1

Nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính: Triệu chứng và cách điều trị

Nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính là nhiễm trùng đường tiết niệu không đáp ứng với điều trị hoặc tiếp tục tái phát sau điều trị.
Nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính: Triệu chứng và cách điều trị Nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính: Triệu chứng và cách điều trị

Đường tiết niệu là hệ thống có nhiệm vụ tạo ra, chứa và bài tiết nước tiểu. Đường tiết niệu gồm các cơ quan sau đây:

  • Thận lọc máu và bài tiết chất thải của cơ thể dưới dạng nước tiểu
  • Niệu quản dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang
  • Bàng quang chứa nước tiểu

Niệu đạo dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào trong đường tiết niệu. Khi nhiễm trùng chỉ xảy ra ở bàng quang thì tình trạng nhiễm trùng thường nhẹ và có thể dễ dàng điều trị. Tuy nhiên, nếu nhiễm trùng lan đến thận thì sẽ dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể phải nhập viện để điều trị.

Mặc dù nhiễm trùng đường tiết niệu có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng tình trạng này phổ biến hơn ở phụ nữ.

Triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính

Các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính xảy ra ở bàng quang gồm có:

  • Đi tiểu nhiều lần
  • Nước tiểu có máu hoặc sẫm màu
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Đau thắt lưng hoặc vùng hạ sườn (khu vực thận)
  • Đau ở vùng mu (khu vực bàng quang)

Các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu lan đến thận gồm có:

  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Ớn lạnh
  • Sốt cao trên 38°C (101°F)
  • Mệt mỏi
  • Lú lẫn

Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính

Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra do nhiễm vi khuẩn. Trong hầu hết các trường hợp, vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu qua niệu đạo, sau đó chúng nhân lên trong bàng quang. Để giúp bạn hiểu rõ hơn về cách vi khuẩn phát triển, phần dưới đây sẽ chia nhiễm trùng đường tiết niệu thành nhiễm trùng bàng quang và nhiễm trùng niệu đạo.

Nhiễm trùng bàng quang

Vi khuẩn E. coli là nguyên nhân phổ biến gây nhiễm trùng bàng quang hay viêm bàng quang. Vi khuẩn E. coli vốn tồn tại tự nhiên trong ruột của người và động vật. Ở trạng thái bình thường, loại vi khuẩn này không gây ra bất cứ vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu vi khuẩn di chuyển ra bên ngoài ruột và đi vào đường tiết niệu thì sẽ dẫn đến nhiễm trùng.

Tình trạng này thường xảy ra khi những mảnh phân nhỏ, thậm chí rất nhỏ lọt vào đường tiết niệu. Điều này có thể xảy ra trong khi quan hệ tình dục, ví dụ như khi chuyển từ quan hệ tình dục qua đường hậu môn sang đường âm đạo mà không vệ sinh trước khi chuyển. Quan hệ tình dục qua đường hậu môn làm tăng đáng kể nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhiễm trùng bàng quang cũng có thể xảy ra do nước bắn từ bồn cầu vào niệu đạo hoặc do lau từ sau ra trước khi đi vệ sinh. Nước tiểu có bọt có thể là dấu hiệu chỉ ra nhiễm trùng bàng quang.

Nhiễm trùng niệu đạo

Nhiễm trùng niệu đạo hay viêm niệu đạo cũng có thể là do vi khuẩn như E. coli gây ra. Viêm niệu đạo cũng có thể là một biến chứng của các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) nhưng điều này hiếm khi xảy ra. Các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục gồm có:

  • Herpes (mụn giộp)
  • Bệnh lậu
  • Chlamydia

Ai có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính?

Phụ nữ

Phụ nữ có nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính cao hơn nam giới. Điều này là do sự khác biệt về cấu tạo đường tiết niệu và vùng sinh dục.

Thứ nhất, niệu đạo của phụ nữ gần với hậu môn hơn. Do đó, vi khuẩn từ hậu môn dễ xâm nhập vào niệu đạo hơn, đặc biệt là nếu lau từ sau ra trước khi đi vệ sinh. Các bé gái thường lau không đúng cách khi đi vệ sinh nên dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn.

Thứ hai, niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn niệu đạo của nam giới. Điều này có nghĩa là vi khuẩn từ niệu đạo sẽ dễ dàng đi đến bàng quang hơn, nơi chúng nhân lên và gây nhiễm trùng.

Thói quen hàng ngày

Một số thói quen hàng ngày có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính, chẳng hạn như sử dụng màng ngăn âm đạo khi quan hệ tình dục. Màng ngăn đẩy lên niệu đạo và điều này gây khó khăn cho việc làm trống bàng quang. Nước tiểu còn sót lại trong bàng quang sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

Một nguyên nhân khác là liên tục thay đổi thành phần vi khuẩn trong âm đạo. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính. Thành phần vi khuẩn trong âm đạo có thể thay đổi do:

  • Thụt rửa âm đạo
  • Thuốc diệt tinh trùng
  • Thuốc kháng sinh đường uống

Nam giới

Nam giới có nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu thấp hơn nhiều so với phụ nữ, bao gồm cả nhiễm trùng đường tiết niệu cấp tính và mạn tính. Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính ở nam giới là phì đại tuyến tiền liệt. Tuyến tiền liệt nằm ngay dưới bàng quang nên tuyến tiền liệt phì đại sẽ chèn ép lên bàng quang, khiến cho bàng quang không thể đẩy hết nước tiểu ra ngoài khi đi tiểu và điều này có thể khiến vi khuẩn phát triển.

Nam giới và phụ nữ bị bàng quang thần kinh – một dạng rối loạn chức năng cơ bàng quang - có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính cao hơn do bàng quang không thể làm trống hoàn toàn khi đi tiểu. Bàng quang thần kinh có thể xảy ra do tổn thương dây thần kinh bàng quang hoặc tổn thương tủy sống.

Mãn kinh

Thời kỳ mãn kinh gây ra sự thay đổi nội tiết tố và dẫn đến sự mất cân bằng hệ vi sinh vật trong âm đạo. Điều này làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính. Ngoài ra còn có những yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu ở người lớn tuổi.

Chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể tái phát sau khi khỏi và trở thành mạn tính.

Xét nghiệm nước tiểu là phương pháp phổ biến nhất để chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu. Mẫu nước tiểu sẽ được phân tích dưới kính hiển vi để tìm kiếm dấu hiệu của vi khuẩn.

Để chẩn đoán chính xác nhiễm trùng đường tiết niệu cũng như xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng thì thường sẽ phải tiến hành xét nghiệm cấy nước tiểu.

Kỹ thuật viên sẽ đổ mẫu nước tiểu vào ống để tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Sau 1 đến 3 ngày, mẫu nước tiểu sẽ được kiểm tra xem có vi khuẩn hay không và nếu có thì là loại vi khuẩn nào. Bác sĩ sẽ dựa trên loại vi khuẩn để kê thuốc điều trị phù hợp.

Nếu người bệnh có dấu hiệu tổn thương thận, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp X-quang và chụp cắt lớp vi tính (CT). Những kỹ thuật này tạo ra hình ảnh các bộ phận bên trong cơ thể.

Trong trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi bàng quang. Trong quy trình này, bác sĩ đưa ống nội soi qua niệu đạo vào bàng quang để quan sát bên trong nhằm tìm các dấu hiệu bất thường. Nội soi bàng quang có thể giúp phát hiện nguyên nhân khiến nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát.

Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính

Thuốc

Phương pháp chính để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu là dùng thuốc kháng sinh. Đợt kháng sinh thường kéo dài một tuần hoặc lâu hơn.

Tuy nhiên, nếu là nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh liều thấp để người bệnh sử dụng lâu dài sau khi các triệu chứng ban đầu thuyên giảm. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa các triệu chứng tái phát. Người bệnh có thể phải dùng thuốc kháng sinh sau mỗi lần quan hệ tình dục.

Ngoài dùng thuốc kháng sinh, người bệnh còn phải theo dõi tình trạng đường tiết niệu, ví dụ như thử nước tiểu thường xuyên tại nhà để kiểm tra xem đã khỏi nhiễm trùng hay chưa.

Nếu các triệu chứng vẫn kéo dài sau khi điều trị bằng thuốc kháng sinh thì cần xét nghiệm cấy nước tiểu một lần nữa.

Nếu nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính xảy ra vào thời kỳ mãn kinh thì người bệnh có thể phải sử dụng liệu pháp estrogen âm đạo, có nghĩa là sử dụng estrogen dạng kem bôi, vòng âm đạo hoặc viên nén đặt âm đạo. Điều này có thể giúp hạn chế nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu trong tương lai nhưng phương pháp này đi kèm một số tác dụng phụ. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng liệu pháp estrogen.

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây nóng rát khi đi tiểu. Có thể khắc phục triệu chứng này bằng cách dùng các loại thuốc giảm đau gây tê bàng quang và niệu đạo.

Tùy vào triệu chứng mà người bệnh có thể phải dùng thêm các loại thuốc khác ngoài kháng sinh.

Biện pháp điều trị tự nhiên

Theo một số nghiên cứu, uống nước ép quả nam việt quất hàng ngày có thể giúp giảm nguy cơ tái phát ở người bị nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính. Mặc dù vẫn cần phải nghiên cứu thêm để xác minh điều này nhưng uống ép quả nam việt quất không gây hại gì, thậm chí còn mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe. Tuy nhiên, không nên uống nước ép nam việt quất nếu đang dùng thuốc chống đông máu vì nam việt quất có chứa chất làm loãng máu.

Một biện pháp tự nhiên khác có thể giúp điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu là uống nhiều nước. Uống nhiều nước sẽ làm loãng nước tiểu và giúp tống vi khuẩn trong đường tiết niệu ra ngoài nhanh hơn.

Chườm ấm lên vùng bụng dưới và vùng mu sẽ giúp làm dịu cơn đau. Ngoài ra còn có nhiều cách điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu mà không cần dùng thuốc kháng sinh.

Biến chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính

Người bị nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính có thể gặp phải các biến chứng như:

  • Nhiễm trùng thận, bệnh thận và các tổn thương thận vĩnh viễn khác, đặc biệt là ở trẻ nhỏ
  • Nhiễm trùng máu, đây là một biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong
  • Nhiễm khuẩn máu, tình trạng vi khuẩn xâm nhập vào máu
  • Tăng nguy cơ sinh non hoặc sinh con nhẹ cân nếu nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra trong thai kỳ

Nhiễm trùng đường tiết niệu có chữa khỏi được không?

Nhiễm trùng đường tiết niệu gây khó chịu và đau đớn. Trong hầu hết các trường hợp, nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính sẽ khỏi sau khi điều trị bằng một đợt kháng sinh kéo dài nhưng người bệnh vẫn cần phải tiếp tục theo dõi các triệu chứng vì nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính rất dễ tái phát. Những người từng bị nhiễm trùng đường tiết niệu cần đi khám ngay khi nhận thấy các triệu chứng quay trở lại để điều trị kịp thời. Điều trị sớm sẽ giúp giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng, lâu dài.

Phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính

Các cách giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát:

  • Đi tiểu ngay khi cảm thấy buồn, không nhịn tiểu
  • Đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục
  • Lau từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh
  • Uống nhiều nước để loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu
  • Uống nước ép nam việt quất
  • Mặc đồ lót bằng cotton
  • Không mặc quần bó sát
  • Tránh sử dụng màng ngăn âm đạo và thuốc diệt tinh trùng để ngừa thai
  • Tránh các loại đồ uống gây kích thích bàng quang như cà phê, nước trái cây họ cam quýt, nước ngọt có ga, rượu bia
  • Sử dụng gel bôi trơn khi quan hệ tình dục nếu cần thiết
  • Không sử dụng sản phẩm tạo bọt bồn tắm
  • Vệ sinh bao quy đầu thường xuyên nếu chưa cắt bao quy đầu

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Cách làm giảm triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu vào ban đêm
Cách làm giảm triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu vào ban đêm

Bạn có thể giảm đau do nhiễm trùng đường tiết niệu bằng cách uống thuốc kê đơn và sử dụng các biện pháp khắc phục tại nhà, chẳng hạn như chườm ấm.

Có thể điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng tinh dầu không?
Có thể điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng tinh dầu không?

Ngày càng có nhiều người tìm đến các phương pháp tự nhiên để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát. Một trong những phương pháp đó là sử dụng tinh dầu.

Nhiễm trùng đường tiết niệu do ống thông tiểu điều trị bằng cách nào?
Nhiễm trùng đường tiết niệu do ống thông tiểu điều trị bằng cách nào?

Nhiễm trùng đường tiết niệu do ống thông tiểu là tình trạng đường tiết niệu bị nhiễm vi khuẩn hoặc nấm từ ống thông tiểu và bị viêm. Điều này chủ yếu xảy ra do ống thông tiểu bên trong.

Có thể điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng tinh dầu không?
Có thể điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng tinh dầu không?

Sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh có thể dẫn đến tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh. Vì lý do này nên ngày càng có nhiều người muốn tìm các biện pháp tự nhiên để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát và một trong những cách đó là sử dụng tinh dầu.

8 cách điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu không cần dùng thuốc kháng sinh
8 cách điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu không cần dùng thuốc kháng sinh

Nhiễm trùng đường tiết niệu (viêm đường tiết niệu) gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Tình trạng này thường phải điều trị bằng thuốc kháng sinh nhưng bạn cũng có thể thử các biện pháp khắc phục tại nhà sau đây để kiểm soát các triệu chứng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây