Cần bổ sung những loại vitamin nào để điều trị bệnh vảy nến?
Bệnh vảy nến là gì?
Bệnh vảy nến là một bệnh da liễu có triệu chứng là những mảng da khô ráp và bong tróc, gây đau đớn. Triệu chứng bệnh vảy nến bùng phát theo từng đợt khi có các tác nhân kích hoạt như nhiễm trùng, tổn thương da, thời tiết, căng thẳng... Nguyên nhân gây bệnh này là do các tế bào da mới được tạo ra quá nhanh trong khi các tế bào da cũ chưa kịp bong ra, khiến cho các tế bào chồng lên nhau và tạo thành các mảng dày cứng.
Mặc dù hiện chưa có cách chữa trị khỏi bệnh vảy nến nhưng có nhiều phương pháp kiểm soát và điều trị triệu chứng, giảm tần suất bùng phát, chẳng hạn như các loại thuốc bôi, liệu pháp ánh sáng, thuốc uống hoặc tiêm.
Vì bệnh vảy nến là một bệnh tự miễn nên người bệnh cần phải giữ sức khỏe tốt để hạn chế các tác nhân kích hoạt phản ứng viêm – nguyên nhân gây ra triệu chứng. Bổ sung đủ và đa dạng các loại vitamin trong chế độ ăn uống là một điều rất cần thiết để cải thiện sức khỏe.
Mặc dù chưa có bằng chứng nào cho thấy rằng tăng lượng vitamin sẽ chữa khỏi bệnh vảy nến nhưng một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc bổ sung vitamin kết hợp với các phương pháp điều trị khác có thể làm giảm triệu chứng bệnh.
Các vitamin có lợi cho bệnh vảy nến
Tình trạng sức khỏe tổng thể có tác động rất lớn đến mức độ nghiêm trọng của các bệnh lý đang mắc phải. Một chế độ ăn uống nhiều loại vitamin là cách đơn giản để có nền tảng sức khỏe vững chắc chống lại bệnh vảy nến. Hơn nữa, có rất nhiều loại vitamin và chất dinh dưỡng hỗ trợ cho nhau để mang lại lợi ích tối đa.
Trước tiên cần hiểu về tình trạng vitamin của mình bằng cách làm xét nghiệm máu và sau đó dựa trên kết quả xét nghiệm để biết mình cần phải bổ sung loại vitamin nào. Dưới đây là các vitamin rất có lợi cho người bị bệnh vảy nến.
Vitamin A
Vitamin A gồm có hai nhóm chính là retinoid và carotenoid.
Mặc dù retinoid nổi tiếng với lợi ích làm đẹp da nhưng ngoài ra cũng được sử dụng trong các loại thuốc đường uống hoặc bôi tại chỗ để trị bệnh vảy nến.
Theo một nghiên cứu từ năm 2011, những người bị bệnh vảy nến có lượng vitamin A trong da, đặc biệt là carotenoid, ít hơn so với những người không bị vảy nến. (1)
Mặc dù cần phải có thêm nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ mối liên hệ giữa bệnh vảy nến và vitamin A nhưng việc bổ sung thêm loại vitamin này trong chế độ ăn uống có thể giúp cải thiện các triệu chứng vảy nến. Một số loại thực phẩm có hàm lượng vitamin A cao gồm có:
- Cải xoăn
- Cải bó xôi
- Bí ngô
- Quả bơ
- Cà rốt
- Khoai lang
- Ngô
- Lòng đỏ trứng
Vitamin nhóm B
Vitamin B7 (biotin) và vitamin B12 đã được chứng minh là giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh vảy nến.
Thiếu hụt biotin là vấn đề rất hiếm gặp và không có tác động trực tiếp đến bệnh vảy nến. Tuy nhiên, bổ sung biotin có thể giúp cải thiện sức khỏe làn da. Viên uống biotin có tác dụng hỗ trợ sự phát triển khỏe mạnh của tế bào và nhờ đó làm giảm các triệu chứng vảy nến.
Vitamin B12 là một chất điều trị tại chỗ có tác dụng tương đối mạnh đến bệnh vảy nến. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng thiếu hụt vitamin B12 trong cơ thể có thể làm tăng nguy cơ bùng phát triệu chứng bệnh vảy nến. (2) Vitamin B12 có trong hầu hết các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật nhưng cũng có trong cả một số loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như nấm và rong biển.
Vitamin C
Stress oxy hóa xảy ra khi hoạt động của các gốc tự do và hoạt động chống oxy hóa trong cơ thể bị mất cân bằng. Nghiên cứu chỉ ra rằng stress oxy hóa tăng lên trong cơ thể khi chống lại bệnh vảy nến. Lượng vitamin C cao sẽ giúp kiểm soát quá trình oxy hóa.
Một nghiên cứu được thực hiện ở một người bị bệnh vảy nến nặng cho thấy rằng việc tăng lượng vitamin C (kết hợp với một số điều chỉnh khác trong chế độ ăn uống) giúp người này không bị tái phát bệnh trong vòng 6 tháng. (3) Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để kiểm chứng xem liệu vitamin C trong thực phẩm có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh vảy nến hay không.
Vitamin D
Vitamin D được cơ thể tạo ra khi da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và là một chất rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Sự thiếu hụt vitamin D có liên quan đến bệnh vảy nến, mặc dù không được chứng minh là có liên quan trực tiếp.
Một trong những lợi ích lớn nhất của vitamin D là giúp tăng cường chức năng miễn dịch. Điều này giúp cải thiện đáp ứng tự miễn và nhờ đó làm giảm các triệu chứng của bệnh vảy nến.
Có ba cách để tăng lượng vitamin D cho cơ thể, đó là dùng viên uống bổ sung, dành nhiều thời gian hơn ở ngoài trời và ăn các loại thực phẩm như:
- Phô mai
- Lòng đỏ trứng
- Các loại cá béo
- Ngũ cốc
- Gan
- Các loại thịt đỏ
Các chất dinh dưỡng khác có lợi cho bệnh vảy nến
Ngoài vitamin, một số chất dinh dưỡng khác cũng rất có lợi cho sức khỏe của làn da, khớp xương và sức khỏe tổng thể.
Axit béo omega-3
Axit béo omega-3 giúp giảm phản ứng viêm trong cơ thể, đồng thời cải thiện chức năng miễn dịch. Vì lý do này nên đây là một trong những chất mà người bị bệnh vảy nến nên bổ sung, có thể bằng cách dùng thực phẩm chức năng (dầu cá) hoặc tăng cường ăn các loại thực phẩm như:
- Dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu hạt cải
- Các loại hạt và quả hạch
- Cá và hải sản, đặc biệt là các loại cá béo nước lạnh như cá hồi, cá trích, cá ngừ
Glucosamine và chondroitin
Một triệu chứng của bệnh vảy nến là viêm khớp vảy nến. Glucosamine và chondroitin có tác dụng tăng độ đàn hồi của sụn, hỗ trợ sự hình thành, phục hồi sụn, đồng thời ức chế sự phân hủy sụn. Uống bổ sung các chất dinh dưỡng này sẽ giúp làm giảm một số triệu chứng liên quan đến xương khớp của bệnh vảy nến.
Methylsulfonylmethane (MSM)
Các nghiên cứu ban đầu đã chỉ ra rằng MSM có thể giúp giảm phản ứng viêm và đau khớp. (4) Đây là những triệu chứng thường thấy của bệnh vảy nến. MSM là một hợp chất chứa lưu huỳnh và có thể bổ sung hợp chất này bằng cách dùng thực phẩm chức năng. Các sản phẩm này an toàn cho hầu hết mọi người. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu thêm để xác nhận mối liên hệ giữa MSM và các triệu chứng bệnh vảy nến.
Lưu ý khi uống bổ sung vitamin
Có một số điều cần cân nhắc trước khi thực hiện các thay đổi trong chế độ ăn uống hoặc dùng thực phẩm chức năng.
Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống bổ sung bất kỳ loại vitamin nào, đặc biệt là khi đang mang thai, cho con bú hoặc có dự định mang thai.
Mặc dù bổ sung vitamin có lợi cho sức khỏe và giúp giảm các triệu chứng bệnh vảy nến nhưng tất cả các loại vitamin đều không thể thay thế cho các phương pháp điều trị vảy nến mà bác sĩ chỉ định.
Ngoài ra, các sản phẩm viên uống vitamin có thể chứa một vài thành phần không được liệt kê trên nhãn hoặc chứa các thành phần với tỷ lệ thực tế khác với tỷ lệ thực ghi trên bao bì. Do đó, hãy chọn mua những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và dùng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Chế độ ăn uống có tác động như thế nào đến làn da?
Duy trì lượng vitamin bình thường trong cơ thể sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho sức khỏe của làn da. Da của chúng ta được “nuôi dưỡng” và bảo vệ bởi các vitamin có chức năng thúc đẩy sự phát triển tế bào khỏe mạnh, thay tế bào và chống lại phản ứng viêm.
Dùng thực phẩm chức năng là một cách hiệu quả để bổ sung những vitamin bị thiếu trong chế độ ăn uống hàng ngày. Mặc dù vậy nhưng tốt nhất vẫn nên cố gắng cung cấp các chất dinh dưỡng cho cơ thể từ thực phẩm tự nhiên.
Lý do là bởi vitamin và các chất dinh dưỡng có hiệu quả mạnh nhất ở dạng tự nhiên. Hơn nữa, hầu hết các loại thực phẩm mà chúng ta ăn hàng ngày đều có chứa nhiều chất dinh dưỡng mà các sản phẩm viên uống bổ sung không có.
Các phương pháp điều trị bệnh vảy nến
Mặc dù chưa có cách chữa khỏi bệnh vảy nến nhưng có thể kiểm soát các triệu chứng bằng những phương pháp điều trị dưới đây:
- Liệu pháp ánh sáng: Tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên trong thời gian ngắn hoặc chiếu ánh sáng nhân tạo trực tiếp lên vùng da bị vảy nến có thể làm giảm các triệu chứng.
- Thuốc bôi: Các loại thuốc bôi điều trị bệnh vảy nến có dạng thuốc mỡ, kem, gel và dạng nước. Bôi thuốc trực tiếp lên vùng da bị bệnh theo chỉ dẫn để làm dịu và cải thiện các triệu chứng.
- Thuốc tiêm hoặc uống: Steroid dạng tiêm và dạng viên uống kê đơn có tác dụng giảm các triệu chứng bệnh vảy nến. Phương pháp điều trị này dành cho cả các trường hợp vảy nến nhẹ và nặng.
Khi nào cần đi khám?
Nếu nhận thấy da có các triệu chứng đóng vảy dày cứng, mẩn đỏ, nứt nẻ, ngứa ngáy và đau đớn thì hãy đi khám bác sĩ da liễu càng sớm càng tốt. Không nên tự ý dùng thuốc hay thực phẩm chức năng khi chưa rõ vấn đề cụ thể.
Khi điều chỉnh chế độ ăn uống, thường phải sau vài tháng thì các triệu chứng vảy nến mới có cải thiện rõ rệt. Bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc để giảm triệu chứng trong thời gian này.
Tóm tắt bài viết
Mặc dù bệnh vảy nến hiện chưa có cách nào chữa khỏi nhưng có rất nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người bị bệnh này.
Một chế độ ăn uống lành mạnh giàu vitamin sẽ có lợi cho cả làn da và sức khỏe tổng thể. Có thể bổ sung vitamin bằng cách dùng thực phẩm chức năng nhưng nên đi khám bác sĩ trước.
Củng cố hệ miễn dịch khỏe mạnh, giảm tiếp xúc với các tác nhân gây viêm và cải thiện sức khỏe làn da là những điều cần thiết để làm giảm triệu chứng bệnh vảy nến và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng thêm.
Bệnh thần kinh do tiểu đường cũng gây ra các triệu chứng giống như bệnh thần kinh ngoại biên do thiếu vitamin B12 (tê bì, yếu cơ, đau đớn và dị cảm ở cánh tay, bàn tay, chân và bàn chân).
Có rất ít thực phẩm chứa nhiều vitamin D và tình trạng thiếu hụt loại vitamin quan trọng này là điều mà rất nhiều người gặp phải.
Vấn đề phổ biến nhất có thể xảy ra khi bị thiếu hụt vitamin D là loãng xương. Loãng xương làm tăng nguy cơ gãy xương, đau xương và mất thính giác.
Những người bị bệnh đa xơ cứng (multiple sclerosis) sẽ cần bổ sung nhiều vitamin D hơn so với những người không bị bệnh này.
Vitamin C có thể làm giảm nồng độ axit uric trong máu nên sẽ giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh gút và giảm các cơn gút cấp. Vậy nhờ đâu mà vitamin C lại có tác dụng này? Và tại sao giảm nồng độ axit uric là giúp ích cho người mắc bệnh gút?