1

Đỏ mặt do uống niacin (vitamin B3) có nguy hiểm không?

Đỏ bừng mặt là một tác dụng phụ thường gặp khi uống vitamin B3. Mặc dù tác dụng phụ này gây khó chịu nhưng thực chất không gây hại, sẽ tự hết và hoàn toàn có thể ngăn ngừa được.
Đỏ mặt do uống niacin (vitamin B3) có nguy hiểm không? Đỏ mặt do uống niacin (vitamin B3) có nguy hiểm không?

Đỏ bừng mặt là một tác dụng phụ thường gặp khi uống bổ sung vitamin B3 (niacin) liều cao. Vì thé nên hiện tượng này được gọi là đỏ bừng mặt do niacin. Vitamin B3 liều cao thường được sử dụng để điều trị các vấn đề do cholesterol cao.

Mặc dù vô hại nhưng các triệu chứng khi bị đỏ bừng mặt như da ửng đỏ, nóng ấm và châm chích có thể gây khó chịu. Trên thực tế, đây là một trong những lý do nhiều người ngừng uống vitamin B3.

Dưới đây là những điều cần biết về hiện tượng đỏ bừng mặt do niacin, gồm có nguyên nhân, cách khắc phục và ngăn ngừa.

Đỏ bừng mặt do niacin là gì?

Đỏ bừng mặt là một tác dụng phụ thường gặp khi dùng viên uống bổ sung vitamin B3 (niacin) liều cao. Mặc dù tác dụng phụ này gây khó chịu nhưng hoàn toàn vô hại.

Đỏ bừng mặt do niacin có biểu hiện là da ửng đỏ thành từng mảng hoặc lan rộng một vùng lớn, có thể kèm theo cảm giác ngứa, châm chích hoặc nóng ấm.

Vitamin B3 là 1 trong 8 vitamin nhóm B, đóng vai trò thiết yếu trong quá trình biến thức ăn thành năng lượng cho cơ thể.

Viên uống vitamin B3 chủ yếu được sử dụng để giảm cholesterol. Vitamin B3 có hai dạng hóa học chính là axit nicotinic và niacinamide. Các sản phẩm viên uống để hạ cholesterol đa phần là dạng axit nicotinic.

Dạng vitamin B3 còn lại – niacinamide - không gây tác dụng phụ đỏ mặt. Tuy nhiên, dạng này không có hiệu quả trong việc điều chỉnh lượng chất béo trong máu, chẳng hạn như cholesterol.

Viên uống axit nicotinic có hai loại chính là:

  • Viên nén phóng thích tức thì (immediate release): toàn bộ thành phần được hấp thụ cùng một lúc
  • Viên nén phóng thích kéo dài (extended release): có một lớp phủ đặc biệt để thành phần được hấp thụ dần dần

Đỏ bừng mặt là một tác dụng phụ rất phổ biến khi sử dụng viên nén axit nicotinic phóng thích tức thì. Theo thống kê, ít nhất một nửa số người dùng loại viên uống axit nicotinic này gặp phải hiện tượng đỏ bừng mặt.

Axit nicotinic liều cao kích hoạt phản ứng khiến các mao mạch giãn ra và điều này làm tăng lưu lượng máu đến bề mặt da.

Theo một số báo cáo, gần như tất cả mọi người uống axit nicotinic liều cao đều gặp tác dụng phụ đỏ mặt. (1)

Các loại thuốc khác, gồm có một số loại thuốc chống trầm cảm và liệu pháp hormone thay thế (HRT), cũng có thể gây ra hiện tượng tương tự.

Tóm tắt: Đỏ bừng mặt là một phản ứng phổ biến khi bổ sung vitamin B3 liều cao. Hiện tượng này xảy ra khi các mao mạch giãn rộng, làm tăng lưu lượng máu đến bề mặt da.

Các triệu chứng đỏ bừng mặt do niacin

Khi xảy ra hiện tượng đỏ bừng mặt do niacin, các triệu chứng thường xuất hiện trong khoảng 15 – 30 phút sau khi uống vitamin B3 và giảm dần sau khoảng một tiếng.

Các triệu chứng chủ yếu xảy ra ở vùng mặt và phần trên cơ thể, gồm có:

  • Đỏ da: da có thể chỉ hơi hồng lên hoặc đỏ giống như bị cháy nắng.
  • Châm chích, nóng hoặc ngứa: các triệu chứng này gây cảm giác khó chịu hoặc thậm chí đau rát.
  • Da ấm khi chạm lên: Khi chạm tay lên sẽ cảm thấy da nóng ấm giống như khi bị cháy nắng.

Ở đa số mọi người, cơ thể hình thành khả năng dung nạp khi uống vitamin B3 liều cao. Vì vậy, phản ứng đỏ bừng mặt thường chỉ xảy ra trong thời gian đầu và sẽ giảm dần khi tiép tục bổ sung vitamin B3.

Tóm tắt: Hiện tượng đỏ bừng mặt do niacin có các biểu hiện giống như bị cháy nắng như da đỏ ửng, châm chích và nóng ấm. Tuy nhiên, các biểu hiện này thường tự hết sau khoảng một tiếng. Cơ thể sẽ phát triển khả năng dung nạp với viên uống vitamin B3 nên phản ứng đỏ bừng mặt sẽ giảm dần theo thời gian.

Lý do cần bổ sung vitamin B3 liều cao

Vitamin B3 liều cao thường được kê để làm giảm mức cholesterol và ngăn ngừa bệnh tim mạch ở những người có nguy cơ cao.

Uống bổ sung vitamin B3 liều cao đã được chứng minh là mang lại những lợi ích dưới đây:

Tăng HDL cholesterol (cholesterol tốt): Vitamin B3 có thể ngăn chặn sự phân hủy apolipoprotein A1 – loại protein được sử dụng để tạo ra HDL cholesterol. Vitamin B3 có thể làm tăng lượng HDL cholesterol lên đến 20 – 40%.

Giảm LDL cholesterol (cholesterol xấu): Vitamin B3 đẩy nhanh quá trình phân hủy apolipoprotein B trong LDL cholesterol và khiến gan giải phóng ra ít LDL cholesterol hơn. Vitamin B3 có thể làm giảm từ 5 – 20% lượng LDL cholesterol.

Giảm triglyceride: Vitamin B3 can thiệp vào một loại enzyme cần thiết để tạo ra triglyceride (chất béo trung tính). Vitamin B3 có thể làm giảm từ 20 – 50% lượng triglyceride trong máu.

Những sự thay đổi tích cực này về lượng chất béo trong máu chỉ diễn ra khi bổ sung vitamin B3 liều từ 1.000 – 2.000 mg mỗi ngày. (2)

Lượng vitamin B3 khuyến nghị hàng ngày đối với hầu hết nam giới và phụ nữ là 14 – 16 mg. (3)

Bổ sung vitamin B3 thường không phải là phương pháp được lựa chọn đầu tiên để khắc phục các vấn đề về cholesterol vì viên uống vitamin B3 còn đi kèm một số tác dụng phụ khác ngoài đỏ mặt.

Tuy nhiên, vitamin B3 liều cao thường được kê cho những người có chỉ số cholesterol cao và không đáp ứng với statin – nhóm thuốc thường được sử dụng đầu tiên để giảm cholesterol.

Đôi khi viên uống vitamin B3 được sử dụng kết hợp với statin.

Viên uống bổ sung vitamin B3 có thể được coi là một loại thuốc và chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ và cần theo dõi thường xuyên để giảm nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.

Tóm tắt: Vitamin B3 liều cao thường được sử dụng để giảm lượng cholesterol và triglyceride trong máu. Chỉ nên uống vitamin B3 khi được bác sĩ chỉ định do nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.

Đỏ bừng mặt do niacin có nguy hiểm không?

Đỏ bừng mặt do niacin là hiện tượng vô hại.

Tuy nhiên, vitamin B3 liều cao có thể gây ra các tác dụng phụ khác, nguy hiểm hơn, mặc dù những tác dụng này rất hiếm khi xảy ra.

Tác dụng phụ nghiêm trọng nhất trong số này là tổn thương gan. Vitamin B3 liều cao còn có thể gây co thắt dạ dày. Do đó, không nên uống bổ sung vitamin B3 nếu bị viêm loét dạ dày hoặc đang bị xuất huyết dạ dày.

Cũng không nên dùng vitamin B3 liều cao nếu đang mang thai vì theo hướng dẫn phân loại thuốc dành cho phụ nữ mang thai, viên uống vitamin B3 được xếp vào nhóm C, nghĩa là liều cao có thể gây dị tật bẩm sinh.

Mặc dù hiện tượng đỏ bừng mặt do niacin không có hại nhưng đây vẫn là lý do khiến nhiều người ngừng uống vitamin B3, mà nếu không dùng đúng theo chỉ định thì sẽ không thể cải thiện lượng cholesterol và ngăn ngừa bệnh tim mạch.

Theo báo cáo, 5 – 20% những người từng được kê viên uống vitamin B3 đã ngừng sử dụng do tác dụng phụ đỏ mặt.

Nếu đang gặp phải hiện tượng đỏ bừng mặt do niacin hoặc lo lắng về tác dụng phụ của viên uống bổ sung này thì hãy báo cho bác sĩ để được hướng dẫn cách giảm thiểu nguy cơ hoặc các phương pháp điều trị thay thế.

Ngoài ra, vì viên uống vitamin B3 còn có những tác dụng phụ khác, gây hại nhiều hơn đến sức khỏe nên không được tự ý uống bổ sung.

Tóm tắt: Đỏ bừng mặt do niacin là phản ứng vô hại. Tuy nhiên, viên uống vitamin B3 có thể gây ra các tác dụng phụ có hại khác và một số nhóm đối tượng không nên sử dụng.

Cách khắc phục đỏ bừng mặt do niacin

Dưới đây là một số biện pháp để giảm hiện tượng đỏ bừng mặt do niacin:

  • Thử loại viên uống vitamin B3 khác: Khoảng 50% những người uống vitamin B3 dạng viên nén phóng thích tức thì bị đỏ bừng mặt nhưng dạng viên nén phóng thích kéo dài ít gây ra hiện tượng này hơn. Và cho dù xảy ra thì các triệu chứng cũng đỡ nghiêm trọng hơn và không kéo dài. Tuy nhiên, vitamin B3 dạng viên nén phóng thích kéo dài lại có nguy cơ tổn thương gan cao hơn.
  • Uống aspirin: Uống 325 mg aspirin 30 phút trước khi uống vitamin B3 có thể giúp giảm nguy cơ đỏ bừng mặt. Thuốc kháng histamin và các thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen, cũng có tác dụng tương tự.
  • Tăng liều dần dần: Nên bắt đầu từ liều thấp, ví dụ như 500 mg và tăng dần lên 1.000 mg trong thời gian 2 tháng, sau đó tăng lên 2.000 mg. Việc tăng liều dần dần này sẽ giúp cơ thể thích nghi và tránh xảy ra tác dụng phụ đỏ mặt.
  • Uống sau ăn: Uống vitamin B3 sau bữa chính hoặc bữa ăn nhẹ ít chất béo.
  • Ăn táo: Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng ăn một quả táo trước khi uống vitamin B3 giúp làm giảm nguy cơ đỏ mặt tương tự như aspirin. Chất pectin trong táo giúp ngăn ngừa phản ứng của cơ thể.

Tóm tắt: Uống aspirin, ăn nhẹ trước khi uống vitamin B3, tăng liều lượng từ từ hoặc chuyển sang dạng viên nén phóng thích kéo dài có thể giúp ngăn ngừa hiện tượng đỏ mặt do niacin.

Sự khác biệt giữa các dạng vitamin B3

Như đã nói ở trên, để tránh các vấn đề không mong muốn, bao gồm cả đỏ bừng mặt thì nên dùng viên uống vitamin B3 loại phóng thích kéo dài hay tác dụng kéo dài (long-acting) thay vì loại phóng thích tức thì.

Tuy nhiên, viên nén phóng thích kéo dài hay tác dụng kéo dài không giống với viên nén phóng thích tức thì và có thể gây ra các tác dụng phụ khác.

Viên uống vitamin B3 tác dụng kéo dài có nguy cơ đỏ bừng mặt thấp hơn đáng kể vì được hấp thụ dần dần trong một khoảng thời gian dài, thường là trên 12 tiếng.

Tuy nhiên, do cách phân hủy của cơ thể nên việc dùng viên uống vitamin B3 tác dụng kéo dài có thể gây hại cho gan, tùy thuộc vào liều lượng sử dụng.

Mặc dù không phổ biến nhưng việc chuyển từ vitamin B3 loại phóng thích tức thì sang loại phóng thích kéo dài hoặc tăng đáng kể liều lượng có thể dẫn đến tổn hại gan nghiêm trọng.

Hơn nữa, khả năng hấp thụ của cơ thể phụ thuộc vào dạng vitamin B3 đang sử dụng.

Ví dụ, cơ thể hấp thụ gần 100% axit nicotinic, điều này giúp làm tăng nồng độ vitamin B3 trong máu lên mức tối ưu trong vòng 30 phút sau khi uống.

Trong khi đó, inositol hexanicotinate (IHN) - một dạng vitamin B3 không gây đỏ mặt – lại không được hấp thụ tốt như axit nicotinic.

Tỷ lệ hấp thụ dạng vitamin B3 này dao động trong khoảng khá rộng, với trung bình 70% được hấp thụ vào máu.

Thêm nữa, IHN cũng cho hiệu quả thấp hơn đáng kể so với axit nicotinic trong việc làm tăng lượng vitamin B3 trong huyết thanh. Khi uống IHN, thường phải sau từ ​​6 - 12 tiếng thì lượng vitamin B3 trong máu mới tăng lên gần mức tối ưu.

Một số nghiên cứu cho thấy rằng khi đạt đỉnh, lượng vitamin B3 trong máu sau khi uống axit nicotinic có thể cao hơn gấp 100 lần so với khi uống IHN.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng IHN có tác động không đáng kể đến lượng mỡ máu. (4)

Vì khả năng hấp thụ có sự thay đổi đáng kể tùy thuộc vào dạng vitamin B3 được sử dụng nên không được tự ý uống bổ sung vitamin B3 mà phải đi khám để được bác sĩ tư vấn.

Tóm tắt: Cơ thể hấp thụ các dạng vitamin B3 ở mức độ khác nhau. Một số dạng giúp làm tăng lượng vitamin B3 trong máu hiệu quả hơn, ví dụ như axit nicotinic.

Tóm tắt bài viết

Đỏ bừng mặt là một tác dụng phụ thường gặp khi uống vitamin B3. Mặc dù tác dụng phụ này gây khó chịu nhưng thực chất không gây hại, sẽ tự hết và hoàn toàn có thể ngăn ngừa được.

Tuy nhiên, vitamin B3 liều cao có thể gây ra các tác dụng phụ khác thực sự có hại cho cơ thể.

Do đó, chỉ nên uống bổ sung vitamin B3 khi có chỉ định của bác sĩ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: nguy hiểm
Tin liên quan
Có nên uống bổ sung vitamin A khi cho con bú không?
Có nên uống bổ sung vitamin A khi cho con bú không?

Bổ sung vitamin A qua sữa mẹ (hoặc sữa công thức) là điều cần thiết cho sự tăng trưởng quan trọng diễn ra trong những tháng đầu sau sinh. Bổ sung đủ vitamin A cũng sẽ cung cấp cho trẻ lượng vitamin A dự trữ cần thiết trong gan trong giai đoạn cai sữa.

Viên uống niacin (vitamin B3): Lợi ích, liều lượng và tác dụng phụ
Viên uống niacin (vitamin B3): Lợi ích, liều lượng và tác dụng phụ

Niacin có tác dụng làm giảm cả lipoprotein mật độ thấp (LDL) hay cholesterol “xấu” và cả các chất béo khác (triglyceride) trong máu, đồng thời tăng lipoprotein mật độ cao (HDL) hay cholesterol “tốt”. Nhờ đó mà niacin có thể cải thiện cholesterol toàn phần.

Có nên uống vitamin tổng hợp không?
Có nên uống vitamin tổng hợp không?

Vitamin tổng hợp cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất với hàm lượng khác nhau. Các sản phẩm này có thể còn chứa các thành phần khác như thảo dược, axit amin và axit béo.

Trẻ nhỏ có cần uống bổ sung vitamin không?
Trẻ nhỏ có cần uống bổ sung vitamin không?

Nếu chế độ ăn của trẻ không đầy đủ dinh dưỡng, trẻ kén ăn hoặc hấp thụ dinh dưỡng kém thì nên cho trẻ uống bổ sung vitamin.

Có nên uống cà phê trước khi ngủ trưa không?
Có nên uống cà phê trước khi ngủ trưa không?

Uống cà phê trước khi ngủ trưa giúp làm tăng mức năng lượng một cách hiệu quả hơn so với chỉ uống cà phê hoặc chỉ ngủ trưa.

Hỏi đáp có thể bạn quan tâm
cdxd ngắn có bị hội chứng người lùn không ạ
  •  1 năm trước
  •  0 trả lời
  •  488 lượt xem

dạ chào bác sĩ . em bé hiện tại sa được 37 tuần . cdxd chi có 55 , 2kg1 vây có bị hội chứng người lùn k ạ

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây