1

Những ai cần uống bổ sung sắt?

Chế phẩm bổ sung sắt đặc biệt hữu ích đối với những người dễ bị thiếu sắt, đặc biệt là khi không thể đảm bảo đủ lượng sắt trong chế độ ăn uống.
Những ai cần uống bổ sung sắt? Những ai cần uống bổ sung sắt?

Sắt là một chất dinh dưỡng rất cần thiết đối với cơ thể, có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình cung cấp oxy đến các mô.

Thiếu sắt là một vấn đề phổ biến và có thể gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, tập trung kém và dễ ốm. Tuy nhiên, thiếu sắt không phải lúc nào cũng dễ phát hiện, đặc biệt là ở giai đoạn đầu.

Uống bổ sung sắt là một cách hiệu quả để điều trị tình trạng thiếu sắt, nhất là trong những trường hợp đã thử điều chỉnh chế độ ăn uống nhưng không có tác dụng.

Vậy cụ thể những ai cần uống bổ sung sắt và làm thế nào để biết mình có bị thiếu sắt hay không?

Các triệu chứng thiếu sắt

Thiếu sắt xảy ra rất phổ biến và nếu không được điều trị, thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt. Đây là tình trạng máu không có đủ số lượng hồng cầu khỏe mạnh để mang oxy đến các tế bào trong cơ thể. Thiếu máu do thiếu sắt có các triệu chứng như:

  • Mệt mỏi
  • Thiếu năng lượng
  • Khó thở
  • Tập trung kém
  • Miễn dịch yếu, dễ mắc bệnh
  • Khả năng điều hòa thân nhiệt kém và hay thấy lạnh
  • Chân tay lạnh
  • Da nhợt nhạt
  • Tim đập nhanh hay đánh trống ngực
  • Đau đầu
  • Ù tai hoặc có âm thanh lạ trong tai
  • Ngứa ngáy
  • Đau lưỡi hoặc khó nuốt
  • Có vị lạ trong miệng
  • Rụng tóc
  • Thèm ăn những thứ không phải thực phẩm, chẳng hạn như đất, bụi (hội chứng ăn bậy hay pica)
  • Loét ở khóe miệng
  • Móng tay lõm hình thìa
  • Cảm giác khó chịu, bứt rứt, thôi thúc di chuyển chân khi ngồi hoặc nằm (hội chứng chân không yên)

Nếu gặp phải bất kỳ dấu hiệu nào trong số này thì nên đi khám để xem có phải bị thiếu sắt hoặc thiếu máu do thiếu sắt hay không.

Những triệu chứng kể trên thường biểu hiện rõ nhất khi tình trạng thiếu sắt tiến triển thành bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Ở giai đoạn đầu, thiếu sắt có thể không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Xét nghiệm máu đo nồng độ sắt định kỳ sẽ giúp phát hiện thiếu sắt ngay từ sớm, trước khi tình trạng này tiến triển thành thiếu máu.

Tóm tắt: Thiếu sắt là vấn đề phổ biến và nếu không được điều trị, thiếu sắt có thể tiến triển thành bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Các triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi bị thiếu máu. Xét nghiệm đo nồng độ sắt thường xuyên là cách để phát hiện sớm tình trạng thiếu sắt.

Những ai cần uống bổ sung sắt?

Uống bổ sung sắt giúp điều trị thiếu sắt hoặc thiếu máu do thiếu sắt một cách nhanh chóng và hiệu quả nhanh hơn so với việc điều chỉnh chế độ ăn uống.

Chế phẩm bổ sung sắt đặc biệt hữu ích đối với những người dễ bị thiếu sắt, đặc biệt là khi không thể đảm bảo đủ lượng sắt trong chế độ ăn uống. Những người có nguy cơ cao bị thiếu sắt gồm có:

  • Phụ nữ mang thai
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
  • Phụ nữ có kinh nguyệt ra nhiều hoặc kéo dài (rong kinh)
  • Người thường xuyên hiến máu
  • Người mắc bệnh ung thư
  • Người bị rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như bệnh celiac, viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn
  • Người từng phẫu thuật cắt dạ dày
  • Người bị suy tim
  • Người đang dùng các loại thuốc có ảnh hưởng đến lượng sắt, chẳng hạn như thuốc giảm axit dạ dày
  • Người thường xuyên tập thể dục nặng
  • Người theo chế độ ăn thuần chay
  • Người bị bệnh về máu, chẳng hạn như tan máu bẩm sinh hay thiếu máu hồng cầu hình liềm
  • Người nghiện rượu

Một điều quan trọng cần lưu ý là việc uống bổ sung sắt khi không cần thiết có thể gây hại cho sức khỏe. Một phần nguyên nhân là vì các chế phẩm bổ sung thường chứa liều lượng sắt cao, có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa và làm giảm sự hấp thụ các chất dinh dưỡng khác trong ruột.

Uống bổ sung sắt khi không cần thiết còn có thể gây tổn thương tế bào và trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến suy tạng, hôn mê hoặc thậm chí tử vong. Các tác dụng phụ này có thể xảy ra ở bất kỳ ai, nhưng nguy cơ tử vong đặc biệt cao ở trẻ nhỏ.

Do đó, nên làm xét nghiệm kiểm tra nồng độ sắt trước khi bổ sung sắt và tuân thủ đúng theo liều lượng mà bác sĩ đưa ra.

Tóm tắt: Uống bổ sung sắt giúp điều trị tình trạng thiếu sắt. Tuy nhiên, uống sắt khi không cần thiết có thể gây hại. Do đó, cần làm xét nghiệm đo nồng độ sắt trước khi bổ sung sắt.

Phát hiện thiếu sắt bằng cách nào?

Xét nghiệm máu là một trong cách chính xác nhất để chẩn đoán thiếu sắt hay thiếu máu do thiếu sắt. Rất khó phát hiện thiếu sắt nếu chỉ dựa trên các dấu hiệu, triệu chứng.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ còn đánh giá chế độ ăn uống và so sánh lượng sắt tiêu thụ hàng ngày với lượng sắt khuyến nghị.

Để hiểu được tầm quan trọng của một số xét nghiệm máu trong chẩn đoán thiếu sắt thì trước tiên cần biết 3 giai đoạn chính của thiếu sắt.

Các giai đoạn thiếu sắt

Thiếu sắt thường tiến triển thành thiếu máu do thiếu sắt qua 3 giai đoạn sau:

  • Thiếu sắt nhẹ: Ở giai đoạn này, lượng sắt dự trữ ở mức thấp với nồng độ ferritin dao động trong khoảng 10 – 30 mcg/L, số lượng hồng cầu (RBC) bình thường, nồng độ hemoglobin trên 12 g/dL và hematocrit trên 36% đối với phụ nữ và 41% đối với nam giới.
  • Thiếu sắt chức năng nhẹ: Lượng sắt dự trữ đã cạn kiệt với nồng độ ferritin dưới 10 mcg/L nhưng số lượng hồng cầu vẫn bình thường, nồng độ hemoglobin trên 12 g/dL và hematocrit trên 36% đối với phụ nữ và 41% đối với nam giới.
  • Thiếu máu do thiếu sắt: Lượng sắt dự trữ cạn kiệt, nồng độ ferritin dưới 10 mcg/L, số lượng hồng cầu giảm xuống dưới mức bình thường, nồng độ hemoglobin dưới 12 g/dL, hematocrit dưới 36% đối với phụ nữ và dưới 41% đối với nam giới.

Các xét nghiệm để chẩn đoán thiếu sắt

Xét nghiệm hemoglobin và hematocrit là hai xét nghiệm thường được sử dụng để sàng lọc tình trạng thiếu sắt. Tuy nhiên, hai xét nghiệm này có độ nhạy và độ đặc hiệu không cao, hơn nữa thường chỉ phát hiện được thiếu sắt khi đã tiến triển sang giai đoạn thiếu máu.

Giống như nhiều vấn đề sức khỏe khác, tình trạng thiếu sắt cần được phát hiện càng sớm càng tốt. Việc phát hiện và điều trị thiếu sắt ngay ở giai đoạn đầu sẽ giúp tránh được các tổn hại do thiếu máu gây ra.

Xét nghiệm ferritin hiện được coi là xét nghiệm hiệu quả nhất để chẩn đoán thiếu sắt, đặc biệt là ở giai đoạn đầu.

Tóm tắt: Thiếu máu do thiếu sắt tiến triển qua 3 giai đoạn. Xét nghiệm hemoglobin, hematocrit và ferritin là các xét nghiệm chính xác nhất để chẩn đoán thiếu sắt trước khi chuyển sang giai đoạn thiếu máu.

Nên xét nghiệm bao lâu một lần?

Những người không có tiền sử thiếu sắt có thể chọn làm xét nghiệm kiểm tra mỗi năm một lần. Tần suất xét nghiệm này là đủ để phát hiện tình trạng thiếu sắt từ sớm.

Khi uống bổ sung sắt, nồng độ hemoglobin sẽ có sự cải thiện rõ rệt trong vòng 4 tuần. Tuy nhiên, thường phải sau ít nhất 3 tháng thì nồng độ hemoglobin mới trở về mức khỏe mạnh và lâu hơn để khôi phục nồng độ ferritin bình thường.

Do đó, sau khi bắt đầu sử dụng chế phẩm bổ sung để điều trị thiếu sắt thì nên đợi ít nhất 3 tháng mới xét nghiệm lại để kiểm tra nồng độ hemoglobin và ferritin.

Tuy nhiên, một số người không đáp ứng với chế phẩm bổ sung sắt đường uống hoặc gặp phải các tác dụng phụ và cần phải chuyển sang phương pháp điều trị khác.

Nếu bị thiếu máu do thiếu sắt và không nhận thấy bất kỳ sự cải thiện nào trong vòng 4 – 8 tuần đầu sau khi bổ sung sắt thì nên cân nhắc làm xét nghiệm đo nồng độ hemoglobin để kiểm tra đáp ứng điều trị.

Tóm tắt: Tần suất xét nghiệm tùy thuộc vào nồng độ sắt hiện tại.

Tóm tắt bài viết

Uống bổ sung sắt là cách hiệu quả để điều trị tình trạng thiếu sắt, đặc biệt là khi đã thử thay đổi chế độ ăn uống mà không có tác dụng.

Phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người tập thể dục nặng và người đang mắc các bệnh lý làm giảm khả năng hấp thụ sắt là những nhóm dễ bị thiếu sắt và nên làm xét nghiệm kiểm tra thường xuyên.

Các xét nghiệm chính để chẩn đoán thiếu sắt gồm có xét nghiệm hemoglobin, hematocrit và ferritin. Ba chỉ số này giúp phát hiện tình trạng thiếu sắt ngay từ giai đoạn đầu.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: bổ sung, những ai
Tin liên quan
Những người uống thuốc Metformin có thể cần bổ sung vitamin B12
Những người uống thuốc Metformin có thể cần bổ sung vitamin B12

Metformin có thể gây ra tình trạng thiếu hụt vitamin B12 - một loại vitamin đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển và chức năng của não bộ nói riêng và hệ thần kinh nói chung.

Những điều cha mẹ cần biết khi cho trẻ nhỏ uống bổ sung sắt
Những điều cha mẹ cần biết khi cho trẻ nhỏ uống bổ sung sắt

Tốt nhất, trẻ em nên được cung cấp chất sắt và các loại vitamin, khoáng chất khác từ một chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, một số trẻ có nguy cơ thiếu sắt cao hơn bình thường và có thể cần phải uống bổ sung sắt.

Cần bổ sung những loại vitamin nào để điều trị bệnh vảy nến?
Cần bổ sung những loại vitamin nào để điều trị bệnh vảy nến?

Mặc dù chưa có bằng chứng nào cho thấy rằng tăng lượng vitamin sẽ chữa khỏi bệnh vảy nến nhưng một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc bổ sung vitamin kết hợp với các phương pháp điều trị khác có thể làm giảm triệu chứng bệnh.

Có nên uống bổ sung chất chống oxy hóa không?
Có nên uống bổ sung chất chống oxy hóa không?

Nhiều người cho rằng uống bổ sung chất chống oxy hóa sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tật và kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, việc uống bổ sung chất chống oxy hó liều cao có thể gây ra tác dụng ngược lại.

Viên uống bổ sung vitamin E có thực sự tốt như lời đồn?
Viên uống bổ sung vitamin E có thực sự tốt như lời đồn?

Kể từ khi được phát hiện cho đến nay, vitamin E và các chất chống oxy hóa khác đã được nghiên cứu về khả năng ngăn ngừa một số bệnh nhưng vitamin E có thật sự có những công dụng này hay không?

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây