Nguyên nhân nào khiến kinh nguyệt kéo dài?
Nội dung chính của bài viết:
-
Khi kinh nguyệt kéo dài quá 7 ngày thì được coi là dài hơn bình thường. Hiện tượng kinh nguyệt tiếp diễn hơn một tuần còn được gọi là rong kinh.
-
Sự thay đổi nội tiết tố; do dùng thuốc; mang thai; u xơ hoặc polyp tử cung; bệnh cơ tuyến tử cung; bệnh lý tuyến giáp; rối loạn đông máu; béo phì; bệnh viêm vùng chậu; ung thư là những nguyên nhân gây nên hiện tượng này.
-
Nếu nhận thấy thời gian có kinh đột nhiên dài hơn bình thường thì cần đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân của vấn đề.
-
Việc trì hoãn điều trị có thể gây ra các biến chứng và cần đến các phương pháp điều trị phức tạp hơn trong tương lai. Bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị nguyên nhân gốc rễ và kết hợp biện pháp để giảm mức độ ra máu hiện tại.
Ở đa số phụ nữ, số ngày có kinh nguyệt hàng tháng thường là từ 3 đến 7 ngày. Khi kinh nguyệt kéo dài quá 7 ngày thì được coi là dài hơn bình thường.
Hiện tượng kinh nguyệt tiếp diễn hơn một tuần còn được gọi là rong kinh. Theo thống kê thì có khoảng 5% phụ nữ bị rong kinh.
Kinh nguyệt kéo dài có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng, chẳng hạn như:
- Rối loạn nội tiết tố
- Những vấn đề trong tử cung
- Ung thư
Do đó, cần đến gặp bác sĩ khi bị hành kinh trong thời gian dài hoặc ra máu nhiều để xác định nguyên nhân gốc rễ và phát hiện hay loại trừ các bệnh lý nghiêm trọng.
Rong kinh sẽ gây ra nhiều vấn đề khó chịu và ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt thường ngày. Tình trạng này còn dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt do thường xuyên phải trải qua kỳ kình kéo dài, đặc biệt là khi còn bị mất nhiều máu.
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về kinh nguyệt kéo dài, các nguyên nhân gây ra và cần làm gì để khắc phục.
Nguyên nhân gây kinh nguyệt kéo dài
Kinh nguyệt kéo dài có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên.
Thay đổi nội tiết tố và rụng trứng
Những thay đổi về nồng độ nội tiết tố (hormone) hoặc sự rụng trứng đều có thể khiến phụ nữ bị hành kinh trong thời gian dài hơn bình thường. Những thay đổi nội tiết tố này thường xảy ra trong thời gian đầu mới có kinh nguyệt ở tuổi dậy thì hoặc trong giai đoạn tiền mãn kinh. Bạn cũng có thể gặp phải sự mất cân bằng nội tiết tố do các vấn đề sức khỏe khác nhau, chẳng hạn như rối loạn tuyến giáp hoặc hội chứng buồng trứng đa nang.
Nếu nội tiết tố không ở mức bình thường hoặc nếu cơ thể không rụng trứng trong chu kỳ kinh nguyệt thì lớp niêm mạc tử cung sẽ trở nên rất dày. Khi lớp niêm mạc này bong ra thì hiện tượng ra máu sẽ kéo dài hơn bình thường.
Thuốc
Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến thời gian hành kinh mỗi tháng. Các thuốc này gồm có:
- Các biện pháp tránh thai, chẳng hạn như vòng tránh thai và thuốc tránh thai
- Aspirin và các loại thuốc làm loãng máu khác
- Thuốc chống viêm
Mang thai
Mặc dù khi mang thai phụ nữ sẽ không có kinh nguyệt nhưng hiện tượng chảy máu âm đạo kéo dài có thể là một dấu hiệu của một thai kỳ nguy cơ cao hoặc thai kỳ không khả thi (thai nhi không có khả năng còn sống sót đến lúc sinh), chẳng hạn như mang thai ngoài tử cung hoặc sảy thai.
Phụ nữ cũng có thể gặp tình trạng chảy máu âm đạo kéo dài trong thai kỳ nếu như có các vấn đề bất thường như nhau tiền đạo.
Nếu kết quả thử thai dương tính và bạn đang bị chảy máu âm đạo thì cần đi khám bác sĩ ngay.
U xơ hoặc polyp tử cung
U xơ và polyp tử cung có thể dẫn đến hiện tượng ra máu kéo dài và đôi khi còn ra nhiều máu.
U xơ xảy ra khi mô cơ bắt đầu phát triển trong thành tử cung.
Polyp cũng là kết quả của sự phát triển mô không bình thường trong tử cung và dẫn đến hình thành các khối u nhỏ.
Nói chung, đa phần u xơ hoặc polyp là khối u lành, không tiến triển thành ung thư.
Bệnh cơ tuyến tử cung
Cơ tuyến tử cung (adenomyosis) là tình trạng mà mô nội mạc hay niêm mạc tử cung phát triển vào trong lớp cơ của tử cung. Điều này có thể dẫn đến kinh nguyệt kéo dài hoặc mất nhiều máu.
Bệnh lý tuyến giáp
Rong kinh có thể là một dấu hiệu cho thấy tuyến giáp đang hoạt động kém. Tình trạng này được gọi là suy giáp.
Rối loạn đông máu
Những vấn đề ảnh hưởng đến khả năng đông máu của cơ thể cũng có thể kéo dài thời gian hành kinh hàng tháng. Một số ví dụ về những vấn đề này là bệnh máu khó đông (hemophilia) và bệnh von Willebrand.
Kinh nguyệt kéo dài có thể là dấu hiệu duy nhất của các bệnh lý này hoặc cũng có thể đi kèm các triệu chứng khác.
Béo phì
Ở những phụ nữ có cân nặng quá lớn, kinh nguyệt có thể sẽ lâu hết hơn so với người có cân nặng khỏe mạnh. Nguyên nhân là bởi vì mô mỡ có thể khiến cơ thể sản xuất ra nhiều estrogen hơn. Lượng estrogen dư thừa này sẽ gây nên những thay đổi trong kỳ kinh nguyệt, ví dụ như kinh nguyệt lâu hết.
Bệnh viêm vùng chậu
Bệnh viêm vùng chậu xảy ra khi vi khuẩn lây nhiễm vào các cơ quan sinh dục. Ngoài những thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt, bệnh viêm vùng chậu còn có biểu hiện là dịch tiết âm đạo bất thường và một số triệu chứng khác.
Ung thư
Kinh nguyệt kéo dài lâu hết có thể là dấu hiệu của ung thư tử cung hoặc ung thư cổ tử cung. Ở một số phụ nữ, đây có thể là một trong những triệu chứng sớm nhất của một trong hai bệnh ung thư này.
Khi nào cần đi khám?
Nếu nhận thấy thời gian có kinh đột nhiên dài hơn bình thường thì đừng cho đó là bình thường mà cần đi khám bác sĩ để được thăm khám, tìm ra nguyên nhân tại sao lại gặp phải điều này. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì vấn đề tiềm ẩn gây kinh nguyệt kéo dài sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Cần đến gặp bác sĩ ngay nếu hiện tượng này còn đi kèm với sốt hoặc ra nhiều máu bất thường hoặc có lẫn cục máu đông lớn. Một cách để đánh giá lượng máu kinh là dựa trên thời gian cần thay băng vệ sinh hay tampon. Mức độ ra máu được coi là nhiều là khi bạn phải thay băng vệ sinh hay tampon ít nhất một lần sau mỗi giờ và điều này tiếp diễn trong vài giờ liên tục. Khi mất quá nhiều máu, bạn sẽ gặp các dấu hiệu thiếu máu như chóng mặt, hoa mắt, người lâng lâng và mệt mỏi.
Chẩn đoán nguyên nhân rong kinh
Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến kinh nguyệt kéo dài lâu hết. Khi đi khám, bác sĩ sẽ bắt đầu đưa ra một số câu hỏi như:
- Kinh nguyệt bắt đầu khi nào?
- Tần suất phải thay băng vệ sinh hay tampon
- Các triệu chứng khác đang gặp phải
- Bệnh sử cá nhân và gia đình
Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, gồm có kiểm tra vùng chậu và đo các dấu hiệu quan trọng như nhịp tim hay huyết áp.
Ngoài ra sẽ cần làm các phương pháp xét nghiệm dưới đây để bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone và phát hiện dấu hiệu thiếu sắt
- Xét nghiệm Pap smear hay phết tế bào cổ tử cung
- Sinh thiết
- Siêu âm ổ bụng hoặc siêu âm qua đường âm đạo
- Nội soi tử cung
- Nong cổ tử cung và nạo tử cung
Phương pháp điều trị
Có nhiều phương pháp khác nhau để điều trị tình trạng kinh nguyệt kéo dài, lâu hết. Bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị nguyên nhân gốc rễ và kết hợp biện pháp để giảm mức độ ra máu hiện tại, điều hòa kinh nguyệt hoặc làm giảm các triệu chứng khó chịu khi đến kỳ.
Các biện pháp tránh thai nội tiết có thể điều hòa kinh nguyệt và rút ngắn thời gian hành kinh trong tương lai. Các biện pháp này có các dạng khác nhau như:
- Thuốc đường uống
- Vòng tránh thai nội tiết
- Thuốc tiêm
- Miếng dán
- Vòng âm đạo
Nếu bị đau bụng hoặc khó chịu khi có kinh nguyệt thì có thể dùng thuốc giảm đau, gồm có các thuốc kháng viêm không steroid không kê đơn, chẳng hạn như aspirin hoặc ibuprofen.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định làm phẫu thuật để rút ngắn kinh nguyệt.
Thủ thuật nong cổ tử cung và nạo tử cung có thể làm mỏng lớp niêm mạc tử cung và làm giảm lượng máu khi đến kỳ, từ đó giúp kinh nguyệt nhanh hết hơn.
Nếu như không còn ý định sinh con thì có thể cân nhắc phương pháp cắt đốt nội mạc tử cung hoặc cắt tử cung. Các thủ thuật này có thể rút ngắn thời gian hành kinh nhưng sau khi phẫu thuật sẽ không còn khả năng mang thai.
Các biến chứng do kinh nguyệt kéo dài
Nếu không phát hiện và điều trị thì nguyên nhân tiềm ẩn gây kinh nguyệt kéo dài sẽ tiến triển nặng hơn và cần điều trị bằng những thủ thuật xâm lấn hơn, phức tạp hơn.
Ngoài ra, khi bị mất máu trong thời gian dài mỗi tháng thì sẽ rất dễ bị thiếu máu. Điều này sẽ gây mệt mỏi và suy nhược cơ thể.
Bác sĩ sẽ sử dụng kết quả xét nghiệm máu để chẩn đoán tình trạng thiếu máu. Nếu nồng độ sắt trong máu thấp thì sẽ cần ăn nhiều loại thực phẩm giàu chất sắt trong chế độ ăn uống và dùng viên uống bổ sung sắt để đưa mức sắt trong cơ thể trở lại bình thường.
Kinh nguyệt lâu hết còn có thể gây đau đớn, ảnh hưởng đén sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống. Hiệu suất học tập, làm việc sẽ bị giảm sút và bạn sẽ không thể tham gia vào nhiều sự kiện, hoạt động do kinh nguyệt kéo dài.
Trong kỳ kinh nguyệt hàng tháng, nhiều phụ nữ phải trải qua những cơn đau đớn và cảm giác khó chịu. Đây đều là những hiện tượng bình thường, tuy nhiên nếu đau đớn dữ dội đến mức phải nghỉ học, nghỉ làm thì lại là điều không bình thường.
Có nhiều nguyên nhân gây ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt. Một số trong đó là những nguyên nhân vô hại nhưng cũng có những nguyên nhân cần can thiệp điều trị kịp thời.
Nồng độ hormone hay nội tiết tố dao động trong chu kỳ kinh nguyệt sẽ gây ra nhiều thay đổi ở cơ thể. Ngoài những biểu hiện như đau bụng hay đau mỏi thắt lưng, nhiều phụ nữ còn gặp phải các cơn đau đầu trong những ngày đèn đỏ.
Nguyên nhân nào gây ngứa vùng kín trước kỳ kinh nguyệt? Cảm giác ngứa này có thể xảy ra ở âm đạo (tức là ở bên trong) hoặc ở âm hộ, có nghĩa là xung quanh âm đạo, môi âm hộ và vùng mu. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên hiện tượng này.
Đổ mồ hôi về đêm trong thời gian có kinh nguyệt là một hiện tượng bình thường, xảy ra do sự thay đổi nội tiết tố. Nhưng nếu có đi kèm với bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác thì nên đi khám để phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn.