1

Dấu hiệu thiếu folate và cách khắc phục

Chế độ ăn không đủ folate có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt chỉ trong vòng vài tuần. Sự thiếu hụt cũng có thể xảy ra ở những người đang mắc các bệnh hoặc đột biến gen ngăn cản cơ thể hấp thụ folate.
Dấu hiệu thiếu folate và cách khắc phục Dấu hiệu thiếu folate và cách khắc phục

Folate là gì?

Folate hay vitamin B9 là một loại vitamin nhóm B, tham gia vào nhiều quá trình quan trọng trong cơ thể như:

  • tạo ra trình tự gen DNA
  • sửa chữa DNA
  • sản xuất hồng cầu trong tủy xương
  • chuyển hóa carb thành năng lượng

Folate có trong nhiều loại thực phẩm như rau xanh, gan, các loại đậu, trứng và trái cây nhưng nếu như không ăn đủ thực phẩm giàu folate thì bạn sẽ có nguy cơ bị thiếu loại vitamin này.

Chế độ ăn không đủ folate có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt chỉ trong vòng vài tuần. Sự thiếu hụt cũng có thể xảy ra ở những người đang mắc các bệnh hoặc đột biến gen ngăn cản cơ thể hấp thụ hoặc chuyển đổi folate thành dạng có thể sử dụng được. Ví dụ, tình trạng thiếu folate thường xảy ra ở những người mắc các bệnh về tiêu hóa như bệnh celiac, trong đó khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn của ruột non bị suy giảm (hội chứng kém hấp thu).

Thiếu folate có thể dẫn đến thiếu máu. Thiếu máu là tình trạng mà cơ thể có quá ít hồng cầu. Hồng cầu là những tế bào máu có nhiệm vụ vận chuyển oxy đến các mô trong cơ thể. Do đó, khi số lượng hồng cầu quá thấp thì các mô sẽ không được cung cấp đủ oxy và không thể thực hiện chức năng một cách bình thường.

Folate là chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ mang thai và đang cho con bú. Sự thiếu hụt folate trong thai kỳ có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh.

Hầu hết mọi người đều được cung cấp đủ lượng folate cần thiết từ thực phẩm. Tuy nhiên, những người bị thiếu hụt hoặc có nguy cơ cao bị thiếu hụt có thể cần phải dùng viên uống bổ sung. Những sản phẩm này có chứa dạng tổng hợp của folate là axit folic. Những phụ nữ có ý định mang thai cũng được khuyên nên uống bổ sung axit folic khoảng một vài tháng trước khi mang thai.

Các lợi ích của folate

Giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh

Phụ nữ mang thai cần phải bổ sung đủ axit folic để tránh bị sảy thai và dị tật bẩm sinh ở thai nhi.

Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng tình trạng folate của người bố trước khi thụ thai cũng có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thai nhi sau này. Do đó, không chỉ có người mẹ mà người bố cũng cần bổ sung đủ folate hay axit folic.

Theo một nghiên cứu được thực hiện ở Đại học McGill (Canada), sự thiếu hụt folate ở chuột đực có thể làm tăng 30% nguy cơ dị tật bẩm sinh ở chuột con. (1)

Giảm nguy cơ trầm cảm

Lượng folate thấp có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm và đáp ứng kém với các loại thuốc điều trị trầm cảm.

Một nghiên cứu cho thấy sự thiếu hụt folate làm tăng nguy cơ trầm cảm ở những người bị bệnh động kinh và việc uống bổ sung chất dinh dưỡng này giúp cải thiện tâm trạng. (2)

Mặc dù viên uống axit folic hiện chưa được sử dụng làm phương pháp chính để điều trị trầm cảm nhưng có thể giúp tăng cường đáp ứng với các loại thuốc chống trầm cảm như fluoxetine, đặc biệt là ở phụ nữ. (3)

Cải thiện sức khỏe tim mạch

Bổ sung axit folic có thể giúp làm giảm nồng độ homocysteine.

Vì nồng độ homocysteine cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch nên một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng axit folic và vitamin B12 có thể giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Bổ sung các vitamin nhóm B, bao gồm cả folate có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ. (4)

Các dấu hiệu thiếu folate

Các dấu hiệu của tình trạng thiếu folate gồm có:

  • Mệt mỏi, thiếu năng lượng
  • Tóc bạc sớm
  • Loét miệng
  • Loét và đỏ lưỡi
  • Trẻ nhỏ tăng trưởng chậm

Thiếu folate có thể dẫn đến thiếu máu với các triệu chứng như:

  • Mệt mỏi dai dẳng
  • Chân tay không có sức lực
  • Da tái xanh, nhợt nhạt
  • Khó thở, hụt hơi
  • Hoa mắt chóng mặt
  • Tim đập nhanh
  • Dễ cáu gắt

Nguyên nhân gây thiếu folate

Folate là một loại vitamin tan trong nước và không được tích trữ trong tế bào mỡ giống như các loại vitamin tan trong chất béo. Cũng như các vitamin tan trong nước khác, lượng folate không được sử dụng đến sẽ bị đào thải ra ngoài qua nước tiểu nên hàng ngày đều phải tiêu thụ đủ folate để tránh bị thiếu hụt.

Dưới đây là một số nguyên nhân có thể dẫn dến thiếu folate.

Chế độ ăn

Chế độ ăn ít trái cây và rau củ tươi là nguyên nhân chính gây thiếu folate. Ngoài ra, thói quen ăn đồ nấu quá kỹ cũng có thể dẫn đến thiếu hụt vì quá trình nấu nướng sẽ làm mất đi một phần hàm lượng vitamin trong thức ăn. Lượng folate trong cơ thể có thể giảm xuống mức thấp chỉ sau một vài tuần không ăn đủ thực phẩm giàu folate.

Bệnh lý

Các bệnh ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng ở đường tiêu hóa có thể dẫn đến thiếu folate. Những bệnh này gồm có:

  • Bệnh Crohn
  • Bệnh celiac
  • Một số loại ung thư
  • Bệnh thận nghiêm trọng cần chạy thận nhân tạo

Gen di truyền

Một số người mang các đột biến gen khiến cơ thể không thể chuyển đổi folate một cách hiệu quả từ thực phẩm hoặc viên uống thành dạng khả dụng (methylfolate).

Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc có thể gây thiếu folate gồm có:

  • phenytoin
  • trimethoprim-sulfamethoxazole
  • methotrexate
  • sulfasalazine

Uống quá nhiều rượu

Rượu gây cản trở sự hấp thụ folate và còn làm tăng mức độ bài tiết folate qua nước tiểu.

Các vấn đề có thể phát sinh do thiếu folate

Folate là chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình sản sinh hồng cầu. Do đó, sự thiếu hụt folate có thể dẫn đến các vấn đề như:

  • Thiếu máu hồng cầu khổng lồ: là một dạng thiếu máu trong đó tủy xương tạo ra các hồng cầu có kích thước lớn hơn bình thường, cấu trúc bất thường và không phát triển hoàn thiện.
  • Số lượng bạch cầu và tiểu cầu giảm
  • Dị tật bẩm sinh nghiêm trọng ở tủy sống và não của thai nhi, được gọi là dị tật ống thần kinh

Chẩn đoán thiếu hụt folate

Tình trạng thiếu folate được chẩn đoán bằng phương pháp xét nghiệm máu. Vì đây là một chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi nên xét nghiệm máu đo nồng độ folate thường được thực hiện trong các buổi khám thai định kỳ.

Điều trị thiếu folate

Cách khắc phục tình trạng thiếu folate là tăng lượng folate trong chế độ ăn uống hoặc uống bổ sung axit folic. Những người mang đột biến gen ảnh hưởng đến sự hấp thụ folate (đột biến gen MTHFR) cần bổ sung folate methyl hóa để tránh bị thiếu hụt.

Một số sản phẩm viên uống có chứa cả axit folic và các loại vitamin B khác, được gọi là viên uống vitamin B tổng hợp.

Phụ nữ mang thai và những người đang bị thiếu folate cần kiêng rượu hoàn toàn vì rượu làm giảm khả năng hấp thụ folate.

Phòng ngừa thiếu hụt folate

Hầu hết mọi người đều có thể dễ dàng phòng ngừa sự thiếu hụt folate bằng cách thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Một số loại thực phẩm chứa nhiều folate gồm có:

  • Các loại rau, ví dụ như bông cải xanh, cải xoăn, bắp cải hay cải bó xôi, măng tây
  • Các loại trái cây, chẳng hạn như cam quýt, chuối và dưa
  • Cà chua
  • Trứng
  • Các loại đậu như đậu đỏ, đậu xanh, đậu trắng, đậu Hà Lan
  • Nấm
  • Gan, cật
  • Thịt lợn, thịt gia cầm
  • Các loài động vật có vỏ như ngao, sò
  • Cám lúa mì
  • Ngũ cốc

Đối với những người từ 14 tuổi trở lên, lượng folate cần tiêu thụ mỗi ngày là 400 microgam (mcg). Nhu cầu folate sẽ tăng lên 600 mcg trong thời gian mang thai và 500 mcg khi cho con bú. Phụ nữ mang thai nên uống bổ sung axit folic để tránh bị thiếu hụt. Folate rất cần thiết cho sự phát triển bình thường của thai nhi và giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh.

Những người mang đột biến gen MTHFR nên tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn được bổ sung axit folic, ví dụ như ngũ cốc ăn sáng hay sữa đậu nành. Một số biến thể của đột biến gen này gây cản trở quá trình phân hủy axit folic thành methylfolate.

Những người đang phải dùng các loại thuốc làm giảm hấp thụ folate cũng nên uống bổ sung axit folic nhưng cần phải hỏi ý kiến bác sĩ trước.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: thiếu folate, Folate
Tin liên quan
Các dấu hiệu thiếu sắt và cách khắc phục
Các dấu hiệu thiếu sắt và cách khắc phục

Thiếu sắt gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như khó thở, mệt mỏi và giảm khả năng tập trung...

Vàng răng do cà phê: Nguyên nhân và cách khắc phục
Vàng răng do cà phê: Nguyên nhân và cách khắc phục

Uống cà phê thường xuyên có thể gây ra một vấn đề không mong muốn đó là răng bị ngả vàng.

Cách khắc phục hơi thở có mùi khi uống cà phê
Cách khắc phục hơi thở có mùi khi uống cà phê

Cà phê có hương thơm rất hấp dẫn nhưng mùi hơi thở sau khi uống cà phê lại không mấy dễ chịu đối với cả bản thân người uống và những người xung quanh.

Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị thiếu kẽm
Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị thiếu kẽm

Khi thiếu kẽm, cơ thể không thể sản sinh ra các tế bào mới khỏe mạnh và điều này dẫn đến nhiều dấu hiệu, triệu chứng khác nhau.

Sắt, folate và các chất dinh dưỡng khác mà phụ nữ thường bị thiếu hụt
Sắt, folate và các chất dinh dưỡng khác mà phụ nữ thường bị thiếu hụt

Những hiện tượng mà đa số mọi người đều từng gặp phải và vẫn nghĩ là bình thường như mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu hay hụt hơi… rất có thể là triệu chứng của thiếu hụt dinh dưỡng. Điều này có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng vì một vài lý do mà phụ nữ có nguy cơ thiếu một số vitamin và khoáng nhất cao hơn so với nam giới.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây