Lợi ích của vitamin D đối với tình trạng đau nhức xương khớp
Vai trò của vitamin D
Vitamin D là một loại vitamin đặc biệt, được tổng hợp trong da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Giống như nhiều chất dinh dưỡng khác, vitamin D cũng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe.
Vitamin D là một hợp chất tự nhiên điều chỉnh quá trình sử dụng canxi và phốt pho của cơ thể. Vitamin này rất cần thiết đối với sự hình thành cấu trúc xương và răng.
Vì vitamin D quan trọng đối với sự phát triển của xương nên nhiều nghiên cứu đã tìm hiểu về lợi ích của việc bổ sung vitamin D đối với tình trạng đau nhức xương khớp.
Kết quả nghiên cứu
Một nghiên cứu đã cho thấy rằng việc bổ sung vitamin D sẽ có lợi cho những bệnh nhân bị đau khớp mãn tính và thiếu hụt vitamin D. (1) Tuy nhiên, cần thêm thông tin để xác nhận liệu bổ sung vitamin D có giúp ích cho những người bị đau khớp nhưng không thiếu hụt vitamin D hay không.
Theo một nghiên cứu khác, những người trên 50 tuổi bị thiếu hụt vitamin D có nguy cơ bị đau khớp háng và khớp gối cao hơn. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng tình trạng đau nhức sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu sự thiếu hụt vitamin D không được khắc phục. (2)
Một nghiên cứu đã kiểm tra nồng độ vitamin D ở những người bị viêm khớp dạng thấp (RA) – một bệnh tự miễn do cơ thể tấn công chính các khớp xương. Kết quả cho thấy hầu hết những người tham gia đều có nồng độ vitamin D ở mức thấp. (3)
Các nhà nghiên cứu đi đến kết luận mức vitamin D thấp là một biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Một số nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng những người bị viêm khớp dạng thấp có nồng độ vitamin D thấp là do các loại thuốc corticoid.
Tuy nhiên, một nghiên cứu được thực hiện ở những phụ nữ mãn kinh (nhóm đối tượng thường hay bị đau nhức xương khớp) đã cho thấy rằng việc bổ sung vitamin D3 và canxi hàng ngày không giúp cải thiện tình trạng đau khớp. (4)
Lợi ích của vitamin D đối với xương khớp
Lợi ích lớn nhất của vitamin D là giúp củng cố cấu trúc xương và răng. Trẻ nhỏ thiếu hụt vitamin D có nguy cơ cao bị còi xương.
Ở người lớn, vitamin D giúp ngăn ngừa chứng nhuyễn xương (xương mềm) và loãng xương (giảm mật độ xương). Những người bị thiếu hụt vitamin D còn có nguy cơ cao bị nhiễm trùng và kháng insulin. Một số nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa sự thiếu hụt vitamin D và bệnh mạch vành. Tuy nhiên, cần thêm nghiên cứu để xác nhận điều này.
Ngăn ngừa thiếu hụt vitamin D
Theo khuyến nghị, lượng vitamin D mà hầu hết mọi người nên bổ sung là 600 IU mỗi ngày và có thể lên đến 4.000 IU. Trẻ sơ sinh đến 1 tuổi chỉ cần 400 IU trong khi người trên 70 tuổi cần 800 IU. Thông thường, chỉ cần tiếp xúc đủ với ánh nắng mặt trời và chế độ ăn uống có các loại thực phẩm giàu vitamin D là có thể đáp ứng được nhu cầu của cơ thể.
Thực phẩm giàu vitamin D
Dưới đây là danh sách một số loại thực phẩm chứa nhiều vitamin D nhất.
Thực phẩm | Lượng vitamin D trong mỗi khẩu phần (IU) |
Cá hồi vân, 85 gram | 645 |
Cá hồi đỏ, 85 gram | 570 |
Nấm trắng, nửa chén | 366 |
Sữa, 2% chất béo, có bổ sung vitamin D, 1 cốc | 120 |
Cá mòi ngâm dầu, 2 con | 46 |
1 quả trứng cỡ lớn | 44 |
Gan bò, 85 gram | 42 |
Cá ngừ đóng hộp, 85 gram | 40 |
Ánh nắng mặt trời
Ngoài chế độ ăn, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng là một nguồn cung cấp vitamin D tự nhiên. Tia cực tím (UV) trong ánh nắng kích hoạt quá trình chuyển đổi cholesterol trong da thành vitamin D. Lượng vitamin D được tổng hợp từ ánh nắng tùy thuộc vào một số yếu tố như tuổi tác, màu da, thời điểm trong ngày, vị trí địa lý,… Ví dụ, những người có da tối màu sẽ cần tiếp xúc với ánh nắng nhiều hơn để tạo ra đủ vitamin D vì da tối màu có nhiều melanin – một sắc tố ngăn cản qua trình tổng hợp vitamin D.
Ở những nơi có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, người lớn nên tắm nắng từ 2 – 3 lần một tuần, mỗi lần 10 – 15 phút để cung cấp vitamin D cho cơ thể. Thời gian lý tưởng để tắm nắng là từ 9 – 10 giờ sáng hoặc 3 – 4 giờ chiều.
Nên để lộ da mặt, cánh tay, chân hoặc lưng và không dùng kem chống nắng. Kem chống nắng có chỉ số SPF từ 8 trở lên sẽ ngăn cản tia UV kích hoạt quá trình tổng hợp vitamin D trong da.
Những người có nguy cơ thiếu hụt vitamin D, ví dụ như người cao tuổi, người sống ở nơi ít nắng, người ít ra ngoài, chế độ ăn không đủ chất dinh dưỡng,… nên dùng viên uống bổ sung vitamin D. Tuy nhiên, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống bổ sung.
Điều gì xảy ra nếu bổ sung quá nhiều vitamin D?
Nếu chỉ bổ sung vitamin D qua chế độ ăn hay ánh nắng mặt trời thì sẽ rất khó xảy ra tình trạng dư thừa. Điều này đa phần chỉ xảy ra khi dùng viên uống bổ sung. Sử dụng quá liều các sản phẩm này trong thời gian dài có thể dẫn đến ngộ độc vitamin D.
Bổ sung 40.000 IU vitamin D trở lên mỗi ngày trong vài tháng liên tục có thể gây ngộ độc. Lượng vitamin D này lớn hơn gấp 10 lần so với mức giới hạn tối đa (4.000 IU) và gấp hơn 60 lần mức tiêu thụ khuyến nghị (600 IU). Những người đang mắc một số vấn đề sức khỏe nhất định sẽ cần ít vitamin D hơn bình thường và dễ bị dư thừa hơn.
Cơ thể có khả năng điều chỉnh lượng vitamin D từ ánh nắng mặt trời và thực phẩm nên việc bị dư thừa hay ngộ độc vitamin D từ những nguồn này là điều gần như không thể xảy ra. Khi phơi nắng trong thời gian dài thì lượng vitamin D thừa được tạo ra sẽ bị đào thải. Thậm chí, tiếp xúc với nắng quá lâu còn gây cản trở quá trình tổng hợp vitamin D của cơ thể.
Vấn đề lớn nhất khi tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời là nguy cơ ung thư da. Do đó, nếu phải ở ngoài trời nắng quá 10 – 15 phút hoặc trời nắng gắt thì cần bôi kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 15 và bôi lại 2 tiếng một lần.
Ngộ độc vitamin D có thể dẫn đến sự tích tụ canxi trong máu. Tình trạng này được gọi là tăng canxi huyết với các triệu chứng như:
- Chán ăn
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Mệt mỏi
- Đi tiểu nhiều
- Vấn đề về thận
Phương pháp điều trị chính là giảm hoặc ngừng bổ sung vitamin D. Trong những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh cần truyền dịch tĩnh mạch hoặc phải sử dụng thuốc.
Tóm tắt bài viết
Những người có nồng độ vitamin D thấp sẽ có nguy cơ đau nhức xương khớp cao hơn. Bổ sung vitamin D có thể giúp giảm tình trạng đau nhức ở những người bị thiếu hụt vitamin D. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để xác nhận lợi ích này ở những người có mức vitamin D bình thường.
Sự thiếu hụt vitamin D và canxi sẽ khiến cho xương giòn và dễ gãy – tình trạng này được gọi là còi xương ở trẻ em và loãng xương ở người lớn.
Vấn đề phổ biến nhất có thể xảy ra khi bị thiếu hụt vitamin D là loãng xương. Loãng xương làm tăng nguy cơ gãy xương, đau xương và mất thính giác.
Bổ sung đủ vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác có thể giúp làm giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp và giảm nguy cơ biến chứng.
Một nghiên cứu cho thấy rằng chế độ ăn uống nhiều vitamin C có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể.
Mới đây, một nhóm nghiên cứu đã có những phát hiện mới về vitamin D và mối liên hệ với bệnh viêm khớp dạng thấp.