Vitamin D có thật sự điều trị được bệnh viêm khớp?
Thiếu hụt vitamin D và viêm khớp
Vitamin D có nhiều chức năng trong cơ thể và một trong những chức năng quan trọng nhất là giúp hấp thụ canxi. Do đó, đây là một chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe của xương. Vitamin D còn cần thiết cho chuyển động của cơ, sự truyền tín hiệu giữa các dây thần kinh và chức năng miễn dịch. Theo Tổ chức Viêm khớp (Arthritis Foundation), những người uống steroid có nguy cơ bị thiếu hụt vitamin D cao gấp đôi so với những người không dùng steroid. (1) Steroid đường uống là một phương pháp điều trị phổ biến cho những người bị bệnh viêm khớp.
Một nghiên cứu khác cho thấy tình trạng thiếu hụt vitamin D xảy ra phổ biến hơn ở những người bị viêm khớp dạng thấp và đó có thể là nguyên nhân góp phần gây ra các cơn đau nhức cơ xương.
Thiếu hụt vitamin D còn gây ra các vấn đề khác như:
- Làm suy giảm hệ miễn dịch
- Giảm nồng độ canxi và phốt pho
- Tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ
Nhưng vấn đề phổ biến nhất có thể xảy ra khi bị thiếu hụt vitamin D là loãng xương. Loãng xương làm tăng nguy cơ gãy xương, đau xương và mất thính giác.
Vai trò của vitamin D đối với sức khỏe xương
Thiếu hụt vitamin D có thể dẫn đến loãng xương. Việc dùng prednisone liều cao (một loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp) cũng làm tăng nguy cơ loãng xương. Loãng xương là tình trạng mật độ xương giảm và xương trở nên giòn, yếu, làm tăng nguy cơ gãy xương khi bị té ngã hoặc va chạm với đồ vật. Nếu bị viêm khớp thì nên đi khám để kiểm tra tình trạng xương. Loãng xương thường xảy ra âm thầm mà không có triệu chứng nên cần phải đo mật độ xương để chẩn đoán.
Phải làm gì khi bị viêm khớp và thiếu hụt vitamin D?
Bổ sung đủ vitamin D
Điều quan trọng là phải bổ sung đủ canxi và vitamin D để xương chắc khỏe. Đây là bước đầu tiên để phòng ngừa hoặc điều trị bệnh loãng xương. Canxi là khoáng chất cần thiết cho sức khỏe xương, trong khi vitamin D có chức năng giúp cơ thể hấp thụ canxi và đồng thời cũng bảo vệ xương. Nguồn cung cấp canxi và vitamin D chính cho cơ thể là chế độ ăn uống. Canxi có trong các loại thực phẩm như rau lá xanh đậm, các sản phẩm từ sữa (sữa tươi, phô mai, sữa chua…). Vitamin D có trong các loại cá béo như cá hồi, cá trích và cá ngừ, dầu gan cá tuyết, lòng đỏ trứng, gan,…
Ngoài các loại thực phẩm tự nhiên nêu trên, các sản phẩm được bổ sung vitamin D và canxi cũng là nguồn cung cấp hai chất này trong chế độ ăn uống, ví dụ như các sản phẩm từ sữa, sữa hạt, ngũ cốc ăn sáng, nước ép đóng chai,... Khi đi mua hãy đọc bảng giá trị dinh dưỡng để biết hàm lượng canxi và vitamin D có trong sản phẩm.
Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp cải thiện các triệu chứng loãng xương và viêm khớp. Ngoài ra, khi tập thể dục ngoài trời, cơ thể sẽ tiếp xúc nhiều hơn với ánh nắng và tổng hợp nhiều vitamin D hơn. Cho dù việc bổ sung vitamin D không có tác dụng trực tiếp làm giảm viêm khớp thì cũng vẫn sẽ có lợi cho hoạt động của các nhóm cơ trong cơ thể. Cơ khỏe mạnh xung quanh các khớp sẽ giúp phần nào làm giảm các cơn đau nhức do viêm khớp. Lý do là bởi các cơ khỏe hơn sẽ giảm bớt áp lực lên phần sụn đã bị tổn hại trong khớp, đồng thời hỗ trợ cấu trúc xương.
Tuy nhiên, những người bị viêm khớp nên lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng, không gây áp lực nhiều lên các khớp xương. Tránh một số động tác yoga và nâng tạ.
Bổ sung vitamin D có hiệu quả đối với bệnh viêm khớp không?
Về lý thuyết, vitamin D sẽ có ích trong việc ngăn ngừa, làm chậm sự tiến triển hoặc cải thiện tình trạng viêm khớp. Tuy nhiên, mới chỉ có rất ít bằng chứng nghiên cứu chứng minh uống bổ sung vitamin D có thể làm giảm hoặc ngăn ngừa các triệu chứng viêm khớp. Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (Journal of the American Medical Association) đã đánh giá tác dụng việc uống bổ sung vitamin D đối với bệnh viêm khớp. Kết quả là những người uống vitamin D trong vòng 2 năm đều không cải thiện tình trạng đau nhức khớp gối. (2)
Một nghiên cứu khác lại cho thấy rằng vitamin D có thể giúp bảo tồn sụn khớp gối. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người lớn tuổi tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời và có nồng độ vitamin D trong máu cao ít bị tổn hại sụn khớp gối hơn so với những người bị thiếu hụt vitamin D. (3)
Tác hại khi bổ sung quá nhiều vitamin D
Uống bổ sung quá nhiều vitamin D có thể dẫn đến ngộ độc. Ngộ độc vitamin D (hypervitaminosis D) có thể dẫn đến tăng canxi huyết với các triệu chứng như:
- Chán ăn
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Mệt mỏi
- Đi tiểu nhiều
- Vấn đề về thận
Ngoài ra, phơi nắng quá nhiều sẽ gây tổn thương da. Để cung cấp vitamin D cho cơ thể thì chỉ nên tắm nắng từ 2 – 3 lần/tuần, mỗi lần 10 – 15 phút vào những khung giờ nắng không quá gắt. Không tắm nắng sau 10 giờ sáng và trước 3 giờ chiều. Nếu đi lâu ngoài trời thì luôn phải bôi kem chống nắng có chỉ số SPF từ 15 trở lên và mặc quần áo dài che chắn cho da để tránh bị cháy nắng và ung thư da.
Nếu có những dấu hiệu thiếu hụt vitamin D thì nên làm xét nghiệm máu kiểm tra trước khi uống bổ sung và tuân thủ đúng theo liều lượng mà bác sĩ chỉ định.
Tóm tắt bài viết
Loãng xương là vấn đề chính liên quan đến viêm khớp và thiếu hụt vitamin D. Những người bị viêm khớp và uống steroid sẽ có nguy cơ bị loãng xương do thiếu hụt vitamin D cao hơn. Nhưng bổ sung đủ canxi và vitamin D có thể giúp ngăn ngừa hoặc điều trị vấn đề.
Tập thể dục và duy trì lối sống tích cực vận động cũng rất cần thiết để kiểm soát cả bệnh loãng xương và viêm khớp. Tuy nhiên, nên tránh các bài tập gây áp lực lên khớp xương như nâng tạ.
Mặc dù chưa có bằng chứng nào cho thấy rằng tăng lượng vitamin sẽ chữa khỏi bệnh vảy nến nhưng một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc bổ sung vitamin kết hợp với các phương pháp điều trị khác có thể làm giảm triệu chứng bệnh.
Vitamin C có thể làm giảm nồng độ axit uric trong máu nên sẽ giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh gút và giảm các cơn gút cấp. Vậy nhờ đâu mà vitamin C lại có tác dụng này? Và tại sao giảm nồng độ axit uric là giúp ích cho người mắc bệnh gút?
Có một số bằng chứng cho thấy vitamin C, hay còn được gọi là axit ascorbic, có thể giúp điều trị một số loại dị ứng.
Các dấu hiệu của bệnh scorbut thường bắt đầu xuất hiện sau ít nhất 4 tuần liên tục bị thiếu vitamin C nghiêm trọng. Tuy nhiên cũng có thể phải sau 3 tháng hoặc lâu hơn thì các triệu chứng mới biểu hiện rõ.
Bệnh thần kinh do tiểu đường cũng gây ra các triệu chứng giống như bệnh thần kinh ngoại biên do thiếu vitamin B12 (tê bì, yếu cơ, đau đớn và dị cảm ở cánh tay, bàn tay, chân và bàn chân).
- 0 trả lời
- 86 lượt xem