1

Nước tiểu có chất nhầy là dấu hiệu của bệnh gì?

Màu sắc, mùi và độ trong của nước tiểu phản ánh phần nào tình trạng sức khỏe. Sự hiện diện của chất nhầy trong nước tiểu là điều bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe đang có vấn đề, tùy thuộc vào đặc điểm của chất nhầy.
Nước tiểu có chất nhầy là dấu hiệu của bệnh gì? Nước tiểu có chất nhầy là dấu hiệu của bệnh gì?

Nếu như chất nhầy loãng và trong suốt hoặc có màu trắng đục, trắng ngà là đó là điều bình thường do dịch tiết tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, nếu chất nhầy màu vàng thì đó lại có thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe.

Điều quan trọng là phải để ý đến những thay đổi bất thường khác.

Dưới đây là những nguyên nhân chính khiến nước tiểu có dịch nhầy, các triệu chứng khác đi kèm và cách điều trị.

Các nguyên nhân khiến nước tiểu có dịch nhầy

1. Dịch tiết tự nhiên

Niệu đạo và bàng quang tạo ra dịch nhầy một cách tự nhiên. Dịch nhầy di chuyển dọc theo đường tiết niệu để làm sạch vi trùng xâm nhập và ngăn ngừa nhiễm trùng như nhiễm trùng đường tiết niệu hay nhiễm trùng thận.

Dịch nhầy này lẫn trong trong nước tiểu và lượng dịch nhầy sẽ có sự thay đổi theo các yếu tố như thời điểm trong ngày, lượng nước uống, nồng độ hormone…

Tuy nhiên, nếu đột nhiên nhận thấy nước tiểu có nhiều dịch nhầy thì đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe. Dịch tiết tự nhiên thường không màu hoặc có màu trắng đục, trắng ngà. Nếu chất nhầy trong nước tiểu không có những đặc điểm này thì bạn nên đi khám.

Dịch nhầy trong nước tiểu là hiện tượng phổ biến ở phụ nữ trẻ. Đó là bởi vì kinh nguyệt, mang thai, thuốc tránh thai và sự rụng trứng có thể làm cho dịch tiết trở nên đặc hơn và nhìn thấy rõ hơn. Dịch tiết này được tạo ra ở cổ tử cung, sau đó chảy qua âm đạo và lẫn vào trong nước tiểu.

Nam giới cũng có thể có dịch nhầy trong nước tiểu. Nếu nước tiểu có lượng dịch nhầy lớn thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh lý, chẳng hạn như bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) hay các bệnh nhiễm trùng khác.

Điều trị

Nếu hiện tượng dịch nhầy trong nước tiểu chỉ kéo dài một vài ngày và không kèm theo thay đổi bất thường nào khác thì đa phần không cần phải điều trị.

Nếu màu sắc hoặc lượng nước tiểu có sự thay đổi thì nên đi khám. Bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng và tiến hành các phương pháp chẩn đoán để xác định nguyên nhân gây ra những thay đổi này, sau đó sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

2. Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu là một bệnh nhiễm trùng phổ biến. Nhiễm trùng có thể xảy ra ở bất cứ đâu trong đường tiết niệu và thường là do vi khuẩn gây ra. Mặc dù nhiễm trùng đường tiết niệu có thể xảy ra ở cả nam và nữ nhưng phổ biến hơn ở trẻ em gái và phụ nữ. Lý do là bởi niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn niệu đạo của nam giới, có nghĩa là vi khuẩn từ bên ngoài dễ dàng xâm nhập qua niệu đạo và đường tiết niệu hơn.

Những phụ nữ có quan hệ tình dục có nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn những phụ nữ không quan hệ tình dục.

Ngoài dịch nhầy trong nước tiểu, nhiễm trùng đường tiết niệu còn có các triệu chứng khác như:

  • Tiểu gấp (buồn tiểu dữ dội, không chịu đựng được)
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Nước tiểu có màu đỏ hoặc hồng do có lẫn máu

Điều trị

Nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn cần điều trị bằng thuốc kháng sinh kê đơn. Ngoài ra, người bệnh cần uống nhiều nước trong quá trình điều trị. Uống đủ nước không chỉ tốt cho sức khỏe tổng thể mà còn có thể giúp làm sạch đường tiết niệu để ngăn vi khuẩn lây lan.

Nếu thuốc kháng sinh đường uống không hiệu quả hoặc nếu các triệu chứng ngày càng trở nên nghiêm trọng thì có thể sẽ phải chuyển sang điều trị bằng thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch.

3. Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI)

Mặc dù các bệnh lây truyền qua đường tình dục có nhiều triệu chứng khác nhau nhưng một trong các triệu chứng điển hình của chlamydia và bệnh lậu là nước tiểu có nhiều dịch nhầy, triệu chứng này đặc biệt phổ biến ở nam giới.

Bệnh chlamydia còn có các triệu chứng khác như:

  • Dịch tiết màu trắng đục
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Sưng đau tinh hoàn
  • Đau và khó chịu ở vùng chậu
  • Chảy máu âm đạo bất thường
  • Các triệu chứng khác của bệnh lậu:
  • Dịch tiết màu vàng hoặc xanh
  • Đau khi đi tiểu
  • Chảy máu âm đạo bất thường
  • Đau và khó chịu ở vùng chậu

Điều trị

Cả bệnh lậu và chlamydia đều phải điều trị bằng thuốc kháng sinh kê đơn. Thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, thuốc không kê đơn hay bất cứ phương pháp tự điều trị nào khác cũng đều không có tác dụng. Bạn tình của người mắc các bệnh này cũng phải điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.

4. Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích là một chứng rối loạn tiêu hóa xảy ra ở ruột già.

Tình trạng này có thể dẫn đến chất nhầy đặc trong đường tiêu hóa. Chất nhầy này có thể chảy ra ngoài khi đại tiện và lẫn vào nước tiểu.

Hội chứng ruột kích thích còn có các triệu chứng khác như:

  • Thay đổi thói quen đại tiện như tiêu chảy, táo bón hoặc cả hai
  • Đầy hơi, chướng bụng
  • Đau bụng
  • Xì hơi nhiều

Điều trị

Hội chứng ruột kích thích là một tình trạng mạn tính và các phương pháp điều trị nhằm mục đích kiểm soát triệu chứng.

Người mắc hội chứng ruột kích thích cần điều chỉnh chế độ ăn uống, ví dụ như:

  • Tránh hoặc hạn chế các loại thực phẩm có thể gây đầy hơi, chẳng hạn như bông cải xanh, các loại đậu và trái cây tươi
  • Tránh thực phẩm có gluten như bột mì, lúa mạch
  • Ăn nhiều chất xơ để giảm táo bón

Bên cạnh đó, người bệnh có thể phải dùng một số loại thuốc như:

  • Thuốc trị tiêu chảy
  • Thuốc chống co thắt cơ để giảm cơn đau quặn bụng
  • Thuốc kháng sinh nếu bị hội chứng loạn khuẩn ở ruột non – tình trạng vi khuẩn có hại ở ruột non phát triển quá mức

5. Viêm loét đại tràng

Viêm loét đại tràng cũng là một bệnh về tiêu hóa. Giống như hội chứng ruột kích thích, viêm loét đại tràng cũng có thể gây dịch nhầy trong đường tiêu hóa. Tiết dịch nhầy là cơ chế tự nhiên của cơ thể để đối phó với tình trạng ăn mòn và loét thường gặp ở bệnh viêm loét đại tràng.

Khi đại tiện, dịch nhầy này có thể chảy ra ngoài hậu môn và lẫn vào nước tiểu.

Viêm loét đại tràng còn có các triệu chứng khác như:

  • Tiêu chảy
  • Đau bụng
  • Mệt mỏi
  • Sốt
  • Phân có lẫn máu
  • Đau trực tràng
  • Sụt cân

Điều trị

Người bị viêm loét đại tràng thường phải dùng thuốc chống viêm để làm giảm các triệu chứng. Ngoài ra có thể phải dùng thuốc ức chế miễn dịch để làm giảm phản ứng viêm trong cơ thể.

Đối với các trường hợp viêm loét đại tràng từ vừa đến nặng, bác sĩ có thể sẽ kê thêm thuốc sinh học để ức chế một số loại protein gây viêm.

Người bệnh có thể dùng thêm các loại thuốc không kê đơn như thuốc giảm đau và thuốc trị tiêu chảy. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc không kê đơn nào vì các loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến các loại thuốc khác đang dùng.

Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh cần điều trị bằng phẫu thuật. Nếu các giải pháp điều trị khác đều không có tác dụng thì sẽ phải cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần ruột già.

6. Sỏi thận

Sỏi thận hình thành do sự tích tụ tinh thể khoáng chất và muối trong nước tiểu. Nếu sỏi nằm trong thận thì thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.

Nhưng khi sỏi rời khỏi thận và đi qua đường tiết niệu thì nước tiểu có thể sẽ xuất hiện chất nhầy. Điều này là do đường tiết niệu tạo ra nhiều chất nhầy hơn để đưa sỏi thận ra khỏi cơ thể.

Các triệu chứng khác của sỏi thận còn có:

  • Đau dữ dội và khó chịu khắp vùng bụng và thắt lưng
  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Buồn đi tiểu liên tục
  • Máu trong nước tiểu

Điều trị

Nếu sỏi nhỏ thì không cần phải điều trị. Sỏi sẽ tự trôi ra ngoài theo nước tiểu. Người bệnh nên uống nhiều nước để tống sỏi ra ngoài nhanh hơn. Khi sỏi thận trôi ra ngoài cơ thể, các triệu chứng sẽ giảm dần.

Đối với những trường hợp có sỏi thận lớn và không tự trôi ra ngoài, phương pháp điều trị thường là tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích để phá vỡ sỏi thành các mảnh nhỏ, giúp sỏi chuyển qua đường tiết niệu dễ dàng hơn. Nếu sỏi thận có kích thước quá lớn thì sẽ phải phẫu thuật lấy sỏi.

Chất nhầy trong nước tiểu có phải là dấu hiệu ung thư bàng quang?

Chất nhầy trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư bàng quang nhưng điều này không phổ biến. Nếu là ung thư, chất nhầy thường đi kèm các triệu chứng khác như tiểu ra máu, đau bụng hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân. Dịch nhầy trong nước tiểu cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác. Cách duy nhất để xác định nguyên nhân chính xác gây ra các triệu chứng bất thường là đi khám.

Khi nào cần đi khám?

Nếu nhận thấy nước tiểu có nhiều chất nhầy thì bạn nên đi khám. Một lượng nhỏ chất nhầy là bình thường nhưng có quá nhiều chất nhầy trong nươc tiểu lại có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Chỉ khi đi khám mới có thể xác định nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng này và từ đó có phương pháp điều trị thích hợp.

Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 3 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nước tiểu có bạch cầu là dấu hiệu của bệnh gì?
Nước tiểu có bạch cầu là dấu hiệu của bệnh gì?

Lượng bạch cầu cao trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận hoặc khối u vùng chậu. Các yếu tố làm tăng nguy cơ xảy ra tình trạng này gồm có mang thai và hệ miễn dịch bị suy giảm.

Tiểu ra máu (đái máu) là dấu hiệu của bệnh gì?
Tiểu ra máu (đái máu) là dấu hiệu của bệnh gì?

Tiểu ra máu có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, ngay cả khi chỉ xảy ra một lần, vì thế nên không được bỏ qua. Nếu không được điều trị, các nguyên nhân gây tiểu ra máu như ung thư và bệnh thận sẽ ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Do đó, hãy đi khám càng sớm càng tốt khi phát hiện có máu trong nước tiểu.

Cục máu đông dài trong nước tiểu là biểu hiện của bệnh gì?
Cục máu đông dài trong nước tiểu là biểu hiện của bệnh gì?

Nếu ở trong niệu quản hoặc niệu đạo đủ lâu, máu sẽ đông lại và đi ra ngoài theo nước tiểu ở dạng sợi dài. Tuy nhiên, điều này rất hiếm gặp.

Xét nghiệm protein trong nước tiểu giúp chẩn đoán những bệnh lý nào?
Xét nghiệm protein trong nước tiểu giúp chẩn đoán những bệnh lý nào?

Xét nghiệm protein trong nước tiểu đo nồng độ protein có trong nước tiểu. Ở người khỏe mạnh, nước tiểu chỉ có một lượng protein rất nhỏ. Tuy nhiên, protein có thể được bài tiết vào nước tiểu khi thận không hoạt động bình thường hoặc khi lượng protein trong máu ở mức cao. Có hai loại xét nghiệm protein trong nước tiểu là xét nghiệm protein nước tiểu ngẫu nhiên và xét nghiệm protein nước tiểu 24 giờ.

Nước tiểu có tinh thể là biểu hiện của bệnh gì?
Nước tiểu có tinh thể là biểu hiện của bệnh gì?

Có nhiều loại tinh thể khác nhau có thể xuất hiện trong nước tiểu. Sự hiện diện của tinh thể trong nước tiểu có thể là do nguyên nhân vô hại hoặc cũng có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây