Tại sao nên chọn sữa có bổ sung vitamin D?
Vitamin D có nhiều vai trò quan trọng đối với cơ thể nhưng lại chỉ có trong một số rất ít loại thực phẩm tự nhiên. Uống sữa có bổ sung vitamin D là một cách đơn giản để đáp ứng nhu cầu vitamin D của cơ thể.
Bài viết dưới đây sẽ giải thích lý do tại sao một số sản phẩm sữa lại được thêm vitamin D và những lợi ích đối với sức khỏe.
Nhu cầu vitamin D
Nhu cầu vitamin D khuyến nghị hàng ngày là 800 đơn vị quốc tế (IU) hay 20 mcg đối với người lớn và trẻ em trên 4 tuổi, 600 IU hoặc 15 mcg/ngày đối với trẻ em từ 1 – 3 tuổi. (1)
Các loại cá béo như cá hồi là nguồn cung cấp vitamin D chính trong chế độ ăn uống. Ước tính một khẩu phần 85 gram cá hồi có chứa 447 IU vitamin D. Chỉ có rất ít thực phẩm có chứa lượng vitamin D đáng kể. Phần lớn lượng vitamin D mà cơ thể được cung cấp hàng ngày đều đến từ ánh nắng mặt trời. Khi tiếp xúc với nắng, da sẽ tự tổng hợp ra vitamin D. Tuy nhiên, những người ít khi ra ngoài hoặc sống ở những vùng khí hậu ít nắng thường khó đáp ứng đủ nhu cầu vitamin D khuyến nghị nếu chỉ dựa vào hai nguồn tự nhiên này. Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy 25% người dân Canada có chế độ ăn uống không cung cấp đủ vitamin D. (2)
Các yếu tố khác, chẳng hạn như béo phì hoặc thiếu cân, ít hoạt động thể chất, tuổi cao, da tối màu và mang một số đột biến di truyền,… cũng có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin D.
Uống vitamin D và tiêu thụ các loại thực phẩm có bổ sung vitamin D như sữa là cách hiệu quả để tăng lượng vitamin quan trọng này trong cơ thể.
Tóm tắt: Hai nguồn cung cấp vitamin D tự nhiên là từ ánh nắng mặt trời và chế độ ăn uống. Tuy nhiên, chỉ có rất ít loại thực phẩm tự nhiên có chứa nhiều vitamin D. Tiêu thụ các loại thực phẩm được bổ sung vitamin D như sữa có thể giúp tăng lượng vitamin này.
Tại sao sữa được thêm vitamin D?
Một số quốc gia như Canada và Thụy Điển thậm chí còn có luật bắt buộc các công ty sản xuất bổ sung vitamin D vào sữa và các sản phẩm từ sữa. Chỉ khi những sản phẩm này được chứng nhận có đủ lượng vitamin D cần thiết thì mới đủ tiêu chuẩn bán ra thị trường. Mặc dù đây là điều này không bắt buộc tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác nhưng một số loại sữa vẫn được thêm vitamin D trong quá trình sản xuất.
Vitamin D bắt đầu được thêm vào các sản phẩm sữa từ những năm 1930. Đây là một giải pháp y tế cộng đồng để giảm tỷ lệ còi xương - nguyên nhân dẫn đến sự phát triển xương kém và dị tật ở trẻ em. (3)
Mặc dù sữa tươi vốn không chứa vitamin D nhưng lại là một nguồn cung cấp canxi dồi dào. Hai chất dinh dưỡng này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau vì vitamin D hỗ trợ sự hấp thụ canxi vào xương, nhờ đó giúp xương chắc khỏe hơn.
Sự kết hợp của canxi và vitamin D còn giúp ngăn ngừa và điều trị chứng nhuyễn xương – tình trạng cấu trúc xương bị suy yếu và trở nên mềm, thường đi kèm với bệnh còi xương ở trẻ nhỏ nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn tuổi.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép các nhà sản xuất bổ sung lên đến 84 IU vitamin D3 cho mỗi 100 gram sữa bò và các loại sữa có nguồn gốc thực vật như sữa đậu nành. (4)
Uống sữa có bổ sung vitamin D giúp làm tăng lượng vitamin D tiêu thụ và cải thiện nồng độ vitamin D trong máu.
Các nghiên cứu ở Phần Lan (quốc gia có luật bắt buộc thêm vitamin D vào sữa kể từ năm 2003) cho thấy 91% người uống sữa thường xuyên có nồng độ vitamin D trong máu bằng hoặc trên 20 ng/ml – đây là mức đủ theo Viện Y học. Trước khi có luật thì chỉ có 44% người uống sữa có nồng độ vitamin D đạt mức tiêu chuẩn.
Tóm tắt: Mặc dù sữa tươi không chứa vitamin D nhưng vitamin này có thể được thêm vào sản phẩm trong quá trình sản xuất. Vitamin D kết hợp với canxi trong sữa giúp cho xương chắc khỏe. Uống sữa bổ sung vitamin D giúp tăng mức vitamin D trong cơ thể.
Các lợi ích của vitamin D
Thường xuyên uống sữa có chứa cả canxi và vitamin D sẽ giúp củng cố cấu trúc xương, ngăn ngừa bệnh còi xương và nhuyễn xương.
Tuy nhiên, các nghiên cứu lớn đều không chứng minh được rằng điều này giúp ngăn ngừa loãng xương – tình trạng giảm mật độ xương, khiến xương trở nên giòn và dễ gãy ở người lớn tuổi.
Tuy nhiên, nồng độ vitamin D cao không chỉ có ích cho xương còn mang lại nhiều lợi ích quan trọng khác cho sức khỏe.
Vitamin D cần thiết cho sự phát triển tế bào, chức năng thần kinh và cơ cũng như là tăng cường hệ miễn dịch. Vitamin này còn giúp giảm phản ứng viêm - nguyên nhân gây ra các bệnh như bệnh tim mạch, tiểu đường, các bệnh tự miễn và ung thư.
Các nghiên cứu đã cho thấy rằng nồng độ vitamin D trong máu ở mức thấp có thể làm tăng nguy cơ mắc một loạt các bệnh mãn tính và nồng độ vitamin D ở mức đủ hoặc cao sẽ giúp làm giảm nguy cơ.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Một trong các yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch là hội chứng chuyển hóa. Đây là một nhóm các vấn đề gồm có cao huyết áp, kháng insulin, có nhiều mỡ thừa trong cơ thể, nồng độ triglyceride trong máu cao và HDL cholesterol (cholesterol tốt) thấp.
Những người có lượng vitamin D cao nếu có mắc hội chứng chuyển hóa thì cũng thường nhẹ hơn và ít có nguy cơ mắc bệnh tim mạch hơn so với những người bị thiếu hụt vitamin D. Ngoài ra, khi cơ thể có đủ vitamin D thì các mạch máu cũng khỏe mạnh hơn.
Một nghiên cứu ở gần 10.000 người cho thấy những người ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin D hàng ngày hoặc dùng viên uống bổ sung đều đặn có nồng độ vitamin D trong máu cao hơn, đồng thời nguy cơ bị xơ vữa động mạch, huyết áp, nồng độ triglyceride và cholesterol xấu (LDL cholesterol) đều ở mức thấp hơn so với những người thiếu hụt vitamin D. (5)
Giảm nguy cơ ung thư
Vì vitamin D đóng một vai trò quan trọng đối với quá trình phân chia, phát triển và tăng trưởng tế bào khỏe mạnh nên chất dinh dưỡng này được cho là có thể góp phần ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.
Một nghiên cứu đánh giá mối liên hệ giữa nồng độ vitamin D và nguy cơ ung thư ở 2.300 phụ nữ trên 55 tuổi đã cho thấy rằng nồng độ vitamin D trong máu trên 40 ng/ml có thể làm giảm 67% nguy cơ mắc ung thư nói chung. (6)
Các nhà khoa học tại Úc đã theo dõi 3.800 người trưởng thành trong vòng 20 năm và nhận thấy rằng những người bổ sung đủ vitamin D hàng ngày có nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư đại tràng thấp hơn. (7)
Hầu hết các nghiên cứu này đều chỉ ra mối liên hệ giữa nồng độ vitamin D trong máu và nguy cơ mắc ung thư chứ không nói rõ về cách bổ sung vitamin D cụ thể. Tuy nhiên, một bản đánh giá tổng hợp nhiều nghiên cứu khác nhau đã cho thấy rằng thường xuyên uống sữa có bổ sung vitamin D giúp bảo vệ cơ thể chống lại bệnh ung thư đại trực tràng, ung thư bàng quang, ung thư dạ dày và ung thư vú. (8)
Vitamin D và các bệnh tự miễn
Mức vitamin D thấp là một vấn đề thường gặp ở những người mắc bệnh tự miễn, ví dụ như: (9)
- Viêm tuyến giáp Hashimoto
- Viêm khớp dạng thấp
- Bệnh đa xơ cứng
- Lupus ban đỏ hệ thống
- Bệnh tiểu đường tuýp 1
- Bệnh vảy nến
- Bệnh Crohn
Hiện vẫn chưa rõ liệu nồng độ vitamin D thấp là yếu tố làm tăng nguy cơ khởi phát các bệnh tự miễn hay các bệnh này làm giảm khả năng tổng hợp/hấp thụ vitamin D của cơ thể nhưng một số nghiên cứu cho thấy rằng việc tăng lượng vitamin D trong chế độ ăn uống có thể giúp ngăn ngừa hoặc kiểm soát các bệnh tự miễn.
Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng những trẻ được bổ sung nhiều vitamin D trong những năm tháng đầu đời sẽ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 thấp hơn trong tương lai. (10)
Ngoài ra, uống bổ sung vitamin D còn được chứng minh là có thể cải thiện các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của một số bệnh tự miễn như bệnh vảy nến, đa xơ cứng, viêm khớp dạng thấp và bệnh tuyến giáp tự miễn.
Tóm tắt: Ngoài tác dụng giúp duy trì sức khỏe xương, vitamin D còn có nhiều vai trò quan trọng khác trong cơ thể. Tăng lượng vitamin D bằng cách uống các loại sữa có bổ sung vitamin D hoặc từ các nguồn khác có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư và các bệnh tự miễn.
Lượng vitamin D trong sữa
Phần lớn các loại sữa tươi, sản phẩm từ sữa và sữa thực vật có bổ sung vitamin D đều chứa hàm lượng vitamin tương đương nhau.
Dưới đây là lượng vitamin D có trong 1 cốc (khoảng 240 ml) các loại sữa khác nhau: (11)
- Sữa nguyên kem (có bổ sung vitamin D): 98 IU vitamin D, đáp ứng 24% nhu cầu hàng ngày
- Sữa 2% béo (có bổ sung vitamin D): 105 IU vitamin D, đáp ứng 26% DV nhu cầu hàng ngày
- Sữa 1% béo (có bổ sung vitamin D): 98 IU vitamin D, đáp ứng 25% nhu cầu hàng ngày
- Sữa tách béo (có bổ sung vitamin D): 100 IU vitamin D, đáp ứng 25% nhu cầu hàng ngày
- Sữa bò tươi nguyên chất: không chứa vitamin D
- Sữa mẹ: 10 IU vitamin D, 2% nhu cầu hàng ngày
- Sữa dê: 29 IU vitamin D, đáp ứng 7% nhu cầu hàng ngày
- Sữa đậu nành (có bổ sung vitamin D): 107 IU vitamin D, đáp ứng 25% nhu cầu hàng ngày
- Sữa hạnh nhân (có bổ sung vitamin D): 98 IU vitamin D, đáp ứng 25% nhu cầu hàng ngày
- Sữa hạt thông thường (không bổ sung vitamin D): 0 IU vitamin D
Các loại sữa không bổ sung vitamin D và sữa mẹ đều chỉ chứa lượng vitamin D rất nhỏ hoặc hoàn toàn không có vitamin D. Do đó, những người uống các loại sữa này có thể phải dùng thêm dầu cá hoặc viên uống bổ sung.
Quá nhiều vitamin D có thể dẫn đến dư thừa và ngộ độc. Tuy nhiên, điều này gần như không bao giờ xảy ra do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hay chế độ ăn uống. Ngộ độc vitamin D xảy ra khi nồng độ vitamin D trong máu vượt quá 150 ng/ml và nguyên nhân chủ yếu là do dùng viên uống bổ sung liều cao trong thời gian dài. Do đó, cần uống vitamin D theo đúng liều lượng mà bác sĩ chỉ định và xét nghiệm máu để theo dõi trong thời gian uống bổ sung.
Tóm tắt: Tất cả các loại sữa và sản phẩm từ sữa có bổ sung vitamin D đều có chứa khoảng 100 IU vitamin D trong mỗi khẩu phần (240 ml). Sữa bò tươi nguyên chất không chứa vitamin D.
Tóm tắt bài viết
Mặc dù sữa tươi vốn không chứa vitamin D nhưng nhiều sản phẩm sữa hiện nay được bổ sung thêm chất dinh dưỡng này.
Đa số các loại sữa tươi, sữa hạt và sản phẩm từ sữa đều có chứa khoảng 100 IU vitamin D trong mỗi khẩu phần. Một số quốc gia như Canada có luật quy định tất cả các loại sữa đều phải được bổ sung vitamin D.
Thường xuyên uống các loại sữa này sẽ làm tăng lượng vitamin D và canxi trong cơ thể, nhờ đó giúp cho xương chắc khỏe. Ngoài ra, vitamin D còn giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, gồm có bệnh tim mạch, ung thư và các bệnh tự miễn.
Tiêu thụ một lượng vitamin C quá lớn có thể gây ra những vấn đề không mong muốn. Vậy thế nào là quá liều và mỗi ngày cơ thể cần bao nhiêu vitamin C?
Một nghiên cứu cho thấy rằng chế độ ăn uống nhiều vitamin C có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể.
Mặc dù có vai trò quan trọng nhưng thiếu hụt vitamin D là một vấn đề rất phổ biến trên thế giới. Thiếu hụt vitamin D có thể dẫn đến nhiều vấn đề như loãng xương, mệt mỏi, dễ bị nhiễm trùng, tăng nguy cơ trầm cảm,…
Vitamin này được tạo ra trong da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nhưng phải để da tiếp xúc với nắng bao lâu để có đủ vitamin D mà lại không gây hại cho sức khỏe?
Những người bị bệnh đa xơ cứng (multiple sclerosis) sẽ cần bổ sung nhiều vitamin D hơn so với những người không bị bệnh này.