1

Nóng rát niệu đạo là dấu hiệu của bệnh gì?

Bất kể là nam hay nữ, cảm giác nóng rát ở đầu niệu đạo có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) như chlamydia hoặc bệnh lậu. Tuy nhiên, ngoài ra nóng rát ở đầu niệu đạo cũng có thể là do những nguyên nhân khác.
Nóng rát niệu đạo là dấu hiệu của bệnh gì? Nóng rát niệu đạo là dấu hiệu của bệnh gì?

Ở nam giới, niệu đạo có chức năng dẫn nước tiểu và tinh dịch ra khỏi dương vật. Ở phụ nữ, niệu đạo dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể.

Nóng rát đầu niệu đạo là một triệu chứng phổ biến của các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STD/STI). Tuy nhiên, còn rất nhiều nguyên nhân khác cũng có thể gây ra triệu chứng này.

Ngoài các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các nguyên nhân phổ biến nhất gây nóng rát ở đầu niệu đạo gồm có nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm niệu đạo. Phương pháp điều trị thường là thuốc kháng sinh.

Các nguyên nhân khác ngoài STD gây nóng rát đầu niệu đạo

Đa phần, cảm giác nóng rát ở đầu niệu đạo là do vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo. Dưới đây là 6 nguyên nhân phổ biến gây ra triệu chứng này:

1. Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu thường xảy ra do vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo rồi di chuyển lên bàng quang, tại đây chúng nhân lên và tiếp tục lan rộng. Niệu đạo có thể tiếp xúc với vi khuẩn và dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu sau khi quan hệ tình dục qua đường miệng, âm đạo hoặc hậu môn.

Nói chung, phụ nữ có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn nam giới vì niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn. Điều này có nghĩa là vi khuẩn một khi xâm nhập vào niệu đạo sẽ dễ dàng di chuyển vào bàng quang hơn. Niệu đạo của phụ nữ còn nằm gần hậu môn hơn, nơi có chứa rất nhiều vi khuẩn.

2. Viêm niệu đạo

Thông thường, viêm niệu đạo là do bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra. Tuy nhiên, đôi khi, kích ứng đầu niệu đạo cũng có thể dẫn đến viêm niệu đạo. Đầu niệu đạo có thể bị kích ứng do:

  • Xịt khử mùi vùng kín
  • Hương liệu trong các sản phẩm vệ sinh cá nhân
  • Xà phòng
  • Thuốc diệt tinh trùng

Vệ sinh kém cũng có thể dẫn đến viêm niệu đạo. Niệu đạo cũng có thể bị viêm do tổn thương trong quá trình quan hệ tình dục, thủ dâm hoặc các thủ tục y tế như đặt ống thông tiểu.

3. Sỏi thận

Sỏi thận là những khối rắn hình thành từ tinh thể khoáng chất trong nước tiểu. Sỏi có thể di chuyển từ thận qua đường tiết niệu. Sỏi thận thường là kết quả do mất nước, chế độ ăn uống không cân bằng hoặc nhiễm trùng. Yếu tố di truyền cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ bị sỏi thận.

Sỏi thận có thể di chuyển đến đầu niệu đạo khi đi tiểu và gây đau đớn dữ dội khi sỏi đi qua, đặc biệt là khi sỏi có kích thước lớn.

4. Hẹp niệu đạo

Hẹp hay sẹo niệu đạo có thể gây viêm hoặc nhiễm trùng gây cảm giác nóng rát ở đầu niệu đạo. Một số nguyên nhân gây hình thành mô sẹo ở niệu đạo gồm có:

  • Các thủ thuật y tế như nội soi
  • Sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài
  • Chấn thương vùng chậu hoặc niệu đạo
  • Phì đại tuyến tiền liệt
  • Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt phì đại
  • Ung thư niệu đạo
  • Xạ trị

Thông thường, hẹp niệu đạo xảy ra mà không xác định được nguyên nhân.

5. Viêm tuyến tiền liệt

Ở nam giới, viêm tuyến tiền liệt là một nguyên nhân gây nóng rát ở đầu niệu đạo. Nhiều trường hợp viêm tuyến tiền liệt không xác định được nguyên nhân. Tuy nhiên, viêm tuyến tiền liệt có thể là do nhiễm vi khuẩn hoặc tổn thương dây thần kinh ở đường tiết niệu dưới.

6. Điều trị ung thư tuyến tiền liệt

Nghiên cứu cho thấy rằng một số phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt có thể gây ra cảm giác nóng rát kéo dài ở niệu đạo.

Trong một nghiên cứu, 16% số người mắc ung thư tuyến tiền liệt bị đau ở niệu đạo sau 5 năm kể từ lần điều trị cuối cùng. Hầu hết những nam giới bị đau niệu đạo đều được điều trị bằng phương pháp xạ trị áp sát (đưa nguồn phóng xạ trực tiếp vào khối u).

Các triệu chứng khác đi kèm

Ngoài nóng rát ở đầu niệu đạo, các vấn đề kể trên còn có nhiều triệu chứng khác.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Một số triệu chứng khác của nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có:

  • Tiểu nhiều lần
  • Tiểu gấp
  • Buồn tiểu nhưng chỉ có một lượng nhỏ nước tiểu
  • Nước tiểu đục
  • Nước tiểu có màu đỏ, hồng hoặc nâu (dấu hiệu có máu trong nước tiểu)
  • Nước tiểu có mùi nồng
  • Đau ở vùng chậu (đặc biệt là ở phụ nữ)

Nhiễm trùng đường tiết niệu lan đến thận còn có thêm các triệu chứng sau đây:

  • Đau ở thắt lưng và hạ sườn
  • Đau, căng tức ở bụng dưới
  • Dịch tiết niệu đạo bất thường
  • Sốt cao
  • Ớn lạnh
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa

Viêm niệu đạo

Phụ nữ bị viêm niệu đạo đôi khi không có bất kỳ triệu chứng nào, trong khi ở nam giới, triệu chứng viêm niệu đạo thường xuất hiện trong vòng vài ngày đến một tháng sau khi bị nhiễm trùng hoặc tiếp xúc với chất gây kích ứng.

Một số triệu chứng phổ biến của viêm niệu đạo là mủ chảy ra từ niệu đạo, niệu đạo hoặc dương vật có mùi bất thường. Nam giới bị viêm niệu đạo còn có thể bị đau và sưng ở một hoặc cả hai tinh hoàn và cảm giác khó chịu dọc theo dương vật.

Sỏi thận

Các triệu chứng khác của sỏi thận gồm có:

  • Đau dữ dội ở hạ sườn và thắt lưng
  • Cơn đau có thể lan xuống vùng bụng dưới và bẹn
  • Cơn đau xảy ra thành từng đợt, cường độ có thể thay đổi
  • Đau khi đi tiểu
  • Nước tiểu màu đỏ hoặc nâu do có máu
  • Nước tiểu đục
  • Nước tiểu có mùi hôi
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Buồn tiểu liên tục nhưng chỉ tiểu được rất ít
  • Sốt và ớn lạnh

Hẹp niệu đạo

Hẹp niệu đạo phổ biến ở nam giới hơn phụ nữ. Một số triệu chứng khác của hẹp niệu đạo ngoài cảm giác nóng rat ở đầu niệu đạo gồm có:

  • Tiểu khó, đau khi đi tiểu
  • Tiểu không hết bãi
  • Buồn tiểu liên tục nhưng lượng nước tiểu ít
  • Tia nước tiểu yếu và nhỏ giọt
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu

Viêm tuyến tiền liệt

Một số triệu chứng khác của viêm tuyến tiền liệt gồm có:

  • Máu trong nước tiểu (nước tiểu có màu đỏ hoặc nâu)
  • Nước tiểu đục
  • Tiểu khó
  • Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Các triệu chứng giống cúm như ớn lạnh
  • Đi tiểu nhiều lần, đặc biệt là vào ban đêm
  • Đau khi xuất tinh
  • Đau ở bụng dưới, bẹn hoặc thắt lưng
  • Đau ở đáy chậu (khu vực giữa bìu và hậu môn)
  • Đau dương vật hoặc tinh hoàn
  • Đột ngột buồn tiểu dữ dội

Tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt

Một số tác dụng phụ khác của các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt gồm có:

  • Vấn đề về đường ruột
  • Vú to
  • Rối loạn cương dương
  • Cực khoái khô
  • Mệt mỏi
  • Vấn đề về tim mạch
  • Bốc hỏa
  • Vô sinh
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Thay đổi tâm trạng
  • Loãng xương
  • Tiểu không tự chủ

Triệu chứng bệnh lây truyền qua đường tình dục

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất gây triệu chứng nóng rát ở đầu niệu đạo gồm có chlamydia và bệnh lậu. Ngoài ra còn một bệnh lây truyền qua đường tình dục ít được biết đến hơn cũng có triệu chứng này, đó là viêm niệu đạo không do lậu.

Trên thực tế, đây cũng một STI phổ biến gây nóng rát đầu niệu đạo. Viêm niệu đạo không do lậu thường không biểu hiện triệu chứng ở phụ nữ. Trong khi đó, nam giới mắc bênh này thường gặp phải các triệu chứng như:

  • Nóng rát hoặc khó chịu ở niệu đạo, đặc biệt là khi đi tiểu
  • Đau nhức ở đầu dương vật
  • Dịch tiết màu trắng đục chảy ra từ đầu dương vật

Nên đi khám khi gặp bất kỳ triệu chứng nào ở trên.

Chẩn đoán

Để tìm nguyên nhân gây nóng rát đầu niệu đạo, trước tiên bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về các triệu chứng khác đi kèm, bệnh sử, hoạt động tình dục và tiền sử gia đình mắc ung thư hoặc sỏi thận.

Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như sốt. Tiếp theo là thực hiện một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, gồm có:

  • Nội soi bàng quang
  • Chụp bể thận – niệu quản ngược dòng
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng chậu
  • Siêu âm vùng chậu
  • Đo niệu động học
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Siêu âm niệu đạo

Điều trị

Phương pháp điều trị tình trạng nóng rát ở đầu niệu đạo tùy thuộc vào nguyên nhân.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Thông thường, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh đường uống tại nhà nhưng nhiễm trùng nghiêm trọng có thể phải điều trị bằng kháng sinh qua đường tĩnh mạch tại bệnh viện.

Viêm niệu đạo

Viêm niệu đạo do nhiễm trùng cũng được điều trị bằng kháng sinh. Người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau để giảm nhẹ các triệu chứng viêm niệu đạo nhưng cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc giảm đau nếu đang mắc bệnh thận, bệnh gan, viêm loét dạ dày hoặc đang dùng thuốc chống đông máu. Người bệnh cần ngừng quan hệ tình dục và thủ dâm trong vài tuần. Ống thông tiểu sẽ được rút ra trong thời gian điều trị. Sau khi điều trị viêm niệu đạo, hãy:

  • Sử dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục để ngăn ngừa viêm niệu đạo
  • Vệ sinh vùng kín hàng ngày
  • Tránh sử dụng các sản phẩm gây kích ứng

Sỏi thận

Sỏi thận nhỏ có thể tự trôi ra ngoài theo nước tiểu. Người bệnh nên uống nhiều nước để sỏi trôi ra ngoài nhanh hơn. Có thể dùng thuốc giảm đau trong quá trình đào thải sỏi. Bác sĩ có thể kê thuốc chẹn alpha để làm giãn cơ trơn đường niệu, giúp sỏi di chuyển qua dễ dàng hơn.

Trong trường hợp sỏi thận có kích thước lớn và không thể tự trôi ra ngoài, các phương pháp điều trị gồm có:

  • Tán sỏi ngoài cơ thể (sử dụng sóng âm thanh để làm vỡ sỏi)
  • Nội soi tán sỏi qua da (tạo đường rạch nhỏ ở lưng của người bệnh, sau đó sử dụng ống nội soi và năng lượng laser để phá vỡ sỏi)
  • Phẫu thuật làm giảm hoạt động của tuyến cận giáp (tuyến cận giáp hoạt động quá mức có thể góp phần gây hình thành sỏi thận)

Hẹp niệu đạo

Một số phương pháp điều trị hẹp niệu đạo:

  • Đặt ống thông tiểu để dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài
  • Nong niệu đạo
  • Xẻ niệu đạo hẹp bằng laser (sử dụng laser để cắt bỏ mô sẹo trong niệu đạo)
  • Đặt stent hoặc ống thông vĩnh viễn (nhằm ngăn niệu đạo bị thu hẹp)
  • Phẫu thuật cắt bỏ hoặc mở rộng niệu đạo)

Viêm tuyến tiền liệt

Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm tuyến tiền liệt gồm có:

  • Thuốc chẹn alpha để làm giãn cơ bàng quang và giảm đau
  • Thuốc kháng sinh
  • Thuốc chống viêm

Tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt

Bác sĩ có thể kê thuốc chống viêm để khắc phục tác dụng phụ. Nếu xảy ra tác dụng phụ nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị tạm dừng điều trị.

Khi nào cần đi khám?

Cảm giác nóng rát ở đầu niệu đạo có thể là do các nguyên nhân kể trên hoặc cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nếu triệu chứng này kéo dài hoặc kèm theo các triệu chứng bất thường khác thì hãy đi khám càng sớm càng tốt.

Hãy đến bệnh viện ngay nếu tình trạng nóng rát ở đầu niệu đạo kèm theo đau dữ dội ở hai bên hạ sườn, lưng hoặc bụng, sốt, ớn lạnh hoặc buồn nôn. Đó có thể là những dấu hiệu của nhiễm trùng nghiêm trọng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nước tiểu có nitrit là dấu hiệu của bệnh gì?
Nước tiểu có nitrit là dấu hiệu của bệnh gì?

Nước tiểu có nitrat là bình thường nhưng có nitrit trong nước tiểu lại có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.

Nước tiểu có bạch cầu là dấu hiệu của bệnh gì?
Nước tiểu có bạch cầu là dấu hiệu của bệnh gì?

Lượng bạch cầu cao trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận hoặc khối u vùng chậu. Các yếu tố làm tăng nguy cơ xảy ra tình trạng này gồm có mang thai và hệ miễn dịch bị suy giảm.

Nước tiểu có chất nhầy là dấu hiệu của bệnh gì?
Nước tiểu có chất nhầy là dấu hiệu của bệnh gì?

Màu sắc, mùi và độ trong của nước tiểu phản ánh phần nào tình trạng sức khỏe. Sự hiện diện của chất nhầy trong nước tiểu là điều bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe đang có vấn đề, tùy thuộc vào đặc điểm của chất nhầy.

9 dấu hiệu thường gặp của bệnh suy thận mạn
9 dấu hiệu thường gặp của bệnh suy thận mạn

Ở giai đoạn đầu, suy thận mạn đa phần không có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào và thường chỉ khi tiến triển sang các giai đoạn sau, người bệnh mới gặp phải các triệu chứng dưới đây.

Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng cây dâu gấu (uva ursi) có hiệu quả không?
Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng cây dâu gấu (uva ursi) có hiệu quả không?

Dâu gấu (uva ursi, tên khoa học là Arctostaphylos uva ursi) là một loài cây bụi thường xanh, có nguồn gốc từ Bắc Mỹ. Loài cây này có quả mọng nhỏ màu cam mà gấu rất thích ăn, vì thế nên uva ursi được gọi là cây dâu gấu. Từ lâu, chiết xuất từ lá cây dâu gấu đã được sử dụng làm thuốc lợi tiểu và điều trị các chứng bệnh về tiết niệu như nhiễm trùng đường tiết niệu, tiểu buốt và sỏi thận. Nhưng liệu rằng phương pháp này có thực sự hiệu quả hay không?

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây