Các dấu hiệu cảnh báo phì đại tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt là một cơ quan có kích thước tương đối nhỏ, nằm ở giữa gốc dương vật và trực tràng. Tuyến tiền liệt đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh dục của nam giới.
Chức năng của tuyến tiền liệt là tạo ra chất lỏng mang tinh trùng trong tinh dịch. Tuyến tiền liệt còn có chức năng chuyển đổi hormone testosterone thành dạng có hoạt tính sinh học là dihydrotestosterone (DHT).
Ở nhiều nam giới, tuyến tiền liệt tiếp tục phát triển to lên trong suốt cuộc đời. Tình trạng tuyến tiền liệt có kích thước lớn hơn bình thường được gọi là phì đại tuyến tiền liệt hay tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (benign prostatic hyperplasia – BPH). Phì đại tuyến tiền liệt không phải là ung thư và cũng không làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Phì đại tuyến tiền liệt chủ yếu xảy ra ở nam giới sau tuổi 50. Theo Tổ chức Ung thư Tuyến tiền liệt (Prostate Cancer Foundation), khoảng 20% nam giới ở độ tuổi 50 bị phì đại tuyến tiền liệt, tỷ lệ này ở nam giới độ tuổi 60 là 60% và nam giới độ tuổi 70 là 70%. (1)
Dưới đây là các triệu chứng thường gặp của phì đại tuyến tiền liệt, một số vấn đề sức khỏe khác cũng gây ra các triệu chứng tương tự và các câu hỏi thường gặp.
Triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt phì đại có thể chèn ép lên niệu đạo và còn có thể ảnh hưởng đến bàng quang. Điều này sẽ cản trở nước tiểu chảy qua niệu đạo và dẫn đến tình trạng tiểu khó. Theo thời gian, cơ bàng quang sẽ trở nên yếu đi, không thể co bóp đẩy hết nước tiểu ra ngoài khi đi tiểu. Nước tiểu còn sót lại trong bàng quang trong thời gian dài có thể dẫn đến nhiễm trùng bàng quang hoặc nhiễm trùng thận. Thâm chí, dòng nước tiểu còn có thể bị chặn hoàn toàn và cần phải can thiệp điều trị khẩn cấp.
Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính chủ yếu gây ra các vấn đề về tiểu tiện, gồm có:
- Đi tiểu nhiều lần, đặc biệt là vào ban đêm
- Thường xuyên bị tiểu khó
- Dòng tiểu yếu, ngập ngừng, ngắt quãng
- Tiểu nhỏ giọt cuối bãi
- Cảm giác tiểu không hết
- Buồn tiểu nhưng không đi được
Các triệu chứng ít gặp hơn gồm có:
- Đau khi đi tiểu hoặc sau khi xuất tinh
- Nước tiểu có mùi hoặc màu bất thường
Các bệnh lý có triệu chứng tương tự phì đại tuyến tiền liệt
Nhiều bệnh lý có triệu chứng tương tự như phì đại tuyến tiền liệt. Các bệnh lý này có thể xảy ra đồng thời.
Viêm tuyến tiền liệt: tình trạng tuyến tiền liệt bị viêm do nhiễm vi khuẩn. Có ba loại viêm tuyến tiền liệt:
- Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn cấp tính: xảy ra nhanh chóng do nhiễm vi khuẩn.
- Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn mãn tính: xảy ra do bị nhiễm trùng tái phát nhiều lần.
- Viêm tuyến tiền liệt mãn tính, còn được gọi là hội chứng đau vùng chậu mãn tính, thường gây đau ở thắt lưng, bẹn hoặc đầu dương vật.
- Ung thư tuyến tiền liệt: xảy ra khi các tế bào ung thư phát triển trong tuyến tiền liệt.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu và sỏi thận hoặc sỏi bàng quang: gây đau khi đi tiểu và đi tiểu nhiều lần.
- Bàng quang tăng hoạt: cơ bàng quang co bóp bất thường, dẫn đến rối loạn trong khả năng giữ nước tiểu. Điều này gây ra các triệu chứng như tiểu nhiều lần, vừa tiểu xong lại buồn, tiểu són và tiểu gấp.
- Bệnh tiểu đường: bệnh lý mãn tính này cũng có triệu chứng là đi tiểu nhiều lần.
- Béo phì: trọng lượng cơ thể lớn có thể gây áp lực lên bàng quang, gây ra tình trạng buồn tiểu liên tục.
- Ung thư bàng quang: gây tiểu ra máu và đi tiểu nhiều.
- Viêm bàng quang kẽ: có triệu chứng là tiểu gấp và nhiều lần, ngoài ra còn gây đau vùng chậu.
Khi nào cần đi khám?
Khi nhận thấy các triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt như có máu trong nước tiểu, đau hoặc nóng rát khi đi tiểu hay tiểu khó thì nên đi khám. Tùy vào vấn đề cụ thể và mức độ nghiêm trọng mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất nếu gặp các triệu chứng sau đây:
- Buồn tiểu nhưng không thể đi được
- Bị sốt và ớn lạnh kèm theo đau buốt khi đi tiểu hoặc tiểu nhiều lần, tiểu gấp
- Có máu trong nước tiểu
- Bị đau ở vùng bụng dưới và vùng chậu
Câu hỏi thường gặp
Phì đại tuyến tiền liệt không phải là ung thư và cũng không làm tăng nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, theo một khảo sát ở Mỹ, khoảng một phần tư nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt gặp vấn đề về tiểu tiện và cần phải điều trị. Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về tình trạng lành tính này.
Điều gì xảy ra khi tuyến tiền liệt bị phì đại?
Tuyến tiền liệt tiếp tục phát triển trong suốt cuộc đời. Nhưng ở một số nam giới, tuyến tiền liệt phát triển lớn đến mức chèn lên bàng quang và niệu đạo. Điều này sẽ gây cản trở dòng chảy nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể.
Có hai loại phì đại tuyến tiền liệt. Ở loại thứ nhất, các tế bào phát triển xung quanh niệu đạo, làm cho niệu đạo bị thu hẹp lại. Ở loại thứ hai, các tế bào phát triển vào cổ bàng quang.
Tuyến tiền liệt phì đại có thể trở lại bình thường không?
Một số loại thuốc có thể giúp thu nhỏ tuyến tiền liệt bị phì đại. Các loại thuốc này ngăn tuyến tiền liệt phát triển, giảm kích thước hiện tại và làm giãn đường tiết niệu để cải thiện dòng chảy nước tiểu.
Những loại thuốc này gồm có:
- Thuốc chẹn alpha để làm giãn cơ
- Thuốc ức chế 5-alpha reductase để ngăn tuyến tiền liệt chuyển đổi testosterone thành DHT (DHT có thể góp phần khiến tuyến tiền liệt phì đại)
Nếu đã dùng thuốc mà các triệu chứng không thuyên giảm thì sẽ cần đến các thủ thuật xâm lấn để loại bỏ mô tuyến tiền liệt phì đại hoặc mở rộng niệu đạo.
Nguyên nhân nào khiến tuyến tiền liệt bị phì đại?
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân nào gây phì đại tuyến tiền liệt. Theo các nhà nghiên cứu, tình trạng này một phần là do sự thay đổi nội tiết tố trong quá trình lão hóa. Khi nam giới có tuổi, nồng độ testosterone giảm nhưng nồng độ estrogen thì không. Những thay đổi về nội tiết tố này có thể gây ra tình trạng các tế bào phát triển quá mức.
Một giả thuyết khác lại cho rằng tuyến tiền liệt bị phì đại là do DHT - một loại hormone có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tuyến tiền liệt. Một số loại thuốc ức chế 5-alpha reductase thu nhỏ tuyến tiền liệt bằng cách làm chậm quá trình sản xuất hormone DHT.
Tóm tắt bài viết
Phì đại tuyến tiền liệt là một vấn đề phổ biến ở nam giới khi có tuổi. Mặc dù các nhà nghiên cứu chưa rõ nguyên nhân gây ra tình trạng này nhưng có thể một phần là do sự thay đổi nội tiết trong quá trình lão hóa tự nhiên.
Tuyến tiền liệt phì đại có thể chèn ép niệu đạo và gây áp lực lên bàng quang, khiến việc đi tiểu trở nên khó khăn và gây ra nhiều triệu chứng khác. Khi có các triệu chứng như sốt, ớn lạnh hay có máu trong nước tiểu thì hãy đi khám ngay. Trường hợp hoàn toàn không đi tiểu được cần được điều trị khẩn cấp.
Các phương pháp điều trị phì đại tuyến tiền liệt gồm có dùng thuốc hoặc phẫu thuật, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng và vị trí bị tắc nghẽn.
Tuyến tiền liệt là cơ quan bao quanh niệu đạo, khi bị phì đại sẽ chèn ép lên niệu đạo và khiến việc đi tiểu trở nên khó khăn.
Đừng cam chịu sống chung với tăng sản lành tính tuyến tiền liệt. Điều trị sớm sẽ giúp tránh các vấn đề về sau này. Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu, bí tiểu cấp tính (hoàn toàn không thể đi tiểu), sỏi thận và sỏi bàng quang. Trong trường hợp nghiêm trọng, tăng sản lành tính tuyến tiền liệt còn có thể gây tổn hại thận.
Một triệu chứng phổ biến của tăng sản lành tính tuyến tiền liệt là buồn tiểu liên tục, đặc biệt là vào ban đêm. Ngoài ra, tình trạng này còn có thể gây ra các triệu chứng khác.
Tuyến tiền liệt là một tuyến có kích thước tương đối nhỏ nằm ở bên dưới bàng quang nhưng có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng nếu phì đại hoặc bị nhiễm trùng. Viêm tuyến tiền liệt và tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (hay còn gọi là phì đại tuyến tiền liệt) là hai vấn đề phổ biến xảy ra với tuyến tiền liệt. Mặc dù cả hai đều gây đau và khó tiểu những mỗi tình trạng là do những nguyên nhân khác nhau gây ra. Hãy cùng tìm hiểu về hai hai bệnh này trong bài viết dưới đây.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ tăng sản tuyến tiền liệt lành tính, trong đó có những yếu tố không thể kiểm soát nhưng cũng có những yếu tố có thể thay đổi để giảm thiểu nguy cơ.