Cách giảm triệu chứng đau thắt do nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu đa phần xảy ra ở bàng quang. Tình trạng này được gọi là viêm bàng quang. Tuy nhiên, nếu không điều trị, nhiễm trùng có thể lan từ bàng quang đến thận và dẫn đến viêm thận bể thận. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm.
Nhiễm trùng đường tiết niệu gây ra nhiều triệu chứng, một trong số đó là đau thắt.
Trong bài viết này hãy cùng tìm hiểu tại sao nhiễm trùng đường tiết niệu lại gây ra triệu chứng này và làm thế nào để điều trị.
Đau thắt có phải triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng đường tiết niệu không?
Đau thắt là một triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng đường tiết niệu. Người bệnh còn có thể cảm thấy nhức hoặc đau âm ỉ ở khu vực bị ảnh hưởng. Thông thường, các cơn đau thắt do nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra ở vùng chậu hoặc thắt lưng.
Vậy các cơn đau này là do đâu? Vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu thường xâm nhập vào niêm mạc đường tiết niệu. Điều này dẫn đến viêm và kích ứng. Nước tiểu tạo ra môi trường lý tưởng cho những vi khuẩn này tiếp tục nhân lên.
Ngoài đau thắt, nhiễm trùng đường tiết niệu còn gây ra các triệu chứng khác như:
- Cảm giác đau buốt hoặc nóng rát khi đi tiểu
- Đi tiểu nhiều lần
- Nước tiểu đục, có mùi hôi
- Buồn tiểu liên tục, dù bàng quang không đầy
- Máu trong nước tiểu
Dấu hiệu nhiễm trùng thận
Nhiễm trùng có thể lan từ bàng quang đến thận và dẫn đến một tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng hơn gọi là viêm thận bể thận. Các triệu chứng của viêm thận bể thận gồm có:
- Đau ở giữa lưng hoặc vùng hạ sườn
- Sốt
- Ớn lạnh
- Buồn nôn hoặc nôn
Hãy đi khám ngay khi gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này. Nếu không được điều trị, viêm thận bể thận có thể dẫn đến tổn thương thận và thậm chí là nhiễm trùng máu, một tình trạng rất nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng.
Làm thế nào để giảm đau thắt do nhiễm trùng đường tiết niệu?
Nhiễm trùng đường tiết niệu cần điều trị bằng thuốc kháng sinh. Mặc dù các triệu chứng có thể bắt đầu thuyên giảm chỉ sau vài ngày điều trị nhưng vẫn phải dùng thuốc đủ liều để tiêu diệt toàn bộ vi khuẩn.
Bên cạnh điều trị bằng thuốc kháng sinh, bạn có thể thử các biện pháp sau đây để giảm đau và các triệu chứng khác của nhiễm trùng đường tiết niệu:
- Chườm ấm: Chườm ấm lên bụng hoặc thắt lưng có thể giúp giảm bớt các cơn đau thắt.
- Uống nhiều nước: Uống nhiều nước không chỉ giữ cho cơ thể đủ nước mà còn làm loãng nước tiểu và tăng đi tiểu, nhờ đó đào thải vi khuẩn khỏi đường tiết niệu.
- Dùng thuốc không kê đơn: các loại thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen, naproxen và acetaminophen có thể giúp làm dịu cơn đau do nhiễm trùng đường tiết niệu.
Khi nào cần đi khám?
Hãy đi khám khi nhận thấy các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu. Bạn sẽ được yêu cầu làm xét nghiệm nước tiểu. Nhiễm trùng đường tiết niệu được xác định khi có sự hiện diện vi khuẩn trong nước tiểu. Đa phần thì nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ khỏi sau một đợt kháng sinh.
Nếu như không được điều trị, nhiễm trùng có thể lây lan từ bàng quang lên thận. Điều này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như tổn thương thận và nhiễm trùng máu.
Ngoài nhiễm trùng đường tiết niệu, đau ở thắt lưng, hạ sườn, vùng chậu hay bụng cũng có thể là do các tình trạng bệnh lý khác như:
- Bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI)
- Táo bón
- Sỏi thận
- Hội chứng ruột kích thích
- Bệnh crohn
- Viêm loét đại tràng
- Viêm ruột thừa
- Đau bụng kinh
- U xơ tử cung
- U nang buồng trứng
- Lạc nội mạc tử cung
Hãy đi khám lại nếu tình trạng đau thắt không thuyên giảm sau khi dùng hết đợt kháng sinh. Có thể nhiễm trùng vẫn chưa khỏi hoặc triệu chứng này là của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác không phải nhiễm trùng đường tiết niệu.
Làm thế nào để giảm nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu?
Các cách phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu:
- Đi tiểu ngay khi cảm thấy buồn. Nhịn tiểu quá lâu có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn nhân lên và tích tụ trong bàng quang.
- Đi tiểu sau khi quan hệ tình dục để loại bỏ những vi khuẩn đã xâm nhập vào niệu đạo và nhờ đó ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Uống đủ nước để làm loãng nước tiểu và tăng tần suất đi tiểu. Điều này giúp ngăn vi khuẩn tích tụ trong đường tiết niệu và giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Lau từ trước ra sau khi đi vệ sinh (đối với phụ nữ) để tránh đưa vi khuẩn từ vùng hậu môn vào niệu đạo.
- Mặc đồ lót bằng vải cotton và quần rộng rãi để giữ cho khu vực xung quanh niệu đạo luôn khô ráo, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.
- Tránh các sản phẩm vệ sinh phụ nữ có mùi thơm. Hương liệu có thể gây kích ứng và phá vỡ sự cân bằng vi khuẩn tự nhiên của vùng sinh dục, điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Thay đổi biện pháp ngừa thai. Màng ngăn âm đạo, bao cao su không bôi trơn và thuốc diệt tinh trùng đều có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu bạn đang dùng các biện pháp ngừa thai này và thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiết niệu thì nên đổi sang các biện pháp ngừa thai khác.
- Tắm vòi sen thay vì tắm bồn. Ngâm mình trong bồn tắm có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu.
Tóm tắt bài viết
Đau thắt là một triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng đường tiết niệu. Thông thường, triệu chứng này xảy ra ở vùng chậu hoặc thắt lưng. Ngoài đau thắt, bạn còn có thể cảm thấy đau âm ỉ hoặc nhức ở những khu vực này.
Nhiễm trùng đường tiết niệu cần điều trị bằng thuốc kháng sinh nhưng bạn có thể kết hợp thêm các biện pháp khác để giảm bớt cơn đau thắt do nhiễm trùng đường tiết niệu như chườm ấm, uống thuốc giảm đau và uống nhiều nước.
Hãy đi khám nếu có các triệu chứng nghi là nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể lan đến thận và trở nên nghiêm trọng hơn.
Nhiễm trùng đường tiết niệu (viêm đường tiết niệu) là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở các cơ quan trong đường tiết niệu. Triệu chứng phụ thuộc vào khu vực bị nhiễm trùng trong đường tiết niệu.
Nhiễm trùng đường tiết niệu do ống thông tiểu là tình trạng đường tiết niệu bị nhiễm vi khuẩn hoặc nấm từ ống thông tiểu và bị viêm. Điều này chủ yếu xảy ra do ống thông tiểu bên trong.
Giấm táo (apple cider vinegar) là một loại giấm được làm bằng cách lên men nước ép táo. Từ lâu giấm táo đã được sử dụng như một phương pháp điều trị tự nhiên cho nhiều chứng bệnh.
Nghiên cứu cho thấy rằng một số loại thực phẩm và đồ uống, chẳng hạn như nước ngọt có ga, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên vẫn cần phải nghiên cứu thêm để hiểu rõ mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và nhiễm trùng đường tiết
Nhiễm trùng đường tiết niệu (viêm đường tiết niệu) gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Tình trạng này thường phải điều trị bằng thuốc kháng sinh nhưng bạn cũng có thể thử các biện pháp khắc phục tại nhà sau đây để kiểm soát các triệu chứng.