Các tác dụng của nhụy hoa nghệ tây (saffron) đối với làn da
Saffron là một loại gia vị có dạng sợi mảnh, màu đỏ và là nhụy của hoa nghệ tây (Crocus sativus).
Saffron có nguồn gốc từ Hy Lạp và ngày nay được trồng ở nhiều quốc gia trên thế giới như Iran, Tây Ban Nha và Trung Quốc. Trước đây, loại gia vị này được sử dụng để tạo màu sắc, hương vị cho các món ăn và cũng là một loại thảo dược để trị các bệnh như đau lưng, vết thương hở và mưng mủ.
Saffron hiện nay còn được dùng trong các sản phẩm chăm sóc da và là một thành phần vô cùng quý giá. Saffron được cho là có tác dụng làm giảm các vấn đề về da thông thường, ví dụ như viêm và mụn trứng cá.
Các tác dụng đã được khoa học chứng minh
Saffron có nhiều đặc tính có lợi cho da và đã được khoa học chứng minh.
Bảo vệ da khỏi tia UV
Tia cực tím (UV) là một trong những kẻ thù lớn nhất của làn da.
Tia UV thúc đẩy sự sản sinh các gốc tự do - nguyên nhân gây ra stress oxy hóa. Điều này gây tổn hại các tế bào da và làm tăng tốc độ lão hóa.
Một trong các hợp chất có trong saffron – crocin – có thể bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím. Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm vào năm 2018 đã cho thấy rằng crocin có đặc tính chống oxy hóa mạnh. (1) Chất chống oxy hóa là các phân tử làm giảm stress oxy hóa bằng cách trung hòa các gốc tự do.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng crocin có khả năng bảo vệ da chống lại tia UVA - tác nhân gây lão hóa da sớm.
Một nghiên cứu khác cho thấy crocin còn giúp ngăn ngừa tác hại của tia UVB – cũng là một nguyên nhân góp phần dẫn đến lão hóa da sớm. (2)
Giảm viêm
Phản ứng viêm trong cơ thể có thể do stress oxy hóa gây ra và là căn nguyên của nhiều bệnh tật, bao gồm cả các bệnh về da.
Đặc tính chống oxy hóa của crocin có thể giúp giảm phảm ứng viêm và stress oxy hóa. Cũng theo nghiên cứu vào năm 2018 nêu trên, crocin ức chế biểu hiện của các protein gây viêm khác nhau trong cơ thể.
Ngoài ra, một nghiên cứu trên động vật đã cho thấy crocin giúp cải thiện tình trạng viêm da cơ địa. (3)
Hỗ trợ chữa lành vết thương
Quá trình lành vết thương nếu diễn ra thuận lợi sẽ giảm được nguy cơ nhiễm trùng và thâm sẹo.
Trong một nghiên cứu trên động vật, một loại kem có chứa chiết xuất nhụy hoa nghệ tây đã cải thiện đáng kể quá trình lành vết thương ở chuột. (4) Cụ thể, loại kem này làm tăng tốc độ phát triển của các tế bào da và đây là điều cần thiết để đóng miệng vết thương. Các nhà nghiên cứu cho rằng tác dụng này là nhờ đặc tính chống oxy hóa và chống viêm của nhụy hoa nghệ tây.
Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm vào năm 2017 cũng cho thấy nhụy hoa nghệ tây kích thích sự phân chia của tế bào và thúc đẩy chữa lành vết thương.
Mặc dù cần phải nghiên cứu thêm trên cơ thể người nhưng những kết quả nghiên cứu này cho thấy tiềm năng của saffron trong việc hỗ trợ chữa lành vết thương.
Giảm tăng sắc tố
Tăng sắc tố da là tình trạng mà một vùng da trở nên sẫm màu hơn so với vùng da xung quanh. Nguyên nhân là do có quá nhiều sắc tố melanin trong da. Điều này thường xảy ra sau khi có vết thương hở, mụn trứng cá, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc thay đổi nội tiết tố.
Một nghiên cứu trên người vào năm 2013 đã phát hiện ra rằng các hợp chất hoạt tính trong saffron, ví dụ như crocin có thể làm giảm sắc tố melanin. (5) Các hợp chất này ức chế tyrosinase - một loại enzyme cần thiết cho sự sản xuất melanin.
Lợi ích của dầu saffron
Giống như saffron dạng sợi, dầu saffron cũng có nguồn gốc từ hoa nghệ tây. Đó là dầu được chiết xuất từ các vòi nhụy.
Dầu saffron cũng chứa crocin - hợp chất chống oxy hóa mang lại các lợi ích cho da. Do đó, sử dụng dầu saffron cũng có tác dụng cải thiện làn da.
Các tác dụng chưa được khoa học chứng minh
Ngoài các tác dụng nêu trên, saffron còn có các tác dụng khác cho da nhưng chưa được nghiên cứu khoa học chứng minh.
Dưỡng ẩm da
Có ý kiến cho rằng saffron có thể cấp nước và dưỡng ẩm cho da.
Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2010 đã khẳng định điều này là không đúng. Trong quá trình thử nghiệm, một loại kem dưỡng da chứa chiết xuất saffron đã được sử dụng cho một nhóm người trong khi một nhóm khác bôi kem dưỡng da không chứa saffron. (6)
Các nhà nghiên cứu không tìm thấy bất kỳ sự khác biệt nào về độ ẩm da giữa hai nhóm. Điều này có nghĩa là saffron không có tác dụng cấp nước hay dưỡng ẩm da.
Trị mụn trứng cá
Về lý thuyết, đặc tính chống viêm và thúc đẩy lành vết thương của saffron có thể giúp trị mụn trứng cá.
Tuy nhiên, không có nghiên cứu nào chứng minh lợi ích này. Một nghiên cứu vào năm 2016 cho thấy saffron có đặc tính kháng khuẩn nhưng chỉ tác động đến các loại vi khuẩn trong thực phẩm chứ không phải vi khuẩn gây mụn. (7)
Cần nghiên cứu thêm để xác định xem saffron có tác dụng đối với mụn trứng cá hay không.
Các cách dưỡng da bằng saffron
Có rất nhiều cách sử dụng nhụy hoa nghệ tây để chăm sóc da.
Lưu ý, mặc dù là một thành phần an toàn nhưng nhụy hoa nghệ tây có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người. Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào nghi là dị ứng, chẳng hạn như mẩn đỏ hoặc ngứa sau khi sử dụng saffron lên da thì hãy dừng ngay.
Mặt nạ saffron
Một cách để làm dịu da là đắp mặt nạ saffron. Nghiền 3 sợi saffron và trộn với 1 muỗng canh mật ong, sau đó đắp hỗn hợp này lên da và rửa sạch sau 10 phút.
Gel saffron
Tác dụng làm mát của gel saffron giúp làm dịu phản ứng viêm. Nghiền nát 4 - 5 sợi saffron, trộn với 2 muỗng canh gel lô hội và nước hoa hồng, thoa lên da và xoa đều cho đến khi thẩm thấu hết.
Toner saffron
Nước cây phỉ (witch hazel) và nước hoa hồng là những loại toner rất tốt cho da. Nhưng có thể thêm saffron để tăng thêm hiệu quả.
Đổ một ít toner vào bình xịt, thêm 3 đến 4 sợi saffron và ngâm trong 1 đến 2 ngày. Xịt toner lên da hoặc lau nhẹ bằng bông.
Dầu saffron
Có thể thêm dầu saffron vào một loại dầu nền để dưỡng ẩm da. Trước tiên chọn một loại dầu nền phù hợp với loại da, ví dụ như dầu hạnh nhân hoặc dầu hạt nho rồi thêm dầu saffron với tỷ lệ 3 – 5 giọt dầu saffron với khoảng 20ml dầu nền và dùng tay sạch thoa dầu trực tiếp lên da.
Tác dụng phụ
Saffron nhìn chung là an toàn cho da. Đa số mọi người đều không gặp phải tác dụng phụ khi sử dụng.
Tuy nhiên, giống như tất cả các loại thực vật khác, saffron có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người. Một nghiên cứu cho thấy những người sản xuất saffron ở Ấn Độ đã mắc bệnh viêm da tiếp xúc.
Một nghiên cứu vào năm 2007 cũng cho thấy phấn hoa nghệ tây có thể gây ra các phản ứng dị ứng ảnh hưởng đến da hoặc hô hấp.
Các dấu hiệu dị ứng thường gặp gồm có:
- Hắt hơi
- Chảy mũi
- Ngứa, đỏ mắt
- Khô da
- Da mẩn đỏ và sưng tấy
- Ngứa ngáy hoặc rát da
Trước khi dùng saffron trên da mặt thì nên thử một ít lên vùng da bên trong cẳng tay và theo dõi trong vòng vài tiếng. Nếu không có vấn đề gì thì mới dùng cho mặt và bôi lên vùng da rộng.
Phụ nữ mang thai không nên sử dụng saffron dưới bất kỳ hình thức nào. Theo một nghiên cứu, saffron có thể gây co thắt tử cung và làm tăng nguy cơ sảy thai. (8)
Tóm tắt bài viết
Nhụy hoa nghệ tây (saffron) mang lại nhiều lợi ích cho làn da. Các hợp chất hoạt tính trong saffron có tác dụng giảm viêm, giảm tăng sắc tố và bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím trong ánh nắng - một nguyên nhân phổ biến gây lão hóa da sớm.
Tuy nhiên, cần thận trọng khi mới sử dụng saffron lên da vì saffron có thể gây dị ứng và phụ nữ mang thai không nên dùng saffron.
Có thể sử dụng saffron làm mặt nạ, toner và dầu dưỡng da. Ngoài ra, có thể mua các sản phẩm chăm sóc da chứa chiết xuất saffron.
Mặc dù cà phê có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ tiểu đường cho những người chưa mắc nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng thức uống này có thể gây nguy hiểm cho những người đã bị bệnh tiểu đường tuýp 2.
Cà phê chứa nhiều caffeine – một chất có thể làm cho cơ ruột và đại tràng hoạt động nhiều hơn. Điều này giúp đẩy chất thải xuống trực tràng nhanh hơn.
Nhiều người bị bệnh vảy nến phải sử dụng kết hợp các loại thuốc khác nhau để điều trị nhưng ở một số người, chỉ cần bổ sung vitamin D là các triệu chứng bệnh đã có sự cải thiện đáng kể.
Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh được biết đến với công dụng chống lại các gốc tự do gây hại cho tế bào da và có thể giúp trị mụn trứng cá.
Có nhiều cách được cho là có thể giúp làm giảm triệu chứng và giảm nguy cơ xảy ra biến chứng khi mắc bệnh này, một trong số đó là bổ sung vitamin C.