Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng giấm táo có hiệu quả không?
Giấm táo được cho là mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và ngày càng có nhiều lợi ích mới được khám phá ra nhưng trong đó mới chỉ có một vài lợi ích đã được khoa học chứng minh
Các nghiên cứu về công dụng của giấm táo trong kiểm soát bệnh tiểu đường đã cho thấy kết quả đầy hứa hẹn. Nghiên cứu trên chuột cho thấy giấm táo hỗ trợ giảm cân. Số lượng nghiên cứu chứng minh các công dụng khác của giấm táo hiện vẫn còn hạn chế.
Mặc dù có bằng chứng cho thấy giấm có đặc tính kháng khuẩn nhưng nghiên cứu này chủ yếu tìm hiểu ứng dụng của giấm trong bảo quản thực phẩm.
Hiện chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy giấm táo có thể điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng giấm táo có thể mang lại một số lợi ích đối với bệnh nhiễm trùng này.
Các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu (hay viêm đường tiết niệu) là tình trạng nhiễm trùng ở một hoặc nhiều bộ phận trong hệ tiết niệu, gồm có thận, bàng quang, niệu đạo và niệu quản. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra ở đường tiết niệu dưới, gồm có bàng quang và niệu đạo.
Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây đau và các triệu chứng tiết niệu khó chịu. Thông thường, nhiễm trùng đường tiết niệu được điều trị bằng thuốc kháng sinh vì vi khuẩn là nguyên nhân chính gây nhiễm trùng, đặc biệt là ở phụ nữ.
Các triệu chứng thường gặp của nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có:
- Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
- Đau khi đi tiểu hoặc khi buồn tiểu
- Đi tiểu nhiều lần
- Buồn tiểu ngay cả khi bàng quang không đầy
- Có máu trong nước tiểu
- Nước tiểu có mùi hôi
- Cảm giác đau âm ỉ, đau nhói hoặc nhức ở bẹn hoặc bụng dưới
Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể lan đến thận và gây ra các triệu chứng sau:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Đau thắt lưng
- Đau ở vùng hạ sườn
- Buồn nôn
- Nôn mửa
Ngoài ra, người cao tuổi bị nhiễm trùng đường tiết niệu phức tạp còn có thể bị lú lẫn và mê sảng.
Giấm táo có tác dụng điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu không?
Một số đặc tính của giấm táo có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng không nên sử dụng giấm táo để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu.
Mặc dù giấm táo có đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm nhưng chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy uống giấm táo có thể điều trị hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu một cách hiệu quả. Trên thực tế, các chuyên gia cho biết không có bất kỳ loại thực phẩm hay đồ uống nào có thể ngăn ngừa hoặc điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. (1)
Nếu không được điều trị, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể lan đến thận và tình trạng này có thể gây nguy hiểm. Khi có các dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu thì tốt nhất nên đi khám.
Bạn sẽ phải làm xét nghiệm nước tiểu để xem có vi khuẩn, virus hoặc nấm hay không, đồng thời xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng. Sau khi xác định được nguyên nhân gây ra các triệu chứng, bác sĩ sẽ kê thuốc điều trị thích hợp.
Vì nhiễm trùng đường tiết niệu đa phần do vi khuẩn gây ra nên phương pháp điều trị chính là thuốc kháng sinh. Điều quan trọng là phải dùng thuốc kháng sinh theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh bệnh kéo dài dai dẳng hoặc tái phát.
Không nên tự chẩn đoán bệnh và tự mua thuốc điều trị. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh là nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng kháng kháng sinh trên toàn cầu (vi khuẩn có khả năng chống lại hoặc né tránh tác dụng của thuốc kháng sinh). Thuốc kháng sinh còn có thể gây mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột và ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch.
Mặc dù không có tác dụng điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng giấm táo có nhiều lợi ích khác cho sức khỏe và việc thêm giấm táo vào chế độ ăn uống sẽ không gây hại gì. Dưới đây là một số cách sử dụng giấm táo.
Cách sử dụng giấm táo
1. Pha giấm táo với nước ép nam việt quất
Thêm 1 đến 2 thìa canh giấm táo vào một cốc nước ép nam việt quất không đường (tốt nhất nên chọn giấm táo nguyên chất, không lọc). Nước ép nam việt quất là một trong những phương pháp tự nhiên được sử dụng phổ biến nhất để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu.
Mặc dù các thử nghiệm lâm sàng cho thấy rằng quả nam việt quất không thể điều trị hay chữa khỏi nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu ở những phụ nữ thường xuyên bị nhiễm trùng tái phát.
2. Pha giấm táo với nước
Pha 1 thìa cà phê giấm táo với một cốc nước 240ml và uống tám cốc như vậy mỗi ngày. Uống nhiều nước làm cho bạn đi tiểu nhiều hơn. Điều này sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn có hại khỏi đường tiết niẹu
3. Dùng giấm táo để trộn salad
Thêm một ít giấm táo nguyên chất, không lọc vào dầu ô liu để làm xốt trộn salad. Bạn có thể thêm 1 thìa cà phê mật ong để có xốt có vị ngọt và thơm hơn. Ăn nhiều rau củ quả tươi sẽ giúp tăng cường sức đề kháng và giảm nguy cơ bệnh tật, bao gồm cả nhiễm trùng đường tiết niệu.
4. Thêm giấm táo vào trà
Hãy thử thêm 1 thìa canh giấm táo vào trà thảo mộc. Bạn có thể pha thêm một thìa mật ong để giảm bớt mùi và vị chua của giấm táo.
Uống trà pha giấm táo thay cho cà phê vào buổi sáng hoặc các loại đồ uống có đường mà bạn thường uống trong ngày. Đồ uống chứa caffeine có thể gây kích thích bàng quang và làm trầm trọng thêm các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu.
Các lợi ích khác của giấm táo
Giấm táo mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như:
- Kiểm soát lượng đường trong máu: Một tổng quan tài liệu gồm các thử nghiệm lâm sàng nhỏ đã chỉ ra rằng những người uống giấm táo trong 8 đến 12 tuần đã giảm mức đường huyết.
- Giảm cân: Một nghiên cứu nhỏ cho thấy rằng sử dụng giấm táo kết hợp với chế độ ăn ít calo giúp giảm cân hiệu quả hơn so với khi chỉ cắt giảm calo.
- Giảm mỡ máu: Các nhà nghiên cứu trong nghiên cứu trên còn phát hiện ra rằng những người trong nhóm sử dụng giấm táo có mức triglyceride và cholesterol toàn phần thấp hơn so với những người không sử dụng giấm táo.
- Kháng nấm: Một báo cáo ca bệnh cho thấy bôi giấm táo vào miệng trong 7 ngày giúp điều trị nấm miệng dai dẳng ở người mắc bệnh tiểu đường type 2.
Mặc dù giấm táo có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên nhưng vẫn có một số điều cần lưu ý khi sử dụng giấm táo. Giấm táo có chứa axit nên sử dụng quá nhiều giấm táo có thể làm hỏng men răng và thậm chí gây kích ứng hoặc tổn thương cổ họng. Để hạn chế những vấn đề này thì phải luôn pha loãng giấm táo trước khi uống.
Ngoài ra phải cẩn thận khi thoa giấm táo lên da vì giấm táo có thể gây bỏng và kích ứng da nghiêm trọng. Kể cả khi dùng ngoài da thì cũng phải pha loãng giấm táo. Giấm táo có thể gây tổn thương mắt nên phải hết sức thận trọng khi sử dụng giấm táo ở vùng mặt.
Tác hại của giấm táo
Bạn có thể uống một lượng nhỏ giấm táo pha với nước lọc hoặc các loại nước khác nhưng không được uống trực tiếp giấm táo không pha loãng vì điều này có thể gây tổn thương cổ họng và làm mòn men răng. Mặc dù hiếm khi xảy ra nhưng đã có những trường hợp bị bỏng cổ họng sau khi uống giấm táo.
Nên sử dụng ống hút khi uống giấm táo và súc miệng bằng nước sau khi uống để hạn chế nguy cơ hỏng men răng.
Luôn phải pha giấm táo với nước trước khi uống để tránh gây hại cho cổ họng và men răng. Tỉ lệ pha thông thường là 1 – 2 thìa canh (15 – 30 ml) giấm táo với khoảng 240ml nước nhưng bạn cũng có thể tăng lượng nước. Một điều quan trọng cần lưu ý là rất nhiều lợi ích của giấm táo đến từ tính axit nên không pha giấm táo với bất cứ thứ gì có tác dụng trung hòa axit vì làm vậy sẽ làm giảm hiệu quả của giấm táo.
Giấm táo có tính axit cao nên có thể gây kích ứng da khi dùng ngoài da. Không được thoa giấm táo nguyên chất, không pha loãng trực tiếp lên da.
Các cách khác để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu
Không có cách nào có thể ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu một cách tuyệt đối nhưng những cách dưới đây có thể giúp làm giảm nguy cơ:
- Uống nhiều nước lọc hoặc các loại đồ uống lành mạnh khác như trà và nước trái cây. Bạn cũng có thể ăn các loại đồ ăn nhiều nước như dưa hấu, salad, nước canh hay súp.
- Không nhịn tiểu vì nước tiểu ở trong bàng quang thời gian dài sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Tránh các tác nhân gây kích thích bàng quang, chẳng hạn như caffeine, đồ uống có cồn, chất làm ngọt nhân tạo và đồ ăn cay.
- Lau từ trước ra sau khi đi vệ sinh để tránh đưa vi khuẩn từ hậu môn vào niệu đạo.
- Rửa sạch vùng sinh dục trước khi quan hệ tình dục để giảm nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo.
- Đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục để loại bỏ những vi khuẩn đã xâm nhập vào niệu đạo.
- Bổ sung men vi sinh hàng ngày để tăng lợi khuẩn và duy trì sự cân bằng vi sinh vật trong cơ thể.
- Không sử dụng dung dịch thụt rửa âm đạo và các sản phẩm vệ sinh phụ nữ có mùi thơm vì những sản phẩm này có thể gây kích ứng niệu đạo và bàng quang.
Một số biện pháp tránh thai có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, ví dụ như thuốc diệt tinh trùng và màng ngăn âm đạo. Nếu đang sử dụng những biện pháp tránh thai này và thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiết niệu thì bạn nên cân nhắc đổi sang biện pháp tránh thai khác.
Khi nào cần đi khám?
Nên đi khám ngay khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào của nhiễm trùng đường tiết niệu. Các triệu chứng phổ biến gồm có:
- Đột ngột buồn tiểu dữ dội
- Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
- Buồn tiểu liên tục nhưng chỉ đi được rất ít
- Nước tiểu đục hoặc có mùi khai nồng
- Nước tiểu có màu đỏ, hồng hoặc hơi nâu
- Đau vùng chậu ở phụ nữ
Nhiễm trùng đường tiết niệu dưới thường có thể dễ dàng điều trị bằng thuốc kê đơn. Ngoài thuốc kháng sinh, bác sĩ có thể kê thêm các loại thuốc giúp làm giảm cảm giác nóng rát, khó chịu khi đi tiểu.
Nếu không được điều trị, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:
- Nhiễm trùng tái phát
- Tổn thương thận
- Nhiễm trùng máu
Giải đáp một số câu hỏi về giấm táo và nhiễm trùng đường tiết niệu
Biện pháp tự nhiên nào giúp chữa khỏi nhiễm trùng đường tiết niệu nhanh nhất?
Không có biện pháp tự nhiên nào có thể chữa khỏi nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhiễm trùng đường tiết niệu thường phải điều trị bằng thuốc kháng sinh và ngay cả khi đã điều trị khỏi bằng kháng sinh thì bệnh vẫn có thể tái phát. Tuy nhiên, các biện pháp tự nhiên sau đây có thể giúp làm giảm các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu:
- Uống nhiều nước để loại bỏ vi khuẩn. Cố gắng uống thêm ít nhất một lít nước so với lượng nước thường uống.
- Ăn quả nam việt quất hoặc uống nước ép nam việt quất. Một số nghiên cứu cho thấy rằng quả nam việt quất có thể giúp điều trị và giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. (2)
- Mặc quần rộng rãi bằng chất liệu tự nhiên hư cotton. Mặc quần bằng chất liệu tổng hợp hoặc quần bó sát có thể khiến hơi ẩm tích tụ và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Bổ sung men vi sinh hàng ngày để ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Uống nhiều nước có thể giúp ngăn ngừa và điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu không?
- Uống nhiều nước có thể giúp loại bỏ vi khuẩn gây nhiễm trùng ra khỏi đường tiết niệu, nhờ đó giúp bệnh nhanh khỏi hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng. Một nghiên cứu cho thấy rằng uống thêm 1,5 lít nước mỗi ngày so với lượng nước thông thường giúp làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. (3)
Khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bạn nên uống nhiều nước lọc hoặc trà, nước ép trái cây, các loại đồ ăn nhiều nước như canh, súp. Tuy nhiên, nên tránh các loại đồ uống có đặc tính lợi tiểu như cà phê và rượu bia.
Vẫn nên đi khám khi có các dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu để được chẩn đoán đúng bệnh và kê thuốc điều trị.
Nhiễm trùng đường tiết niệu bao lâu thì khỏi?
Các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu thường thuyên giảm sau 2 đến 4 ngày dùng kháng sinh. Tuy nhiên, nhiễm trùng đường tiết niệu rất dễ tái phát. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ tái phát bệnh là lớn tuổi và bị sỏi thận.
Giấm táo có thực sự hiệu quả trong việc điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu không?
Mặc dù một số nghiên cứu cho thấy giấm táo có đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm nhưng chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh uống giấm táo giúp điều trị hay ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu một cách hiệu quả. Trên thực tế, các chuyên gia y tế khẳng định không có loại thực phẩm hay đồ uống nào có thể ngăn ngừa và điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nhiễm trùng đường tiết niệu cần điều trị bằng thuốc. Không nên sử dụng giấm táo thay cho thuốc để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc không kê đơn hay phương pháp điều trị tự nhiên nào.
Phải đến bệnh viện ngay khi có các triệu chứng nghiêm trọng như khó tiểu, không thể đi tiểu, sốt hoặc nước tiểu có máu. Đây có thể là các dấu hiệu của nhiễm trùng thận, một tình trạng nghiêm trọng cần được điều trị khẩn cấp.
Phụ nữ mang thai có thể sử dụng giấm táo không?
Mặc dù chưa có nghiên cứu nào kiểm chứng tính an toàn của giấm táo khi dùng trong thời gian mang thai nhưng nghiên cứu cho thấy phụ nữ mang thai nên thận trọng với các sản phẩm chưa được tiệt trùng vì những sản phẩm này có thể bị nhiễm các vi khuẩn như Listeria, Salmonella và Toxoplasma. Những loại vi khuẩn này có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng.
Vì vậy, phụ nữ đang mang thai chỉ nên sử dụng giấm táo trong các món ăn được nấu chín hoặc chọn giấm táo đã tiệt trùng. Tuy nhiên, quá trình tiệt trùng và đun nấu làm mất đi nhiều lợi ích sinh học của giấm táo. Do đó, tốt hơn hết không nên sử dụng giấm táo trong khi mang thai. Men vi sinh có nhiều lợi ích tương tự như giấm táo mà lại an toàn hơn rất nhiều.
Kết luận
Giấm táo có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không có tác dụng trị nhiễm trùng đường tiết niệu.
Khi có dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu, tốt nhất nên di khám. Cách hiệu quả nhất để trị nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn là thuốc kháng sinh. Các triệu chứng thường sẽ nhanh chóng thuyên giảm hoặc biến mất sau vài ngày dùng kháng sinh.
Nếu các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu vẫn kéo dài sau khi điều trị thì có thể phải điều trị bằng một loại thuốc khác hoặc cũng có thể các triệu chứng là do một bệnh lý khác gây ra.
Sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh có thể dẫn đến tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh. Vì lý do này nên ngày càng có nhiều người muốn tìm các biện pháp tự nhiên để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát và một trong những cách đó là sử dụng tinh dầu.
Dầu dừa là một trong những phương pháp tự nhiên được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Lý do là bởi dầu dừa có chứa các axit béo có đặc tính kháng khuẩn giúp chống lại nhiễm trùng.
Nhiễm trùng đường tiết niệu do ống thông tiểu là tình trạng đường tiết niệu bị nhiễm vi khuẩn hoặc nấm từ ống thông tiểu và bị viêm. Điều này chủ yếu xảy ra do ống thông tiểu bên trong.
Tìm hiểu về điểm khác biệt giữa bàng quang tăng hoạt, tiểu không tự chủ và nhiễm trùng đường tiết niệu, gồm có nguyên nhân và phương pháp điều trị.