1

Tại sao cà phê có tác dụng nhuận tràng?

Cà phê chứa nhiều caffeine – một chất có thể làm cho cơ ruột và đại tràng hoạt động nhiều hơn. Điều này giúp đẩy chất thải xuống trực tràng nhanh hơn.
Tại sao cà phê có tác dụng nhuận tràng? Tại sao cà phê có tác dụng nhuận tràng?

Cà phê được nhiều người ưa chuộng không chỉ vì tác dụng giảm buồn ngủ, mệt mỏi và khôi phục trạng thái tràn đầy năng lượng mà còn nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa cùng với các hợp chất có lợi khác.

Một số nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng cà phê còn có tác dụng nhuận tràng.

Trong một cuộc khảo sát, gần 30% người tham gia cho biết họ buồn đi ngoài vòng 20 phút sau khi uống cà phê. (1)

Bài viết dưới đây sẽ giải thích lý do dẫn đến hiện tượng này.

Caffeine kích thích đại tràng

Cà phê là một trong những nguồn chứa nhiều caffeine nhất. Caffeine là một chất kích thích tự nhiên giúp đầu óc tỉnh táo.

Một cốc cà phê (240 ml) chứa khoảng 95 mg caffeine.

Caffeine giúp cơ thể cảm thấy khỏe khắn, bớt buồn ngủ, mệt mỏi nhưng ngoài ra còn có thể kích thích cảm giác buồn đi ngoài. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất này có thể kích hoạt các cơn co thắt trong đại tràng và cơ ruột. (2)

Các cơn co thắt trong đại tràng đẩy chất thải về phía trực tràng - phần cuối cùng của đường tiêu hóa.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng caffeine làm cho đại tràng hoạt động nhiều hơn 60% so với nước và nhiều hơn 23% so với cà phê khử caffeine – loại cà phê chỉ còn chứa một lượng caffeine rất nhỏ.

Tuy nhiên, các nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng cà phê khử caffeine cũng có thể dẫn đến cảm giác buồn đi ngoài giống như cà phê thông thường. Điều này có nghĩa là các hợp chất khác trong cà phê cũng kích thích đại tràng chứ không chỉ có caffeine.

Tóm tắt: Cà phê chứa nhiều caffeine – một chất có thể làm cho cơ ruột và đại tràng hoạt động nhiều hơn. Điều này giúp đẩy chất thải xuống trực tràng nhanh hơn.

Cà phê khử caffeine cũng có tác dụng nhuận tràng

Trước đây cà phê được cho là có tác dụng nhuận tràng nhờ chứa caffeine.

Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cà phê khử caffeine cũng có tác dụng này. Như vậy là các chất khác trong cà phê cũng có tác động đến đường tiêu hóa.

Hai trong số những chất này là axit chlorogenic và N-alkanoyl-5-hydroxytryptamide.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hai chất này có thể kích thích sự sản xuất axit dạ dày. Axit dạ dày giúp phân hủy thức ăn và giúp thức ăn di chuyển qua ruột một cách nhanh chóng. (3)

Ngoài ra còn có yếu tố khác cũng có thể khiến chúng ta có cảm giác buồn đại tiện sau khi uống cà phê.

Ví dụ, việc uống cà phê có thể làm cho đại tràng hoạt động nhiều hơn. Đây được gọi là phản xạ dạ dày - đại tràng và điều tương tự cũng xảy ra sau bữa ăn.

Mặc dù cà phê không phải đồ ăn nhưng cũng có thể tác động đến ruột.

Tuy nhiên, việc buồn đi ngoài sau khi uống cà phê cũng có thể chỉ là sự trùng hợp.

Lý do là bởi sau khi chúng ta mới thức dậy, ruột hoạt động nhiều gấp đôi so với khi ngủ và điều này khiến cho chất thải được đẩy xuống trực tràng nhanh hơn.

Đồng hồ sinh học, hay còn được gọi là nhịp sinh học điều chỉnh nhiều quá trình trong cơ thể, bao gồm cả nhu động ruột.

Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định chính xác mức độ tác động của những yếu tố này đến đại tràng.

Tóm tắt: Các hợp chất khác trong cà phê, chẳng hạn như axit chlorogenic và N-alkanoyl-5-hydroxytryptamide, có thể kích thích nhu động ruột. Ngoài ra còn có các yếu tố khác cũng có tác động tương tự, gồm có phản xạ dạ dày – đại tràng và nhịp sinh học.

Cà phê thúc đẩy sự sản sinh hormone

Cà phê cũng đã được chứng minh là có khả năng kích thích sự sản sinh các hormone giúp đẩy thức ăn qua đường ruột.

Ví dụ, cà phê có thể làm tăng nồng độ hormone gastrin. Giống như caffeine, gastrin cũng làm cho đại tràng hoạt động nhiều hơn.

Một nghiên cứu cho thấy rằng uống cà phê thông thường hoặc cà phê khử caffeine sẽ làm tăng nồng độ gastrin lên lần lượt là 2.3 và 1.7 lần so với khi uống nước. (4)

Hơn nữa, cà phê còn có thể làm tăng nồng độ hormone tiêu hóa cholecystokinin (CCK).

Hormone này không chỉ thúc đẩy sự di chuyển của thức ăn qua đường ruột mà còn có thể kích hoạt phản xạ dạ dày – đại tràng, làm cho đại tràng hoạt động nhiều hơn.

Tóm tắt: Cà phê có thể làm tăng nồng độ gastrin và cholecystokinin – đây là hai hormone có thể làm tăng hoạt động của đại tràng.

Sữa và kem có thể kích thích nhu động ruột

Nhiều người có sở thích uống cà phê pha thêm sữa, kem, đường hoặc các thành phần khác.

Sữa và kem có chứa đường lactose và có thể kích thích nhu động ruột. Theo thống kê, gần 65% dân số thế giới không thể tiêu hóa lactose một cách bình thường. Tình trạng này được gọi là không dung nạp lactose.

Những người không dung nạp lactose sẽ gặp phải các triệu chứng như đầy hơi, đau bụng, co thắt dạ dày hoặc tiêu chảy ngay sau khi tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa.

Ở những người này, các sản phẩm chứa lactose, ví dụ như cà phê sữa có thể gây nên cảm giác buồn đi ngoài sau khi uống.

Tóm tắt: Cà phê có chứa sữa hoặc kem có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa ở những người không dung nạp lactose. Điều này có thể làm tăng nhu động ruột và dẫn đến cảm giác buồn đi ngoài.

Có phải lúc nào cà phê cũng có tác dụng nhuận tràng không?

Theo một nghiên cứu, 29% người tham gia cho biết họ cảm thấy muốn đi ngoài trong vòng 20 phút sau khi uống cà phê. 53% phụ nữ trong nghiên cứu gặp hiện tượng này. (1)

Phụ nữ có thể dễ bị ảnh hưởng bởi tác dụng nhuận tràng của cà phê hơn vì các vấn đề tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn so với nam giới. (6)

Mặc dù cảm giác buồn đi ngoài sau khi uống cà phê là điều rất phổ biến nhưng không phải ai cũng gặp phải.

Ngoài ra cũng chưa rõ liệu hiện tượng này có giảm đi nếu uống cà phê thường xuyên hay không.

Những người bị hội chứng ruột kích thích và người lớn tuổi sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi tác dụng nhuận tràng của cà phê hơn do đường ruột nhạy cảm hơn với các chất trong cà phê.

Những người không dung nạp lactose sẽ gặp hiện tượng này nếu như thêm sữa, kem hoặc các sản phẩm từ sữa khác vào cà phê.

Tóm tắt: Mặc dù không phải ai cũng buồn đi ngoài sau khi uống cà phê nhưng đây là một hiện tượng khá phổ biến. Những người có vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích và những người không dung nạp lactose sẽ dễ gặp phải hiện tượng này hơn.

Tóm tắt bài viết

Cà phê chứa nhiều hợp chất có thể kích thích nhu động ruột, gồm có caffeine, axit chlorogenic và N-alkanoyl-5-hydroxytryptamide.

Việc thêm sữa hoặc kem vào cà phê có thể làm tăng tác động này, đặc biệt là ở những người không dung nạp lactose.

Đây là một hiện tượng bình thường và không phải vấn đề đáng lo ngại. Tác dụng nhuận tràng của cà phê thậm chí còn có lợi cho những người đang bị táo bón.

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: tại sao, tác dụng, cà phê
Tin liên quan
Hiểu về tình trạng dị ứng sữa chua
Hiểu về tình trạng dị ứng sữa chua

Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua về dị ứng đậu phộng hay dị ứng hải sản nhưng bạn đã bao giờ nghe nói đến dị ứng sữa chua chưa?

Các tác dụng của nhụy hoa nghệ tây (saffron) đối với làn da
Các tác dụng của nhụy hoa nghệ tây (saffron) đối với làn da

Saffron đã được khoa học chứng minh là có nhiều đặc tính có lợi cho da.

Lợi ích của vitamin D đối với tình trạng đau nhức xương khớp
Lợi ích của vitamin D đối với tình trạng đau nhức xương khớp

Vì vitamin D quan trọng đối với sự phát triển của xương nên nhiều nghiên cứu đã tìm hiểu về lợi ích của việc bổ sung vitamin D đối với tình trạng đau nhức xương khớp.

Công dụng của vitamin D đối với bệnh vảy nến
Công dụng của vitamin D đối với bệnh vảy nến

Nhiều người bị bệnh vảy nến phải sử dụng kết hợp các loại thuốc khác nhau để điều trị nhưng ở một số người, chỉ cần bổ sung vitamin D là các triệu chứng bệnh đã có sự cải thiện đáng kể.

Vitamin C có tác dụng trị mụn trứng cá không?
Vitamin C có tác dụng trị mụn trứng cá không?

Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh được biết đến với công dụng chống lại các gốc tự do gây hại cho tế bào da và có thể giúp trị mụn trứng cá.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây