1

6 tác hại khi bổ sung quá nhiều vitamin D

Vitamin D có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe nhưng quá nhiều vitamin D lại có thể gây ra một số tác hại, ví dụ như tăng canxi huyết, mất xương, suy thận,…
6 tác hại khi bổ sung quá nhiều vitamin D 6 tác hại khi bổ sung quá nhiều vitamin D

Vitamin D là một vitamin vô cùng cần thiết để có sức khỏe tốt. Vitamin này đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho các tế bào cơ thể khỏe mạnh và hoạt động một cách bình thường.

Do đó mà khi bị thiếu hụt vitamin D thì sẽ cần phải bổ sung và một cách rất hiệu quả là dùng các sản phẩm viên uống vitamin D.

Tuy nhiên, khi sử dụng liều lượng quá lớn thì vitamin D sẽ tích tụ và nồng độ trong máu có thể tăng cao đến mức gây hại.

Bài viết này sẽ nêu ra 6 tác hại của việc bổ sung quá nhiều vitamin D.

Thiếu hụt vitamin D và ngộ độc vitamin D

Vitamin D có nhiều vai trò trong cơ thể, ví dụ như tham gia vào quá trình hấp thụ canxi, tăng cường chức năng miễn dịch và bảo vệ sức khỏe của xương, cơ và tim. Vitamin D có tự nhiên trong một số loại thực phẩm và cũng được cơ thể tụ tạo ra khi da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Tuy nhiên, chỉ có rất ít thực phẩm giàu vitamin D nên rất khó đáp ứng nhu cầu vitamin D hàng ngày nếu chỉ dựa vào chế độ ăn. Và nếu như ít đi ngoài trời và tiếp xúc với nắng thì nguy cơ thiếu hụt vitamin D là rất cao.

Vì vậy, tình trạng thiếu hụt vitamin D xảy ra khá phổ biến. Trên thực tế, ước tính có khoảng 1 tỷ người trên thế giới không được cung cấp đủ loại vitamin này mỗi ngày.

Do đó, rất nhiều người có nhu cầu sử dụng viên uống bổ sung vitamin D. Cả vitamin D2 và vitamin D3 đều có thể được bổ sung bằng cách này. Vitamin D3 được tạo ra khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và có trong các loại thực phẩm nguồn gốc từ động vật, trong khi vitamin D2 có trong các loại thực phẩm nguồn gốc thực vật.

Vitamin D3 đã được chứng minh là có khả năng làm tăng nồng độ vitamin D trong máu hiệu quả hơn nhiều so với vitamin D2. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mỗi 100 IU vitamin D3 mà chúng ta bổ sung mỗi ngày có thể làm tăng mức vitamin D trong máu lên trung bình 1 ng/ml (2.5 nmol/l). (1)

Tuy nhiên, uống vitamin D3 liều cao trong thời gian dài có thể dẫn đến tích tụ quá nhiều vitamin D trong cơ thể.

Ngộ độc vitamin D xảy ra khi nồng độ trong máu vượt quá 150 ng/ml (375 nmol/l). Vì vitamin D được tích trữ trong mỡ và được giải phóng từ từ vào máu nên các tác hại có thể có thể kéo dài đến vài tháng sau khi đã ngừng uống bổ sung.

Tuy nhiên, ngộ độc vitamin D không phổ biến và chủ yếu chỉ xảy ra ở những người dùng viên uống bổ sung liều cao, trong thời gian dài mà không theo dõi nồng độ trong máu.

Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc cũng có thể là do vô tình tiêu thụ quá nhiều vitamin D khi dùng các loại thực phẩm chức năng có chứa hàm lượng vitamin D cao hơn nhiều so với mức được ghi trên nhãn.

Chế độ ăn uống và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời không thể làm cho nồng độ vitamin D trong máu tăng cao đến mức nguy hiểm.

Dưới đây là 6 tác hại chính của việc bổ sung vitamin D quá liều.

Các tác hại khi bổ sung quá nhiều vitamin D

1. Nồng độ vitamin D trong máu tăng quá cao

Duy trì đủ lượng vitamin D trong cơ thể sẽ giúp tăng cường chức năng miễn dịch và ngăn ngừa một số bệnh như loãng xương và ung thư. Tuy nhiên, hiện chưa có khuyến nghị cụ thể về mức nồng độ vitamin D trong máu.

Mặc dù 30 ng/ml (75 nmol/l) thường được coi là mức vừa đủ nhưng một số tổ chức y tế lại khuyến nghị mọi người nên duy trì nồng độ vitamin D ở mức 40 – 80 ng/ml (100 – 200 nmol/l) và chỉ ra rằng nếu nồng độ trong máu vượt quá 100 ng/ml (250 nmol/l) thì có thể sẽ gây hại. (2)

Mặc dù rất nhiều người uống bổ sung vitamin D hàng ngày nhưng hiếm có trường hợp nào có nồng độ vitamin D ở mức quá cao.

Một nghiên cứu gần đây đã thu thập dữ liệu từ hơn 20.000 người trong khoảng thời gian 10 năm. Kết quả cho thấy chỉ có 37 người có mức vitamin D trong máu trên 100 ng/ml (250 nmol/l) và chỉ có duy nhất một người thực sự bị ngộ độc với nồng độ vitamin D đo được là 364 ng/ml (899 nmol/l).

Trong một nghiên cứu trường hợp, một phụ nữ đã có nồng độ vitamin D là 476 ng/ml (1.171 nmol/l) sau khi uống 186.900 IU vitamin D3 mỗi ngày trong thời gian 2 tháng. Đây là con số khổng lồ, gấp 47 lần giới hạn an toàn được khuyến nghị (4.000 IU mỗi ngày). (3)

Người phụ nữ này được đưa vào bệnh viện sau khi cảm thấy mệt mỏi, hay quên, buồn nôn, nôn, nói lắp và các triệu chứng khác.

Mặc dù chỉ khi tiêu thụ liều lượng cực lớn thì mới có thể gây ngộ độc nhanh chóng nhưng các chuyên gia đều khuyến nghị mọi người chỉ nên bổ sung tối đa 10.000 IU vitamin D mỗi ngày.

Tóm tắt: Mức vitamin D trong máu trên 100 ng/ml (250 nmol/l) có thể gây hại và thậm chí dẫn đến ngộ độc. Điều này đa phần chỉ xảy ra trong các trường hợp dùng viên uống bổ sung vitamin D quá liều chứ không bao giờ xảy ra do chế độ ăn uống hay tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

2. Tăng canxi huyết

Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi từ thực phẩm và đây là một trong những vai trò quan trọng nhất của loại vitamin này.

Tuy nhiên, nếu bổ sung quá nhiều vitamin D thì lượng canxi trong máu có thể tăng cao đến mức gây ra các triệu chứng khó chịu và nguy hiểm. Tình trạng này được gọi là tăng canxi huyết.

Các dấu hiệu, triệu chứng của tăng canxi huyết gồm có:

  • Rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như nôn, buồn nôn và đau bụng
  • Mệt mỏi, chóng mặt và lú lẫn
  • Khát nước liên tục
  • Đi tiểu nhiều

Nồng độ canxi trong máu ở mức bình thường là 8.5 – 10.2 mg/dl (2.1 – 2.5 mmol/l).

Trong một nghiên cứu trường hợp, một nam giới lớn tuổi bị chứng sa sút trí tuệ uống 50.000 IU vitamin D mỗi ngày trong 6 tháng đã phải nhập viện liên tục với các triệu chứng liên quan đến tăng canxi huyết. (4)

Trong một trường hợp khác, hai nam giới đã vô tình bổ sung quá nhiều vitamin D do sử dụng thực phẩm chức năng có lượng vitamin D thực tế cao hơn gấp nhiều lần so với thông tin ghi trên nhãn. Điều này làm tăng nồng độ canxi trong máu lên mức 13.2 – 15 mg/dl (3.3 – 3.7 mmol/l). Sau đó dù đã ngừng uống vitamin D nhưng cũng phải mất một năm thì mức canxi mới trở lại bình thường.

Tóm tắt: Uống quá nhiều vitamin D có thể khiến cho nồng độ canxi trong máu tăng quá cao và gây nguy hiểm.

3. Buồn nôn, nôn và chán ăn

Nhiều tác dụng phụ của việc bổ sung quá nhiều vitamin D đều có liên quan đến tăng canxi huyết, gồm có buồn nôn, nôn mửa và chán ăn.

Tuy nhiên, không phải ai có nồng độ canxi trong máu cao cũng gặp phải những triệu chứng này.

Một nghiên cứu đã theo dõi 10 người bị tăng canxi huyết sau khi uống vitamin D liều cao để điều trị thiếu hụt. Kết quả cho thấy có 4 người bị buồn nôn và nôn, trong đó có 3 người bị chán ăn. (5)

Các nghiên cứu khác cũng cho thấy những phản ứng tương tự khi dùng vitamin D liều quá cao. Một phụ nữ đã cảm thấy buồn nôn và sụt cân sau khi dùng một loại thực phẩm chức năng có chứa lượng vitamin D nhiều gấp 78 lần so với thông tin ghi trên nhãn. (6)

Dạng vitamin D trong sản phẩm đó là vitamin D3 và nồng độ canxi trong máu đo được là trên 12 mg/dl (3.0 mmol/l).

Tóm tắt: Liều lượng vitamin D quá cao có thể gây buồn nôn, nôn và chán ăn do tăng nồng độ canxi trong máu.

4. Đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy

Đau bụng, táo bón và tiêu chảy là những triệu chứng phổ biến của các vấn đề về tiêu hóa như không dung nạp thức ăn hoặc hội chứng ruột kích thích.

Tuy nhiên, đó cũng có thể là dấu hiệu của tăng canxi huyết do ngộ độc vitamin D.

Những triệu chứng này thường xảy ra ở những người uống vitamin D liều cao để khắc phục tình trạng thiếu hụt. Cũng giống như các triệu chứng khác, nguy cơ xảy ra các vấn đề về tiêu hóa cũng phụ thuộc vào phản ứng của cơ thể mỗi người với lượng vitamin D được bổ sung.

Trong một nghiên cứu trường hợp, một bé trai đã bị đau bụng và táo bón sau khi dùng viên uống bổ sung có chứa lượng vitamin D lớn hơn thông tin ghi trên nhãn, trong khi anh của bé trai này lại không gặp phải bất kỳ biểu hiện bất thường nào dù nồng độ vitamin D trong máu cũng tăng. (7)

Trong một nghiên cứu trường hợp khác, một em bé 18 tháng tuổi được cho uống 50.000 IU vitamin D3 trong 3 tháng đã bị tiêu chảy, đau bụng và một số triệu chứng khác. Các triệu chứng này đều tự khỏi sau khi ngừng uống vitamin D. (8)

Tóm tắt: Đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy có thể là do liều lượng vitamin D quá lớn khiến cho nồng độ canxi trong máu tăng cao.

5. Mất xương

Vì vitamin D đóng vai trò quan trọng trong quá trình hấp thụ canxi và chuyển hóa xương nên cung cấp đủ lượng vitamin D mỗi ngày là điều rất quan trọng để duy trì xương chắc khỏe.

Tuy nhiên, quá nhiều vitamin D cũng có thể gây hại cho sức khỏe của xương.

Mặc dù nhiều triệu chứng thừa vitamin D là do lượng canxi trong máu tăng cao nhưng một số nghiên cứu cho thấy rằng bổ sung quá nhiều vitamin D còn có thể làm giảm nồng độ vitamin K2 trong máu.

Một trong những chức năng quan trọng nhất của vitamin K2 là giữ canxi bên trong xương và điều hòa lượng canxi trong máu. Mức vitamin D quá cao có thể làm giảm hoạt động của vitamin K2 và làm giảm canxi trong xương.

Để tránh xảy ra điều này thì không được bổ sung quá nhiều vitamin D và nên bổ sung cả vitamin K2 khi uống vitamin D. Ngoài ra có thể ăn các loại thực phẩm giàu vitamin K2, chẳng hạn như sữa, các sản phẩm từ sữa, đậu nành lên men (natto), nội tạng, thịt bò, gà, lợn, lòng đỏ trứng,…

Tóm tắt: Mặc dù vitamin D cần thiết cho sự hấp thụ canxi nhưng quá nhiều vitamin D có thể gây mất xương do cản trở hoạt động của vitamin K2.

6. Suy thận

Việc thường xuyên tiêu thụ một lượng vitamin D lớn có thể gây tổn hại thận.

Trong một nghiên cứu trường hợp, một nam giới đã phải nhập viện do suy thận, tăng canxi huyết và các triệu chứng khác sau khi tiêm vitamin D theo chỉ định của bác sĩ. (9)

Nhiều nghiên cứu khác cũng báo cáo tình trạng tổn hại thận mức độ từ vừa đến nặng ở những người bị ngộ độc vitamin D.

Trong một nghiên cứu ở 62 người được tiêm vitamin D liều rất cao, tất cả người tham gia, bao gồm cả những người khỏe mạnh và người bị bệnh thận từ trước đều bị suy thận. (10)

Suy thận được điều trị bằng thuốc đường uống hoặc truyền tĩnh mạch.

Tóm tắt: Quá nhiều vitamin D có thể dẫn đến tổn hại thận ở cả những người có thận khỏe mạnh và những người đang mắc bệnh thận.

Tóm tắt bài viết

Vitamin D có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe. Ngay cả khi có chế độ ăn uống lành mạnh thì có thể vẫn cần phải uống bổ sung vitamin D để đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể.

Tuy nhiên, quá nhiều vitamin D lại có thể gây ra một số tác hại, ví dụ như tăng canxi huyết, mất xương, suy thận,…

Do đó, không được dùng vitamin D quá liều. Nói chung, 4.000 IU mỗi ngày là mức giới hạn an toàn đối với hầu hết mọi người và nên làm xét nghiệm máu theo dõi nồng độ vitamin D trong thời gian uống bổ sung.

Nếu đang uống vitamin D và gặp bất kỳ dấu hiệu nào nêu trên thì nên đi khám càng sớm càng tốt.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: bổ sung, tác hại
Tin liên quan
Bổ sung nhiều vitamin B12 có gây hại không?
Bổ sung nhiều vitamin B12 có gây hại không?

Vitamin B12 là một chất dinh dưỡng tan trong nước đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể. Do đó mà một số người cho rằng càng bổ sung nhiều vitamin B12 thì sẽ càng có lợi cho sức khỏe. Điều này có đúng hay không?

7 loại thực phẩm lành mạnh chứa nhiều vitamin D
7 loại thực phẩm lành mạnh chứa nhiều vitamin D

Để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời là một cách đơn giản và hiệu quả để cung cấp vitamin D cho cơ thể. Nếu như ít khi ra nắng thì sẽ có nguy cơ bị thiếu hụt vitamin D và cần phải bổ sung từ các loại thực phẩm.

Các nguồn bổ sung vitamin D cho người ăn chay
Các nguồn bổ sung vitamin D cho người ăn chay

Đa số các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin D đều có nguồn gốc từ động vật. Nhưng vẫn có một số thực phẩm có nguồn gốc thực vật.

Tại sao nên chọn sữa có bổ sung vitamin D?
Tại sao nên chọn sữa có bổ sung vitamin D?

Mặc dù sữa tươi nguyên chất không chứa vitamin D nhưng nhiều loại sữa và sản phẩm từ sữa hiện nay được bổ sung chất dinh dưỡng này.

Cơ thể cần bao nhiêu vitamin C mỗi ngày?
Cơ thể cần bao nhiêu vitamin C mỗi ngày?

Bổ sung vitamin C mỗi ngày sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ nhiễm bệnh và rút ngắn thời gian hồi phục khi bị bệnh. Vitamin C còn góp phần ngăn ngừa thiếu máu do thiếu sắt.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây