Nguyên nhân nào khiến kinh nguyệt ngắn hơn bình thường?
Nội dung chính của bài viết:
- Thời gian hành kinh thường kéo dài trong khoảng từ 3 đến 7 ngày. Tuy nhiên, tùy từng người mà kinh nguyệt có thể dài hơn hoặc ngắn hơn và vẫn được coi là bình thường.
- Nếu kinh nguyệt thường kéo dài 5 hoặc 6 ngày và đột nhiên bị rút ngắn xuống còn 2 ngày thì có thể là do những nguyên nhân, như: do độ tuổi, căng thẳng, rối loạn ăn uống, tập luyện quá sức, thay đổi cân nặng, do dùng thuốc.
- Ngoài ra còn do một số nguyên nhân khác như: thai ngoài tử cung, máu báo thai, mang thai, cho con bú, u nang buồng trứng, hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh tuyến giáp,...
- Trong một số ít trường hợp, kinh nguyệt ngắn có thể là dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng hơn, đó là: suy buồng trứng sớm; hội chứng Asherman; hẹp cổ tử cung; hội chứng Sheehan.
- Nếu bạn đang mang thai hoặc nghĩ rằng mình mang thai thì nên đi khám ngay nếu bị chảy máu âm đạo bất thường.
- Nếu không mang thai thì có thể chờ thêm 2 hoặc 3 tháng. Nếu kinh nguyệt vẫn không trở lại bình thường thì mới cần đi khám bác sĩ.
Kinh nguyệt ngắn có bình thường không?
Chu kỳ kinh nguyệt của mỗi phụ nữ là khác nhau. Thời gian hành kinh thường kéo dài trong khoảng từ 3 đến 7 ngày. Tuy nhiên, tùy từng người mà kinh nguyệt có thể dài hơn hoặc ngắn hơn và vẫn được coi là bình thường. Chỉ có bạn mới là người hiểu rõ cơ thể mình nhất. Nếu số ngày có kinh của mỗi tháng đều nhất quán thì đó là kinh nguyệt bình thường và không có gì phải lo lắng cả.
Nếu kinh nguyệt thường kéo dài 5 hoặc 6 ngày và đột nhiên bị rút ngắn xuống còn 2 ngày thì có thể là do những nguyên nhân như thay đổi trong cuộc sống, mới dùng biện pháp kiểm soát sinh sản hoặc bị căng thẳng. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến kinh nguyệt diễn ra ngắn hơn bình thường.
Nguyên nhân
Do độ tuổi
Chu kỳ kinh nguyệt sẽ có sự thay đổi vào những thời điểm khác nhau trong cuộc đời.
Tuổi dậy thì
Ở tuổi dậy thì, nồng độ hormone bắt đầu dao động theo chu kỳ hàng tháng. Phải mất một vài năm thì các hormone này mới ổn định. Trong thời gian đó thì sự thay đổi nồng độ hormone thường diễn ra không đều, dẫn đến thời gian hành kinh của mỗi tháng có độ dài ngắn khác nhau.
Những đặc điểm khác của chu kỳ kinh nguyệt ở tuổi dậy thì còn có:
- Chu kỳ không đều
- Ra máu quá ít hoặc quá nhiều
- Lỡ kinh nguyệt hay còn gọi là vô kinh, mất kinh nguyệt
- Có kinh hai lần một tháng
Tiền mãn kinh
Tiền mãn kinh là giai đoạn trước khi mãn kinh. Trong thời gian này, sự sản xuất hormone giảm và kinh nguyệt trở nên bất thường.
Thời gian có kinh sẽ bị ngắn lại hoặc dài hơn bình thường. Ngoài ra, phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh còn gặp những hiện tượng như:
- Lỡ kinh nguyệt
- Ra máu ít hoặc nhiều hơn bình thường
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều
- Số lần hành kinh trong một năm giảm đi
Do thay đổi trong cuộc sống
Những thay đổi trong cuộc sống hàng ngày cũng có tác động đến nồng độ hormone và chu kỳ kinh nguyệt
Căng thẳng
Căng thẳng hay stress sẽ gây hại cho toàn cơ thể, gồm có cả khả năng sản xuất hormone. Khi nồng độ hormone bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thì không có gì là lạ khi kinh nguyệt trở nên bất thường, bao gồm cả hiện tượng đột nhiên kinh nguyệt nhanh hết hơn.
Các triệu chứng khác của căng thẳng gồm có:
- Lo âu
- Mệt mỏi
- Mất ngủ
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
Tập luyện quá sức
Khi cường độ tập luyện quá nặng thì lượng calo bị đốt cháy sẽ nhiều hơn lượng calo nạp vào qua chế độ ăn. Nếu tình trạng này tiếp diễn trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng thì cơ thể sẽ chuyển sang “trạng thái sinh tồn”. Có nghĩa là lúc này, cơ thể sẽ bắt đầu dồn tất cả lượng calo còn lại để thực hiện các chức năng quan trọng, ví dụ như giữ cho tim đập hay hít thở và tạm dừng các chức năng không quan trọng, ví dụ như sản xuất hormone sinh dục.
Khi nồng độ hormone giảm thì sẽ dẫn đến kinh nguyệt không đều hoặc bị lỡ.
Hoạt động thể chất quá mức cũng có thể gây ra:
- Thay đổi tâm trạng
- Thường xuyên mệt mỏi
- Dễ bị bệnh
- Sụt cân không chủ đích
Thay đổi cân nặng
Bất kỳ sự thay đổi lớn nào về cân nặng cũng đều có thể phá vỡ sự cân bằng hormone bình thường. Vì lý do này nên sau các quy trình phẫu thuật giảm cân ví dụ như thắt đai dạ dày hay chế độ ăn kiêng khắc nghiệt, nhiều phụ nữ thường gặp phải hiện tượng kinh nguyệt trở nên bất thường.
Lượng mỡ thừa quá lớn trong cơ thể cũng có thể ảnh hưởng đến nồng độ estrogen. Do đó mà những người béo phì thường có chu kỳ kinh nguyệt không đều.
Các vấn đề có thể xảy ra khi cân nặng có sự thay đổi lớn còn có:
- Đau đầu
- Mệt mỏi
- Lỡ kinh nguyệt
Rối loạn ăn uống
Rối loạn ăn uống sẽ gây giảm nghiêm trọng lượng calo tiêu thụ và ảnh hưởng đến khả năng sản xuất hormone sinh dục của cơ thể. Tỷ lệ mỡ quá thấp trong cơ thể cũng có thể phá vỡ trạng thái cân bằng của nồng độ hormone bình thường. Điều này sẽ khiến kinh nguyệt bị rút ngắn hoặc thậm chí vô kinh.
Các triệu chứng khác của rối loạn ăn uống gồm có:
- Người gầy gò
- Luôn trong trạng thái mệt mỏi, suy kiệt
- Dễ ốm
Do thuốc
Nhiều loại thuốc có thể tác động đến nồng độ hormone và làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt. Các loại thuốc này gồm có:
Biện pháp tránh thai nội tiết
Các biện pháp tránh thai nội tiết có chứa các hormone ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình rụng trứng. Khi mới dùng các biện pháp tránh thai lần đầu hoặc chuyển sang một loại khác thì việc gặp phải một số thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt là điều bình thường.
Ví dụ, số ngày hành kinh có thể ngắn hơn hoặc kinh nguyệt không đều trong một vài tháng cho đến khi cơ thể làm quen với loại thuốc mới.
Một số tác dụng phụ khác thường thấy khi dùng các loại thuốc uống, thuốc tiêm và vòng tránh thai nội tiết còn có:
- Đau bụng
- Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt
- Đau đầu
- Chóng mặt, buồn nôn
- Thay đổi tâm trạng
Các loại thuốc khác
Một số loại thuốc kê đơn có thể gây gián đoạn sự sản sinh hormone của cơ thể và ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Kinh nguyệt có thể trở nên bất thường trong thời gian dùng các loại thuốc điều trị:
- Bệnh tuyến giáp
- Rối loạn lo âu
- Chứng động kinh
- Viêm
Nguyên nhân khác
Có một số vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng đến nồng độ hormone và khiến thời gian ra máu hàng tháng ngắn hơn bình thường.
Thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng sau khi thụ tinh bám vào làm tổ ở một bộ phận khác của cơ thể thay vì thành bên trong tử cung. Thai ngoài tử cung thường gây hiện tượng chảy máu âm đạo và có thể bị nhầm với kinh nguyệt.
Các dấu hiệu khác của thai ngoài tử cung gồm có:
- Đau bụng dưới, thường chỉ ở một bên
- Dịch tiết màu nâu từ âm đạo
- Chóng mặt
- Đau bả vai
- Đau khi đại tiện hoặc tiểu tiện
Máu báo thai
Máu báo thai là hiện tượng ra máu khi trứng sau thụ tinh bám vào niêm mạc tử cung, thường xảy ra khoảng từ một đến hai tuần sau thời điểm thụ tinh. Hiện tượng chảy máu âm đạo này có thể bị nhầm là kinh nguyệt ngắn và ít.
Máu báo thai thường xuất hiện trước thời điểm dự kiến diễn ra kỳ kinh hàng tháng và là một trong những dấu hiệu sớm nhất của thai kỳ.
Sảy thai
Sẩy thai là sự mất thai xảy ra trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Đa số các trường hợp sảy thai diễn ra trước khi phụ nữ biết rằng mình đang mang thai, đó là lý do tại sao dấu hiệu chảy máu âm đạo của sảy thai thường bị nhầm là có kinh.
Hiện tượng ra máu ngắn bất thường có thể là do sảy thai.
Các dấu hiệu khác của sảy thai còn có:
- Có dịch lỏng hoặc mô chảy ra từ âm đạo
- Đau bụng dưới
- Không còn các dấu hiệu mang thai
Mang thai
Kinh nguyệt sẽ dừng lại khi mang thai nhưng nhiều phụ nữ vẫn gặp hiện tượng ra máu trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Đây là một điều rất phổ biến. Cứ 4 phụ nữ mang thai thì 1 người có hiện tượng này.
Mang thai sẽ còn có các dấu hiệu khác như:
- Vú đau hoặc sưng lên
- Buồn nôn
- Nôn ói
- Lỡ kinh nguyệt
- Đột nhiên thèm hoặc không còn muốn ăn một số loại thực phẩm
- Nhạy cảm với mùi
Cho con bú
Prolactin - hormone điều tiết sự sản xuất sữa mẹ là thủ phạm ngăn rụng trứng sau sinh. Nếu bạn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ thì kinh nguyệt có thể sẽ chưa trở lại trong vòng vài tháng sau khi sinh.
Khi kinh nguyệt trở lại thì thường sẽ không đều và ngắn hơn hoặc dài hơn bình thường.
Khi cho con bú, bạn cũng có thể gặp phải những hiện tượng như:
- Lỡ kinh nguyệt
- Mỗi lần có kinh cách nhau xa hơn hay chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn
- Thay đổi về thời gian hành kinh
- Chỉ ra ít máu hoặc nhỏ giọt trong thời gian đầu
U nang buồng trứng
U nang buồng trứng là túi chứa dịch lỏng hình thành bên trong buồng trứng. Mặc dù các u nang này là lành tính (không phải là ung thư) nhưng đôi khi chúng gây đau hoặc gây chảy máu. Triệu chứng chảy máu do u nang có thể bị nhầm là kinh nguyệt ngắn.
Hầu hết các trường hợp u nang buồng trứng không có triệu chứng nhưng nếu có thì thường là đau bụng dưới, đặc biệt là khi khối u có kích cỡ lớn hoặc bị vỡ.
Hội chứng buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang (polycystic ovarian syndrome - PCOS) khiến cơ thể phụ nữ sản xuất nhiều hormone giới tính nam hơn bình thường. Sự mất cân bằng nội tiết tố này sẽ khiến kinh nguyệt trở nên bất thường, lỡ kinh nguyệt hoặc kinh nguyệt ngắn.
Các triệu chứng khác của hội chứng buồng trứng đa nang gồm có:
- Mọc lông trên mặt hoặc những vị trí không mong muốn trên cơ thể
- Da tiết nhiều dầu, nổi mụn trứng cá
- Giọng nói trầm hơn
- Khó thụ thai
- Rụng tóc
- Tăng cân hay khó giảm cân
- Xuất hiện những mảng da dày, mượt như nhưng và tối màu ở cổ, bẹn hoặc những khu vực có nếp gấp
Bệnh tuyến giáp
Các bệnh lý tuyến giáp khiến cơ thể tạo ra quá nhiều hoặc quá ít hormone tuyến giáp. Bệnh tuyến giáp ảnh hưởng đến khoảng 1/8 dân số nữ.
Hormone tuyến giáp đóng một vai trò quan trọng trong chu kỳ kinh nguyệt và do đó, lượng hormone quá cao hay quá thấp đều có thể làm thay đổi chu kỳ kinh, gồm có cả thời gian hành kinh ngắn.
Mỗi bệnh lý tuyến giáp có các triệu chứng khác nhau nhưng một số triệu chứng chung gồm có:
- Sụt cân hoặc tăng cân không chủ đích
- Khó ngủ hoặc thường xuyên buồn ngủ
- Nhịp tim nhanh hoặc chậm
- Ra máu kinh ít hơn hoặc nhiều hơn bình thường
Nguyên nhân nghiêm trọng
Trong một số ít trường hợp, kinh nguyệt ngắn có thể là dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng hơn.
Suy buồng trứng sớm
Suy buồng trứng sớm (premature ovarian failure) hay mãn kinh sớm là tình trạng bắt đầu mãn kinh trước độ tuổi 40. Đây là vấn đề không phổ biến, chỉ xảy ra ở 1 trên 1.000 phụ nữ dưới 29 tuổi và 1 trên 100 phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 39.
Nếu buồng trứng không còn hoạt động bình thường thì sẽ không thể sản xuất các hormone cần thiết để mang thai. Chu kỳ kinh nguyệt sẽ trở nên bất thường và sau đó dừng lại hoàn toàn. Suy buồng trứng sớm còn gây ra những triệu chứng như
- Bốc hỏa
- Đổ mồ hôi về đêm
- Tâm trạng thay đổi
- Khó tập trung
- Lỡ kinh nguyệt
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều
- Khô âm đạo
- Giảm ham muốn tình dục
Hội chứng Asherman
Hội chứng Asherman là một bệnh lý hiếm gặp trong đó mô sẹo hình thành trong tử cung. Điều này thường xảy ra sau khi làm phẫu thuật.
Mô sẹo trong tử cung có thể chặn dòng chảy máu kinh, khiến kinh nguyệt diễn ra không đều, ra ít máu kinh hoặc không có kinh nguyệt.
Các triệu chứng khác của hội chứng Asherman gồm có:
- Khó thụ thai
- Dễ sảy thai
- Đau bụng dưới mà không ra máu
Hẹp cổ tử cung
Hẹp cổ tử cung là tình trạng mà cổ tử cung nhỏ bất thường và cũng là vấn đề ít gặp. Đây thường là một biến chứng của phẫu thuật. Khi cổ tử cung bị hẹp thì máu kinh sẽ bị chặn và khó thoát ra ngoài. Điều này gây mất kinh nguyệt và đau bụng.
Hội chứng Sheehan
Hội chứng Sheehan là một biến chứng xảy ra sau sinh do sản phụ mất một lượng máu lớn hoặc có huyết áp thấp nghiêm trọng. Đây cũng là một bệnh lý rất hiếm gặp.
Hội chứng Sheehan ảnh hưởng đến khả năng sản xuất hormone tuyến yên của cơ thể. Nồng độ hormone tuyến yên thấp dẫn đến vô kinh hoặc kinh nguyệt diễn ra không thường xuyên.
Các triệu chứng khác của hội chứng này gồm có:
- Khó cho con bú
- Lông mu khó mọc lại sau khi cạo
- Huyết áp thấp
- Đường huyết thấp
- Mệt mỏi
- Nhịp tim không đều
- Teo nhỏ ngực
- Dễ cảm thấy lạnh
- Tăng cân không chủ đích
- Người mệt mỏi
Khi nào cần đi khám?
Nếu bạn đang mang thai hoặc nghĩ rằng mình mang thai thì nên đi khám ngay nếu bị chảy máu âm đạo bất thường.
Nếu không mang thai thì có thể chờ thêm 2 hoặc 3 tháng. Nếu kinh nguyệt vẫn không trở lại bình thường thì mới cần đi khám bác sĩ.
Cần theo dõi kinh nguyệt trong thời gian này, ghi lại ngày bắt đầu và ngày kết thúc hành kinh cũng như là lượng máu nhiều hay ít. Khi đi khám thì mang những thông tin này theo để bác sĩ dựa vào đó và đưa ra chẩn đoán.
Kinh nguyệt ở đa số phụ nữ sẽ đến theo chu kỳ hàng tháng và thường kéo dài từ 2 đến 8 ngày, tùy theo cơ địa của từng người.
Trong kỳ kinh nguyệt hàng tháng, nhiều phụ nữ phải trải qua những cơn đau đớn và cảm giác khó chịu. Đây đều là những hiện tượng bình thường, tuy nhiên nếu đau đớn dữ dội đến mức phải nghỉ học, nghỉ làm thì lại là điều không bình thường.
Không có khí hư trước kỳ kinh nguyệt? Đây có phải là điều bình thường? Đa số phụ nữ đều gặp hiện tượng dịch tiết âm đạo (dịch nhầy cổ tử cung) hay khí hư ra nhiều và thay đổi về màu sắc, kết cấu trước khi có kinh nguyệt.
Ra máu chỉ kéo dài một hoặc hai ngày có thể là dấu hiệu mang thai nhưng cũng có thể là do nhiều nguyên nhân khác.
Thông thường, ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt không phải là điều đáng lo ngại nhưng có thể gây bất tiện và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.