng có thể làm giảm các hóa chất gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng bệnh trong cơ thể. Ban đầu chỉ cần tập 3 lần một tuần và mỗi lần 30 phút với các bài tập cardio nhẹ nhàng, sau đó có thể tăng thời lượng buổi tập và số ngày tập.
Tạo thói quen đi ngủ đều đặn hàng ngày
Mất ngủ, khó ngủ, ngủ không ngon giấc và các vấn đề về giấc ngủ khác là những triệu chứng thường gặp ở người bị trầm cảm. Để khắc phục những triệu chứng này thì hãy tạo cho mình một thói quen ngủ đều đặn, có nghĩa là đi ngủ và thức dậy vào cùng một khung giờ mỗi ngày và ngủ đủ 7 – 9 tiếng mỗi đêm.
Chia sẻ với người thân
Mặc dù không dễ dàng nhưng khi bị trầm cảm thì nên chia sẻ với bạn bè và người thân trong gia đình để họ có thể hỗ trợ và giúp người bệnh vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tóm tắt bài viết
Vitamin D có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Mức vitamin D thấp có thể dẫn đến nhiều vấn đề, trong đó có cả trầm cảm. Một số biện pháp để điều trị chứng trầm cảm do thiếu hụt vitamin D là:
- Tiếp xuc với ánh nắng mặt trời nhiều hơn
- Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin D
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Dùng viên uống bổ sung vitamin D
Theo một nghiên cứu mới được công bố, nồng độ vitamin D thấp có thể khiến trẻ em có nguy cơ bị cao huyết áp.
Sự thiếu hụt vitamin D và canxi sẽ khiến cho xương giòn và dễ gãy – tình trạng này được gọi là còi xương ở trẻ em và loãng xương ở người lớn.
Sự thiếu hụt vitamin D không chỉ gây mệt mỏi, làm giảm mật độ xương, tăng nguy cơ loãng xương và bệnh tim mạch mà còn có thể gây rụng tóc.
Thiếu hụt vitamin D là vấn đề vô cùng phổ biến nhưng hầu hết mọi người đều không biết mình bị thiếu hụt vì các dấu hiệu, triệu chứng thường không biểu hiện rõ và nếu có thì cũng thường được cho là dấu hiệu của các vấn đề khác.
Thiếu vitamin C ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trên cơ thể và có thể gây ra nhiều dấu hiệu, triệu chứng khác nhau.