1

Tiểu đường tuýp 2: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Tiểu đường tuýp 2: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị Tiểu đường tuýp 2: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Tiểu đường tuýp 2 là gì?

Bệnh tiểu đường là một vấn đề sức khỏe mãn tính, trong đó nồng độ đường hay glucose tích tụ trong máu ở mức cao.

Trong cơ thể chúng ta có một loại hormone là insulin có vai trò đưa glucose từ máu vào các tế bào để được sử dụng làm năng lượng.

Khi mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, các tế bào không thể phản ứng với insulin như bình thường và khi bệnh tiến triển, cơ thể còn không thể tạo ra đủ insulin, khiến cho nồng độ glucose (đường huyết) trong máu tăng cao.

Nếu không được kiểm soát, bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể gây ra tình trạng mức đường huyết cao mãn tính, dẫn đến một số triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng.

Triệu chứng tểu đường tuýp 2

Khi bị tiểu đường tuýp 2, cơ thể không thể sử dụng hiệu quả insulin để đưa glucose vào tế bào. Điều này khiến cho cơ thể phải dựa vào nguồn năng lượng thay thế có trong các mô, cơ và các cơ quan. Phản ứng dây chuyền này có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau.

Bệnh tiểu đường tuýp 2 thường phát triển chậm. Các triệu chứng thường chỉ ở mức nhẹ nên rất dễ bị bỏ qua. Các triệu chứng ban đầu gồm có:

  • Đói liên tục
  • Cảm giác cơ thể thiếu năng lượng
  • Mệt mỏi
  • Tụt cân
  • Hay thấy khát
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Khô miệng
  • Ngứa da
  • Nhìn mờ

Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và còn gây nguy hiểm.

Nếu lượng đường trong máu ở mức cao trong suốt một thời gian dài thì sẽ có các triệu chứng như:

  • Nhiễm trùng nấm men
  • Các vết cắt hay vết loét lâu lành
  • Có các vệt sẫm màu trên da, đây là một tình trạng được gọi là bệnh gai đen (acanthosis nigricans)
  • Đau chân
  • Cảm giác tê ở tay chân hoặc bệnh về dây thần kinh

Nếu bạn có từ hai triệu chứng trở lên thì nên đi khám. Nếu không được điều trị, bệnh tiểu đường sẽ đe dọa đến tính mạng.

Tìm hiểu thêm các triệu chứng khác của bệnh tiểu đường tuýp 2

Nguyên nhân của tiểu đường tuýp 2

Insulin là một hormone tự nhiên có trong cơ thể được tuyến tụy sản sinh và giải phóng ra khi chúng ta ăn. Insulin giúp vận chuyển glucose từ máu vào các tế bào trong cơ thể để được sử dụng làm năng lượng.

Khi bị tiểu đường tuýp 2, cơ thể sẽ kháng insulin, có nghĩa là không còn sử dụng insulin một cách hiệu quả nữa. Điều này buộc tuyến tụy phải tăng cường hoạt động để tạo ra nhiều insulin hơn.

Theo thời gian, tình trạng này có thể làm tổn hại các tế bào trong tuyến tụy và cuối cùng, tuyến tụy không còn sản sinh được insulin nữa.

Khi cơ thể không sản sinh đủ insulin hoặc không sử dụng insulin hiệu quả thì glucose sẽ tích tụ lại trong máu và khiến cho các tế bào của cơ thể bị thiếu năng lượng. Đến nay các bác sĩ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra hiện tượng này nhưng rất có thể là do rối loạn chức năng tế bào trong tuyến tụy hoặc do quá trình phát tín hiệu và điều chỉnh tế bào. Ở một số người, nguyên nhân còn là do gan sản sinh ra quá nhiều glucose hoặc cũng có thể do khuynh hướng di truyền phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2.

Các nhà khoa học đã phát hiện có khuynh hướng di truyền gây ra bệnh béo phì, làm tăng nguy cơ kháng insulin và dẫn đến bệnh tiểu đường. Ngoài ra, cũng có thể do yếu tố từ môi trường kích hoạt bệnh ở những người vốn mang gen di truyền tiểu đường tuýp 2.

Tuy nhiên, khả năng cao vẫn là do sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Tìm hiểu thêm về các nguyên nhân gây bệnh tiểu đường.

Các yếu tố nguy cơ

Mặc dù đến nay nguyên nhân chính xác gây bệnh tiểu đường tuýp 2 vẫn chưa được xác định rõ nhưng các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc loại bệnh tiểu đường này, trong đó có một số yếu tố mà chúng ta có thể thay đổi nhưng cũng có những yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát.

Các yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát gồm có:

  • Di truyền: nguy cơ sẽ cao hơn khi có cha mẹ hoặc anh, chị em ruột mắc bệnh tiểu đường tuýp 2
  • Trên 45 tuổi: Mặc dù bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng tuổi càng cao thì nguy cơ sẽ càng tăng lên. Nguy cơ sẽ đặc biệt cao khi bước sang tuổi 45
  • Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Các yếu tố có thể thay đổi:

  • Thừa cân: khi thừa cân, cơ thể sẽ có nhiều mô mỡ hơn và khiến các tế bào tăng khả năng kháng insulin. Mỡ thừa ở bụng sẽ làm nguy cơ này tăng cao hơn so với mỡ thừa ở hông và đùi.
  • Lười vận động: việc tập thể dục thường xuyên sẽ kích thích cơ thể sử dụng glucose và giúp các tế bào phản ứng tốt hơn với insulin.
  • Ăn quá nhiều, đặc biệt là đồ ăn vặt.

Bạn cũng sẽ có nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2 cao hơn nếu từng bị tiểu đường thai kỳ hoặc tiền tiểu đường, đây là hai tình trạng do nồng độ glucose trong máu tăng cao gây nên.

Tìm hiểu thêm về các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

Phương pháp chẩn đoán tiểu đường tuýp 2

Dù bạn có bị tiền tiểu đường hay không thì cũng nên đi khám ngay nếu phát hiện thấy các triệu chứng của bệnh tiểu đường. Khi đi khám, bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán sau đây:

  • Xét nghiệm HbA1C: Phương pháp xét nghiệm này đo chỉ số đường huyết trung bình trong hai hoặc ba tháng gần nhất. Bạn không cần phải nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm này. Xét nghiệm HbA1C còn được gọi là xét nghiệm hemoglobin bị glycosyl hóa.
  • Xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói: Phương pháp xét nghiệm này đo nồng độ glucose trong huyết tương. Bạn sẽ phải nhịn ăn trong 8 tiếng trước khi làm xét nghiệm này.
  • Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống: Trong phương pháp này, máu được lấy 3 lần: lần thứ nhất khi chưa ăn uống, lần thứ hai là sau 1 tiếng và lần cuối là sau 2 tiếng kể từ lúc bạn uống một loại đồ uống có chứa glucose. Kết quả xét nghiệm sẽ cho biết cơ thể xử lý glucose ra sao trước và sau khi uống.

Nếu bạn được kết luận bị tiểu đường thì bác sĩ sẽ hướng dẫn các cách kiểm soát bệnh, gồm có:

  • Cách tự theo dõi mức đường huyết
  • Chế độ ăn uống
  • Tập luyện
  • Các loại thuốc cần dùng

Trong thời gian đầu bạn sẽ cần đi khám thường xuyên hơn để bác sĩ kiểm tra mức độ hiệu quả của kế hoạch điều trị.

Chẩn đoán sớm là điều rất quan trọng để kiểm soát hiệu quả bệnh tiểu đường.

Tìm hiểu chi tiết về các phương pháp chẩn đoán tiểu đường tuýp 2

Điều trị tiểu đường tuýp 2

Mặc dù không thể chữa khỏi nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được tình trạng tiểu đường tuýp 2 để giữ cho mức đường huyết ở phạm vi cho phép. Khi đi khám, bác sĩ sẽ cho bạn biết tần suất nên kiểm tra mức đường huyết.

Dưới đây là các cách để kiểm soát nồng độ glucose trong máu khi mắc tiểu đường tuýp 2:

  • Ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ và carbohydrate lành mạnh, ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên cám để giữ đường huyết ở mức ổn định.
  • Ăn thành nhiều bữa nhỏ, chia đều trong ngày
  • Chỉ ăn đến khi vừa đủ no
  • Kiểm soát cân nặng và giữ sức khỏe tim mạch, có nghĩa là hạn chế tối đa hàm lượng carbohydrate tinh chế, đồ ngọt và chất béo động vật trong khẩu phần ăn.
  • Dành khoảng nửa tiếng tập luyện hàng ngày để duy trì sức khỏe tim mạch. Tập thể dục còn giúp kiểm soát mức đường huyết.

Bác sĩ sẽ chỉ cho bạn biết cụ thể cách nhận biết các triệu chứng ban đầu khi nồng độ glucose trong máu tăng quá cao hoặc giảm quá thấp và phải làm gì trong những tình huống như vậy.

Về phương pháp điều trị, không phải ai bị tiểu đường tuýp 2 cũng cần tiêm insulin. Bác sĩ thường chỉ định tiêm đối với những trường hợp mà tuyến tụy không tự tạo ra đủ insulin. Nếu được chỉ định thì bạn cần tiêm insulin đúng theo chỉ dẫn. Ngoài ra còn có những loại thuốc kê đơn cũng được sử dụng để điều trị tiểu đường tuýp 2.

Các loại thuốc

Trong một số trường hợp, chỉ cần thay đổi lối sống là đủ để kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2 nhưng đa phần vẫn phải cần đến sự hỗ trợ của các loại thuốc như:

  • Metformin: có tác dụng làm giảm nồng độ đường trong máu và cải thiện phản ứng của cơ thể với insulin. Đây là phương pháp điều trị phổ biến của hầu hết những người mắc tiểu đường tuýp 2
  • Nhóm thuốc sulfonylureas: đây là nhóm thuốc uống giúp cơ thể tạo ra nhiều insulin hơn.
  • Nhóm thuốc meglitinide: đây là các loại thuốc tác dụng nhanh, hiệu quả trong thời gian ngắn có tác dụng kích thích tuyến tụy giải phóng nhiều insulin hơn.
  • Nhóm thiazolidinedione: có tác dụng làm cho cơ thể nhạy cảm hơn với insulin.
  • Thuốc ức chế DPP-4 (dipeptidyl peptidase-4): là những thuốc nhẹ hơn giúp giảm lượng đường trong máu.
  • Thuốc đồng vận GLP-1 (glucagon-like peptide-1): làm chậm quá trình tiêu hóa và cải thiện mức đường huyết.
  • Thuốc ức chế SGLT2 (natri-glucose cotransporter-2): ngăn thận tái hấp thu glucose vào máu và thải ra ngoài qua nước tiểu.

Mỗi loại thuốc này đều có đi kèm với một số tác dụng phụ tiềm ẩn và bạn có thể phải thử qua nhiều loại để tìm ra loại thuốc phù hợp nhất hoặc cũng có thể phải kết hợp nhiều loại thuốc với nhau để điều trị bệnh hiệu quả.

Nếu còn bị tăng huyết áp hoặc cholesterol cao thì sẽ phải dùng thêm các loại thuốc khác dành riêng cho những vấn đề này.

Còn nếu cơ thể bạn không tạo ra đủ insulin thì bác sĩ sẽ chỉ định tiêm insulin. Bạn có thể chỉ cần tiêm insulin tác dụng dài một lần vào ban đêm hoặc cần tiêm nhiều lần trong ngày.

Tìm hiểu thêm về các loại thuốc khác để kiểm soát bệnh tiểu đường

Cách ngăn ngừa tiểu đường tuýp 2

Không phải lúc nào cũng ngăn ngừa được hoàn toàn bệnh tiểu đường tuýp 2 vì có các yếu tố mà chúng ta không thể can thiệp được như di truyền, chủng tộc hay tuổi tác.

Tuy nhiên, một số điều chỉnh về thói quen sống hàng ngày có thể giúp trì hoãn hoặc thậm chí ngăn ngừa sự phát triển của bệnh.

Chế độ ăn

Bạn nên hạn chế tiêu thụ đường và carbohydrate tinh chế, đồng thời thay thế chúng bằng các loại ngũ cốc nguyên cám, nguồn carbohydrate lành mạnh và chất xơ có chỉ số glycemic (GI) thấp. Thịt nạc, thịt gia cầm và cá là những nguồn thực phẩm nhiều protein mà lại rất tốt cho người bệnh tiểu đường. Bạn cũng nên bổ sung thêm axit béo omega-3 từ một số loại cá, chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa. Khi mua các sản phẩm sữa thì nên chọn loại ít chất béo.

Ngoài quan tâm đến việc ăn những gì, ăn bao nhiêu cũng là điều rất quan trọng. Bạn nên tính toán cẩn thận khẩu phần ăn và cố gắng ăn các bữa vào cùng một thời điểm mỗi ngày.

Tập thể dục

Một trong các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 là thói quen sống ít vận động. Do đó, nên dành ra 30 phút tập thể dục mỗi ngày,điều này sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe. Ngoài ra, cố gắng đi lại, vận động càng nhiều càng tốt trong suốt cả ngày.

Kiểm soát cân nặng

Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 sẽ tăng cao khi bạn thừa cân. Chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh và tập thể dục mỗi ngày cũng là những cách giúp giảm và kiểm soát cân nặng. Nếu những thay đổi này vẫn không hiệu quả thì có thể tham khảo thêm các cách giảm cân an toàn.

Khám phá biện pháp ngăn ngừa tiểu đường tuýp 2 nhờ curcumin, vitamin D và cà phê

Chế độ ăn khi bị tiểu đường tuýp 2

Chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cho trái tim khỏe mạnh và kiểm soát lượng đường trong máu ở mức an toàn. Hơn nữa, việc theo một chế độ ăn lành mạnh cũng không hề phức tạp. Đã có hẳn khuyến nghị chung về chế độ ăn kiêng dành cho những người bị tiểu đường tuýp 2 mà bất cứ ai cũng có thể áp dụng theo. Chế độ ăn này gồm có những lưu ý chính sau:

  • Ăn các bữa chính và đồ ăn nhẹ vào các thời điểm cố định trong ngày
  • Chọn các loại thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng và ít calo
  • Không ăn quá nhiều
  • Đọc kỹ nhãn trên các loại thực phẩm chế biến sẵn

Các loại thực phẩm và đồ uống cần tránh

Có một số loại thực phẩm và đồ uống mà người bị tiểu đường nên hạn chế hoặc tránh hoàn toàn như:

  • Các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa
  • Nội tạng động vật
  • Thịt chế biến
  • Động vật có vỏ như tôm, cua, sò, ốc,…
  • Bơ thực vật
  • Các loại bánh nướng như bánh mì
  • Đồ ăn vặt chế biến sẵn
  • Đồ uống có đường
  • Các sản phẩm từ sữa chứa nhiều chất béo
  • Cơm trắng
  • Đồ ăn mặn và thực phẩm chiên

Đọc thêm: Danh sách các thực phẩm và đồ uống khác cần tránh xa khi bị tiểu đường

Các thực phẩm nên chọn

Bạn nên bổ sung nhiều chất xơ bằng các loại thực phẩm giàu carbohydrate lành mạnh như:

  • Các loại trái cây
  • Rau củ không chứa tinh bột
  • Các loại đậu, ví dụ như đậu trắng, đậu đen,…
  • Ngũ cốc nguyên cám như yến mạch hay bánh mì nâu
  • Khoai lang

cùng với các loại thực phẩm chứa nhiều axit béo omega-3:

  • Cá ngừ
  • Cá mòi
  • Cá hồi
  • Cá thu
  • Cá tuyết
  • Hạt lanh (flax seed)

Bên cạnh đó, nên chọn các nguồn thực phẩm có chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa như:

  • Dầu ô liu, dầu hạt cái và dầu đậu phộng
  • Các loại hạt, chẳng hạn như hạnh nhân, hạt hồ đào và hạt óc chó…
  • Quả bơ

Nhưng cũng cần lưu ý, mặc dù các loại chất béo này tốt cho cơ thể nhưng chúng cũng chứa hàm lượng calo cao. Vì thế, chỉ nên tiêu thụ ở mức vừa phải. Lựa chọn các sản phẩm sữa ít béo để hạn chế lượng chất béo.

Biến chứng của tiểu đường tuýp 2

Không phải ai cũng biết cách kiểm soát hiệu quả bệnh tiểu đường. Nếu không được điều trị và kiểm soát đúng cách, tiểu đường tuýp 2 có thể ảnh hưởng đến gần như tất cả các cơ quan trong cơ thể và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:

  • Các vấn đề về da, chẳng hạn như nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm
  • Tổn thương dây thần kinh hoặc biến chứng thần kinh, gây mất cảm giác hoặc tê bì và châm chích ở chân tay, cũng như là các vấn đề về tiêu hóa như nôn mửa, tiêu chảytáo bón.
  • Lưu thông máu kém đến bàn chân, khiến các vết thương ở chân khó lành lại khi bị đứt hoặc nhiễm trùng, dễ dẫn đến hoại thư và phải cắt cụt.
  • Mất khả năng nghe
  • Tổn thương võng mạc hay bệnh võng mạc và tổn thương mắt, dẫn đến suy giảm thị lực, tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể
  • Các bệnh tim mạch như cao huyết áp, hẹp động mạch, đau thắt ngực, nhồi máu cơ timđột quỵ

Hạ đường huyết

Hạ đường huyết là tình trạng có thể xảy ra khi lượng đường trong máu tụt xuống thấp. Các triệu chứng thường là run tay, chóng mặt và khó nói chuyện. Tình trạng này có thể được khắc phục bằng cách ăn hoặc uống đồ ngọt ví dụ như nước trái cây, nước đường hoặc kẹo.

Tăng đường huyết

Tăng đường huyết là tình trạng xảy ra khi lượng đường trong máu tăng cao với các dấu hiệu phổ biến là đi tiểu thường xuyên và khát nước liên tục. Tập luyện là một cách để hạ mức đường huyết.

Biến chứng trong và sau thai kỳ

Nếu bạn bị tiểu đường khi đang mang thai thì sẽ càng cần theo dõi chặt chẽ. Bệnh tiểu đường trong thai kỳ nếu không được kiểm soát có thể gây ra những vấn đề như:

  • Gây khó khăn cho cả thai kỳ cũng như là khi chuyển dạ và sinh nở
  • Gây hại đến các cơ quan đang phát triển của thai nhi
  • Khiến thai nhi tăng cân quá mức
  • Làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường của trẻ về sau này

Các biến chứng khác

Ở những phụ nữ mắc bệnh tiểu đường, nguy cơ tái phát nhồi máu cơ tim sau lần đầu tiên sẽ cao gấp đôi người bình thường và nguy cơ mắc bệnh suy tim cũng cao gấp 4 lần những người không bị tiểu đường. Nam giới bị bệnh tiểu đường còn có khả năng mắc chứng rối loạn cương dương (ED) cao gấp 3.5 lần người khỏe mạnh.

Tổn thương thận và suy thận cũng là những biến chứng có thể xảy ra ở cả phụ nữ và nam giới mắc tiểu đường.

Đọc thêm: Các bước để giảm nguy cơ tổn thương thận và các biến chứng tiểu đường khác

Tiểu đường tuýp 2 ở trẻ em

Tỉ lệ tiểu đường tuýp 2 ở trẻ em đang ngày càng gia tăng. Có nhiều lí do khác nhau dẫn đến điều này nhưng bệnh thường xảy ra ở những trẻ có một trong các yếu tố sau:

  • Thừa cân hoặc có chỉ số khối cơ thể trên mức bách phân vị thứ 85
  • Có cân nặng khi sinh từ 4kg trở lên
  • Mẹ bị tiểu đường khi đang mang thai
  • Có một thành viên ruột thịt trong gia đình bị tiểu đường tuýp 2
  • Ít vận động

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2 ở trẻ em cũng giống như ở người lớn, gồm có:

  • Cảm giác khát hoặc đói liên tục
  • Đi tiểu nhiều
  • Vết loét lâu lành
  • Thường xuyên nhiễm trùng
  • Mệt mỏi
  • Nhìn mờ
  • Có những vệt sạm trên da

Vào năm 2018, ADA khuyến nghị tất cả trẻ em thừa cân và có thêm các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cần được xét nghiệm tiền tiểu đường hoặc tiểu đường tuýp 2. Bệnh tiểu đường nếu không được điều trị thì có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong.

Phương pháp xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên sẽ cho biết nồng độ glucose trong máu có cao hay không còn phương pháp xét nghiệm HbA1C sẽ cho ra mức đường huyết trung bình trong một vài tháng gần nhất. Trẻ nhỏ cũng có thể cần làm xét nghiệm đường huyết lúc đói.

Sau khi trẻ được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thì bác sĩ sẽ xác định xem là tuýp 1 hay tuýp 2 rồi đưa ra phương án điều trị cụ thể.

Tiểu đường tuýp 2 và các con số

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO):

  • Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở người lớn trên toàn thế giới vào năm 2014 là 8,5%.
  • Trong khi vào năm 1980, chỉ có 4,7% người lớn trên toàn thế giới mắc bệnh này.
  • Bệnh tiểu đường là nguyên nhân trực tiếp gây ra khoảng 1,6 triệu ca tử vong trên toàn thế giới vào năm 2016.
  • Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ ở người lớn lên gần gấp ba lần.
  • Bệnh tiểu đường cũng là một nguyên nhân hàng đầu gây suy thận.

Hiện nay, bệnh tiểu đường đang ngày càng lan rộng, ảnh hưởng đến cuộc sống của gần nửa tỷ người trên toàn thế giới.

Kiểm soát tiểu đường tuýp 2

Khi mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, bạn sẽ cần đi khám thường xuyên để làm các xét nghiệm máu định kỳ nhằm xác định chỉ số đường huyết. Điều này sẽ giúp theo dõi mức độ hiệu quả của các phương pháp kiểm soát bệnh và của các loại thuốc mà bạn đang dùng (nếu có).

Vì bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch nên bác sĩ sẽ cần theo dõi cả huyết áp và nồng độ cholesterol trong máu.

Nếu bạn có các triệu chứng của bệnh tim thì sẽ cần thêm các phương pháp kiểm tra chẩn đoán bổ sung như đo điện tâm đồ hoặc điện tim gắng sức.

Dưới đây là một số cách để kiểm soát bệnh tiểu đường:

  • Duy trì chế độ ăn uống cân bằng gồm có các loại rau củ không chứa tinh bột, ngũ cốc nguyên cám, protein nạc và chất béo không bão hòa. Tránh chất béo, đường và carbohydrate không lành mạnh.
  • Cố gắng giảm và duy trì mức cân nặng khỏe mạnh.
  • Tập thể dục hàng ngày.
  • Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Sử dụng hệ thống theo dõi tại nhà để tự kiểm tra mức đường huyết giữa các lần đi khám. Bác sĩ sẽ cho bạn biết tần suất tự kiểm tra và phạm vi đường huyết cần duy trì.

Nếu được thì nên vận động mọi người trong nhà cùng làm theo chế độ ăn uống lành mạnh và tham gia các hoạt động thể chất. Như vậy, việc kiểm soát và sống chung với bệnh tiểu đương sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nhận biết các triệu chứng tiểu đường type 2
Nhận biết các triệu chứng tiểu đường type 2

Tiểu đường type 2 là một bệnh mãn tính có đặc trưng là lượng đường (glucose) trong máu cao hơn mức bình thường. Nhiều người mắc bệnh tiểu đường type 2 không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, căn bệnh này có nhiều triệu chứng phổ biến và việc nhận biết các triệu chứng này là rất quan trọng. Hầu hết các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 2 xảy ra khi lượng đường trong máu tăng cao bất thường.

Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh tiểu đường
Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh tiểu đường

Khi không được điều trị, các triệu chứng bệnh tiểu đường sẽ ngày càng nặng do lượng đường trong máu tăng cao kéo dài gây tổn hại đến các mô và cơ quan trong cơ thể. Vì bệnh tiểu đường thường không có dấu hiệu rõ rệt vào giai đoạn đầu nên nhiều người không để ý.

Đau chân và chuột rút do đái tháo đường: Nguyên nhân và cách điều trị
Đau chân và chuột rút do đái tháo đường: Nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh đái tháo đường có thể gây nên nhiều biến chứng khác nhau, một trong số đó là đau chân và chuột rút chân. Những biến chứng này thường xảy ra do tổn thương dây thần kinh hay còn được gọi là bệnh thần kinh đái tháo đường. Khi các dây thần kinh ở cánh tay hoặc chân bị ảnh hưởng thì tình trạng này được gọi là bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường. Đây có thể là hậu quả trực tiếp của tình trạng đường huyết cao trong thời gian dài.

Bệnh thận đái tháo đường: Triệu chứng và cách điều trị
Bệnh thận đái tháo đường: Triệu chứng và cách điều trị

Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh đái tháo đường type 2 có thể dẫn đến bệnh thận. Điều này xảy ra khi thận không còn lọc máu hiệu quả.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây