Bệnh còi xương: Triệu chứng, yếu tố nguy cơ và cách điều trị
Bệnh còi xương là gì?
Còi xương là một bệnh về xương do thiếu vitamin D, canxi hoặc phốt phát. Những chất dinh dưỡng này có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển cấu trúc xương chắc khỏe. Bệnh còi xương khiến cho xương yếu và mềm, gây chậm phát triển và trong trường hợp nghiêm trọng xương còn bị biến dạng.
Vitamin D giúp cơ thể bạn hấp thụ canxi và phốt phát từ ruột. Có thể cung cấp vitamin D cho cơ thể từ các loại thực phẩọ như sữa, trứng và cá. Cơ thể cũng tự tổng hợp vitamin D khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Sự thiếu hụt vitamin D khiến cơ thể khó duy trì đủ lượng canxi và phốt phát. Khi tình trạng này xảy ra, cơ thể sẽ sản sinh các hormone khiến canxi và phốt phát được giải phóng khỏi xương. Khi bị thiếu các khoáng chất này, xương sẽ trở nên yếu và mềm.
Bệnh còi xương chủ yếu xảy ra ở trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi. Trẻ em có nguy cơ bị còi xương cao nhất vì vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Trẻ sẽ dễ bị thiếu vitamin D nếu sống ở vùng có ít ánh nắng mặt trời, chế độ ăn quá ít thịt, cá, trứng hoặc không uống sữa. Đôi khi, tình trạng thiếu vitamin D là do di truyền.
Hiện nay, bệnh còi xương không còn phổ biến như trước vì vitamin D và canxi được bổ sung vào nhiều loại thực phẩm như ngũ cốc ăn sáng và sữa.
Những ai có nguy cơ bị còi xương?
Các yếu tố làm tăng nguy cơ còi xương gồm có:
Tuổi
Bệnh còi xương thường xảy ra ở trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi vì đây là giai đoạn mà cơ thể phát triển nhanh chóng và cần nhiều canxi, phốt phát để củng cố và phát triển cấu trúc xương.
Chế độ ăn uống
Chế độ ăn hàng ngày có quá ít hoặc không có cá, trứng và sữa sẽ làm tăng nguy cơ còi xương. Những người có khả năng tiêu hóa sữa kém hoặc bị dị ứng với đường trong sữa (lactose) cũng có nguy cơ cao mắc bệnh này. Những trẻ sơ sinh chỉ bú sữa mẹ có thể bị thiếu hụt vitamin D vì sữa mẹ không cung cấp đủ vitamin D để ngăn ngừa bệnh còi xương.
Màu da
Trẻ em có da tối màu, ví dụ như trẻ em gốc Phi, Thái Bình Dương và Trung Đông có nguy cơ mắc bệnh còi xương cao nhất vì da tối màu không phản ứng mạnh với ánh nắng mặt trời giống như da sáng màu và tạo ra ít vitamin D hơn.
Vị trí địa lý
Cơ thể chúng ta tổng hợp vitamin D khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nên những người sống ở khu vực có ít nắng sẽ có nguy cơ bị còi xương cao hơn. Nguy cơ mắc bệnh này cũng tăng lên nếu quá ít ra ngoài trời vào ban ngày.
Gen di truyền
Bệnh còi xương có thể là do di truyền. Dạng còi xương này được gọi là còi xương di truyền và xảy ra do nồng độ phốt phát trong máu quá thấp.
Triệu chứng của bệnh còi xương
Các triệu chứng của bệnh còi xương gồm có:
- Đau ở xương cánh tay, chân, xương chậu hoặc cột sống
- Tăng trưởng kém và tầm vóc thấp
- Xương dễ gãy
- Thường xuyên bị chuột rút cơ
- Dị tật răng, chẳng hạn như chậm mọc răng, rỗ men răng, áp xe, khiếm khuyết trong cấu trúc răng hoặc nhiều răng bị sâu
- Dị tật xương, chẳng hạn như hộp sọ có hình dạng bất thường, chân vòng kiềng, lồi ngực, cột sống cong vẹo, dị dạng xương chậu…
Bố mẹ cần đưa con đi khám ngay khi nhận thấy có dấu hiệu còi xương. Nếu bệnh còi xương không được điều trị trong thời kỳ tăng trưởng của trẻ, trẻ sẽ có tầm vóc thấp khi trưởng thành. Các dị tật cũng có thể trở thành vĩnh viễn nếu căn bệnh này không được điều trị.
Chẩn đoán bệnh còi xương
Bệnh còi xương có thể được chẩn đoán bằng cách thăm khám lâm sàng. Bác sĩ ấn nhẹ lên các vị trí trên cơ thể để kiểm tra các triệu chứng. Sau đó cần xét nghiệm máu để đo nồng độ canxi, phốt phát trong máu và chụp X-quang xương để kiểm tra dị tật xương
Một số trường hợp còn phải tiến hành sinh thiết xương. Đây là thủ thuật lấy một phần xương rất nhỏ và đem đến phòng xét nghiệm để phân tích.
Điều trị bệnh còi xương
Để điều trị còi xương thì cần bổ sung những vitamin hoặc khoáng chất bị thiếu hụt. Hầu hết các triệu chứng của bệnh còi xương sẽ biến mất khi cơ thể được bổ sung đủ vitamin hoặc khoáng chất. Nếu nguyên nhân do thiếu vitamin D thì sẽ cần tăng cường tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin D, chẳng hạn như cá, gan, sữa và trứng.
Ngoài ra, cũng có thể cần uống canxi và vitamin D để điều trị bệnh còi xương. Liều lượng sẽ tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ. Bổ sung quá nhiều vitamin D hoặc canxi sẽ gây hại cho cơ thể.
Nếu có dị tật ở xương hàm thì có thể sẽ cần niềng răng để định hình xương và nếu nghiêm trọng thì sẽ phải phẫu thuật chỉnh hình.
Những trường hợp còi xương di truyền cần kết hợp uống bổ sung phốt phát và liều cao một dạng vitamin D đặc biệt để điều trị.
Bổ sung vitamin D, canxi và phốt phát sẽ giúp điều trị bệnh còi xương. Ở hầu hết những trẻ bị còi xương, các triệu chứng đều cải thiện trong vòng khoảng một tuần sau khi bổ sung các vitamin và khoáng chất này.
Các dị tật xương thường cải thiện hoặc biến mất dần theo thời gian nếu tình trạng còi xương được điều trị ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, dị tật xương có thể trở thành vĩnh viễn.
Phòng ngừa bệnh còi xương
Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh còi xương là duy trì chế độ ăn cung cấp đủ canxi, phốt pho và vitamin D. Những người mắc bệnh thận cần xét nghiệm thường xuyên để theo dõi nồng độ canxi và phốt phát.
Bệnh còi xương cũng có thể được ngăn ngừa bằng cách tăng thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia của Anh (National Health Service of England - NHS), chỉ cần để cánh tay và mặt tiếp xúc trực tiếp với nắng vài lần một tuần vào mùa xuân và mùa hè là đủ để ngăn ngừa bệnh còi xương.
Tuy nhiên, tiếp xúc quá nhiều với nắng hoặc đi ngoài trời vào khoảng thời gian nắng gắt trong ngày sẽ gây hại cho da. Do đó, nếu phải ở ngoài nắng trong thời gian dài thì cần thoa kem chống nắng và che chắn da cẩn thận để tránh bị cháy nắng, sạm da và ngăn ngừa ung thư da. Việc sử dụng kem chống nắng sẽ ngăn da tổng hợp vitamin D nên cần ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin D hoặc uống bổ sung vitamin D. Những biện pháp phòng ngừa này sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh còi xương.
Theo các chuyên gia, vitamin D có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh phổi ở những người bị thiếu hụt loại vitamin này.
Khi bị cường tuyến cận giáp, một hoặc nhiều tuyến cận giáp hoạt động quá mức và tạo ra quá nhiều PTH. Điều này có thể là do khối u, phì đại tuyến cận giáp hoặc các vấn đề về cấu trúc khác của tuyến cận giáp.
Mới đầu, tình trạng thiếu canxi không biểu hiện triệu chứng vì cơ thể duy trì nồng độ canxi trong máu bằng cách lấy canxi trực tiếp từ xương. Tuy nhiên, lượng canxi thấp trong thời gian dài sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Hạ canxi máu có thể là do thiếu canxi hoặc lượng canxi lưu thông trong máu quá ít. Hầu hết các trường hợp hạ canxi máu đều có liên quan đến thiếu hụt magiê hoặc vitamin D.
Vitamin A là chất dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe mắt ở cả trẻ em và người lớn. Vitamin A cũng rất cần thiết cho sự phát triển của tim, tai, mắt và các bộ phận khác của thai nhi. Nhưng bổ sung quá nhiều vitamin A có thể gây ngộ độc.
- 0 trả lời
- 662 lượt xem
dạ chào bác sĩ . em bé hiện tại sa được 37 tuần . cdxd chi có 55 , 2kg1 vây có bị hội chứng người lùn k ạ