1

Nước tiểu đục là dấu hiệu của bệnh gì?

Nước tiểu thường có màu vàng nhạt đến màu hổ phách và trong suốt. Nếu nước tiểu đục thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy đường tiết niệu đang có vấn đề. Nước tiểu đục có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau như mất nước, nhiễm trùng, vấn đề về thận, một số bệnh mạn tính.
Nước tiểu đục là dấu hiệu của bệnh gì? Nước tiểu đục là dấu hiệu của bệnh gì?

Các nguyên nhân khiến nước tiểu đục

Mất nước

Nước tiểu sẫm màu và đục thường là do mất nước, tình trạng xảy ra khi lượng nước mất đi nhiều hơn lượng nước mà cơ thể hấp thụ. Bất cứ ai cũng đều có thể bị mất nước nhưng tình trạng này phổ biến hơn ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người mắc bệnh mạn tính. Người trưởng thành khỏe mạnh thường bị mất nước nhẹ sau khi thức dậy vào buổi sáng và sau khi tập thể dục cường độ cao.

Khi cơ thể bị mất nước, thận sẽ giữ lại nhiều nước hơn. Điều này khiến cho nước tiểu trở nên cô đặc và có màu sẫm hơn bình thường.

Các dấu hiệu của mất nước nặng gồm có:

  • Nước tiểu đục hoặc có màu vàng đậm
  • Khát nước cực độ
  • Ít đi tiểu
  • Tã khô ở trẻ sơ sinh
  • Khô miệng
  • Chóng mặt
  • Đau đầu
  • Thiếu tỉnh táo, khó tập trung

Nếu chỉ bị mất nước nhẹ, chẳng hạn như mất nước vào buổi sáng hay mất nước sau khi ra nhiều mồ hôi thì có thể khắc phục bằng cách uống nhiều nước để bù nước cho cơ thể.

Mất nước có thể xảy ra sau khi bị nôn mửa hoặc tiêu chảy. Điều này rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Trẻ bị nôn trớ hoặc tiêu chảy cần được theo dõi chặt chẽ và cho trẻ uống dung dịch bù nước và điện giải.

Nếu bị mất nước nghiêm trọng hoặc đã thử các biện pháp khắc phục tại nhà mà không hiệu quả thì sẽ phải nhập viện điều trị.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu cũng là một nguyên nhân phổ biến khiến nước tiểu đục. Nhiễm trùng có thể xảy ra ở bất cứ đâu trong đường tiết niệu, chẳng hạn như niệu đạo, bàng quang, niệu quản và thận.

Phụ nữ có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn so với nam giới vì niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn, có nghĩa là vi khuẩn từ bên ngoài dễ xâm nhập vào đường tiết niệu hơn.

Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn phát triển quá mức. Lúc này, cơ thể sẽ đưa tế bào bạch cầu đến khu vực bị nhiễm trùng để chống lại vi khuẩn. Những tế bào bạch cầu này sau đó sẽ được đào thải ra ngoài qua nước tiểu. Điều này sẽ khiến nước tiểu trở nên đục.

Các triệu chứng khác của nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có:

  • Liên tục buồn tiểu
  • Đột ngột buồn tiểu dữ dội
  • Nước tiểu có màu đỏ, hồng hoặc nâu (dấu hiệu có máu trong nước tiểu)
  • Nước tiểu có mùi hôi hoặc khai nồng
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Đau thắt lưng hoặc giữa lưng
  • Buồn tiểu nhưng lượng nước tiểu ít
  • Đau vùng chậu ở phụ nữ

Nhiễm trùng đường tiết niệu cần điều trị bằng thuốc kháng sinh. Mặc dù đa phần đều có thể điều trị dễ dàng nhưng nếu không được điều trị, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể trở nên nghiêm trọng và dẫn đến các biến chứng như:

  • Tổn thương thận
  • Nhiễm trùng mạn tính
  • Biến chứng thai kỳ nếu xảy ra trong thời gian mang thai
  • Nhiễm trùng máu (có thể đe dọa đến tính mạng)

Viêm âm đạo

Ở phụ nữ, nước tiểu đục có thể là do viêm âm đạo. Âm đạo có thể bị viêm do:

  • nhiễm vi khuẩn
  • nhiễm nấm (nấm Candida)
  • trichomonas (một bệnh lây truyền qua đường tình dục)

Trong âm đạo luôn tồn tại vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Khi những vi khuẩn này tồn tại ở trạng thái cân bằng thì sẽ không xảy ra vấn đề gì. Tuy nhiên, đôi khi vì một số nguyên nhân như thay đổi nội tiết tố mà sự cân bằng này bị phá vỡ, vi khuẩn có hại phát triển quá mức và lấn át vi khuẩn có lợi. Điều này dẫn đến viêm âm đạo do vi khuẩn.

Hệ miễn dịch sẽ đưa tế bào bạch cầu đến âm đạo để tiêu diệt vi khuẩn và khi tế bào bạch cầu được đào thải vào nước tiểu, nước tiểu sẽ trở nên đục.

Các dấu hiệu khác của viêm âm đạo gồm có:

  • Ngứa ngáy, đau hoặc nóng rát ở trong hoặc xung quanh âm đạo
  • Khí hư có mùi hôi hoặc mùi tanh, mùi tăng lên sau khi quan hệ tình dục
  • Khí hư màu vàng, xanh, xám hoặc vón cục giống bã đậu
  • Nóng rát khi đi tiểu
  • Đau khi quan hệ tình dục

Phương pháp điều trị viêm âm đạo phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra vấn đề. Viêm âm đạo do vi khuẩn và trichomonas cần điều trị bằng kháng sinh. Viêm âm đạo do nấm cần điều trị bằng thuốc kháng nấm.

Nếu không điều trị, viêm âm đạo sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Sỏi thận

Sỏi thận xảy ra khi tinh thể khoáng chất và muối trong nước tiểu tích tụ lại. Những tinh thể này có thể tạo thành khối lớn và gây đau đớn dữ dội.

Sỏi thận lớn có thể mắc kẹt bên trong đường tiết niệu, sau đó gây nhiễm trùng và tắc nghẽn. Nước tiểu đục có thể là dấu hiệu của sỏi thận và nhiễm trùng do sỏi thận.

Các triệu chứng khác của sỏi thận gồm có:

  • Đau dữ dội ở vùng hạ sườn hoặc lưng
  • Đau lan xuống bụng dưới và bẹn
  • Đau quặn từng cơn
  • Đau buốt khi đi tiểu
  • Nước tiểu màu hồng, đỏ hoặc nâu do có lẫn máu
  • Nước tiểu có mùi bất thường

Sỏi thận nhỏ thường tự trôi ra ngoài mà không cần điều trị. Hãy uống nhiều nước để tăng tốc độ đào thải sỏi. Bạn có thể dùng thuốc giảm đau để giảm bớt cảm giác đau đớn, khó chịu trong quá trình đào thải sỏi.

Sỏi thận lớn hoặc sỏi thận gây nhiễm trùng cần can thiệp y tế. Các phương pháp điều trị gồm có tán sỏi qua da để phá vỡ viên sỏi thành các mảnh nhỏ, giúp sỏi trôi ra ngoài dễ dàng hơn và phẫu thuật nội soi để loại bỏ sỏi. Nếu sỏi thận gây nhiễm trùng thì sẽ phải điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Bệnh thận mạn

Hầu hết các trường hợp bệnh thận mạn đều là do bệnh đái tháo đường hoặc cao huyết áp. Bệnh thận mạn được chia thành 5 giai đoạn dựa trên chức năng của thận. Khi chức năng lọc máu của thận giảm xuống còn dưới 15% so với bình thường thì có nghĩa là bệnh thận mạn đã tiến triển sang giai đoạn cuối (suy thận mạn giai đoạn cuối).

Thận có chức năng lọc chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Khi thận không còn hoạt động bình thường, chất thải sẽ tích tụ và phá vỡ sự cân muối và khoáng chất trong máu. Vì thận là cơ quan tạo nước tiểu nên sự suy giảm chức năng thận sẽ dẫn đến những thay đổi về lượng, màu và mùi nước tiểu.

Các triệu chứng của suy thận gồm có:

  • Sưng phù, thường là ở bàn chân, mắt cá chân và cẳng chân
  • Nhức đầu
  • Ngứa ngáy
  • Buồn nôn và nôn
  • Thường xuyên mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày
  • Khó ngủ vào ban đêm
  • Chán ăn và sụt cân
  • Chuột rút cơ, yếu cơ hoặc tê
  • Lượng nước tiểu giảm
  • Đau hoặc cứng khớp
  • Mơ hồ, thiếu tỉnh táo

Suy thận mạn giai đoạn cuối là bệnh lý nghiêm trọng nhưng vẫn có thể kiểm soát được. Các phương pháp điều trị gồm có chạy thận nhân tạo và ghép thận. Trong quá trình chạy thận nhân tạo, máu được đưa ra ngoài cơ thể vào một thiết bị lọc để loại bỏ chất thải, sau đó máu được đưa trở lại vào cơ thể.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục

Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) là những bệnh nhiễm trùng có thể truyền từ người này sang người khác khi quan hệ tình dục.

Nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến như lậu và chlamydia thường có rất ít triệu chứng. Cũng như các bệnh nhiễm trùng khác (viêm âm đạo và nhiễm trùng đường tiết niệu), khi mắc STI, cơ thể cũng sẽ đưa tế bào bạch cầu đến vị trí bị nhiễm trùng sẽ chống lại vi khuẩn. Những tế bào bạch cầu này sẽ đi vào nước tiểu và khiến nước tiểu bị đục.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục còn có thể gây triệu chứng tiết dịch âm đạo hoặc dương vật bất thường. Dịch tiết có thể lẫn vào nước tiểu và làm cho nước tiểu trở nên đục.

Các dấu hiệu và triệu chứng khác của các bệnh lây truyền qua đường tình dục còn có:

  • Ngứa bộ phận sinh dục
  • Nóng rát khi đi tiểu
  • Phát ban, mụn nước hoặc mụn cóc
  • Đau bộ phận sinh dục
  • Đau vùng chậu ở phụ nữ
  • Đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục

Việc điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục còn tùy thuộc vào loại bệnh cụ thể. Thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị chính cho các bệnh này. Nếu không được điều trị, bệnh lây truyền qua đường tình dục ở phụ nữ có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, viêm vùng chậu nghiêm trọng và các biến chứng khi mang thai. Ở nam giới, bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể dẫn đến viêm tuyến tiền liệt và các cơ quan khác trong hệ sinh dục.

Bệnh đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường có đặc trưng là lượng đường trong máu cao. Thận phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ bớt đường trong máu và lượng đường dư thừa sẽ được bài tiết vào nước tiểu.

Theo thời gian, thận sẽ suy yếu dần và dẫn đến bệnh thận. Bệnh thận thường được chẩn đoán bằng cách làm xét nghiệm đo nồng độ một số protein trong nước tiểu. Những protein này có thể làm thay đổi màu sắc hoặc mùi của nước tiểu.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh đái tháo đường gồm có:

  • Khát nước và đói liên tục
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Mệt mỏi
  • Sụt cân
  • Vết thương chậm lành
  • Thường xuyên bị nhiễm trùng

Bệnh đái tháo đường type 2 có thể được kiểm soát bằng thuốc, điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục. Bệnh đái tháo đường type 1 cần điều trị bằng insulin. Kiểm soát tốt lượng đường trong máu sẽ giúp làm giảm nguy cơ tổn thương thận.

Thực phẩm

Nước tiểu bị đục có thể là do uống quá nhiều sữa. Các sản phẩm từ sữa có chứa canxi photphat. Canxi photphat sẽ được thận lọc khỏi máu và đi vào nước tiểu. Tình trạng có quá nhiều photphat trong nước tiểu được gọi là photphat niệu và điều này khiến nước tiểu bị dục. Nếu tình trạng này kéo dà thì bạn nên đi khám. Photphat niệu có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe khác.

Vấn đề về tuyến tiền liệt

Các vấn đề về tuyến tiền liệt, như viêm tuyến tiền liệt, có thể khiến nước tiểu bị đục.

Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng nhiễm trùng hay viêm xảy ra ở tuyến tiền liệt - một tuyến nhỏ nằm bên dưới bàng quang ở nam giới. Viêm tuyến tiền liệt có thể do một số nguyên nhân gây ra nhưng thường là do nhiễm trùng. Viêm tuyến tiền liệt có thể xảy ra đột ngột (cấp tính) hoặc từ từ và kéo dài (mạn tính). Nước tiểu đục có thể là do tế bào bạch cầu, mủ hoặc dịch tiết ra từ dương vật.

Các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt gồm có:

  • Đau buốt hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Tiểu khó, dòng tiểu yếu, ngập ngừng
  • Đi tiểu nhiều lần, đặc biệt là vào ban đêm
  • Tiểu gấp
  • Máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch
  • Đau ở bụng, bẹn hoặc thắt lưng
  • Đau ở bộ phận sinh dục
  • Đau khi xuất tinh
  • Các triệu chứng giống như cúm

Việc điều trị viêm tuyến tiền liệt tùy thuộc vào nguyên nhân, nhưng thường là bằng thuốc kháng sinh, thuốc chẹn alpha hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID).

Mang thai

Nước tiểu đục khi mang thai có thể do nhiễm trùng đường tiết niệu, các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục hoặc do viêm âm đạo. Các triệu chứng của những tình trạng này ở phụ nữ mang thai cũng giống như ở phụ nữ không mang thai. Tuy nhiên, những bệnh nhiễm trùng này có thể dẫn đến các biến chứng khi mang thai nên cần phải điều trị càng sớm càng tốt. Nhiễm trùng không được điều trị có thể dẫn đến sinh con nhẹ cân, sinh non và các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng khác.

Protein trong nước tiểu đôi khi là dấu hiệu của tiền sản giật - một biến chứng thai kỳ nguy hiểm. Protein thường không khiến nước tiểu bị đục nhưng nếu lượng protein quá cao thì nước tiểu có thể nổi bọt.

Phụ nữ đang mang thai cần đi khám ngau khi có các dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm âm đạo hoặc tiền sản giật.

Tóm tắt bài viết

Có nhiều nguyên nhân khiến nước tiểu đục. Một số nguyên nhân là vô hại nhưng một số lại là những vấn đề sức khỏe cần điều trị. Nếu tình trạng nước tiểu đục kéo dài không đỡ thì nên đi khám. Xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu sẽ giúp xác định vấn đề.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nước tiểu có chất nhầy là dấu hiệu của bệnh gì?
Nước tiểu có chất nhầy là dấu hiệu của bệnh gì?

Màu sắc, mùi và độ trong của nước tiểu phản ánh phần nào tình trạng sức khỏe. Sự hiện diện của chất nhầy trong nước tiểu là điều bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe đang có vấn đề, tùy thuộc vào đặc điểm của chất nhầy.

Tiểu ra máu (đái máu) là dấu hiệu của bệnh gì?
Tiểu ra máu (đái máu) là dấu hiệu của bệnh gì?

Tiểu ra máu có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, ngay cả khi chỉ xảy ra một lần, vì thế nên không được bỏ qua. Nếu không được điều trị, các nguyên nhân gây tiểu ra máu như ung thư và bệnh thận sẽ ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Do đó, hãy đi khám càng sớm càng tốt khi phát hiện có máu trong nước tiểu.

Cục máu đông dài trong nước tiểu là biểu hiện của bệnh gì?
Cục máu đông dài trong nước tiểu là biểu hiện của bệnh gì?

Nếu ở trong niệu quản hoặc niệu đạo đủ lâu, máu sẽ đông lại và đi ra ngoài theo nước tiểu ở dạng sợi dài. Tuy nhiên, điều này rất hiếm gặp.

Xét nghiệm protein trong nước tiểu giúp chẩn đoán những bệnh lý nào?
Xét nghiệm protein trong nước tiểu giúp chẩn đoán những bệnh lý nào?

Xét nghiệm protein trong nước tiểu đo nồng độ protein có trong nước tiểu. Ở người khỏe mạnh, nước tiểu chỉ có một lượng protein rất nhỏ. Tuy nhiên, protein có thể được bài tiết vào nước tiểu khi thận không hoạt động bình thường hoặc khi lượng protein trong máu ở mức cao. Có hai loại xét nghiệm protein trong nước tiểu là xét nghiệm protein nước tiểu ngẫu nhiên và xét nghiệm protein nước tiểu 24 giờ.

Nước tiểu có tinh thể là biểu hiện của bệnh gì?
Nước tiểu có tinh thể là biểu hiện của bệnh gì?

Có nhiều loại tinh thể khác nhau có thể xuất hiện trong nước tiểu. Sự hiện diện của tinh thể trong nước tiểu có thể là do nguyên nhân vô hại hoặc cũng có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây