1

Tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư phổ biến

Tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư phổ biến Tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư phổ biến

Bệnh tiểu đường đi kèm với một danh sách ngày càng dài các biến chứng, gồm có cả tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý như bệnh về mắt, bệnh về thần kinh, bệnh tim mạch và bệnh thận.

Mới đây, một nghiên cứu đã tìm ra một vấn đề rất đáng lo ngại mà những người mắc bệnh tiểu đường có thể phải đối mặt, đó là nguy cơ bị ung thư. (1)

Các nhà nghiên cứu tại Viện Sức khỏe Toàn cầu George (The George Institute for Global Health) cho biết họ đã tiến hành nghiên cứu gần 20 triệu người trên toàn cầu và kết luận rằng những người sống chung với bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao hơn đáng kể so với những người không bị tiểu đường.

Cũng theo các nhà nghiên cứu, phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thậm chí còn có nguy cơ ung thư cao hơn nam giới. Cụ thể, nguy cơ ung thư ở phụ nữ bị tiểu đường cao hơn 27% so với những phụ nữ không mắc bệnh tiểu đường.

Trong khi đó, so với nam giới khỏe mạnh thì những nam giới bị bệnh tiểu đường có nguy cơ ung thư cao hơn 19%.

“Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và nguy cơ mắc ung thư đã được chứng minh”, tiến sĩ Toshiaki Ohkuma - tác giả chính của nghiên cứu nói trên và là nghiên cứu viên của Viện Sức khỏe Toàn cầu George giải thích, “chúng tôi cũng đã lần đầu tiên chứng minh được rằng ở phụ nữ mắc bệnh tiểu đường, nguy cơ mắc bất kỳ bệnh ung thư nào cũng cao hơn đáng kể so với những phụ nữ khỏe mạnh, đặc biệt là bệnh ung thư thận, ung thư khoang miệng, ung thư dạ dày và bệnh bạch cầu.”

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và ung thư được nghiên cứu.

Từ năm 2008 đến năm 2012, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Tim mạch và Bệnh tiểu đường Baker IDI (Úc) đã nghiên cứu những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 sống ở Úc, Đan Mạch, Phần Lan, Scotland và Thụy Điển. (2)

Kết quả cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư tuyến tụy, ung thư thận và ung thư nội mạc tử cung ở nhóm những người này cao hơn từ 25 đến 50% so với người khỏe mạnh.

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mặc dù nam giới bị tiểu đường tuýp 1 có nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn so với nam giới không bị bệnh tiểu đường nhưng lại có nguy cơ mắc bệnh ung thư gan cao hơn gấp đôi.

Một lần nữa, những phụ nữ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 thậm chí còn có nguy cơ ung thư gan cao hơn, cụ thể là cao hơn 78% so với những phụ nữ khỏe mạnh.

Tại sao tiểu đường làm tăng nguy cơ ung thư?

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa rõ chính xác tại sao những người bị bệnh tiểu đường có nguy cơ ung thư cao hơn người khỏe mạnh nhưng đã có một số giả thuyết được đưa ra.

Giả thuyết đầu tiên được các nhà nghiên cứu đặt ra là mức đường huyết cao ở bệnh nhân tiểu đường có thể làm hỏng DNA và đây là nguyên nhân khiến cho các tế bào trở nên bất thường, phát triển mất kiểm soát và hình thành nên khối u ác tính.

Theo một giả thuyết khác được đưa ra bởi Tiến sĩ Sarah Wild - đồng tác giả của nghiên cứu về ung thư năm 2008, việc điều trị tiểu đường lâu dài bằng cách sử dụng insulin có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, không được vì lý do này mà ngừng điều trị. Nếu không điều trị, người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 có thể sẽ tử vong.

Một giả thuyết khác chỉ ra rằng môi trường bên trong cơ thể của một số người mắc bệnh tiểu đường tạo điều kiện lý tưởng cho sự phát triển bệnh ung thư.

Tiến sĩ Minisha Sood - bác sĩ chuyên khoa Nội tiết tại Bệnh viện Lenox Hill (New York, Mỹ) cho biết: “Béo phì cũng có thể là yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ ung thư ở những bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Cả béo phì và tiểu đường tuýp 2 đều liên quan đến những bất thường về chuyển hóa và những bất thường này có thể dẫn đến bệnh ung thư”.

Bà cũng nói thêm rằng nguy cơ ung thư gia tăng ở những người mắc bất kỳ loại tiểu đường nào cũng có thể là do phản ứng viêm mạn tính trong cơ thể.

Tiến sĩ Sood giải thích: “Tình trạng viêm này có thể dẫn đến kháng insulin trong các mô khác của cơ thể. Điều này khiến cho cơ thể tăng sản sinh insulin và dẫn đến tăng nồng độ insulin cũng như là nhu cầu insulin.”

“Nồng độ insulin cao có thể làm tăng nồng độ các hormone khác, điều này có thể thúc đẩy sự phát triển của tế bào và cả sự phát triển của ung thư. Tóm lại, sự kết hợp của mức đường huyết và nồng độ insulin cao, hoạt động mạnh của yếu tố tăng trưởng giống insulin 1 (IGF1) và môi trường viêm trong cơ thể ở những bệnh nhân tiểu đường và béo phì có thể là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển tế bào ung thư.”

Tại sao phụ nữ có nguy cơ cao hơn?

Các nhà nghiên cứu cũng chưa rõ tại sao nguy cơ ung thư ở những phụ nữ mắc bệnh tiểu đường lại cao hơn so với nam giới.

Theo Tiến sĩ Sanne Peters - đồng tác giả của nghiên cứu được nêu ở phần đầu và là nghiên cứu viên về dịch tễ học tại Viện Sức khỏe Toàn cầu George thuộc Đại học Oxford, một giả thuyết có thể lý giải cho điều này là phụ nữ thường trải qua giai đoạn tiền tiểu đường lâu hơn nam giới gần 2 năm trước khi tiếp nhận điều trị.

"Phụ nữ thường không được điều trị đúng phương pháp khi mới xuất hiện các triệu chứng đầu tiên của bệnh tiểu đường và dùng các loại thuốc khác với nam giới", tiến sĩ Peters cho biết. “Tất cả những điều này có thể là lý do tại sao phụ nữ bị bệnh tiểu đường có nguy cơ ung thư cao hơn nam giới. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm để khẳng định điều này.”

Tiến sĩ Peters nói thêm rằng nguy cơ mắc các bệnh khác như bệnh tim mạch và đột quỵ ở phụ nữ bị tiểu đường hoàn toàn không giống như nguy cơ ung thư.

Tuy nhiên, cho dù là nam hay nữ, một khi đã mắc bất kỳ loại tiểu đường nào thì đều phải theo chế độ ăn uống lành mạnh, đặc biệt ăn nhiều rau củ và trái cây tươi, tập thể dục thường xuyên, theo dõi mức đường huyết định kỳ, dùng thuốc đều đặn theo đúng chỉ định của bác sĩ và duy trì cân nặng hợp lý để kiểm soát tình trạng bệnh và giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng như ung thư.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: có thể, ung thư, nguy cơ
Tin liên quan
Chế độ ăn dựa trên thực vật có thể làm giảm nguy cơ tiểu đường tuýp 2
Chế độ ăn dựa trên thực vật có thể làm giảm nguy cơ tiểu đường tuýp 2

Các chuyên gia cho biết không phải chế độ ăn dựa trên thực vật nào cũng giống nhau. Tuy nhiên, nếu thực hiện đúng thì một số chế độ ăn có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

Những điều cần biết về bệnh tiểu đường và vitamin B12
Những điều cần biết về bệnh tiểu đường và vitamin B12

Bệnh thần kinh do tiểu đường cũng gây ra các triệu chứng giống như bệnh thần kinh ngoại biên do thiếu vitamin B12 (tê bì, yếu cơ, đau đớn và dị cảm ở cánh tay, bàn tay, chân và bàn chân).

Bị bệnh tiểu đường có được ăn dầu dừa không?
Bị bệnh tiểu đường có được ăn dầu dừa không?

Bên cạnh việc dùng thuốc để kiểm soát mức đường huyết, những người mắc bệnh tiểu đường còn phải điều chỉnh chế độ ăn uống, chẳng hạn như hạn chế đồ ăn thức uống có đường và ăn các loại thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng. Ngoài ra, việc lựa chọn đúng loại chất béo trong chế độ ăn cũng rất quan trọng.

Bôi kem chống nắng làm tăng nguy cơ thiếu vitamin D?
Bôi kem chống nắng làm tăng nguy cơ thiếu vitamin D?

Chúng ta đều biết rằng bôi kem chống nắng là điều cần thiết, đặc biệt là vào mùa hè để bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV và ngăn ngừa các vấn đề như cháy nắng, sạm nám và ung thư da. Tuy nhiên, vì cơ thể tổng hợp vitamin D khi da tiếp xúc với nắng nên nếu bôi kem chống nắng thì liệu có bị thiếu hụt vitamin D hay không?

Bệnh còi xương: Triệu chứng, yếu tố nguy cơ và cách điều trị
Bệnh còi xương: Triệu chứng, yếu tố nguy cơ và cách điều trị

Bệnh còi xương chủ yếu xảy ra ở trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi. Trẻ em có nguy cơ bị còi xương cao nhất vì vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Trẻ sẽ dễ bị thiếu vitamin D nếu sống ở vùng có ít ánh nắng mặt trời, chế độ ăn quá ít thịt, cá, trứng hoặc không uống sữa. Đôi khi, tình trạng thiếu vitamin D là do di truyền.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây