1

Vai trò của vitamin B2 (riboflavin) trong cơ thể

Vitamin B2 giúp phân hủy protein, chất béo và carbohydrate (carb). Vitamin này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nguồn năng lượng cho cơ thể.
Vai trò của vitamin B2 (riboflavin) trong cơ thể Vai trò của vitamin B2 (riboflavin) trong cơ thể

Vitamin B2 là gì?

Vitamin B2, hay còn gọi là riboflavin, là một loại vitamin tan trong nước thuộc nhóm vitamin B. Giống như các vitamin B khác, vitamin B2 cũng giúp cơ thể hình thành hồng cầu, hỗ trợ các chức năng tế bào và tham gia sản sinh năng lượng. Có thể cung cấp vitamin B2 cho cơ thể từ các loại thực phẩm hoặc dùng viên uống bổ sung.

Vitamin B2 còn có một số vai trò khác, ví dụ như phân hủy chất béo, protein và carbohydrate. Việc bổ sung các loại vitamin nhóm B còn giúp tăng mức năng lượng cho cơ thể.

Vai trò của vitamin B2

Vitamin B2 giúp phân hủy protein, chất béo và carbohydrate (carb). Vitamin này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nguồn năng lượng cho cơ thể.

Vitamin B2 giúp chuyển đổi carbohydrate thành adenosine triphosphate (ATP). Cơ thể con người sản xuất ATP từ thức ăn và ATP tạo ra năng lượng để cơ thể sử dụng cho các chức năng, hoạt động hàng ngày. Hợp chất ATP có vai trò rất quan trọng đối với sự dự trữ năng lượng trong cơ.

Cùng với vitamin A, vitamin B2 cũng có những vai trò như:

  • Duy trì lớp niêm mạc trong đường tiêu hóa
  • Bảo vệ sức khỏe gan
  • Tham gia chuyển hóa tryptophan thành niacin
  • Giữ cho mắt, dây thần kinh, cơ và da khỏe mạnh
  • Hấp thụ và kích hoạt sắt, axit folic, vitamin B1, B3 và B6
  • Tham gia vào quá trình sản xuất hormone ở tuyến thượng thận
  • Ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể
  • Cần thiết cho sự phát triển của thai nhi

Một số nghiên cứu cho thấy rằng vitamin B2 có thể giúp ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể và chứng đau nửa đầu, nhưng cần có thêm các nghiên cứu chuyên sâu hơn để xác nhận điều này. (1)

Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng ở những trẻ em mắc chứng tự kỷ, việc bổ sung vitamin B2, vitamin B6 và magiê giúp làm giảm nồng độ các axit hữu cơ bất thường trong nước tiểu.

Lượng tiêu thụ vitamin B2 khuyến nghị

Lượng vitamin B2 được khuyến nghị tiêu thụ hàng ngày (recommended daily allowance - RDA) đối với nam giới từ 19 tuổi trở lên là 1,3 miligram (mg) và đối với phụ nữ là 1,1 mg. Khi mang thai, phụ nữ cần 1,4 mg vitamin B2 mỗi ngày và khi cho con bú sẽ cần 1,6 mg. (2) Ăn uống lành mạnh và cân bằng là cách tốt nhất để cung cấp đủ vitamin B2 cho cơ thể. Vitamin B2 có mặt trong nhiều loại thực phẩm khác nhau.

Các loại thực phẩm chứa vitamin B2

Vitamin B2 là chất dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng. Vì là một vitamin tan trong nước nên vitamin B2 được vận chuyển qua máu và đào thải ra ngoài qua nước tiểu chứ không được dự trữ trong cơ thể, do đó chúng ta phải ăn đủ lượng vitamin B2 mỗi ngày để tránh bị thiếu hụt. Một trong những nhóm thực phẩm chính cung cấp vitamin B2 trong chế độ ăn uống là sữa và các sản phẩm từ sữa nhưng ngoài ra, vitamin B2 còn có trong nhiều loại thực phẩm khác.

Các loại thực phẩm chứa vitamin B2:

  • Sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai
  • Các loại rau củ như bông cải xanh, nấm, quả bơ, bắp cải, ớt chuông, khoai lang, măng tây, củ cải, mùi tây, bí ngô, cà rốt, cần tây, xà lách và các loại rau lá xanh đậm như rau cải thìa, cải xoong
  • Các loại đậu như đậu Hà Lan, đậu nành
  • Hoa quả tươi như nho, phúc bồn tử, táo
  • Các loại hạt như hạt kê, hạt hướng dương,…
  • Các loại quả hạch như óc chó, hạt điều
  • Các loại ngũ cốc như lúa mì
  • Các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật như cá hồi, cá ngừ, cá thu, thịt đỏ, gà, nội tạng, trứng,…

Không giống như các loại vitamin khác, vitamin B2 không bị phân hủy hoặc mất đi trong khi nấu nướng. Do đó, các loại thực phẩm vẫn giữ được gần như nguyên vẹn hàm lượng vitamin B2 sau khi nấu.

Tuy nhiên, vitamin B2 nhạy cảm với ánh sáng và dễ hỏng. Sau một thời gian bảo quản, các loại ngũ cốc thường không còn nhiều vitamin B2 như khi còn tươi.

Vitamin B2 được thêm vào một số loại thực phẩm chế biến sẵn và còn có ở dạng màu thực phẩm trong kẹo. Do có màu vàng nên khi tiêu thụ nhiều vitamin B2, nước tiểu sẽ chuyển sang màu vàng sẫm. Đây là hiện tượng bình thường, không đáng lo ngại và sẽ hết khi lượng vitamin B2 tiêu thụ giảm xuống.

Thiếu vitamin B2

Sự thiếu hụt vitamin B2 hiếm khi xảy ra vì chất dinh dưỡng này có trong rất nhiều loại thực phẩm khác nhau. Vấn đề này đa phần chỉ xảy ra ở những nơi mà người dân không có đủ lương thực, thực phẩm hoặc ở những người có vấn đề về khả năng hấp thụ dinh dưỡng, ví dụ như bệnh celiac và bệnh Crohn. Hai căn bệnh này làm giảm khả năng hấp thụ vitamin B2 và các chất dinh dưỡng khác của cơ thể.

Thiếu hụt vitamin B2 có hai dạng là:

  • Thiếu vitamin B2 nguyên phát: xảy ra khi chế độ ăn uống có quá ít vitamin B2, thường là do không ăn các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật, các sản phẩm từ sữa hoặc ngũ cốc
  • Thiếu vitamin B2 thứ phát: xảy ra vì các nguyên nhân khác không phải do chế độ ăn uống, ví dụ như đường ruột không thể hấp thụ vitamin một cách bình thường, cơ thể không thể sử dụng hoặc do vitamin B2 bị đào thải quá nhanh. Thiếu vitamin B2 thứ phát thường xảy ra ở những người mắc các bệnh như tiêu chảy mãn tính, hội chứng kém hấp thu, bệnh gan, nghiện rượu, những người phải dùng thuốc an thần trong thời gian dài hoặc phải chạy thận nhân tạo.

Thiếu vitamin B2 có thể gây viêm miệng với các triệu chứng như lưỡi đỏ, sưng đau, đau rát họng, môi khô nứt nẻ, viêm khóe miệng (có các vết nứt ở khóe miệng), loét miệng.

Sự thiếu hụt vitamin B2 còn có thể gây ra các vấn đề về mắt như đỏ mắt, nhạy cảm với ánh sáng, cảm giác nóng hoặc ngứa trong mắt, chảy nước mắt liên tục, đục thủy tinh thể và các vấn đề về da như da khô hoặc tiết nhiều dầu, đầu nhiều gàu, phát ban đóng vảy ở bộ phận sinh dục hay ở các nếp gấp trên mặt, ví dụ như rãnh mũi - má…

Thiếu riboflavin trong chế độ ăn uống khiến tuyến thượng thận không thể thực hiện chức năng một cách bình thường, dẫn đến các tình trạng như mệt mỏi kéo dài.

Ngoài ra, các dấu hiệu, triệu chứng khác khi bị thiếu vitamin B2 còn có móng tay yếu, dễ gãy, tách móng, tóc khô xơ, khó tiêu, chóng mặt, mất ngủ,…

Tình trạng thiếu vitamin B2 thường dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng khác vì vitamin B2 tham gia vào quá trình xử lý dinh dưỡng trong cơ thể. Một trong những vấn đề lớn nhất có thể xảy ra khi bị thiếu hụt dinh dưỡng là thiếu máu – tình trạng mà cơ thể không được cung cấp đủ chất sắt.

Bất cứ ai cũng cần bổ sung đủ vitamin B2 hàng ngày nhưng điều này lại càng quan trọng trong thời gian mang thai. Sự thiếu hụt vitamin B2 ở phụ nữ mang thai sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh và tiền sản giật – tình trạng xảy ra do huyết áp tăng cao nguy hiểm trong thai kỳ và có thể đe dọa đến tính mạng.

Những người uống quá nhiều rượu có nguy cơ cao bị thiếu vitamin B.

Điều gì xảy ra khi bổ sung quá nhiều vitamin B2?

Lượng vitamin B2 quá cao có thể gây ra những hiện tượng như ngứa, tê, rát hoặc châm chích, nước tiểu màu vàng cam và nhạy cảm với ánh sáng. Ngoài ra, việc uống bổ sung mình vitamin B2 còn có thể dẫn đến mất cân bằng các vitamin nhóm B trong cơ thể. Do đó, nếu cần bổ sung thì nên sử dụng viên uống vitamin B tổng hợp.

Một tác hại nghiêm trọng hơn của việc bổ sung quá nhiều vitamin B2 là tổn thương gan. Tuy nhiên, dư thừa vitamin B2 hay ngộ độc vitamin B2 là điều rất hiếm gặp. Lượng thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày không thể gây dư thừa vitamin B2. Điều này chỉ xảy ra khi dùng các sản phẩm bổ sung vitamin B2 ở dạng uống hoặc dạng tiêm nhưng nguy cơ vẫn rất thấp vì cơ thể không dự trữ vitamin B2.

Mặc dù vậy nhưng vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung bất kỳ chất dinh dưỡng nào, đặc biệt là những chất có thể ảnh hưởng đến các loại thuốc đang dùng.

Bác sĩ thường sẽ chỉ định bổ sung vitamin B2 trong những trường hợp phải sử dụng các loại thuốc gây cản trở sự hấp thụ vitamin B2.

Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến lượng vitamin B2 trong cơ thể gồm có:

  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng, chẳng hạn như imipramine hoặc Tofranil
  • Một số loại thuốc chống loạn thần, chẳng hạn như chlorpromazine hoặc Thorazine
  • Methotrexate – một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh ung thư và các bệnh tự miễn, ví dụ như viêm khớp dạng thấp
  • Phenytoin – thuốc được sử dụng để kiểm soát các cơn động kinh
  • Probenecid – thuốc dùng cho bệnh gút
  • Thuốc lợi tiểu thiazid

Doxorubicin - một loại thuốc được sử dụng trong điều trị ung thư - có thể làm giảm lượng vitamin B2 và ngược lại, vitamin B2 cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của doxorubicin.

Vitamin B2 dạng viên uống hoặc dạng tiêm còn có thể tương tác với một số loại thuốc khác và làm giảm hiệu quả của thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng cholinergic và kháng sinh tetracycline.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các vitamin tan trong chất béo: Vitamin A, D, E và K
Các vitamin tan trong chất béo: Vitamin A, D, E và K

Có 4 loại vitamin tan trong chất béo trong chế độ ăn uống của con người là vitamin A, vitamin D, vitamin E và vitamin K.

Các vitamin tan trong nước: Vitamin C và vitamin nhóm B
Các vitamin tan trong nước: Vitamin C và vitamin nhóm B

Vitamin thường được phân loại dựa trên đặc tính tan trong nước hay tan trong chất béo. Hầu hết các vitamin đều tan trong nước và chỉ có 4 loại vitamin tan trong chất béo là vitamin A, D, E và K.

Vai trò của vitamin B trong thời kỳ mang thai
Vai trò của vitamin B trong thời kỳ mang thai

Duy trì chế độ ăn uống cân bằng là một trong những điều rất cần thiết để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể và có sức khỏe tốt. Việc bổ sung đủ dưỡng chất lại càng quan trọng hơn nữa trong thời gian mang thai, đặc biệt là 8 vitamin nhóm B. Các vitamin này có vai trò hỗ trợ thai kỳ khỏe mạnh.

Tất cả những điều cần biết về vitamin D
Tất cả những điều cần biết về vitamin D

Có rất ít thực phẩm chứa nhiều vitamin D và tình trạng thiếu hụt loại vitamin quan trọng này là điều mà rất nhiều người gặp phải.

Những điều cần biết về axit phytic trong thực phẩm
Những điều cần biết về axit phytic trong thực phẩm

Ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều axit phytic chẳng hạn như ngũ cốc, các loại hạt và đậu có thể làm tăng nguy cơ thiếu sắt và kẽm.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây