1

Tác dụng của cà phê đối với bệnh tiểu đường

Mặc dù cà phê có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ tiểu đường cho những người chưa mắc nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng thức uống này có thể gây nguy hiểm cho những người đã bị bệnh tiểu đường tuýp 2.
Tác dụng của cà phê đối với bệnh tiểu đường Tác dụng của cà phê đối với bệnh tiểu đường

Cà phê và bệnh tiểu đường

Cà phê từng được coi là một loại đồ uống không tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy cà phê đem lại nhiều lợi ích, ví dụ như giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, bệnh gan và thậm chí là cả chứng trầm cảm.

Ngoài ra còn có nghiên cứu chỉ ra rằng thường xuyên uống cà phê giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2. Đây là một tin vui cho những người đang có thói quen uống cà phê mỗi ngày.

Tuy nhiên, đối với những người đã bị tiểu đường thì cà phê lại có thể gây ra một số tác hại.

Vậy cụ thể, cà phê có những tác động như thế nào đến bệnh tiểu đường?

Bệnh tiểu đường là gì?

Tiểu đường hay đái tháo đường là một căn bệnh ảnh hưởng đến cách mà cơ thể xử lý đường (glucose) trong máu. Đường trong máu có vai trò rất quan trọng vì là nguồn cung cấp năng lượng cho não bộ cũng như là các cơ và mô trong cơ thể.

Ở những người bị bệnh tiểu đường, lượng glucose lưu thông trong máu ở mức cao hơn rất nhiều so với bình thường. Điều này xảy ra khi các tế bào trở nên kháng insulin, có nghĩa là không phản ứng tốt với hormone insulin và giảm khả năng lấy đường vào từ máu để tạo năng lượng.

Lượng glucose thừa trong máu gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe. Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, ví dụ như thừa cân, béo phì, lười vận động, tiền sử gia đình, chế độ ăn uống không lành mạnh,…

Bệnh tiểu đường được chia làm hai loại chính là tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2. Ngoài ra còn có các loại khác là tiểu đường thai kỳ - dạng tiểu đường xảy ra trong thời gian mang thai và thường tự khỏi sau khi sinh.

Tiền tiểu đường có nghĩa là mức đường huyết tăng cao hơn bình thường nhưng chưa đến mức được coi là bệnh tiểu đường. Nhưng nếu những người bị tiền tiều đường không điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt thì sẽ có nguy cơ bị tiểu đường rất cao.

Một số dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tiểu đường gồm có:

  • Thường xuyên cảm thấy khát nước
  • Đi tiểu nhiều
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Hay thấy đói
  • Mệt mỏi
  • Dễ bị nhiễm trùng
  • Cáu gắt

Nếu gặp các dấu hiệu này hay có bất cứ biểu hiện bất thường nào thì cần đi khám để xác định nguyên nhân.

Cà phê và tác dụng ngăn ngừa tiểu đường

Các nhà nghiên cứu tại đại học Harvard đã theo dõi hơn 100.000 người trong khoảng thời gian 20 năm và phát hiện ra rằng việc tăng lượng cà phê tiêu thụ mỗi ngày lên thêm 1 cốc giúp giàm 11% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

Mặt khác, việc uống ít đi 1 cốc cà phê uống mỗi ngày sẽ làm tăng 17% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Hiện vẫn chưa rõ lý do tại sao cà phê lại có thể giúp làm giảm nguy cơ tiểu đường và liệu caffeine có phải thành phần mang lại lợi ích này hay không. Các nghiên cứu cho ra nhiều kết quả trái ngược nhau. Ví dụ trong một nghiên cứu, caffeine đã được chứng minh là làm tăng cả mức đường huyết và insulin. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu nhỏ khác thì cà phê khử caffeine làm tăng mức đường huyết trong khi cà phê thông thường lại không gây ra điều này. (1) Vì vậy, sẽ cần nghiên cứu thêm về tác động của caffeine đến bệnh tiểu đường.

Tác động của cà phê đến đường huyết và insulin

Mặc dù cà phê có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ tiểu đường cho những người chưa mắc nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng thức uống này có thể gây nguy hiểm cho những người đã bị bệnh tiểu đường tuýp 2.

Caffeine, đường huyết và insulin (trước và sau ăn)

Một nghiên cứu vào năm 2004 (2) cho thấy rằng uống một viên caffeine trước khi ăn làm tăng mức đường huyết sau ăn ở những người bị tiểu đường tuýp 2. Điều này còn làm trầm trọng thêm tình trạng kháng insulin.

Theo một nghiên cứu vào năm 2018 (3), gen di truyền là một yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa caffeine và tác động của chất này đến lượng đường trong máu. Trong nghiên cứu này, những người có khuynh hướng di truyền chuyển hóa caffeine chậm có lượng đường trong máu ở mức cao hơn so với những người có khuynh hướng di truyền chuyển hóa caffeine nhanh.

Tất nhiên, trong cà phê còn có rất nhiều chất khác chứ không chỉ có caffeine. Những chất này có thể là thành phần mang lại lợi ích ngăn ngừa bệnh tiểu đường.

Thường xuyên uống cà phê trong một thời gian dài có thể làm thay đổi độ nhạy của các tế bào trong cơ thể với glucose và insulin. Đây cũng có thể là yếu tố giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Một nghiên cứu mới đây vào năm 2018 (4) đã cho thấy việc uống cà phê và các loại đồ uống chứa caffeine khác trong thời gian dài có thể làm giảm nguy cơ tiền tiểu đường và tiểu đường.

Tác động đến đường huyết và insulin lúc đói

Một nghiên cứu vào năm 2004 đã đánh giá tác động của cà phê đối với nguy cơ tiểu đường ở những người khỏe mạnh. (5)

Vào cuối cuộc nghiên cứu kéo dài 4 tuần, những người uống nhiều cà phê hơn có nồng độ insulin trong máu ở mức cao hơn, kể cả sau khi nhịn ăn.

Ở những người đã mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, cơ thể không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả để kiểm soát lượng đường trong máu và có thể phải mất nhiều hơn 4 tuần thì tế bào cơ thể mới trở nên nhạy cảm hơn với tác động của insulin.

Thói quen uống cà phê

Phản ứng của cơ thể với cà phê hay caffeine ở những người bị tiểu đường và những người không bị tiểu đường có sự khác biệt rõ rệt. Trong một nghiên cứu vào năm 2008, những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và thường xuyên uống cà phê đã được yêu cầu theo dõi mức đường huyết nhiều lần trong ngày.

Kết quả là mức đường huyết tăng vọt ngay sau khi uống cà phê.

Các lợi ích khác của cà phê đối với sức khỏe

Ngoài ngăn ngừa bệnh tiểu đường, cà phê còn mang lại những lợi ích khác cho sức khỏe, ví dụ như giảm nguy cơ mắc:

  • Bệnh Parkinson
  • Bệnh gan, bao gồm cả ung thư gan
  • Bệnh gút (gout)
  • Bệnh Alzheimer
  • Sỏi mật

Các nghiên cứu còn chỉ ra rằng uống cà phê giúp làm giảm nguy cơ trầm cảm, tăng khả năng tập trung và tư duy.

Tác hại của các thành phần được thêm vào cà phê

Nếu bạn không bị bệnh tiểu đường và có ý định tăng lượng cà phê mỗi ngày để giảm nguy cơ mắc bệnh này thì cần lưu ý một số điều sau đây. Mặc dù cà phê đen nguyên chất có nhiều tác động tích cực đến sức khỏe nhưng cà phê có đường hoặc các sản phẩm từ sữa có thể gây hại.

Các tác hại của đường và chất béo trong các sản phẩm từ sữa được thêm vào cà phê thậm chí còn lớn hơn các lợi ích mà cà phê mang lại.

Việc thường xuyên uống cà phê có đường hoặc các chất làm ngọt nhân tạo sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Tiêu thụ quá nhiều đường còn làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật, vấn đề sức khỏe khác, ví dụ như béo phì.

Thường xuyên uống cà phê chứa nhiều chất béo bão hòa hoặc đường có thể làm gia tăng tình trạng kháng insulin và cuối cùng sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 2.

Tác hại của caffeine

Ngay cả ở những người khỏe mạnh, caffeine trong cà phê cũng có thể gây ra một số tác hại, ví dụ như:

  • Đau đầu
  • Bồn chồn
  • Lo âu
  • Tăng nồng độ cholesterol (khi uống cà phê không lọc)
  • Tăng nguy cơ ợ nóng và trào ngược axit
  • Tăng mức đường huyết sau ăn

Chỉ nên uống cà phê một cách vừa phải mỗi ngày.

Ngoài ra cần lưu ý một số điều khác như:

  • Thiếu niên chỉ nên tiêu thụ dưới 100 mg caffeine mỗi ngày, bao gồm tất cả các loại đồ uống có chứa caffeine chứ không chỉ riêng cà phê.
  • Trẻ nhỏ không được uống đồ uống có chứa caffeine.
  • Thêm nhiều đường, chất làm ngọt hoặc kem béo vào cà phê sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và thừa cân.

Lời kết

Không có loại thực phẩm hay đồ uống nào có thể loại bỏ được hoàn toàn nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Nếu bị tiền tiểu đường hoặc có nguy cơ cao bị tiểu đường thì giảm cân, tập thể dục đều đặn và duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh là những cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ.

Uống cà phê mỗi ngày có thể là một biện pháp hỗ trợ ngăn ngừa tiểu đường nhưng nên hạn chế thêm đường và sản phẩm từ sữa chứa nhiều chất béo. Cũng không nên uống quá nhiều để tránh gây hại cho sức khỏe.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: tác dụng, cà phê
Tin liên quan
Những điều cần biết về bệnh tiểu đường và vitamin B12
Những điều cần biết về bệnh tiểu đường và vitamin B12

Bệnh thần kinh do tiểu đường cũng gây ra các triệu chứng giống như bệnh thần kinh ngoại biên do thiếu vitamin B12 (tê bì, yếu cơ, đau đớn và dị cảm ở cánh tay, bàn tay, chân và bàn chân).

Bị bệnh tiểu đường có được ăn dầu dừa không?
Bị bệnh tiểu đường có được ăn dầu dừa không?

Bên cạnh việc dùng thuốc để kiểm soát mức đường huyết, những người mắc bệnh tiểu đường còn phải điều chỉnh chế độ ăn uống, chẳng hạn như hạn chế đồ ăn thức uống có đường và ăn các loại thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng. Ngoài ra, việc lựa chọn đúng loại chất béo trong chế độ ăn cũng rất quan trọng.

Công dụng của vitamin D đối với bệnh vảy nến
Công dụng của vitamin D đối với bệnh vảy nến

Nhiều người bị bệnh vảy nến phải sử dụng kết hợp các loại thuốc khác nhau để điều trị nhưng ở một số người, chỉ cần bổ sung vitamin D là các triệu chứng bệnh đã có sự cải thiện đáng kể.

Chế độ ăn dựa trên thực vật có thể làm giảm nguy cơ tiểu đường tuýp 2
Chế độ ăn dựa trên thực vật có thể làm giảm nguy cơ tiểu đường tuýp 2

Các chuyên gia cho biết không phải chế độ ăn dựa trên thực vật nào cũng giống nhau. Tuy nhiên, nếu thực hiện đúng thì một số chế độ ăn có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

Người bị tiểu đường có được ăn trứng không?
Người bị tiểu đường có được ăn trứng không?

Nghiên cứu cho thấy rằng ăn nhiều trứng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim mạch. Mặc dù mối liên hệ này không rõ ràng nhưng các nhà khoa học tin rằng thực phẩm có lượng cholesterol cao, đặc biệt là những thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như trứng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh này.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây