1

Thiếu máu do thiếu sắt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thiếu máu là tình trạng không có đủ hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Thiếu sắt là nguyên nhân phổ biến dẫn đến thiếu máu.
Thiếu máu do thiếu sắt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị Thiếu máu do thiếu sắt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thiếu máu do thiếu sắt là gì?

Thiếu máu xảy ra khi nồng độ hemoglobin trong hồng cầu bị giảm. Hemoglobin là một loại protein trong hồng cầu, có nhiệm vụ vận chuyển oxy đến các mô trong cơ thể.

Thiếu máu do thiếu sắt là dạng thiếu máu phổ biến nhất, xảy ra khi cơ thể không có đủ chất sắt. Sắt là khoáng chất cần thiết cho quá trình tạo ra hemoglobin. Khi không có đủ lượng sắt trong máu, mô trong cơ thể sẽ không nhận được lượng oxy cần thiết.

Mặc dù thiếu máu do thiếu sắt rất phổ biến nhưng nhiều người không biết mình đang bị vấn đề này. Trong nhiều trường hợp, các triệu chứng kéo dài suốt trong vài năm mà người bệnh không hề biết nguyên nhân.

Ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nguyên nhân phổ biến nhất gây thiếu máu do thiếu sắt là mất máu do kinh nguyệt hàng tháng hoặc do mang thai. Chế độ ăn uống nghèo dinh dưỡng hoặc một số bệnh đường ruột có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ sắt của cơ thể và cũng có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt.

Thiếu máu do thiếu sắt thường được điều trị bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống hoặc dùng chế phẩm bổ sung sắt.

Triệu chứng thiếu máu do thiếu sắt

Ban đầu, các triệu chứng thiếu máu do thiếu sắt thường nhẹ và nhiều người thậm chí còn không nhận thấy. Theo Hiệp hội Huyết học Hoa Kỳ (ASH), hầu hết mọi người đều không biết rằng mình bị thiếu máu nhẹ cho đến khi làm xét nghiệm máu định kỳ.

Các triệu chứng thiếu máu do thiếu sắt mức độ từ vừa đến nặng gồm có:

  • Mệt mỏi, uể oải, thiếu năng lượng
  • Da tái, nhợt nhạt
  • Khó thở
  • Chóng mặt
  • Cảm giác thèm ăn những thứ không phải đồ ăn, chẳng hạn như bụi, đất hay đá viên (hội chứng pica)
  • Châm chích hoặc có cảm giác như có kiến ​​bò dưới da ở chân
  • Lưỡi sưng đỏ
  • Tay chân lạnh
  • Tim đập nhanh hoặc không đều
  • Móng tay dễ gãy
  • Đau đầu
  • Chán ăn hoặc bỏ ăn, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Nguyên nhân gây thiếu máu do thiếu sắt

Thiếu sắt là nguyên nhân phổ biến nhất gây thiếu máu và có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu sắt.

Chế độ ăn không cung cấp đủ sắt

Ăn quá ít chất sắt trong một thời gian dài sẽ khiến cơ thể bị thiếu sắt. Sắt có nhiều trong các loại thực phẩm như thịt, trứng, nội tạng và một số loại rau lá xanh đậm. Vì sắt là khoáng chất rất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể nên phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ có nhu cầu sắt cao hơn.

Mang thai hoặc mất máu do kinh nguyệt

Kinh nguyệt hàng tháng ra nhiều và mất máu khi sinh nở là những nguyên nhân phổ biến nhất gây thiếu máu do thiếu sắt ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Chảy máu trong

Các bệnh lý gây chảy máu trong có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt, ví dụ như viêm loét dạ dày, polyp đường tiêu hóa hoặc ung thư đại tràng. Việc thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau, chẳng hạn như aspirin, cũng có thể gây chảy máu dạ dày và dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt.

Khả năng hấp thụ sắt kém

Một số bệnh lý xảy ra ở đường ruột hoặc ca phẫu thuật được thực hiện ở ruột có thể cản trở cơ thể hấp thụ sắt. Ngay cả chế độ ăn uống hàng ngày có đủ lượng sắt nhưng lại mắc các bệnh như bệnh celiac hay từng phẫu thuật nối tắt dạ dày thì cũng vẫn có thể bị thiếu sắt do cơ thể hấp thụ kém.

Lạc nội mạc tử cung

Những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung có thể bị mất nhiều máu mà không nhìn thấy vì máu ứ đọng trong vùng bụng hoặc vùng chậu.

Những ai có nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt?

Thiếu máu là một tình trạng phổ biến và có thể xảy ra ở cả nam giới và nữ giới ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, một số người có nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt cao hơn bình thường, chẳng hạn như:

  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản: Vì phụ nữ bị mất máu trong kỳ kinh nguyệt hàng tháng nên sẽ có nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt cao hơn.
  • Phụ nữ đang mang thai: Nhu cầu sắt tăng cao trong thai kỳ làm tăng nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt cao
  • Những người có chế độ ăn uống không đủ dinh dưỡng
  • Những người thường xuyên hiến máu: Hiến máu làm giảm nguồn sắt dự trữ. Lượng hemoglobin thấp do hiến máu thường là một vấn đề tạm thời và có thể khắc phục bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu sắt.
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ sinh non hoặc trải qua giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt (growth spurt)
  • Người ăn chay thuần: Những người không ăn thịt có nguy cơ cao bị thiếu máu do thiếu sắt nếu như không tăng cường ăn loại thực phẩm giàu sắt có nguồn gốc từ thực vật.

Những người có nguy cơ cao bị thiếu máu do thiếu sắt nên cân nhắc xét nghiệm máu định kỳ để phát hiện vấn đề từ sớm.

Thiếu máu do thiếu sắt ở phụ nữ

Mang thai, kinh nguyệt ra nhiều hoặc kéo dài và u xơ tử cung đều là những nguyên nhân khiến phụ nữ dễ bị thiếu máu do thiếu sắt.

Kinh nguyệt ra nhiều hoặc kéo dài hơn bình thường được gọi là rong kinh. Kinh nguyệt hàng tháng thường kéo dài trung bình từ 4 đến 5 ngày và lượng máu mất đi là khoảng 50 - 80ml. Rong kinh được định nghĩa là kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày và mất đi lượng máu nhiều gấp đôi so với bình thường.

Theo ước tính, có khoảng 20% ​​phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị thiếu máu do thiếu sắt. Phụ nữ mang thai thậm chí còn có nguy cơ bị thiếu máu do thiếu sắt cao hơn trong giai đoạn này, cơ thể cần lượng sắt lớn hơn để cung cấp cho thai nhi đang phát triển.

Phương pháp siêu âm vùng chậu giúp xác định nguyên nhân gây rong kinh, chẳng hạn như u xơ tử cung. Giống như thiếu máu do thiếu sắt, u xơ tử cung cũng thường không biểu hiện triệu chứng. U xơ tử cung là khối u hình thành từ các tế bào cơ trơn trong thành tử cung. Mặc dù u xơ tử cung đa phần không phải là ung thư nhưng có thể gây ra máu nhiều trong kỳ kinh và dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt.

Các biến chứng của bệnh thiếu máu do thiếu sắt

Hầu hết các trường hợp thiếu máu do thiếu sắt đều nhẹ và không gây biến chứng. Vấn đề này thường có thể được điều trị một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nếu tình trạng thiếu máu hoặc thiếu sắt không được điều trị thì có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác.

Tim đập nhanh hoặc rối loạn nhịp tim

Khi bị thiếu máu, tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu mang oxy đến các cơ quan trong cơ thể. Điều này có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim hay nhịp tim không đều. Trong trường hợp nghiêm trọng, rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến suy tim hoặc tim to (cơ tim giãn).

Các biến chứng khi mang thai

Những phụ nữ mang thai bị thiếu sắt nghiêm trọng có thể sinh non hoặc trẻ sinh ra bị nhẹ cân. Do đó, phụ nữ mang thai được khuyến nghị bổ sung sắt để ngăn ngừa những vấn đề này.

Chậm tăng trưởng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Những trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thiếu sắt sẽ bị chậm phát triển và tăng trưởng. Ngoài ra, trẻ cũng dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng hơn.

Chẩn đoán thiếu máu do thiếu sắt

Bệnh thiếu máu do thiếu sắt được chẩn đoán bằng phương pháp xét nghiệm máu.

Công thức máu toàn bộ

Công thức máu toàn bộ (CBC) thường là xét nghiệm đầu tiên được thực hiện để chẩn đoán thiếu máu do thiếu sắt. Xét nghiệm này đo nồng độ tất cả các thành phần trong máu, gồm có:

  • Hồng cầu (RBC)
  • Bạch cầu (WBC)
  • Hemoglobin (huyết sắc tố)
  • Hematocrit
  • Tiểu cầu

Công thức máu toàn bộ cung cấp thông tin về máu, từ đó giúp chẩn đoán thiếu máu do thiếu sắt. Các thông tin này gồm có:

  • Chỉ số hematocrit (tỷ lệ thể tích máu được tạo thành từ hồng cầu)
  • Nồng độ hemoglobin
  • Kích thước của hồng cầu

Giá trị hematocrit bình thường dao động trong khoảng 34,9 đến 44,5% ở phụ nữ trưởng thành và 38,8 đến 50% ở nam giới trưởng thành. Giá trị hemoglobin bình thường dao động trong khoảng 12,0 đến 15,5 g/dL ở phụ nữ trưởng thành và 13,5 đến 17,5 g/dL ở nam giới trưởng thành.

Khi bị thiếu máu do thiếu sắt, giá trị hematocrit và hemoglobin sẽ ở mức thấp. Ngoài ra, hồng cầu có kích thước nhỏ hơn bình thường.

Công thức máu toàn bộ thường được thực hiện khi khám sức khỏe định kỳ. Các chỉ số của xét nghiệm này giúp đánh giá một cách chính xác tình trạng sức khỏe tổng thể. Công thức máu toàn bộ cũng có thể được thực hiện trước khi phẫu thuật. Xét nghiệm này rất hữu ích trong việc chẩn đoán thiếu máu do thiếu sắt vì hầu hết những người bị thiếu sắt đều không biết về vấn đề mình đang gặp phải.

Các xét nghiệm khác

Thiếu máu do thiếu sắt thường được chẩn đoán bằng xét nghiệm công thức máu toàn bộ nhưng có thể cần thực hiện thêm các xét nghiệm máu khác để xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu máu và từ đó có phương pháp điều trị thích hợp. Mẫu máu có thể được phân tích dưới kính hiển vi. Các xét nghiệm máu này sẽ cung cấp thông tin về:

  • Nồng độ sắt trong máu
  • Kích thước và màu sắc hồng cầu (hồng cầu có màu sắc nhợt nhạt khi thiếu sắt)
  • Nồng độ ferritin

Khả năng gắn sắt toàn phần (TIBC)

Ferritin là một loại protein giúp dự trữ sắt trong cơ thể. Nồng độ ferritin thấp cũng có nghĩa là lượng sắt dự trữ thấp. Xét nghiệm TIBC được thực hiện để xác định lượng transferrin mang sắt. Transferrin là một loại protein vận chuyển sắt.

Kiểm tra chảy máu trong

Nếu bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân gây thiếu máu là do chảy máu trong thì sẽ cần thực hiện thêm các phương pháp kiểm tra khác, ví dụ như xét nghiệm phân. Nếu có lẫn máu trong phân thì đó có thể là dấu hiệu của chảy máu trong ruột.

Ngoài ra có thể cần phải nội soi. Đây là thủ thuật sử dụng một ống dài có gắn camera và đèn đưa vào trong cơ thể người bệnh để quan sát lớp niêm mạc của đường tiêu hóa. Phương pháp nội soi đường tiêu hóa (EGD) cho phép bác sĩ kiểm tra niêm mạc của thực quản, dạ dày và phần trên của ruột non. Nội soi đại tràng hay nội soi tiêu hóa dưới cho phép bác sĩ kiểm tra niêm mạc của đại tràng. Các phương pháp này giúp xác định vị trí bị xuất huyết trong đường tiêu hóa.

Điều trị thiếu máu do thiếu sắt

Uồng bổ sung sắt

Uống bổ sung sắt là cách hiệu quả để tăng lượng sắt trong cơ thể. Nếu có thể thì nên uống khi bụng đói vì điều này sẽ giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn. Nhưng nếu cảm thấy khó chịu thì có thể uống sau ăn. Thường sẽ cần uống sắt trong vài tháng liên tục để điều trị thiếu máu do thiếu sắt. Lưu ý, viên uống bổ sung sắt có thể gây táo bón hoặc phân đen.

Không nên tự ý dùng viên uống sắt vì việc bổ sung sắt khi không bị thiếu hụt có thể dẫn đến thừa sắt và gây hại cho sức khỏe. Lượng sắt trong máu quá cao sẽ gây ra các vấn đề như tổn thương gan và táo bón. Khi có các dấu hiệu thiếu máu do thiếu sắt thì cần phải đi khám để chẩn đoán chính xác vấn đề và có phương pháp điều trị thích hợp.

Điều chỉnh chế độ ăn

Tăng cường ăn các loại thực phẩm dưới đây trong bữa ăn hàng ngày sẽ giúp điều trị hoặc ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt:

  • Các loại thịt đỏ như thịt bò, lợn, bê,…
  • Nội tạng như gan, cật…
  • Rau lá xanh đậm như mồng tơi, rau ngót, rau muống...
  • Trái cây sấy khô
  • Các loại quả hạch như hạnh nhân, óc chó…
  • Ngũ cốc ăn sáng bổ sung sắt

Nên ăn kèm các loại thực phẩm giàu vitamin C để giúp cơ thể hấp thụ sắt hiệu quả hơn. Nếu dùng viên uống bổ sung sắt thì có thể uống cùng với các loại đồ uống giàu vitamin C như nước ép cam hoặc chanh.

Điều trị nguyên nhân gây chảy máu

Nếu nguyên nhân gây thiếu máu do thiếu sắt là do chảy máu trong hay thường xuyên mất nhiều máu thì việc uống bổ sung sắt sẽ không có hiệu quả. Đối với những phụ nữ bị rong kinh, bác sĩ sẽ kê thuốc tránh thai để giảm lượng máu kinh hàng tháng. Tương tự, nếu là do các bệnh lý như viêm loét dạ dày, polyp ống tiêu hóa hay u xơ tử cung thì cũng phải điều trị để khắc phục tình trạng thiếu máu.

Những trường hợp nghiêm trọng có thể phải truyền máu để khôi phục một cách nhanh chóng lượng sắt và máu đã bị mất đi.

Phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt

Nếu nguyên nhân là do chế độ ăn uống không đủ sắt thì có thể ngăn ngừa thiếu máu do thiếu sắt bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu sắt và vitamin C. Nếu trẻ sơ sinh bú sữa công thức thì cần chọn các loại sữa có bổ sung chất sắt để cung cấp đủ lượng sắt cần thiết cho trẻ.

Một số loại thực phẩm giàu chất sắt gồm có:

  • Các loại thịt, bao gồm cả thịt đỏ và thịt gia cầm
  • Các loại đậu như đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ…
  • Bí ngô
  • Các loại hạt như hạt bí
  • Rau lá xanh đậm, chẳng hạn như rau ngót, rau muống, rau đay…
  • Nho khô và các loại trái cây khô khác
  • Trứng
  • Hải sản, chẳng hạn như ngao, cá mòi, tôm và hàu
  • Ngũ cốc ăn liền có bổ sung sắt

Thực phẩm giàu vitamin C:

  • Các loại trái cây như cam, bưởi, dâu tây, kiwi, ổi, đu đủ, dứa, nho, dưa và xoài…
  • Bông cải
  • Ớt chuông đỏ và xanh
  • Cà chua
  • Rau lá xanh đậm
  • Khoai tây

Ngăn ngừa thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Để ngăn ngừa thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ sơ sinh thì cần cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức có bổ sung chất sắt trong vòng 1 năm đầu đời. Sữa bò không chứa nhiều sắt nên không thể cung cấp đủ sắt cho trẻ sơ sinh và cũng không được khuyến khích cho trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi. Sau 6 tháng tuổi, bố mẹ nên bắt đầu cho bé ăn dặm bằng thịt nấu mềm và xay nhuyễn ít nhất 2 lần một ngày để tăng lượng sắt. Sau một tuổi, không nên cho trẻ uống quá 590 ml sữa mỗi ngày vì uống quá nhiều sữa sẽ khiến trẻ không muốn ăn các loại thực phẩm khác và điều này làm tăng nguy cơ thiếu sắt.

Tóm tắt bài viết

Thiếu máu do thiếu sắt là một vấn đề phổ biến, xảy ra do lượng sắt trong cơ thể ở mức thấp, dẫn đến giảm sản sinh hồng cầu. Có nhiều nguyên nhân gây ra dạng thiếu máu này, ví dụ như chế độ ăn uống không đủ sắt, mang thai, mất nhiều máu do kinh nguyệt, khả năng hấp thụ sắt kém hoặc mắc các bệnh gây chảy máu trong. Thiếu máu do thiếu sắt thường có thể được khắc phục bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu sắt hoặc uống bổ sung sắt. Nhưng nếu thiếu máu do thiếu sắt xảy ra do một bệnh lý tiềm ẩn thì cần phải điều trị bệnh lý đó. Nếu không điều trị, thiếu máu do thiếu sắt có thể dẫn đến các biến chứng như rối loạn nhịp tim, sinh non, trẻ sơ sinh bị thiếu cân và chậm tăng trưởng ở trẻ nhỏ.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Ngộ độc sắt: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Ngộ độc sắt: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân gây ngộ độc sắt là do dùng viên uống sắt hoặc vitamin tổng hợp chứa sắt liều quá lớn. Điều này chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ.

Liều lượng sắt cần bổ sung khi bị thiếu máu
Liều lượng sắt cần bổ sung khi bị thiếu máu

Bổ sung sắt hàng ngày là biện pháp để kiểm soát tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Có thể tăng lượng sắt cho cơ thể bẳng cách ăn nhiều thực phẩm giàu sắt hoặc dùng chế phẩm bổ sung sắt.

Thèm nhai đá có thể là dấu hiệu thiếu sắt
Thèm nhai đá có thể là dấu hiệu thiếu sắt

Thèm nhai đá có thể là do nhiều nguyên nhân nhưng hai nguyên nhân phổ biến nhất là thiếu máu do thiếu sắt và hội chứng pica.

Nên ăn những loại thực phẩm nào khi bị thiếu máu?
Nên ăn những loại thực phẩm nào khi bị thiếu máu?

Một trong các biện pháp để điều trị thiếu máu là điều chỉnh lại chế độ ăn uống. Người bị thiếu máu cần ăn nhiều thực phẩm giàu sắt và các vitamin khác cần thiết cho quá trình sản xuất hemoglobin và hồng cầu.

11 cách giúp bạn giảm lo âu căng thẳng
11 cách giúp bạn giảm lo âu căng thẳng

Bạn có biết tại sao tim lại đập nhanh hơn hay tại sao lòng bàn tay bị đổ mồ hôi khi phải đối mặt với một tình huống căng thẳng không? Đó là do phản ứng tự nhiên của cơ thể khi gặp lo âu, căng thẳng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây