1

Các dấu hiệu thiếu sắt và cách khắc phục

Thiếu sắt gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như khó thở, mệt mỏi và giảm khả năng tập trung...
Các dấu hiệu thiếu sắt và cách khắc phục Các dấu hiệu thiếu sắt và cách khắc phục

Thiếu sắt xảy ra khi cơ thể không có đủ lượng sắt.

Cơ thể cần sắt để tạo ra hemoglobin hay huyết sắc tố - một loại protein trong hồng cầu có chức năng vận chuyển oxy đi khắp cơ thể.

Nếu cơ thể không có đủ hemoglobin, các mô và cơ sẽ không nhận được đủ oxy để hoạt động bình thường. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu máu.

Mặc dù có nhiều dạng thiếu máu khác nhau, nhưng thiếu máu do thiếu sắt là dạng phổ biến nhất trên thế giới.

Các nguyên nhân có thể dẫn đến thiếu sắt gồm có:

  • Chế độ ăn uống hàng ngày không cung cấp đủ lượng sắt
  • Mắc các bệnh gây cản trở sự hấp thụ sắt, ví dụ như viêm ruột
  • Mang thai
  • Rong kinh hoặc chảy máu trong

Thiếu sắt gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như khó thở, mệt mỏi và giảm khả năng tập trung.

Thiếu sắt có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào:

  • Mức độ nghiêm trọng
  • Nguyên nhân
  • Tuổi tác
  • Tình trạng sức khỏe

Đôi khi, thiếu sắt không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Dưới đây là 10 dấu hiệu và triệu chứng thường gặp nhất khi bị thiếu sắt.

Các dấu hiệu thiếu sắt

1. Mệt mỏi bất thường

Cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng là một trong những triệu chứng thiếu sắt phổ biến nhất. Tình trạng mệt mỏi này xảy ra do cơ thể không có đủ lượng sắt cần thiết để tạo ra hemoglobin – loại protein vận chuyển oxy đi khắp cơ thể.

Khi không có đủ hemoglobin, lượng oxy đến các mô và cơ sẽ giảm, khiến cho các cơ quan nội tạng không thể hoạt động một cách bình thường. Tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu giàu oxy đến các cơ quan và điều này gây ra tình trạng mệt mỏi.

Vì mệt mỏi là một hiện tượng rất thường gặp trong cuộc sống hàng ngày và có thể xảy ra do các nguyên nhân khác nhau nên nhiều người khi gặp phải triệu chứng này đều không nghĩ rằng mình bị thiếu sắt.

Tuy nhiên, mệt mỏi, uể oải do thiếu sắt thường đi kèm với các triệu chứng khác như dễ cáu gắt hoặc khó tập trung.

Tóm tắt: Mệt mỏi là một trong những triệu chứng thiếu sắt phổ biến nhất. Nguyên nhân là do các mô cơ thể không được cung cấp đủ lượng oxy và không thể hoạt động một cach bình thường.

2. Da xanh xao

Da xanh xao hoặc lớp niêm mạc bên trong mí mắt dưới có màu sắc nhợt nhạt là những dấu hiệu phổ biến khác của tình trạng thiếu sắt.

Hemoglobin trong hồng cầu là thành phần tạo nên màu đỏ của máu. Do đó, nồng độ hemoglobin thấp khi bị thiếu sắt sẽ khiến cho máu có màu nhạt hơn. Đó là lý do tại sao da trông không còn hồng hào ở những người bị thiếu sắt.

Triệu chứng này có thể xảy ra ở khắp cơ thể hoặc chỉ ở một vùng nhất định như mặt, nướu răng, mặt trong của môi hoặc mí mắt dưới và móng tay.

Đây thường là một trong những dấu hiệu đầu tiên mà bác sĩ dựa vào để phát hiện tình trạng thiếu sắt. Tuy nhiên vẫn cần phải xét nghiệm máu để xác nhận chẩn đoán.

Triệu chứng da xanh xao hoặc niêm mạc nhợt nhạt thường xảy ra ở những người bị thiếu máu mức độ vừa đến nặng.

Ở người khỏe mạnh, khi kéo mặt trong của mí mắt dưới ra thì sẽ thấy có màu đỏ hồng. Nếu như mặt trong của mí mắt dưới có màu hồng nhạt thì rất có thể là đang bị thiếu sắt. Ở những người có da tối màu, đây thường là vị trí duy nhất có thể quan sát thấy sự thay đổi do thiếu sắt.

Tóm tắt: Tình trạng nhợt nhạt ở các vùng như mặt, bên trong mí mắt dưới hoặc móng tay có thể là dấu hiệu của thiếu sắt mức độ vừa đến nặng. Nguyên nhân là do nồng độ hemoglobin thấp làm cho máu có màu nhạt hơn bình thường.

3. Khó thở

Hemoglobin giúp hồng cầu vận chuyển oxy đi khắp cơ thể.

Khi nồng độ hemoglobin ở mức thấp do thiếu sắt, nồng độ oxy cũng sẽ giảm. Lúc này, các cơ sẽ không nhận được đủ oxy để thực hiện các hoạt động bình thường, chẳng hạn như đi lại.

Kết quả là nhịp thở sẽ tăng lên do cơ thể phải cố lấy thêm nhiều oxy hơn. Đó là lý do tại sao khó thở, hụt hơi là một triệu chứng phổ biến của thiếu sắt.

Nếu cảm thấy khó thở khi thực hiện các hoạt động bình thường hàng ngày như đi bộ, leo cầu thang hay tập thể dục nhẹ nhàng thì nguyên nhân có thể là do đang bị thiếu sắt.

Tóm tắt: Khó thở là một triệu chứng của thiếu sắt vì nồng độ hemoglobin thấp khiến cho các cơ và mô không nhận được đủ lượng oxy cần thiết.

4. Đau đầu và chóng mặt

Thiếu sắt có thể gây đau đầu, đặc biệt là ở phụ nữ.

Triệu chứng này ít phổ biến hơn những triệu chứng khác và thường kèm theo hoa mắt hoặc chóng mặt.

Đau đầu có thể xảy ra do lượng hemoglobin trong hồng cầu thấp làm giảm lượng oxy đến não. Điều này khiến các mạch máu trong não phình lên, tạo ra áp lực và gây đau đầu.

Mặc dù có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây đau đầu nhưng các cơn đau đầu xảy đến thường xuyên và đi kèm chóng mặt có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu sắt.

Tóm tắt: Đau đầu và chóng mặt có thể là dấu hiệu của thiếu sắt. Nguyên nhân là do sự thiếu hụt hemoglobin làm giảm lượng oxy đến não, khiến cho các mạch máu trong não phình lên và tạo ra áp lực.

5. Tim đập nhanh

Tim đập nhanh là một triệu chứng của bệnh thiếu máu do thiếu sắt.

Mối liên hệ giữa thiếu sắt, thiếu máu và các vấn đề về tim mạch hiện vẫn đang được nghiên cứu nhưng rất có thể có liên quan đến sự cung cấp oxy diễn ra trong cơ thể.

Hemoglobin là loại protein trong hồng cầu giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Khi thiếu sắt, lượng hemoglobin sẽ giảm và tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu mang oxy đến các cơ quan.

Điều này dẫn đến nhịp tim không đều hoặc cảm giác tim đập nhanh bất thường.

Trong những trường hợp nghiêm trọng, thiếu máu do thiếu sắt còn có thể dẫn đến tim to, tiếng thổi ở tim hoặc suy tim.

Tuy nhiên, triệu chứng này ít phổ biến hơn nhiều so với những triệu chứng khác và thường chỉ xảy ra khi bị thiếu sắt trong một thời gian dài.

Tóm tắt: Khi không có đủ sắt, tim phải làm việc nhiều hơn để cung cấp oxy đến khắp các cơ quan trong cơ thể. Điều này dẫn đến nhịp tim không đều hoặc tim đập nhanh và thậm chí là tiếng thổi ở tim, tim to hoặc suy tim.

6. Da và tóc khô, hư tổn

Da và tóc khô, hư tổn cũng có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị thiếu sắt.

Thiếu sắt làm giảm lượng hemoglobin trong máu và điều này làm giảm lượng oxy cung cấp cho tế bào mầm tóc - các tế bào tạo nên sợi tóc.

Khi bị thiếu oxy, da và tóc sẽ trở nên khô và yếu.

Thiếu sắt còn có thể gây rụng tóc.

Tóc rụng trong quá trình gội và chải hàng ngày là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu bị rụng tóc nhiều hơn bình thường thì rất có thể nguyên nhân là do thiếu sắt.

Tóm tắt: Khi cơ thể bị thiếu sắt, da và tóc sẽ được cung cấp ít oxy từ máu hơn và trở nên khô hoặc hư tổn. Trong trường hợp nghiêm trọng, thiếu sắt có thể gây rụng tóc.

7. Sưng lưỡi hoặc loét miệng

Đôi khi có thể phát hiện tình trạng thiếu sắt bằng cách quan sát bên trong hoặc xung quanh miệng.

Các dấu hiệu của thiếu sắt gồm có lưỡi bị sưng, nhợt nhạt hoặc trơn nhẵn.

Thiếu sắt cũng có thể gây ra các triệu chứng khác ở vùng miệng như:

  • Khô miệng
  • Cảm giác nóng rát trong miệng
  • Nứt ở khóe miệng
  • Loét miệng

Tóm tắt: Loét miệng, nứt mép, sưng lưỡi hoặc lưỡi trơn nhẵn có thể là những dấu hiệu thiếu sắt.

8. Chân không yên

Thiếu sắt có thể gây ra hội chứng chân không yên.

Hội chứng chân không yên là hiện tượng chân có cảm giác khó chịu, thôi thúc người bệnh di chuyển khi ngồi hoặc nằm.

Tình trạng này thường trở nên nặng hơn vào ban đêm và ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Nguyên nhân của hội chứng chân không yên hiện vẫn chưa được xác định rõ.

Khoảng 25% những người bị thiếu máu do thiếu sắt bị hội chứng chân không yên. Tỷ lệ mắc hội chứng chân không yên ở những người bị thiếu sắt cao gấp 9 lần so với tỷ lệ ở toàn bộ dân số.

Tóm tắt: Những người bị thiếu máu do thiếu sắt có nguy cơ cao bị hội chứng chân không yên.

9. Móng tay giòn hoặc lõm hình thìa

Một triệu chứng ít gặp của tình trạng thiếu sắt là móng tay giòn hoặc lõm hình thìa.

Thông thường, các dấu hiệu đầu tiên là móng dễ gãy hoặc sứt mẻ.

Khi tình trạng thiếu sắt trở nên nặng hơn, phần giữa móng có thể bị lõm xuống và các cạnh gồ lên, được gọi là móng lõm hình thìa.

Tuy nhiên, đây là một triệu chứng hiếm gặp, chỉ xảy ra ở khoảng 5% số người bị thiếu sắt mà đa phần là những trường hợp thiếu máu do thiếu sắt nghiêm trọng.

Tóm tắt: Móng tay giòn hoặc lõm hình thìa có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu máu do thiếu sắt nghiêm trọng.

10. Các dấu hiệu khác

Ngoài các dấu hiệu kể trên, thiếu sắt còn có một số dấu hiệu, triệu chứng khác. Những dấu hiệu này ít phổ biến hơn và có thể xảy ra do nhiều vấn đề sức khỏe khác ngoài thiếu sắt.

Các dấu hiệu khác của thiếu sắt hay bệnh thiếu máu do thiếu sắt gồm có:

  • Hội chứng ăn bậy: Hiện tượng thèm ăn những thứ không phải đồ ăn hay những món ăn lạ được gọi là hội chứng ăn bậy hay hội chứng pica. Cảm giác thèm ăn đá viên, đất sét, bụi bẩn, phấn hoặc giấy có thể là dấu hiệu của thiếu sắt nhưng cũng có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai.
  • Cảm giác buồn bã, chán nản: Thiếu máu do thiếu sắt có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm ở người lớn. Những phụ nữ mang thai bị thiếu sắt có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn bình thường.
  • Tay chân lạnh: Khi bị thiếu sắt, lượng oxy đến bàn tay và bàn chân sẽ giảm và khiến chân tay bị lạnh.
  • Dễ bị nhiễm trùng: Vì sắt là khoáng chất cần thiết để có hệ miễn dịch khỏe mạnh nên sự thiếu hụt sắt sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng.

Tóm tắt: Thiếu sắt còn có các dấu hiệu khác như thèm ăn những thứ không phải đồ ăn, cảm giác chán nản, tay chân lạnh và hay bị nhiễm trùng.

Cần làm gì khi bị thiếu sắt?

Khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu thiếu sắt thì cần thực hiện các bước dưới đây.

Đi khám

Không thể tự suy đoán thiếu sắt ở nhà mà cần phải đến bệnh viện khám.

Chỉ cần làm xét nghiệm máu đơn giản là có thể chẩn đoán tình trạng thiếu máu do thiếu sắt.

Thiếu sắt là vấn đề có thể điều trị khá đơn giản. Tùy theo mức độ nghiêm trọng mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng viên uống bổ sung sắt hoặc chỉ cần tăng lượng sắt trong chế độ ăn uống.

Tốt nhất nên cố gắng đảm bảo đủ lượng chất sắt cần thiết trong bữa ăn hàng ngày và chỉ dùng thực phẩm chức năng khi có chỉ định của bác sĩ.

Mục đích chính của việc điều trị là khôi phục nồng độ hemoglobin về mức bình thường và bổ sung lượng sắt dự trữ.

Ăn nhiều thực phẩm giàu sắt

Nếu nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu sắt là do chế độ ăn uống không cung cấp đủ chất sắt thì cần tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu chất sắt, chẳng hạn như:

  • Các loại thịt đỏ, chẳng hạn như thịt bò, thịt lợn
  • Thịt gia cầm
  • Các loại nội tạng như gan
  • Rau lá xanh đậm, chẳng hạn như rau ngót, cải ngọt, cải xoăn (kale)
  • Trái cây khô, chẳng hạn như nho khô và mơ khô
  • Đậu Hà Lan và các loại đậu khác
  • Hải sản
  • Các loại hạt và quả hạch như hạt bí, hạt điều, óc chó, hạt dẻ cười

Tăng cường khả năng hấp thụ sắt

Ăn vitamin C sẽ giúp cơ thể hấp thụ chất sắt tốt hơn. Do đó, trong hoặc ngay sau bữa ăn giàu sắt nên ăn thêm các loại thực phẩm giàu vitamin C như trái cây, ớt chuông, khoai tây, bông cải...

Ngoài ra, cần tránh các loại thực phẩm và đồ uống gây cản trở sự hấp thụ sắt, ví dụ như trà, cà phê và thực phẩm giàu canxi như các sản phẩm từ sữa.

Uống bổ sung sắt

Chỉ nên uống bổ sung sắt khi bác sĩ xác nhận bị thiếu sắt hoặc có nguy cơ thiếu sắt và chế độ ăn uống không thể đáp ứng đủ nhu cầu sắt hàng ngày.

Nên uống sắt cùng với nước cam để tăng cường sự hấp thụ hoặc lựa chọn các loại thực phẩm chức năng có chứa cả vitamin C.

Lưu ý, các chế phẩm bổ sung sắt có thể gây ra một số tác dụng phụ như:

  • Đau bụng
  • Táo bón hoặc tiêu chảy
  • Ợ nóng, ợ chua
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Phân đen
  • Miệng có vị kim loại

Tuy nhiên, có thể giảm thiểu những tác dụng phụ này bằng cách lựa chọn những dạng sắt ít gây ra phản ứng tiêu cực, chẳng hạn như sắt bisglycinate chelate.

Nếu gặp tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài thì cần báo với bác sĩ.

Tóm tắt: Nếu có các dấu hiệu thiếu máu do thiếu sắt thì cần phải đi khám. Tùy vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng mà bác sĩ sẽ chỉ định uống bổ sung sắt hoặc ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt. Nên ăn kèm với thực phẩm giàu vitamin C để tăng khả năng hấp thụ sắt.

Vấn đề phát sinh do thiếu sắt

Cần đi khám khi có các triệu chứng thiếu sắt. Nếu không được điều trị, thiếu sắt sẽ trở thành thiếu máu do thiếu sắt và có thể dẫn đến các vấn đề như:

  • Vấn đề về tim mạch
  • Trầm cảm
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng
  • Vấn đề trong khi mang thai

Nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt ở phụ nữ cao hơn nam giới.

Những phụ nữ đang mang thai hoặc bị rong kinh có nguy cơ cao nhất và nên cân nhắc làm xét nghiệm kiểm tra định kỳ.

Chỉ uống bổ sung sắt khi bác sĩ chỉ định. Thừa sắt có thể gây hại cho tim mạch, gan và tuyến tụy.

Ngoài ra cũng nên báo cho bác sĩ nếu gặp các tác dụng phụ khi uống bổ sung sắt, ví dụ như miệng có vị kim loại hoặc nôn mửa.

Tóm tắt bài viết

Thiếu máu do thiếu sắt là dạng thiếu máu phổ biến nhất trên thế giới.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng mà tình trạng thiếu máu có thể biểu hiện triệu chứng rõ rệt hoặc không có bất kỳ triệu chứng nào.

Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp gồm có mệt mỏi, da xanh xao, khó thở, da và tóc khô, hư tổn.

Nếu nhận thấy các dấu hiệu thiếu sắt thì cần phải đi khám chứ không nên tự chẩn đoán.

Hầu hết các trường hợp thiếu sắt đều có thể điều trị dễ dàng bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng lượng thực phẩm giàu chất sắt hoặc dùng chế phẩm bổ sung sắt theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, nên tăng khả năng hấp thụ sắt bằng cách kết hợp chất sắt với vitamin C và tránh các loại đồ ăn, thức uống gây cản trở sự hấp thụ sắt.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Dấu hiệu thiếu folate và cách khắc phục
Dấu hiệu thiếu folate và cách khắc phục

Chế độ ăn không đủ folate có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt chỉ trong vòng vài tuần. Sự thiếu hụt cũng có thể xảy ra ở những người đang mắc các bệnh hoặc đột biến gen ngăn cản cơ thể hấp thụ folate.

Vàng răng do cà phê: Nguyên nhân và cách khắc phục
Vàng răng do cà phê: Nguyên nhân và cách khắc phục

Uống cà phê thường xuyên có thể gây ra một vấn đề không mong muốn đó là răng bị ngả vàng.

Cách khắc phục hơi thở có mùi khi uống cà phê
Cách khắc phục hơi thở có mùi khi uống cà phê

Cà phê có hương thơm rất hấp dẫn nhưng mùi hơi thở sau khi uống cà phê lại không mấy dễ chịu đối với cả bản thân người uống và những người xung quanh.

Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị thiếu kẽm
Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị thiếu kẽm

Khi thiếu kẽm, cơ thể không thể sản sinh ra các tế bào mới khỏe mạnh và điều này dẫn đến nhiều dấu hiệu, triệu chứng khác nhau.

7 cách hiệu quả để tăng lượng vitamin D
7 cách hiệu quả để tăng lượng vitamin D

Vitamin D là một chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể cần cho nhiều quá trình quan trọng, ví dụ như hình thành và duy trì cấu trúc xương chắc khỏe. Có nhiều cách để tăng lượng vitamin D cho cơ thể.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây