1

Trẻ có nguy cơ cao huyết áp nếu thiếu vitamin D

Theo một nghiên cứu mới được công bố, nồng độ vitamin D thấp có thể khiến trẻ em có nguy cơ bị cao huyết áp.
Trẻ có nguy cơ cao huyết áp nếu thiếu vitamin D Trẻ có nguy cơ cao huyết áp nếu thiếu vitamin D
  • Một nghiên cứu mới cho thấy mức vitamin D thấp khi sinh có thể khiến trẻ có nguy cơ bị cao huyết áp sau này.
  • Phụ nữ mang thai và những người có con nhỏ nên nói chuyện với chuyên gia dinh dưỡng nếu cảm thấy lo ngại về nồng độ vitamin D của mình.
  • Ăn thực phẩm chứa vitamin D hoặc cho trẻ sơ sinh bổ sung vitamin D sẽ có ích cho sức khỏe của trẻ.

Trong những năm trở lại đây, ngày càng có nhiều trẻ em mắc bệnh cao huyết áp và điều này sẽ dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe trong tương lai.

Những người bị cao huyết áp khi còn nhỏ sẽ có nguy cơ bị cao huyết áp khi trưởng thành. Cao huyết áp sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Vậy điều gì khiến trẻ có nguy cơ bị cao huyết áp khi còn nhỏ?

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Hypertension, nồng độ vitamin D thấp có thể khiến trẻ em có nguy cơ bị cao huyết áp. (1)

Sau khi đánh giá nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau, các tác giả của nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những trẻ có mức vitamin D thấp khi mới sinh hoặc khi còn nhỏ sẽ có nguy cơ gặp phải vấn đề về huyết áp cao hơn so với những đứa trẻ có nồng độ vitamin D trong máu ở mức bình thường..

Ngoài ra còn có các yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp ở trẻ, gồm có cả lười vận động và béo phì.

Vitamin D và huyết áp

Cơ thể con người có thể tự tổng hợp vitamin D trong da nhưng điều này chỉ diễn ra khi da tiếp xúc với tia cực tím (tia UV) trong ánh sáng mặt trời hoặc các nguồn khác.

Theo Audrey Koltun - một chuyên gia dinh dưỡng được chứng nhận tại khoa Nội tiết nhi tại Trung tâm Y tế Trẻ em Cohen ở New Hyde Park, New York: “Những người ít khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ có nguy cơ thiếu hụt vitamin D cao hơn.”

Để hiểu được ảnh hưởng của vitamin D đến sức khỏe của trẻ nhỏ ngay từ khi sinh ra, các tác giả của nghiên cứu đã theo dõi một nhóm gồm 775 trẻ em, từ giai đoạn sơ sinh cho đến 18 tuổi.

Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu máu từ cuống rốn của những trẻ tham gia và tiếp tục lấy mẫu máu khi trẻ lớn lên, đồng thời đánh giá thông tin y tế thu thập được trong các buổi khám sức khỏe định kỳ, gồm có thông tin về cân nặng, chiều cao và huyết áp của trẻ.

Tổng cộng, 44% trẻ có mức vitamin D thấp trong máu cuống rốn khi mới sinh, 23% có mức vitamin D thấp khi còn nhỏ.

Những trẻ có nồng độ vitamin D trong mẫu máu cuống rốn dưới 11 ng/ml vitamin D có nguy cơ bị tăng huyết áp trong độ tuổi từ 6 đến 18 cao hơn khoảng 60% so với những trẻ có nồng độ vitamin D trên 11 ng/ml.

Trong số trẻ có nồng độ vitamin D trong mẫu máu cuống rốn dưới 11 ng/ml, những trẻ có mẹ bị béo phì, mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 hoặc bị cao huyết áp sẽ càng có nguy cơ bị cao huyết áp cao hơn trong tương lai.

Những trẻ thừa cân hoặc béo phì cũng có nguy cơ bị cao huyết áp.

Nghiên cứu này cho kết quả tương tự một nghiên cứu khác đã được thực hiện trước đây, trong đó chỉ ra rằng nồng độ vitamin D trong máu thấp làm tăng nguy cơ cao huyết áp.

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có nghiên cứu nói trên đánh giá mối liên hệ giữa mức vitamin D và huyết áp ngay từ khi sinh ra.

Để có thể đưa ra kết luận chính xác thì vẫn cần phải nghiên cứu thêm.

Các nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt vitamin D

Vitamin D là một loại vitamin rất cần thiết, không chỉ đối với sức khỏe tim mạch mà còn đối với sự phát triển và duy trì cấu trúc xương chắc khỏe.

Có nhiều nguyên nhân khiến một người bị thiếu hụt vitamin D. Những người sống ở các vùng khí hậu có mùa lạnh dài, số ngày nắng trong năm ít thường có mức vitamin D thấp hơn so với những người sống ở nơi khí hậu ấm áp, có nhiều nắng.

Người có da sẫm màu cũng có nguy cơ bị thiếu hụt vitamin D cao hơn so với người da trắng do da sẫm màu có nhiều melanin hơn. Melanin là sắc tố hấp thụ tia UV và gây cản trở quá trình tổng hợp vitamin D trong da.

Việc bôi kem chống nắng hoặc mặc quần áo che kín da khi đi ngoài trời cũng làm giảm sự tiếp xúc của da với tia UV trong nắng. Mặc dù điều này giúp giảm nguy cơ ung thư da nhưng cũng làm giảm sự tổng hợp vitamin D.

Mặc dù vitamin D có trong một số loại thực phẩm, chẳng hạn như lòng đỏ trứng, các loại cá béo, hàu, nấm, các sản phẩm từ sữa được bổ sung thêm vitamin D (fortified milk) và sữa bột trẻ em nhưng rất nhiều người không được cung cấp đủ vitamin D từ chế độ ăn uống hàng ngày.

Đối với những người có mức vitamin D thấp thì việc dùng viên uống bổ sung hàng ngày là điều cần thiết.

Cần bổ sung bao nhiêu vitamin D mỗi ngày?

Theo như kết quả của nghiên cứu nói trên và nhiều nghiên cứu khác, việc điều trị tình trạng thiếu hụt vitamin D ở phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ sẽ giúp giảm nguy cơ cao huyết áp về sau này.

Tác giả chính của nghiên cứu - tiến sĩ Guoying Wang cho biết trong một thông cáo báo chí được tổ chức bởi Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association): “Hiện tại chưa có khuyến nghị nào từ Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ về việc khám sàng lọc đối với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.” (2)

Ông nói thêm: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng việc sàng lọc và điều trị tình trạng thiếu hụt vitamin D bằng cách uống bổ sung trong thời kỳ mang thai và khi trẻ còn nhỏ có thể giúp giảm nguy cơ cao huyết áp trong tương lai.”

Theo Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ (American College of Obstetricians and Gynecologists), hầu hết các chuyên gia đều thống nhất rằng đối với phụ nữ mang thai bị thiếu hụt vitamin D thì mức bổ sung an toàn là 1.000 đến 2.000 IU mỗi ngày. (3)

Ông Koltun khuyến khích những người sắp có con hoặc đang có con nhỏ nên nói chuyện với chuyên gia dinh dưỡng để tìm hiểu cách ngăn ngừa hoặc điều trị thiếu hụt vitamin D.

Theo báo cáo của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics - AAP), trong giai đoạn từ khi sinh ra cho đến 12 tháng tuổi, trẻ cần 400 IU vitamin D mỗi ngày, trẻ từ 1 tuổi đến 18 tuổi cần 600 IU vitamin D mỗi ngày. (4)

AAP khuyến nghị những trẻ tiêu thụ dưới 1 lít sữa công thức mỗi ngày cần được bổ sung 400 IU vitamin D/ngày.

Một số trẻ lớn hơn cũng có thể cần bổ sung vitamin D, đặc biệt là những trẻ không uống nhiều sữa hoặc ăn ít thực phẩm giàu vitamin D.

Tạo môi trường an toàn cho trẻ chơi ngoài trời và khuyến khích chúng hoạt động thể chất ở bên ngoài cũng là một cách để ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt vitamin D.

Tiến sĩ Barry Love - bác sĩ khoa Tim mạch nhi tại Bệnh viện Mount Sinai ở New York - cho biết: “Cha mẹ nên cho con vận động ngoài trời dưới ánh nắng thay vì chỉ ngồi trong nhà xem TV hay chơi điện thoại. Béo phì đã được chứng minh là một yếu tố lớn làm tăng nguy cơ cao huyết áp và việc tăng cường hoạt động thể chất cũng giúp giảm nguy cơ thừa cân.”

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: nguy cơ, huyết áp
Tin liên quan
Thiếu hụt vitamin D – nguyên nhân khiến xương thoái hóa sớm
Thiếu hụt vitamin D – nguyên nhân khiến xương thoái hóa sớm

Sự thiếu hụt vitamin D và canxi sẽ khiến cho xương giòn và dễ gãy – tình trạng này được gọi là còi xương ở trẻ em và loãng xương ở người lớn.

Thiếu hụt vitamin D có thể gây rụng tóc
Thiếu hụt vitamin D có thể gây rụng tóc

Sự thiếu hụt vitamin D không chỉ gây mệt mỏi, làm giảm mật độ xương, tăng nguy cơ loãng xương và bệnh tim mạch mà còn có thể gây rụng tóc.

8 dấu hiệu thiếu hụt vitamin D
8 dấu hiệu thiếu hụt vitamin D

Thiếu hụt vitamin D là vấn đề vô cùng phổ biến nhưng hầu hết mọi người đều không biết mình bị thiếu hụt vì các dấu hiệu, triệu chứng thường không biểu hiện rõ và nếu có thì cũng thường được cho là dấu hiệu của các vấn đề khác.

15 dấu hiệu thiếu vitamin C
15 dấu hiệu thiếu vitamin C

Thiếu vitamin C ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trên cơ thể và có thể gây ra nhiều dấu hiệu, triệu chứng khác nhau.

Bổ sung vitamin C có thể làm giảm nguy cơ đục thủy tinh thể
Bổ sung vitamin C có thể làm giảm nguy cơ đục thủy tinh thể

Một nghiên cứu cho thấy rằng chế độ ăn uống nhiều vitamin C có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây