Cách làm giảm triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu vào ban đêm
Nhiễm trùng đường tiết niệu là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở một hoặc nhiều bộ phận trong hệ tiết niệu, gồm có bàng quang, thận, niệu đạo và niệu quản.
Nhiễm trùng đường tiết niệu gây ra một số triệu chứng ảnh hưởng đến giấc ngủ vào ban đêm như:
- Đau, khó chịu ở vùng bụng hoặc vùng chậu
- Đi tiểu nhiều lần
- Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trong đường tiết niệu nhưng đa số các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu là nhiễm trùng bàng quang. Nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới do khác biệt về cấu tạo đường tiết niệu.
Niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn niệu đạo của nam giới. Do đó, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập bàng quang hơn. Thêm nữa, lỗ niệu đạo của phụ nữ nằm ngay phía trên cửa âm đạo và cũng nằm rất gần hậu môn. Điều này có nghĩa là vi khuẩn dễ dàng đi vào niệu đạo hơn.
Khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, vi khuẩn từ âm đạo và hậu môn có thể dễ dàng di chuyển vào niệu đạo và bàng quang, gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
Mặc dù không phổ biến nhưng nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ có thể xảy ra do sự thay đổi nội tiết tố. Một số người thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiết niệu vào những thời điểm nhất định trong tháng, ví dụ như trước khi có kinh nguyệt.
Sự dao động hormone trong chu kỳ kinh nguyệt có thể làm thay đổi độ pH của âm đạo. Bình thường âm đạo có tính axit, điều này giúp cho vi khuẩn có lợi phát triển. Vào những thời điểm nhất định trong chu kỳ kinh nguyệt (hoặc vào thời kỳ mãn kinh và tiền mãn kinh), độ pH âm đạo tăng, có nghĩa là âm đạo giảm tính axit. Điều này dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh vật âm đạo và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
Triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu
Ở người khỏe mạnh, nếu uống đủ nước thì nước tiểu sẽ gần như không mùi hoặc chỉ có mùi khai nhẹ và có màu vàng nhạt. Nếu như nước tiểu đục, sẫm màu hoặc có mùi khai nồng kèm theo cảm giác đau đớn, nóng rát khi đi tiểu thì đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu.
Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp của nhiễm trùng đường tiết niệu.
Buồn tiểu liên tục và dữ dội
Nhiễm trùng có thể gây viêm và kích ứng niêm mạc bàng quang, khiến bàng quang trở nên nhạy cảm hơn. Điều này dẫn đến tình trạng tiểu gấp và tăng tần suất đi tiểu. Và mặc dù buồn tiểu dữ dội nhưng lượng nước tiểu lại rất ít hoặc thậm chí không có nước tiểu.
Nóng rát hoặc đau khi đi tiểu
Cảm giác đau hoặc nóng rát khi đi tiểu cũng là một triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu như cảm thấy đau khi không đi tiểu thì đó thường là dấu hiệu của nhiễm trùng âm đạo hoặc một vấn đề khác.
Nước tiểu đục, có mùi bất thường
Một trong những dấu hiệu ban đầu của nhiễm trùng đường tiết niệu là nước tiểu đục hoặc có mùi khác thường. Nước tiểu hôi cũng có thể là dấu hiệu của sỏi tiết niệu, đặc biệt là khi đi kèm triệu chứng dịch tiết đục.
Tiểu không tự chủ
Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể làm giảm khả năng kiểm soát bàng quang, dẫn đến rò rỉ nước tiểu. Nếu nhiễm trùng lan đến thận thì người bệnh sẽ có thêm một số triệu chứng khác ngoài các triệu chứng nêu trên như đau ở vùng lưng, hạ sườn, sốt, ớn lạnh và buồn nôn.
Các biện pháp khắc phục tại nhà
Khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bạn cần nghỉ ngơi để giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và nhanh khỏi bệnh nhưng các triệu chứng khó chịu có thể gây gián đoạn giấc ngủ.
Dưới đây là một số cách khắc phục tại nhà mà bạn có thể thử để làm giảm các triệu chứng này.
- Uống nhiều nước trong ngày để giúp loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu nhưng không uống nước sát giờ đi ngủ.
- Không uống rượu bia, nước ép cam quýt, cà phê và loại đồ uống chứa caffeine khác. Những loại đồ uống này có thể gây kích thích bàng quang và làm trầm trọng thêm triệu chứng tiểu nhiều lần cũng như tiểu gấp.
- Sử dụng miếng thấm hút nước tiểu hoặc bỉm trong khi ngủ để tránh bị rò rỉ nước tiểu ra quần.
- Chườm ấm vùng bụng để giảm đau và khó chịu ở vùng bàng quang.
- Đi tiểu trước khi đi ngủ.
- Bổ sung men vi sinh
- Uống thuốc kháng sinh theo chỉ định.
Nếu cần thiết, bạn có thể hỏi bác sĩ về việc sử dụng thuốc giảm đau.
Các phương pháp điều trị y tế
Mặc dù có thể làm giảm các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu bằng các biện pháp khắc phục tại nhà nhưng tốt nhất vẫn nên điều trị nhiễm trùng để chấm dứt hoàn toàn các triệu chứng.
Thuốc kháng sinh
Nhiễm trùng đường tiết niệu đơn giản thường có thể điều trị bằng các thuốc kháng sinh như:
- ceftriaxone
- cefalexin
- fosfomycin
- nitrofurantoin
- trimethoprim/sulfamethoxazole
Bác sĩ sẽ kê thuốc dựa trên tình trạng sức khỏe của người bệnh và loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Nhiễm trùng thận và các loại nhiễm trùng đường tiết niệu phức tạp khác có thể phải điều trị bằng thuốc kháng sinh nhóm fluoroquinolones, chẳng hạn như levofloxacin hoặc ciprofloxacin.
Để giảm nguy cơ kháng kháng sinh, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh trong thời gian ngắn nhất có thể. Quá trình điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu đơn giản thường chỉ mất 7 ngày.
Ngoài thuốc kháng sinh còn có các loại thuốc khác để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, ví dụ như thuốc giảm đau.
Thuốc giảm đau
Sau vài ngày dùng thuốc kháng sinh, các triệu chứng bệnh sẽ giảm rõ rệt nhưng trước đó, bạn có thể dùng thuốc giảm đau để làm dịu các triệu chứng đau đớn, khó chịu do nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nhiều loại thuốc giảm đau được dùng trong điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu có chứa phenazopyridine. Những loại thuốc này có tác dụng giảm đau, ngứa, nóng rát và tiểu gấp.
Thuốc điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu không kê đơn
Nhiễm trùng đường tiết niệu cần điều trị bằng thuốc kháng sinh theo đơn của bác sĩ nhưng ngoài ra, người bệnh có thể dùng thêm các một số loại thuốc không kê đơn để giảm các triệu chứng. Một trong những loại thuốc không kê đơn được dùng khá phổ biến là AZO.
AZO giúp làm giảm dịu bàng quang và giảm triệu chứng nòng rát khi đi tiểu. Có thể dùng AZO cùng với thuốc kháng sinh nhưng người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng và tuân thủ hướng dẫn về liều dùng. Không được dùng AZO quá liều.
Mặc dù có nhiều loại thuốc không kê đơn giúp làm giảm các các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng các loại thuốc này đều không tiêu diệt được vi khuẩn gây nhiễm trùng. Do đó, không nên sử dụng những loại thuốc này thay cho kháng sinh.
Nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, nhiễm trùng bàng quang có thể lan đến thận, gây viêm thận bể thận hoặc thậm chí lan vào máu và dẫn đến nhiễm trùng máu.
Phụ nữ mang thai có nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu nghiêm trọng cao hơn.
Tại sao nhiễm trùng đường tiết niệu thường gây đau vào ban đêm?
Trên thực tế, cơn đau và các triệu chứng khác của nhiễm trùng đường tiết niệu không trở nên nặng hơn vào ban đêm. Sở dĩ mọi người cảm thấy đau nhiều hơn vào ban đêm là vì lúc này không bị phân tâm bởi các hoạt động khác giống như ban ngày. Ngoài ra, vào ban đêm, các triệu chứng gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và điều này khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, bực bội.
Một lý do nữa khiến người bệnh cảm thấy khó chịu nhiều hơn vào ban đêm là do khoảng thời gian này không đi tiểu nhiều như ban ngày. Lượng nước tiểu lớn có thể gây áp lực lên các mô bàng quang vốn đang bị viêm và điều này làm tăng cảm giác khó chịu.
Phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu
Các cách giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu:
- Uống nhiều nước, tốt nhất là nước lọc
- Uống nước ép nam việt quất.
- Lau từ trước ra sau khi đi tiểu và đại tiện.
- Đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục.
- Tắm vòi sen thay vì tắm bồn.
- Tránh các sản phẩm có thể gây kích ứng vùng sinh dục như xịt khử mùi, dung dịch thụt rửa và băng vệ sinh có mùi thơm.
- Thay băng vệ sinh thường xuyên vào kỳ kinh nguyệt.
- Thay đổi biện pháp tránh thai. Thuốc diệt tinh trùng và màng ngăn âm đạo có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Mặc quần rộng rãi và đồ lót bằng cotton.
- Vệ sinh vùng kín hàng ngày.
Khi nào cần đi khám?
Hãy đi khám càng sớm càng tốt khi có các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu. Điều này đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ đang mang thai vì nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
Bạn sẽ cần làm xét nghiệm nước tiểu, bao gồm cả xét nghiệm cấy nước tiểu để xem có vi khuẩn trong nước tiểu hay không và xác định chính xác loại vi khuẩn gây nhiễm trùng. Nếu đúng là nhiễm trùng đường tiết niệu, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh để điều trị.
Không nên bỏ qua các triệu chứng bất thường vì nhiễm trùng đường tiết niệu có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu không được điều trị. Một khi vi khuẩn xâm nhập vào thận thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Những trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu nghiêm trọng có thể phải điều trị bằng kháng sinh đường tĩnh mạch và sau đó là một đợt kháng sinh đường uống kéo dài vài ngày đến vài tuần.
Một số câu hỏi thường gặp
Nhiễm trùng đường tiết niệu có tự khỏi không?
Mặc dù đôi khi nhiễm trùng đường tiết niệu có thể tự khỏi nhưng tốt nhất vẫn nên đi khám khi có triệu chứng bất thường. Nhiễm trùng đường tiết niệu không được điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Cần điều trị bằng kháng sinh trong bao lâu?
Các trường hợp nhiễm trùng nhẹ thường chỉ phải điều trị trong khoảng 5 đến 7 ngày. Đối với những trường hợp nhiễm trùng đã lan đến thận, người bệnh có thể phải nhập viện và quá trình điều trị có thể kéo dài từ 10 đến 14 ngày.
Tại sao cơn đau do nhiễm trùng đường tiết niệu nặng hơn vào ban đêm?
Thực chất triệu chứng đau và khó chịu do nhiễm trùng đường tiết niệu không tăng nặng vào ban đêm. Vào ban đêm, do bạn không bị phân tâm bởi những điều khác xung quanh nên sẽ cảm nhận các triệu chứng rõ hơn. Thêm nữa, vì bạn đi tiểu ít hơn vào ban đêm nên bàng quang căng lên và điều này góp phần khiến cho bạn cảm thấy khó chịu hơn.
Làm thế nào để ngủ ngon hơn khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu?
Dưới đây là một số cách bạn có thể thử để giảm các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu vào ban đêm và cải thiện giấc ngủ:
- Đi tiểu trước khi đi ngủ.
- Đặt báo thức vào ban đêm để thức dậy đi vệ sinh.
- Sử dụng miếng thấm hút nước tiểu hoặc bỉm để không phải lo lắng về tình trạng rò rỉ nước tiểu.
- Chườm ấm lên bụng để giảm đau, khó chịu
Tóm tắt bài viết
Một số triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu như đau, tiểu gấp và tiểu nhiều lần gây cản trở giấc ngủ vào ban đêm
Có nhiều biện pháp khắc phục tại nhà để làm giảm các triệu chứng này, ví dụ như đi tiểu trước khi đi ngủ, không uống nước gần giờ đi ngủ, sử dụng miếng thấm hút nước tiểu và chườm ấm. Nhưng tốt nhất vẫn nên điều trị bằng thuốc kháng sinh để chấm dứt hoàn toàn các triệu chứng.
Khi đã khỏi nhiễm trùng đường tiết niệu, hãy chú ý giữ vệ sinh vùng kín để ngăn bệnh tái phát.
Nhiễm trùng đường tiết niệu (viêm đường tiết niệu) là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở các cơ quan trong đường tiết niệu. Triệu chứng phụ thuộc vào khu vực bị nhiễm trùng trong đường tiết niệu.
Nhiễm trùng đường tiết niệu do ống thông tiểu là tình trạng đường tiết niệu bị nhiễm vi khuẩn hoặc nấm từ ống thông tiểu và bị viêm. Điều này chủ yếu xảy ra do ống thông tiểu bên trong.
Giấm táo (apple cider vinegar) là một loại giấm được làm bằng cách lên men nước ép táo. Từ lâu giấm táo đã được sử dụng như một phương pháp điều trị tự nhiên cho nhiều chứng bệnh.
Nghiên cứu cho thấy rằng một số loại thực phẩm và đồ uống, chẳng hạn như nước ngọt có ga, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên vẫn cần phải nghiên cứu thêm để hiểu rõ mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và nhiễm trùng đường tiết
Nhiễm trùng đường tiết niệu (viêm đường tiết niệu) gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Tình trạng này thường phải điều trị bằng thuốc kháng sinh nhưng bạn cũng có thể thử các biện pháp khắc phục tại nhà sau đây để kiểm soát các triệu chứng.