1

Sắt (II) sunfat: Lợi ích, tác dụng phụ và các nguồn cung cấp

Các chế phẩm bổ sung sắt thường chứa sắt (II) sunfat - một dạng sắt có dạng tinh thể rắn màu vàng, nâu hoặc xanh lục.
sat II Sắt (II) sunfat: Lợi ích, tác dụng phụ và các nguồn cung cấp

Sắt (II) sunfat (ferrous sulfate) là một loại muối sắt có công thức hóa học là FeSO4.

Muối sắt là một dạng sắt – khoáng chất có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Các chế phẩm bổ sung sắt (II) sunfat thường sử dụng để điều trị tình trạng thiếu sắt.

Sắt (II) sunfat còn được gọi là ferơ sunfat hay sắt vitriol.

Sắt (II) sunfat là gì?

Sắt (II) sunfat (ferrous sulfate hay iron sulfate) là một trong số nhiều dạng của nguyên tố kim loại sắt.

Ở trạng thái tự nhiên, khoáng chất rắn này có dạng những tinh thể nhỏ, thường có màu vàng, nâu hoặc xanh lục.

Các loại chế phẩm bổ sung sắt có chứa nhiều dạng sắt khác nhau. Ngoài sắt (II) sunfat, các dạng phổ biến khác còn có sắt gluconat, sắt citrat và sắt (III) sunfat.

Chất sắt trong hầu hết các sản phẩm chế phẩm bổ sung đều là một trong hai dạng: sắt (II) sunfat hoặc sắt (III) sunfat, phụ thuộc vào trạng thái hóa học của nguyên tử sắt.

Cơ thể hấp thụ sắt (II) sunfat tốt hơn sắt (III) sunfat. Do đó, các loại chế phẩm bổ sung chứa sắt (II) sunfat thường được ưu tiên sử dụng nhiều hơn.

Tóm tắt: Các chế phẩm bổ sung sắt thường chứa sắt (II) sunfat - một dạng sắt có dạng tinh thể rắn màu vàng, nâu hoặc xanh lục. Ngoài ra các dạng sắt khác cũng được sử dụng khá phổ biến còn có sắt (III) sunfat, sắt gluconat và sắt citrat.

Các lợi ích của sắt (II) sunfat

Lợi ích lớn nhất của việc uống bổ sung sắt (II) sunfat là giúp duy trì lượng sắt trong cơ thể ở mức bình thường.

Điều này giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt cũng như là các vấn đề phát sinh do thiếu sắt, chẳng hạn như thiếu máu.

Dưới đây là các lợi ích cụ thể của việc bổ sung sắt (II) sunfat.

Duy trì nồng độ sắt bình thường trong máu

Sắt là một trong những nguyên tố phổ biến nhất trên trái đất và là một khoáng chất thiết yếu, có nghĩa là cơ thể không thể tự tạo ra mà phải hấp thụ từ các loại thực phẩm. Sắt có nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể nên cần phải bổ sung đủ sắt để có sức khỏe tốt.

Cơ thể chủ yếu sử dụng sắt để tạo ra myoglobin – một loại protein trong tế bào cơ và hemoglobin - một loại protein trong hồng cầu, có chức năng vận chuyển và dự trữ oxy.

Sắt cũng đóng vai trò quan trọng đối với quá trình hình thành các hormone, chức năng và sự phát triển của hệ thần kinh cũng như là hoạt động cơ bản của tế bào.

Chất sắt có tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm cả thực phẩm có nguồn gốc thực vật và động vật, chẳng hạn như thịt đỏ, thịt gia cầm, nội tạng, hải sản, rau màu xanh đậm và các loại đậu.

Một số loại thực phẩm, chẳng hạn như bột ngũ cốc dinh dưỡng, không chứa nhiều sắt tự nhiên nhưng lại được bổ sung thêm sắt trong quá trình sản xuất để tăng thêm giá trị dinh dưỡng.

Trong số những thực phẩm giàu sắt nhất có rất nhiều loại có nguồn gốc từ động vật. Và hơn nữa, dạng sắt trong những thực phẩm này (sắt heme) lại được cơ thể hấp thụ dễ dàng hơn so với sắt trong thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (sắt không heme). Do đó, những người ăn chay và ăn thuần chay hay những người ăn quá ít thực phẩm giàu sắt có thể sẽ cần uống bổ sung sắt (II) sunfat để duy trì đủ lượng sắt dự trữ trong cơ thể.

Ngăn ngừa thiếu sắt

Uống bổ sung sắt (II) sunfat là một cách đơn giản để ngăn ngừa hoặc điều trị tình trạng thiếu sắt hay nồng độ sắt trong máu ở mức thấp.

Bổ sung đủ sắt không chỉ cung cấp cho cơ thể lượng chất dinh dưỡng cần thiết để hoạt động bình thường mà còn giúp phòng tránh các vấn đề phát sinh do thiếu sắt.

Thiếu sắt có thể gây ra một số vấn đề như:

  • Mệt mỏi, suy nhược, thiếu năng lượng
  • Đau đầu
  • Khó tập trung
  • Giảm khả năng tư duy
  • Rụng tóc
  • Móng giòn, dễ gãy
  • Đau bụng
  • Chức năng miễn dịch kém, dễ mắc bệnh
  • Tim đập nhanh
  • Hội chứng chân không yên (luôn muốn cử động chân mỗi khi ngồi hoặc nằm)
  • Khó thở, hụt hơi
  • Chóng mặt
  • Giảm khả năng điều hòa thân nhiệt, chân tay lạnh
  • Thèm ăn những thứ không phải thực phẩm, chẳng hạn như sơn tường hay xà phòng (hội chứng pica)

Đây chỉ là những vấn đề thường gặp nhất. Thiếu sắt còn có thể gây ra nhiều triệu chứng khác và các triệu chứng sẽ ngày càng trở nên trầm trọng hơn nếu tình trạng thiếu sắt không được điều trị.

Điều trị thiếu máu do thiếu sắt

Thiếu máu là tình trạng xảy ra khi số lượng hồng cầu hay nồng độ hemoglobin trong máu ở mức thấp.

Vì sắt là một phần quan trọng trong hồng cầu - các tế bào máu có nhiệm vụ vận chuyển oxy đi khắp cơ thể nên thiếu sắt là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây thiếu máu.

Thiếu máu do thiếu sắt (iron deficiency anemia - IDA) là một dạng thiếu sắt nghiêm trọng có ảnh hưởng lớn đến cơ thể con người và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện, điều trị.

Một trong những phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất để điều trị thiếu máu do thiếu sắt là uống bổ sung sắt, chẳng hạn như sắt (II) sunfat.

Giảm rủi ro sau phẫu thuật

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiếu sắt là một yếu tố làm tăng nguy cơ biến chứng và tử vong sau phẫu thuật.

Một nghiên cứu đã tiến hành đánh giá 730 người từng trải qua phẫu thuật tim, trong đó có cả những người có nồng độ ferritin dưới 100mcg/L - một dấu hiệu của thiếu sắt. (1)

Kết quả cho thấy những người bị thiếu sắt có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề nghiêm trọng trong quá trình phẫu thuật, bao gồm cả tử vong. Những người này cũng phải ở lại bệnh viện lâu hơn sau phẫu thuật.

Thiếu sắt cũng có tác động tương tự đối với các ca phẫu thuật khác. Một nghiên cứu đã phân tích hơn 227.000 ca phẫu thuật và nhận thấy rằng ngay cả tình trạng thiếu máu do thiếu sắt nhẹ cũng làm tăng nguy cơ biến chứng và tử vong sau phẫu thuật. (2)

Vì chế phẩm bổ sung sắt (II) sunfat có thể ngăn ngừa và điều trị tình trạng thiếu sắt nên việc dùng các sản phẩm này trước khi phẫu thuật có thể làm giảm nguy cơ xảy ra biến chứng.

Mặc dù các chế phẩm bổ sung sắt dạng uống như sắt (II) sunfat là một cách hiệu quả để tăng lượng sắt dự trữ trong cơ thể nhưng thường phải uống đều đặn hàng ngày trong vòng 2 - 5 tháng để đưa lượng sắt dự trữ về mức bình thường.

Do đó, việc uống sắt (II) sunfat có thể sẽ không phù hợp cho những người bị thiếu sắt và không có nhiều thời gian chuẩn bị trước phẫu thuật mà thay vào đó cần một biện pháp bổ sung sắt khác.

Hơn nữa, các nghiên cứu về lợi ích của việc uống sắt đối với những người bị thiếu máu trước khi phẫu thuật đa số đều có quy mô nhỏ. Cần phải tiến hành nhiều nghiên cứu chất lượng cao hơn để tìm ra cách hiệu quả nhất giúp tăng lượng sắt và giảm rủi ro phẫu thuật.

Tóm tắt: Chế phẩm bổ sung sắt (II) sunfat chủ yếu được sử dụng để ngăn ngừa thiếu sắt, điều trị thiếu máu do thiếu sắt và duy trì nồng độ sắt ở mức bình thường. Uống bổ sung sắt có thể ngăn ngừa các vấn đề phát sinh do thiếu sắt.

Những ai có nguy cơ thiếu sắt?

Nhu cầu sắt của cơ thể sẽ tăng lên vào một số giai đoạn nhất định trong đời và do đó, nguy cơ thiếu sắt trong những giai đoạn này cũng sẽ cao hơn. Lối sống và chế độ ăn uống cũng có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ thiếu sắt.

Những người có nguy cơ thiếu sắt cao nhất là:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ sinh non tháng hoặc có cân nặng khi sinh thấp
  • Trẻ em gái ở tuổi vị thành niên
  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản
  • Phụ nữ mang thai
  • Người mắc một số bệnh mãn tính
  • Người thường xuyên hiến máu
  • Người ăn chay và thuần chay

Đây là những nhóm có thể cần uống bổ sung sắt (II) sunfat.

Tóm tắt: Nhu cầu sắt sẽ tăng cao hơn bình thường vào một số giai đoạn trong đời và điều này làm tăng nguy cơ thiếu sắt. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nữ giới tuổi vị thành niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt là phụ nữ mang thai và những người mắc bệnh mãn tính là một số nhóm đối tượng dễ bị thiếu sắt nhất và có thể cần uống sắt (II) sunfat.

Cách bổ sung sắt (II) sunfat

Chế phẩm bổ sung sắt (II) sunfat thường có dạng viên nén nhưng ngoài ra cũng có cả dạng lỏng.

Viên sắt thường có màu đỏ, xanh lục hoặc trắng.

Thành phần sắt trong sản phẩm có thể xuất hiện dưới nhiều cái tên khác nhau như:

  • Ferrous sulfate
  • Iron (Fe)
  • Slow Fe
  • Ironorm
  • Feratab
  • Ferosul
  • Feosol
  • Feospan
  • Ferrograd
  • Fer-In-Sol

Nếu muốn bổ sung sắt (II) sunfat thì hãy tìm những sản phẩm có các thành phần này.

Mỗi một loại chế phẩm bổ sung sắt lại có chứa dạng sắt không giống nhau và dạng sắt cụ thể sẽ được ghi rõ trong danh sách thành phần.

Nhiều loại vitamin tổng hợp cũng có chứa sắt nhưng dạng sắt trong sản phẩm có thể không phải là sắt (II) sunfat.

Liều khuyến nghị

Hiện chưa có khuyến nghị chính thức nào về liều lượng sắt (II) sunfat cần dùng mỗi ngày. Liều dùng chính xác còn tùy thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, giới tính, tình trạng sức khỏe và lý do cần uống bổ sung sắt.

Nhiều loại vitamin tổng hợp có chứa sắt cung cấp khoảng 18mg hay 100% nhu cầu sắt hàng ngày. Tuy nhiên, một viên sắt (II) sunfat thường chứa gần 65mg sắt, tương đương 360% nhu cầu sắt hàng ngày.

Khuyến nghị chung để điều trị thiếu sắt hoặc thiếu máu là uống 1 đến 3 viên 65mg mỗi ngày.

Tuy nhiên, tổng liều lượng cần dùng mỗi ngày trong thực tế có thể cao hơn hoặc thấp hơn.

Một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy rằng uống bổ sung sắt cách ngày sẽ cho hiệu quả tương đương, hoặc thậm chí là cao hơn so với uống hàng ngày. (3, https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31413088/

Bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể về liều lượng và tần suất uống sắt (II) sunfat, tùy thuộc vào nồng độ sắt trong máu và tình trạng sức khỏe.

Nên uống sắt vào thời điểm nào?

Một số loại thực phẩm và chất dinh dưỡng, chẳng hạn như canxi, kẽm hoặc magiê, có thể cản trở sự hấp thụ sắt và ngược lại. Do đó, có lời khuyên rằng nên uống sắt (II) sunfat khi bụng đói để hấp thụ một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, việc uống sắt (II) sunfat hay bất kỳ dạng sắt nào khác khi bụng đói có thể gây ra các triệu chứng khó chịu về tiêu hóa, ví dụ như đau bụng.

Do đó, không nên uống sắt khi bụng đói mà nên uống ngay trước hoặc sau bữa ăn.

Lưu ý, thời điểm uống sắt cần cách xa bữa ăn nhiều canxi và các loại đồ uống chứa axit phytic, chẳng hạn như cà phê và trà vì canxi và axit phytic sẽ làm giảm sự hấp thụ sắt.

Mặt khác, vitamin C có thể làm tăng lượng sắt được hấp thụ từ chế phẩm bổ sung. Do đó, nên uống sắt (II) sunfat hoặc các dạng sắt khác cùng với các loại nước hoặc thực phẩm giàu vitamin C như nước cam, chanh để cơ thể hấp thụ được nhiều sắt hơn.

Tóm tắt: Chế phẩm bổ sung sắt (II) sunfat đa phần là dạng viên nén nhưng cũng có cả dạng lỏng. Liều lượng mà mỗi người cần dùng là khác nhau vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Không nên uống sắt khi bụng đói để tránh xảy ra tác dụng phụ về tiêu hóa.

Tác dụng phụ

Các tác dụng phụ do uống sắt (II) sunfat xảy ra khá phổ biến.

Một số tác dụng phụ thường gặp nhất là các vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn như buồn nôn, tiêu chảy, nôn, đau bụng, táo bón và phân đen.

Một số người còn bị ợ nóng sau khi uống sắt.

Ngoài ra, chế phẩm bổ sung sắt (II) sunfat có thể tương tác với một số loại thuốc, gồm có:

  • Thuốc kháng axit (thuốc điều trị các bệnh về tiêu hóa như loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản)
  • Thuốc ức chế bơm proton (cũng để điều trị viêm loét dạ dày và trào ngược dạ dày thực quản)
  • Thuốc nhuận tràng (điều trị táo bón)
  • Levodopa (thuốc điều trị bệnh Parkinson)
  • Levothyroxine (thuốc điều trị bệnh bướu giáp, bệnh tuyến giáp và ung thư)

Nếu đang dùng các loại thuốc này thì cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống sắt (II) sunfat hoặc bất cứ dạng sắt nào khác.

Tóm tắt: Chế phẩm bổ sung sắt (II) sunfat có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, ợ nóng, nôn và đau bụng. Các sản phẩm này còn có thể tương tác với một số loại thuốc như thuốc kháng axit và thuốc ức chế bơm proton.

Tác hại khi uống quá liều

Sắt (II) sunfat nhìn chung là an toàn nếu dùng đúng liều lượng. Tuy nhiên, dạng sắt này hay bất kỳ dạng sắt nào khác đều có thể gây ngộ độc khi uống quá liều, đặc biệt là ở trẻ em.

Một số vấn đề có thể xảy ra do uống quá liều sắt (II) sunfat là hôn mê, co giật, suy tạng và thậm chí là tử vong.

Do đó, phải dùng chế phẩm bổ sung sắt theo đúng liều lượng mà bác sĩ đưa ra.

Tóm tắt: Uống quá liều sắt (II) sunfat có thể gây ngộ độc và thậm chí là tử vong. Không bao giờ được uống vượt quá liều lượng mà bác sĩ chỉ định và phải luôn để chế phẩm bổ sung sắt ngoài tầm với của trẻ em.

Tóm tắt bài viết

Sắt (II) sunfat là một loại muối sắt mà cơ thể hấp thụ tốt. Chế phẩm bổ sung sắt thường được sử dụng để duy trì nồng độ sắt trong máu ở mức bình thường nhằm ngăn ngừa hoặc điều trị tình trạng thiếu sắt cũng như là thiếu máu do thiếu sắt.

Những người có nguy cơ cao bị thiếu sắt như phụ nữ mang thai, người hiến máu thường xuyên và những người mắc bệnh mãn tính có thể cần uống bổ sung sắt, chẳng hạn như sắt (II) sunfat.

Liều dùng sắt (II) sunfat là không cố định vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác và tình trạng sức khỏe.

Chế phẩm bổ sung sắt có thể gây độc nếu uống quá liều. Những sản phẩm này đều đi kèm tác dụng phụ và có thể tương tác với các loại thuốc khác.

Vì những lý do này nên phải tuân thủ đúng hướng dẫn về liều lượng khi uống bổ sung sắt (II) sunfat hay bất kỳ dạng sắt nào.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: tác dụng, lợi ích
Tin liên quan
Tác dụng của chuối đối với sức khỏe
Tác dụng của chuối đối với sức khỏe

Chuối là nguồn cung cấp chất xơ, kali, vitamin B6, vitamin C, các chất chống oxy hóa và một số chất dinh dưỡng thực vật khác.

Tác dụng của cà phê đối với bệnh tiểu đường
Tác dụng của cà phê đối với bệnh tiểu đường

Mặc dù cà phê có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ tiểu đường cho những người chưa mắc nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng thức uống này có thể gây nguy hiểm cho những người đã bị bệnh tiểu đường tuýp 2.

Tại sao cà phê có tác dụng nhuận tràng?
Tại sao cà phê có tác dụng nhuận tràng?

Cà phê chứa nhiều caffeine – một chất có thể làm cho cơ ruột và đại tràng hoạt động nhiều hơn. Điều này giúp đẩy chất thải xuống trực tràng nhanh hơn.

Các tác dụng của nhụy hoa nghệ tây (saffron) đối với làn da
Các tác dụng của nhụy hoa nghệ tây (saffron) đối với làn da

Saffron đã được khoa học chứng minh là có nhiều đặc tính có lợi cho da.

Các nguồn bổ sung vitamin D cho người ăn chay
Các nguồn bổ sung vitamin D cho người ăn chay

Đa số các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin D đều có nguồn gốc từ động vật. Nhưng vẫn có một số thực phẩm có nguồn gốc thực vật.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây