Ung thư tuyến tiền liệt có chữa khỏi được không?
Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những bệnh ung thư có tỷ lệ sống sót cao nhất và thường có thể chữa khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu. Nếu không còn bất kỳ dấu hiệu ung thư nào trong thời gian ít nhất 5 năm thì sẽ được coi là khỏi bệnh.
Thông thường, mục tiêu điều trị ung thư tuyến tiền liệt là chữa khỏi bệnh và ngăn bệnh tái phát. Trong một số trường hợp, mục tiêu điều trị là làm giảm bớt các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc về khả năng chữa khỏi ung thư tuyến tiền liệt và những lựa chọn điều trị.
Mục tiêu điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt cho hiệu quả cao nhất khi bệnh được điều trị ngay từ giai đoạn đầu.
Có nhiều cách phân giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt nhưng cách được sử dụng phổ biến nhất là hệ thống TNM của Ủy ban Hỗn hợp về Ung thư Hoa Kỳ (AJCC). Hệ thống TNM chia bệnh ung thư tuyến tiền liệt thành các giai đoạn từ 1 đến 4B dựa trên các yếu tố:
- Mức độ của bệnh ung thư
- Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết lân cận hay chưa
- Ung thư đã lan đến các bộ phận khác của cơ thể hay chưa
- Mức kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA)
- Nhóm độ mô học - thước đo dự đoán tốc độ lan rộng của ung thư
Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 1 hay giai đoạn đầu là dễ điều trị nhất và gần như tất cả các ca bệnh đều có thể chữa khỏi. Mặt khác, ung thư giai đoạn 4B là khó điều trị nhất nhưng khoảng 1/3 số người bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn này vẫn có thể sống thêm trên 5 năm.
Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute - NCI) sử dụng một hệ thống phân giai đoạn ung thư khác. Cơ quan này chia ung thư tuyến tiền liệt thành ba cấp độ là khu trú, di căn vùng và di căn xa. NCI đã thống kê tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt từ năm 2012 đến 2018 và đưa ra số liệu như sau: (1)
Giai đoạn | Giai đoạn tương đương theo hệ thống TNM | Tỷ lệ sống tương đối 5 năm |
Khu trú | Giai đoạn 1 đến 3A | Khoảng 100% |
Di căn vùng | Giai đoạn 3B đến 4A | Khoảng 100% |
Di căn xa | Giai đoạn 4B | 32,3% |
Bác sĩ có thể đề nghị điều trị giảm nhẹ cho những trường hợp ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 4B và khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.
Tìm hiểu thêm về các giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt
Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Có 8 phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Các nhà nghiên cứu hiện đang thử nghiệm hiệu quả của các phương pháp điều trị mới, ví dụ như liệu pháp áp lạnh và liệu pháp siêu âm hội tụ cường độ cao.
Các phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh ung thư tuyến tiền liệt gồm có:
Quan sát chờ đợi và giám sát tích cực
Quan sát chờ đợi và giám sát tích cực có nghĩa chỉ theo dõi sự tiến triển của bệnh ung thư theo thời gian.
Nếu bác sĩ đề nghị giám sát tích cực, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm PSA khoảng 6 tháng một lần và thăm trực tràng khoảng mỗi năm một lần. Ngoài ra còn có thể phải kiểm tra bằng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết tuyến tiền liệt từ 1 đến 3 năm một lần. Nếu kết quả cho thấy sự thay đổi thì có thể sẽ phải bắt đầu điều trị tích cực.
Với quan sát chờ đợi, người bệnh sẽ ít phải tái khám hơn. Khi xuất hiện các triệu chứng thì sẽ phải bắt đầu điều trị để cải thiện chất lượng cuộc sống.
Lợi ích và rủi ro của việc quan sát chờ đợi và giám sát tích cực
Quan sát chờ đợi và giám sát tích cực giúp tránh được những tác dụng phụ của các phương pháp điều trị tích cực nhưng lại tiềm ẩn rủi ro ung thư tiến triển. Mục đích của việc quan sát chờ đợi không phải là chữa khỏi ung thư mà là theo dõi các triệu chứng.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là một giải pháp điều trị cho những trường hợp ung thư giới hạn trong tuyến tiền liệt. Loại phẫu thuật phổ biến nhất để điều trị ung thư tuyến tiền liệt là phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến tiền liệt. Trong ca phẫu thuật này, tuyến tiền liệt, vùng mô xung quanh và túi tinh đều bị cắt bỏ. Các hạch bạch huyết lân cận cũng có thể bị cắt bỏ.
Lợi ích và rủi ro của phẫu thuật
Phẫu thuật có thể chữa khỏi bệnh ung thư nhưng lại tiềm ẩn một số rủi ro như:
- Rối loạn cương dương
- Rò rỉ nước tiểu
- Giảm chiều dài dương vật
- Thoát vị bẹn
Tìm hiểu thêm về phẫu thuật điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng các hạt hoặc sóng năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Có ba loại xạ trị chính là:
- Xạ trị chùm tia bên ngoài: một thiết bị bên ngoài ở bên ngoài chiếu chùm tia phóng xạ vào vị trí có khối u.
- Xạ trị áp sát: đưa nguồn phóng xạ vào bên trong cơ thể, ngay sát bên cạnh khối u để tiêu diệt tế bào ung thư.
Dược chất phóng xạ: Tiêm chất phóng xạ radium-223 vào máu. Loại xạ trị này được sử dụng để điều trị ung thư đã di că đến xương.
Lợi ích và rủi ro của xạ trị
Xạ trị có thể chữa khỏi ung thư tuyến tiền liệt khi được sử dụng làm phương pháp điều trị độc lập hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác. Phương pháp xạ trị áp sát thường chỉ cần một buổi điều trị.
Tuy nhiên, xạ trị làm tăng nguy cơ mắc ung thư đường tiêu hóa hoặc ung thư bàng quang. Xạ trị còn có thể gây ra tác dụng phụ như rối loạn cương dương hoặc các vấn đề về tiết niệu.
Tìm hiểu thêm về xạ trị điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Liệu pháp hormone
Liệu pháp hormone làm giảm nồng độ hormone sinh dục nam (androgen) – các hormone giúp tế bào ung thư tuyến tiền liệt phát triển. Có hai loại liệu pháp hormone để điều trị ung thư tuyến tiền liệt là dùng thuốc và phẫu thuật cắt tinh hoàn. Liệu pháp hormone là một phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 3 hoặc 4.
Lợi ích và rủi ro của liệu pháp hormone
Liệu pháp hormone giúp tiêu diệt hoặc làm chậm tốc độ phát triển của các tế bào ung thư nhưng phương pháp điều trị này có thể gây ra các tác dụng phụ như:
- Bốc hỏa
- Rối loạn cương dương
- Giảm ham muốn tình dục
- Xương yếu
Hóa trị
Hóa trị là phương pháp dùng thuốc có chứa hóa chất tiêu diệt tế bào ung thư. Những hóa chất này sẽ phá hủy cả các tế bào khỏe mạnh đang phân chia nhanh chóng trong cơ thể. Hóa trị có thể được kết hợp với liệu pháp hormone để điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 4.
Lợi ích và rủi ro của hóa trị
Hóa trị giúp thu nhỏ kích thước khối u tuyến tiền liệt nhưng có thể làm hỏng các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể. Hóa trị có thể gây ra tác dụng phụ như:
- Buồn nôn và nôn
- Mệt mỏi
- Rụng tóc
- Lở miệng
- Ăn không ngon miệng
Liệu pháp nhắm trúng đích
Liệu pháp nhắm trúng đích là phương pháp dùng các loại thuốc chỉ nhắm đến các tế bào ung thư. Phương pháp điều trị này ít gây tổn hại đến các tế bào khỏe mạnh hơn so với hóa trị.
Lợi ích và rủi ro của liệu pháp nhắm trúng đích
Liệu pháp nhắm trúng đích là một lựa chọn điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Mặc dù ít ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh hơn so với hóa trị nhưng liệu pháp nhắm trúng đích vẫn có thể gây ra các tác dụng phụ như:
- Buồn nôn
- Nôn
- Tiêu chảy
- Mệt mỏi
- Chán ăn
Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là phương pháp dùng thuốc kích thích hệ miễn dịch tấn công các tế bào ung thư.
Lợi ích và rủi ro của liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch có thể chữa khỏi ung thư tuyến tiền liệt khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Tuy nhiên, phương pháp điều trị này cũng có tác dụng phụ:
- Sốt
- Mệt mỏi
- Ớn lạnh
- Nhức đầu
- Buồn nôn
Bisphosphonate
Bisphosphonate là nhóm thuốc làm giảm sự suy yếu hay sự mất xương trong những trường hợp ung thư di căn đến xương.
Lợi ích và rủi ro của bisphosphonate
Thuốc bisphosphonate không thể chữa khỏi bệnh ung thư tuyến tiền liệt nhưng có thể giúp củng cố xương và giảm nguy cơ gãy xương. Tác dụng phụ của các loại thuốc trong nhóm này gồm có:
- Đau nhức xương khớp
- Các triệu chứng giống như cúm
- Vấn đề về thận
Tiên lượng ung thư tuyến tiền liệt
Tiên lượng của bệnh ung thư tuyến tiền liệt nói chung là rất tốt. Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những bệnh ung thư có tỷ lệ sống sót cao nhất. Tỷ lệ sống tương đối 5 năm ở tất cả các giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt nói chung là gần 97% (tỷ lệ sống tương đối so sánh tỷ lệ sống của những người mắc bệnh với những người không mắc bệnh). (2)
Quá trình điều trị ung thư tuyến tiền liệt có thể gây căng thẳng và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nhiều phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt gây ra các tác dụng phụ như tiểu không tự chủ và rối loạn cương dương. Ngoài các phương pháp điều trị ung thư, bác sĩ sẽ đưa ra biện pháp điều trị các tác dụng phụ nếu cần thiết.
Câu hỏi thường gặp về điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt có thể chữa khỏi hoàn toàn không?
Phần lớn các trường hợp ung thư tuyến tiền liệt đều có thể chữa khỏi. Tỷ lệ tái phát sinh hóa ở những trường hợp điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến tiền liệt triệt là khoảng 25% và lên đến 45% ở trường hợp điều trị bằng xạ trị chùm tia bên ngoài.
Tái phát sinh hóa có nghĩa là mức PSA tăng đến ngưỡng cho thấy ung thư đã quay trở lại. Nếu ung thư tái phát, bác sĩ sẽ đề nghị một phương pháp điều trị khác, ví dụ như liệu pháp hormone.
Ung thư tuyến tiền liệt tiến triền sang giai đoạn nào thì không còn chữa được?
Khi ung thư tuyến tiền liệt tiến triền sang giai đoạn 4B thì sẽ không còn khả năng chữa khỏi. Nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Người bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối có thể sống được bao lâu?
Khoảng một phần ba số người mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối sống được thêm trên 5 năm.
Tóm tắt bài viết
Gần như tất cả các trường hợp ung thư tuyến tiền liệt đều có thể chữa khỏi, miễn là bệnh chưa di căn đến các bộ phận ở xa trong cơ thể. Khoảng một phần ba số ca ung thư tuyến tiền liệt di căn đến các cơ quan ở xa vẫn có thể chữa khỏi.
Tùy vào giai đoạn bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất cho người bệnh, gồm có giám sát tích cực, phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp hormone, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch và thuốc bisphosphonate. Kể cả khi ung thư tuyến tiền liệt đã tiến triển sang giai đoạn cuối thì vẫn có các lựa chọn điều trị giúp kiểm soát các triệu chứng và kéo dài tuổi thọ.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng liệu pháp testosterone có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, nhưng cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về mối liên hệ này.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một số điểm tương đồng giữa tuyến Skene ở phụ nữ và tuyến tiền liệt ở nam giới, vì vậy nên tuyến Skene mới được gọi là “tuyến tiền liệt nữ”.
Mặc dù hiện chưa có bằng chứng chắc chắn nào chứng minh rằng thắt ống dẫn tinh làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt nhưng nghiên cứu gần đây lại một lần nữa đặt câu hỏi về vấn đề này.
Những người mắc ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu có thể không cần điều trị nhưng khi bệnh đã tiến triển sang giai đoạn nặng và các tế bào ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể thì giám sát tích cực sẽ không còn phù hợp nữa mà phải tiến hành điều trị.
Hầu hết các trường hợp ung thư tuyến tiền liệt đều không có yếu tố di truyền. Tuy nhiên, việc mang một số đột biến gen nhất định như đột biến ở gen BRCA1 hoặc BRCA2 có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.