1

Vitamin C có thực sự điều trị được dị ứng?

Có một số bằng chứng cho thấy vitamin C, hay còn được gọi là axit ascorbic, có thể giúp điều trị một số loại dị ứng.
Vitamin C có thực sự điều trị được dị ứng? Vitamin C có thực sự điều trị được dị ứng?

Vitamin C có nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể nhưng chức năng được biết đến nhiều nhất là hỗ trợ hệ miễn dịch.

Vì dị ứng là một dạng phản ứng miễn dịch với các chất trong môi trường nên có ý kiến cho rằng vitamin C có thể giúp điều trị dị ứng.

Vitamin C có thực sự điều trị được dị ứng không?

Có một số bằng chứng cho thấy vitamin C, hay còn được gọi là axit ascorbic, có thể giúp điều trị một số loại dị ứng.

Vitamin C hoạt động như một chất kháng histamine tự nhiên và chất chống oxy hóa. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin này có thể làm giảm viêm, sưng tấy và các triệu chứng khác tại vị trí xảy ra phản ứng dị ứng.

Các triệu chứng này xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng với các chất gây dị ứng.

Một số chất gây dị ứng phổ biến là phấn hoa, lông vật nuôi và protein trong một số loại thực phẩm. Tế bào mast – một nhóm tế bào trong hệ miễn dịch - được kích hoạt và giải phóng histamine để ngăn cản chất gây dị ứng.

Histamine có thể gây ra các triệu chứng dị ứng như:

  • Chảy nước mũi
  • Hắt hơi liên tục
  • Đỏ, chảy nước mắt
  • Ngứa ngáy
  • Phát ban
  • Hen phế quản
  • Nôn mửa hoặc tiêu chảy
  • Sưng phù
  • Sốc phản vệ - một dạng phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng

Đối với các trướng hợp bị dị ứng nhẹ theo mùa hoặc dị ứng với các tác nhân từ môi trường như bụi, nhiệt độ, độ ẩm… thì thuốc kháng histamine có thể ngăn chặn hoạt động của histamine và làm giảm triệu chứng dị ứng nhưng những loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ.

Vitamin C có cơ chế hoạt động khác với thuốc kháng histamine, đó là làm giảm lượng histamine mà cơ thể tạo ra thay vì ngăn chặn các thụ thể histamine. Nghiên cứu cho thấy nồng độ histamine có thể giảm khoảng 38% sau khi uống 2 gram vitamin C. (1)

Nếu như tiêm truyền vitamin C qua đường tĩnh mạch và sử dụng liều cao hơn thì sẽ hiệu quả hơn.

Một nghiên cứu nhỏ trên 89 người bị dị ứng hoặc bệnh truyền nhiễm cho thấy những người được truyền 7,5 gram vitamin C có lượng histamine trong máu hơn khoảng 50% so với những người không truyền vitamin C. (2)

Nghiên cứu này cũng cho thấy việc giảm lượng histamine mang lại lợi ích lớn hơn so cho những người bị dị ứng so với những người mắc các bệnh truyền nhiễm.

Một nghiên cứu quan sát khác đã đánh giá tác động của việc truyền vitamin C vào tĩnh mạch ở những người có các triệu chứng dị ứng ở da hoặc hệ hô hấp.

Kết quả cho thấy rằng liều 7,5 gram giúp làm giảm các triệu chứng dị ứng như chảy nước mũi, hắt hơi, ngứa ngáy, bồn chồn và khó ngủ ở 97% người tham gia. Chỉ có duy nhất 1 người trong số 71 người gặp phải tác dụng phụ. (3)

Một nghiên cứu cũng đã thử nghiệm tác dụng của thuốc xịt mũi chứa vitamin C ở 60 người có các triệu chứng dị ứng như hắt hơi và chảy nước mũi. Kết quả cho thấy thuốc xịt mũi giúp cải thiện lên đến 74% các triệu chứng.

Tuy nhiên, các nghiên cứu đến nay về tác dụng của vitamin C đối với tình trạng dị ứng đều có quy mô nhỏ. Các nhà khoa học sẽ cần thực hiện nhiều nghiên cứu quy mô lớn hơn trên người để có thể đưa ra kết luận.

Tóm tắt: Các triệu chứng dị ứng xảy ra khi cơ thể sản sinh histamine để phản ứng với chất gây dị ứng. Vitamin C là một chất kháng histamine tự nhiên và một số nghiên cứu nhỏ đã chỉ ra rằng vitamin này có thể làm giảm các triệu chứng dị ứng.

Vitamin C có tác dụng với những loại dị ứng nào?

Vitamin C có thể làm giảm các triệu chứng ở đường hô hấp trên do dị ứng theo mùa hoặc dị ứng với các tác nhân từ môi trường. Các chất gây dị ứng phổ biến gồm có phấn hoa, nấm mốc, bụi và lông vật nuôi.

Khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng này, phản ứng histamine diễn ra trong mũi hoặc xoang, dẫn đến viêm mũi dị ứng với các biểu hiện là hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi và đỏ, chảy nước mắt. Các chất gây dị ứng cũng có thể kích hoạt phản ứng trong phổi và dẫn đến bệnh hen phế quản.

Đặc tính kháng histamine của vitamin C có thể giúp giảm viêm mũi dị ứng và hen phế quản, vì các mạch máu trong đường hô hấp có số lượng lớn các tế bào mast – tế bào sản xuất ra histamine.

Một số nghiên cứu đã cho thấy đặc tính chống oxy hóa của vitamin C cũng giúp cải thiện chức năng phổi bằng cách bảo vệ các tế bào trong phổi không bị tổn hại do oxy hóa.

Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy vitamin C có thể ngăn ngừa dị ứng theo mùa hoặc dị ứng môi trường.

So với dị ứng theo mùa và dị ứng do yếu tố môi trường, dị ứng thực phẩm thường gây ra phản ứng nghiêm trọng hơn và có thể ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, da, mắt, cổ họng cũng như đường hô hấp.

Trong những trường hợp nặng, dị ứng thực phẩm có thể gây ra sốc phản vệ đe dọa đến tính mạng. Điều này có thể xảy ra ngay cả khi mới chỉ tiếp xúc với một lượng nhỏ chất gây dị ứng.

Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy vitamin C có thể ngăn ngừa hoặc điều trị dị ứng thực phẩm. Nếu đã biết mình bị dị ứng thực phẩm thì cần phải tránh tuyệt đối loại thực phẩm gây ra vấn đề.

Tóm tắt: Vitamin C có thể giúp điều trị dị ứng theo mùa hoặc dị ứng do môi trường. Triệu chứng thường gặp của những loại dị ứng này gồm có viêm mũi dị ứng, viêm xoang tắc nghẽn và hen phế quản. Tuy nhiên, hiệu quả sẽ không thể được như các loại thuốc điều trị dị ứng và cũng chưa có bằng chứng nào cho thấy vitamin C có thể ngăn chặn dị ứng. Vitamin C thường không có tác dụng đối với dị ứng thực phẩm.

Liều lượng

Liều lượng vitamin C thường được sử dụng trong những trường hợp viêm mũi dị ứng là 2.000 mg mỗi ngày. (4)

Lượng tiêu thụ khuyến nghị hàng ngày (RDA) là 90 mg đối với nam giới và 75 mg đối với phụ nữ. (5)

Vì vitamin C không được dự trữ trong cơ thể nên nguy cơ ngộ độc là rất thấp. Do đó, dù có uống liều cao hơn thì cũng không xảy ra vấn đề nghiêm trọng. Cơ thể sẽ đào thải lượng vitamin C dư thừa qua nước tiểu.

Tuy nhiên, ở một số người, liều lượng vitamin C trên 2.000 mg có thể gây buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Đường tiêu hóa chỉ có thể hấp thụ được một lượng vitamin C giới hạn. Vì lý do này nên quá nhiều vitamin C có thể gây tiêu chảy.

Do nguy cơ xảy ra những tác dụng phụ này nên các chuyên gia khuyến nghị mỗi người chỉ nên bổ sung tối đa 2.000 mg vitamin C mỗi ngày.

Nếu lo ngại về các tác dụng phụ thì ban đầu chỉ uống một lượng nhỏ rồi dần tăng liều trong vài ngày tiếp theo và quan sát phản ứng của cơ thể. Hoặc cũng có thể chia ra uống nhiều lần trong ngày. Điều này sẽ giúp cơ thể hấp thụ được tốt hơn. Khi uống 1.000 mg cùng một lúc thì cơ thể chỉ hấp thụ được khoảng 50% lượng vitamin C.

Một số chuyên gia khuyến nghị truyền vitamin C qua đường tĩnh mạch.

Cách này đưa vitamin C thẳng vào máu mà không phải đi qua đường tiêu hóa. Hơn nữa, nếu truyền tĩnh mạch thì có thể sử dụng liều vitamin C lớn hơn mà không xảy ra các tác dụng phụ như khi bổ sung vitamin C qua đường uống.

Tóm tắt: Liều vitamin C thường được sử dụng để điều trị bệnh viêm mũi dị ứng là 2.000 mg mỗi ngày. Vitamin C ít khi gây ngộ độc nhưng liều vượt quá 2.000 mg có thể gây ra các tác dụng phụ ở đường tiêu hóa.

Tác dụng phụ và rủi ro

Nếu như có tiền sử dị ứng và gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng thì phải đi khám để được tư vấn phương pháp điều trị, phòng ngừa chứ không nên chỉ dựa vào vitamin C. Nhưng có thể hỏi bác sĩ về việc uống vitamin C.

Uống bổ sung vitamin C an toàn đối với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, loại vitamin này có thể tương tác với một số loại thuốc và phương pháp điều trị.

Cụ thể, vitamin C có thể làm giảm hiệu quả của phương pháp xạ trị, hóa trị và một số loại thuốc hạ cholesterol.

Vitamin C có tác dụng tăng cường khả năng hấp thu sắt. Đây là điều có lợi cho hầu hết mọi người nhưng lại là một vấn đề ở những người mắc bệnh thừa sắt – tình trạng mà cơ thể có lượng chất sắt quá lớn. Trong những trường hợp này, bổ sung quá nhiều vitamin C sẽ càng khiến cơ thể tích tụ thêm sắt và dẫn đến tổn hại các mô.

Cuối cùng, nên thận trọng khi uống bổ sung vitamin C nếu đang mắc bệnh thận hoặc có nguy cơ cao bị sỏi thận. Việc bổ sung nhiều vitamin C có thể góp phần làm hình thành sỏi thận.

Trước khi sử dụng vitamin C liều cao hoặc bổ sung bất kỳ chất dinh dưỡng nào khác thì đều nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

Tóm tắt: Mặc dù hầu hết mọi người đều có thể uống bổ sung vitamin C nhưng điều này có thể không phù hợp với những người đang dùng một số loại thuốc hoặc có một số vấn đề sức khỏe nhất định.

Tóm tắt bài viết

Vitamin C có đặc tính kháng histamine tự nhiên bằng cách giảm lượng histamine mà cơ thể sản sinh khi phản ứng với chất gây dị ứng.

Vitamin C có thể giúp điều trị các triệu chứng nhẹ như hắt hơi, chảy mũi, nghẹt mũi và chảy nước mắt do viêm mũi dị ứng. Vitamin này còn giúp bảo vệ chức năng phổi và giảm nguy cơ lên ​​cơn hen phế quản.

Vitamin C hiếm khi gây ngộ độc và hầu hết mọi người có thể bổ sung tới 2.000 mg mỗi ngày. Tuy nhiên, đôi khi có thể xảy ra các tác dụng phụ về tiêu hóa khi uống quá nhiều vitamin C, chẳng hạn như buồn nôn hoặc tiêu chảy.

Trước khi uống bổ sung vitamin C hoặc bất kỳ chất dinh dưỡng nào thì đều nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn.

Tổng số điểm của bài viết là: 56 trong 12 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Vitamin A có thực sự trị được mụn trứng cá không?
Vitamin A có thực sự trị được mụn trứng cá không?

Vitamin A có tác dụng trị mụn trứng cá nhưng còn tùy thuộc vào nguồn gốc và dạng vitamin A được sử dụng. Ăn thực phẩm giàu vitamin A giúp cải thiện làn da từ bên trong còn các sản phẩm bôi da chứa vitamin A sẽ tác động trực tiếp vào mụn trứng cá.

Tất cả những điều cần biết về vitamin D
Tất cả những điều cần biết về vitamin D

Có rất ít thực phẩm chứa nhiều vitamin D và tình trạng thiếu hụt loại vitamin quan trọng này là điều mà rất nhiều người gặp phải.

Những điều cần biết về axit phytic trong thực phẩm
Những điều cần biết về axit phytic trong thực phẩm

Ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều axit phytic chẳng hạn như ngũ cốc, các loại hạt và đậu có thể làm tăng nguy cơ thiếu sắt và kẽm.

Tại sao việt quất được coi là một loại “siêu thực phẩm”?
Tại sao việt quất được coi là một loại “siêu thực phẩm”?

Việt quất chứa ít calo và vô cùng tốt cho sức khỏe, thậm chí còn được coi là một loại “siêu thực phẩm” nhờ chứa một lượng lớn vitamin, hợp chất thực vật có lợi và chất chống oxy hóa.

7 loại thực phẩm lành mạnh chứa nhiều vitamin D
7 loại thực phẩm lành mạnh chứa nhiều vitamin D

Để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời là một cách đơn giản và hiệu quả để cung cấp vitamin D cho cơ thể. Nếu như ít khi ra nắng thì sẽ có nguy cơ bị thiếu hụt vitamin D và cần phải bổ sung từ các loại thực phẩm.

Hỏi đáp có thể bạn quan tâm

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây