1

Thiếu biotin: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách khắc phục

Một số dấu hiệu thường gặp khi bị thiếu biotin là mệt mỏi, phát ban da, móng giòn và rụng tóc. Thiếu biotin có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Thiếu biotin: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách khắc phục Thiếu biotin: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách khắc phục

Biotin là gì?

Biotin là một loại vitamin B. Các vitamin nhóm B có nhiệm vụ chuyển hóa chất béo và carbohydrate (carb) từ thực phẩm và biến các chất dinh dưỡng này thành năng lượng cung cấp cho nhiều chức năng cần thiết của cơ thể. Biotin còn được gọi là vitamin B7, vitamin H hay coenzyme R.

Biotin giúp giữ cho làn da khỏe mạnh, kiểm soát lượng LDL cholesterol (cholesterol xấu) và lượng đường trong máu. Biotin còn là chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình sản xuất keratin (chất sừng) - một loại protein chính cấu tạo nên móng tay và tóc.

Biotin là một loại vitamin tan trong nước. Điều này có nghĩa là biotin không được dự trữ trong cơ thể. Cơ thể con người cũng không tự tạo ra loại vitamin này. Tuy nhiên, vi khuẩn đường ruột sản sinh ra một lượng nhỏ biotin. Những vi khuẩn này được gọi là lợi khuẩn đường ruột và có tác động tích cực đến chức năng tiêu hóa cũng như là tình trạng sức khỏe tổng thể.

Nguyên nhân gây thiếu hụt biotin

Thiếu biotin là vấn đề hiếm gặp nhưng có thể xảy ra do 1 trong 6 nguyên nhân dưới đây.

1. Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc làm giảm khả năng hấp thụ biotin của cơ thể. Những loại thuốc này gồm có thuốc kháng sinh và thuốc chống co giật. Ngoài ra, thuốc kháng sinh còn tiêu diệt các vi khuẩn có lợi trong đường ruột và làm giảm đi lượng biotin được sản xuất trong cơ thể.

2. Nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch

Những người đang được nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch (truyền các chất dinh dưỡng vào trong tĩnh mạch) hoặc ống thông dạ dày có nguy cơ bị thiếu vitamin B7 và cần phải bổ sung cho đến khi có thể ăn uống trở lại bình thường.

3. Các vấn đề về đường ruột

Khi mắc một số bệnh đường ruột mãn tính như bệnh Crohn và viêm đại tràng, cơ thể sẽ khó hấp thụ các chất từ thức ăn và có nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng, trong đó có vitamin B7.

4. Ăn kiêng nghiêm ngặt

Chế độ ăn kiêng quá nghiêm ngặt thường không có đủ một số loại vitamin và khoáng chất. Điều này sẽ dẫn đến thiếu hụt. Một chế độ ăn uống cân bằng là điều rất quan trọng đối với sức khỏe và đây cũng là cách lành mạnh, bền vững để duy trì cân nặng hoặc giảm cân.

5. Thiếu enzyme biotinidase

Đây là một dạng rối loạn di truyền rất hiếm gặp, ngăn cản cơ thể tái sử dụng biotin. Cơ thể người khỏe mạnh có thể tái sử dụng biotin một vài lần trước khi loại vitamin này bị đào thải ra ngoài qua nước tiểu. Tuy nhiên, ở những người bị thiếu enzyme biotinidase thì cơ thể lại không thể tái sử dụng biotin. Dạng rối loạn di truyền này thường được phát hiện từ rất sớm vì có các triệu chứng nghiêm trọng, ví dụ như co giật, yếu cơ, vấn đề về hô hấp và chậm phát triển. Các triệu chứng này đa phần xuất hiện trong vòng vài tháng đầu sau khi sinh.

6. Các rối loạn di truyền khác

Một số rối loạn di truyền khác cũng có thể dẫn đến sự thiếu hụt biotin, gồm có thiếu enzyme holocarboxylase synthetase, thiếu chất vận chuyển biotin và phenylketo niệu. Thiếu enzyme holocarboxylase synthetase và thiếu chất vận chuyển biotin đều là những dạng rối loạn di truyền cực kỳ hiếm gặp nhưng phenylketon niệu thì phổ biến hơn. Trẻ sơ sinh thường được kiểm tra những rối loạn di truyền này ngay từ khi mới sinh vì nếu không được phát hiện và can thiệp điều trị sớm thì sẽ dẫn đến các vấn đề thần kinh nghiêm trọng.

Các dấu hiệu thiếu biotin

Tình trạng thiếu biotin không phổ biến như các chất dinh dưỡng khác. Vì rất nhiều loại thực phẩm có chứa một lượng lớn biotin tự nhiên nên chỉ cần có chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh là sẽ có thể cung cấp đủ lượng biotin cần thiết cho cơ thể.

Tuy nhiên, khi chế độ ăn không có đủ biotin hoặc cơ thể có vấn đề về khả năng hấp thụ biotin thì tình trạng thiếu hụt sẽ xảy ra. Lúc này, cơ thể sẽ có những dấu hiệu, triệu chứng như:

  • Phát ban đỏ trên da, đặc biệt là mặt
  • Da khô, đóng vảy
  • Khô mắt
  • Tóc yếu, rụng tóc
  • Móng giòn, dễ gãy
  • Mệt mỏi
  • Mất ngủ hoặc khó ngủ
  • Ăn không ngon miệng
  • Buồn nôn
  • Phiền muộn
  • Cảm giác nóng hoặc châm chích ở bàn tay và bàn chân
  • Đau cơ
  • Vấn đề về đường ruột, ví dụ như thường xuyên bị đau bụng
  • Nứt ở khóe miệng
  • Co giật
  • Đi lại khó khăn

Các dấu hiệu ban đầu của tình trạng thiếu biotin cũng giống với triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe khác. Khi có những dấu hiệu này thì nên đi khám.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ thiếu biotin

Bất kỳ ai cũng có thể bị thiếu biotin nhưng một số người có nguy cơ cao hơn bình thường.

Những người bị thiếu enzyme biotinidase

Khi không có đủ enzyme biotinidase, cơ thể sẽ không thể tái sử dụng biotin. Những người mắc chứng rối loạn di truyền này có nguy cơ cao bị thiếu biotin.

Phụ nữ mang thai

Biotin là chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Nếu cơ thể người mẹ không có đủ loại vitamin B này thì thai nhi sẽ có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh. Trong thời gian mang thai, nhu cầu biotin của cơ thể tăng cao hơn so với bình thường, do đó phụ nữ mang thai cần tăng cường ăn nhiều thực phẩm giàu biotin. Nếu có các dấu hiệu thiếu hụt thì cần đi khám ngay để làm xét nghiệm kiểm tra và có biện pháp bổ sung kịp thời.

Những người đang sử dụng một số loại thuốc

Thuốc kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Những vi khuẩn này có khả năng tạo ra biotin một cách tự nhiên. Vì thế nên khi không có chúng, nguy cơ thiếu biotin sẽ tăng cao. Thuốc chống động kinh co giật cũng có thể dẫn đến thiếu biotin do ngăn cản cơ thể hấp thụ loại vitamin này. Do đó, những người phải sử dụng thuốc chống co giật trong thời gian dài có thể cần uống bổ sung biotin.

Những người được nuôi ăn qua tĩnh mạch

Việc nuôi ăn qua đường tĩnh mạch hoặc ống thông dạ dày có thể làm giảm lượng biotin mà cơ thể hấp thụ. Những người đang sử dụng các phương pháp nuôi dưỡng này có thể cần uống bổ sung biotin cho đến khi ăn thức ăn rắn trở lại.

Chẩn đoán thiếu biotin

Các dấu hiệu của tình trạng thiếu biotin có thể bị nhầm lẫn với nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Khi có những dấu hiệu này và nghi ngờ nguyên nhân là do thiếu hụt dinh dưỡng thì sẽ cần tiến hành xét nghiệm máu để đo nồng độ các chất trong máu, trong đó có cả vitamin B7. Dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ xác nhận hoặc loại trừ sự thiếu hụt biotin.

Đôi khi, lượng biotin thấp là kết quả của một vấn đề sức khỏe. Nếu như các triệu chứng có khả năng là do một vấn đề tiềm ẩn thì sẽ cần thực hiện cả các biện pháp chẩn đoán khác để tìm ra nguyên nhân khiến cho lượng biotin trong cơ thể ở mức thấp.

Điều trị và ngăn ngừa thiếu hụt biotin

Có thể khắc phục tình trạng thiếu biotin bằng hai cách, một là ăn nhiều thực phẩm giàu biotin và hai là dùng viên uống bổ sung.

Thực phẩm giàu biotin

Theo khuyến nghị, người trưởng thành nên tiêu thụ 30 microgam (mcg) biotin mỗi ngày trong khi trẻ nhỏ cần tiêu thụ 5 mcg và phụ nữ mang thai cần 35 mcg. Không khó để đạt được mức khuyến nghị này vì biotin có mặt trong rất nhiều loại thực phẩm quen thuộc. Một số loại thực phẩm chứa hàm lượng lớn biotin có thể kể đến như:

  • Đậu Hà Lan, đậu nành và các loại đậu khác
  • Các loại hạt, đặc biệt là hạt hướng dương
  • Các loại rau củ như cà rốt, súp lơ và nấm
  • Trứng, đặc biệt là lòng đỏ
  • Nội tạng, ví dụ như gan và cật
  • Các sản phẩm từ sữa như sữa tươi, phô mai và sữa chua
  • Các loại hải sản
  • Ngũ cốc nguyên hạt như lúa mạch và ngô

Quá trình chế biến sẽ làm mất đi một phần lượng biotin trong thực phẩm nên nếu có thể thì hãy chọn những loại thực phẩm có thể ăn sống hoặc chọn phương pháp chế biến tối thiếu để giữ lại lượng vitamin tối đa. Ngoài ra, ăn nhiều lòng trắng trứng sống sẽ làm giảm khả năng hấp thụ biotin của cơ thể nên cần nấu chín kỹ trứng trước khi ăn.

Viên uống biotin

Ngoài chế độ ăn, một cách nữa để tăng lượng biotin cho cơ thể là dùng viên uống biotin hoặc viên uống vitamin tổng hợp có chứa vitamin B7. Các sản phẩm viên uống biotin thường có 3 mức liều lượng là 10, 50 và 100 mcg.

Mặc dù nhìn chung là an toàn và rất hiếm khi xảy ra tác dụng phụ nhưng viên uống biotin có thể tương tác với các loại thuốc và dẫn đến một số vấn đề ngoài ý muốn. Cần hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước khi bắt đầu uống biotin nếu như đang dùng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc chống động kinh co giật như carbamazepine, phenobarbital, phenytoin và primidone.

Ngoài ra, cần sử dụng đúng liều lượng ghi trên hướng dẫn để tránh xảy ra các tác dụng phụ do quá liều.

Tóm tắt bài viết

Giống như các loại vitamin B khác, biotin hay viamin B7 cũng có vai trò quan trọng đối với cơ thể, đặc biệt là quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng thành năng lượng. Biotin còn rất cần thiết cho sức khỏe làn da, mái tóc và móng, giúp kiểm soát mức đường huyết và hỗ trợ thai kỳ khỏe mạnh. Một số dấu hiệu thường gặp khi bị thiếu biotin là mệt mỏi, phát ban da, móng giòn và rụng tóc. Thiếu biotin có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu nguyên nhân là do chế độ ăn không cung cấp đủ dinh dưỡng thì có thể khắc phục bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu biotin hoặc dùng viên uống bổ sung trong thời gian ngắn. Trong trường hợp thiếu hụt do các nguyên nhân khác, ví dụ như rối loạn đường ruột hoặc rối loạn di truyền làm giảm khả năng hấp thụ của cơ thể thì sẽ phải điều trị nguyên nhân gốc rễ để khắc phục tình trạng thiếu biotin.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Dấu hiệu thiếu folate và cách khắc phục
Dấu hiệu thiếu folate và cách khắc phục

Chế độ ăn không đủ folate có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt chỉ trong vòng vài tuần. Sự thiếu hụt cũng có thể xảy ra ở những người đang mắc các bệnh hoặc đột biến gen ngăn cản cơ thể hấp thụ folate.

Các dấu hiệu thiếu sắt và cách khắc phục
Các dấu hiệu thiếu sắt và cách khắc phục

Thiếu sắt gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như khó thở, mệt mỏi và giảm khả năng tập trung...

Thiếu máu do thiếu axit folic: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Thiếu máu do thiếu axit folic: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Nồng độ vitamin B9 (folate) trong máu ở mức quá thấp sẽ dẫn đến thiếu máu do thiếu axit folic.

Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị thiếu kẽm
Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị thiếu kẽm

Khi thiếu kẽm, cơ thể không thể sản sinh ra các tế bào mới khỏe mạnh và điều này dẫn đến nhiều dấu hiệu, triệu chứng khác nhau.

Cách khắc phục hơi thở có mùi khi uống cà phê
Cách khắc phục hơi thở có mùi khi uống cà phê

Cà phê có hương thơm rất hấp dẫn nhưng mùi hơi thở sau khi uống cà phê lại không mấy dễ chịu đối với cả bản thân người uống và những người xung quanh.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây