Kinh nguyệt kéo dài bao lâu là bình thường?
Nội dung chính của bài viết:
- Kinh nguyệt thường kéo dài trong khoảng từ 2 đến 8 ngày, tùy từng người.
- Chu kỳ kinh nguyệt diễn ra theo 4 giai đoạn: giai đoạn nang trứng, giai đoạn rụng trứng, giai đoạn hoàng thể và giai đoạn kinh nguyệt.
- Rối loạn kinh nguyệt hay kinh nguyệt không đều là hiện tượng ra máu ít hơn hay nhiều hơn, kinh nguyệt thất thường, không thể đoán trước.
- Việc mới sử dụng biện pháp tránh thai, hay giảm cân, thể dục quá nặng, nhiễm trùng sinh dục, căng thẳng... đều có thể ảnh hưởng đến kinh nguyệt.
- Cách phổ biến để điều hòa kinh nguyệt là uống thuốc tránh thai hoặc các biện pháp tránh thai nội tiết.
- Khi đột nhiên bị rối loạn kinh nguyệt hay không có kinh nguyệt từ 90 ngày trở lên mà không có thai, hoặc bị ra máu nhiều hơn bình thường, đau bụng dữ dội,... bạn cần phải đi khám bác sĩ ngay.
Ở đa số phụ nữ, kinh nguyệt đến theo chu kỳ hàng tháng. Đây là một phần trong quá trình mà cơ thể người phụ nữ phải trải qua để chuẩn bị cho việc mang thai. Trong quá trình này, một quả trứng sẽ được phóng ra khỏi buồng trứng. Nếu trứng được thụ tinh thì sẽ bám vào thành tử cung, phát triển thành phôi thai và bắt đầu thai kỳ. Nhưng nếu trứng đó không được thụ tinh thì niêm mạc tử cung sẽ bong ra và đi ra ngoài qua âm đạo cùng với máu và dịch nhầy, tạo nên hiện tượng ra máu kinh nguyệt hàng tháng ở phụ nữ.
Kinh nguyệt thường kéo dài trong khoảng từ 2 đến 8 ngày, tùy từng người.
Nhiều phụ nữ thường gặp các dấu hiệu trước và trong khi có kinh nguyệt như đau bụng, mỏi thắt lưng hoặc thay đổi tâm trạng. Những dấu hiệu này được gọi là hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). Hầu hết các biểu hiện của hội chứng tiền kinh nguyệt ở phụ nữ đều tự hết sau khi kinh nguyệt kết thúc.
Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài bao lâu?
Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên ra máu của tháng này đến ngày đầu tiên ra máu của tháng tiếp theo và thường kéo dài từ 21 đến 35 ngày. Chu kỳ kinh nguyệt diễn ra theo 4 giai đoạn, gồm có:
Giai đoạn nang trứng
Giai đoạn nang trứng hay giai đoạn trước kinh nguyệt bắt đầu vào ngày đầu tiên có kinh nguyệt và kết thúc khi bắt đầu rụng trứng. Trong giai đoạn này, buồng trứng tạo ra nang trứng và sau đó là trứng. Điều này kích thích lớp niêm mạc tử cung dày lên và nồng độ hormone estrogen cũng tăng lên trong thời gian này.
Giai đoạn rụng trứng
Trứng sau khi trưởng thành được phóng vào ống dẫn trứng và sau đó vào tử cung. Quá trình này thường diễn ra sau khi chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu được khoảng 2 tuần, có nghĩa là vào khoảng giữa của chu kỳ.
Giai đoạn hoàng thể
Ở giai đoạn hoàng thể hay giai đoạn sau rụng trứng, cơ thể tiếp tục duy trì sự chuẩn bị cho thai kỳ, gồm có sự gia tăng hormone progesterone và một lượng nhỏ estrogen. Nếu trứng không bám vào tử cung thì giai đoạn này sẽ kết thúc và kinh nguyệt sẽ bắt đầu. Trong chu kỳ kinh nguyệt 28 ngày, giai đoạn này kết thúc vào khoảng ngày 22.
Giai đoạn kinh nguyệt
Trong giai đoạn này, niêm mạc tử cung bị bong ra và gây nên hiện tượng chảy máu.
Thế nào là rối loạn kinh nguyệt
Rất nhiều phụ nữ gặp phải vấn đề rối loạn kinh nguyệt hay kinh nguyệt không đều vào một số thời điểm nhất định trong cuộc đời. Đặc biệt, trong những năm đầu tiên của độ tuổi sinh sản (sau dậy thì), rối loạn kinh nguyệt - thường là kinh nguyệt kéo dài - là một vấn đề rất phổ biến. Sau đó kinh nguyệt sẽ ngắn lại và ổn định sau khoảng từ 1 đến 3 năm kể từ khi kinh nguyệt bắt đầu.
Những vấn đề kinh nguyệt không đều gồm có ra máu ít hơn, nhiều hơn, kinh nguyệt đến thất thường, không thể đoán trước, kéo dài hơn hoặc ngắn hơn bình thường. Theo thống kê, ước tính có khoảng 14 đến 25% phụ nữ có kinh nguyệt không đều.
Nếu các lần có kinh nguyệt cách nhau dưới 21 ngày hoặc trên 35 ngày thì khả năng cao là do một nguyên nhân tiềm ẩn nào đó. Nếu khoảng cách giữa các lần có kinh nguyệt của bạn quá ngắn thì cần đi khám bác sĩ.
Những yếu tố ảnh hưởng đến kinh nguyệt
Có một số yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến kinh nguyệt. Ví dụ, khi trưởng thành, lượng máu kinh sẽ ít đi và kinh nguyệt sẽ trở nên đều đặn hơn.
Việc mới sử dụng biện pháp tránh thai hoặc chuyển sang biện pháp tránh thai mới, bao gồm cả thuốc tránh thai hay vòng tránh thai đều có thể khiến kinh nguyệt trở nên bất thường trong thời gian đầu. Nhiều biện pháp tránh thai khiến cho kỳ kinh nguyệt kéo dài và gây nhiều triệu chứng khó chịu trong 1 đến 3 tháng đầu sử dụng nhưng đa phần thì kinh nguyệt sẽ ổn định trở lại sau một thời gian.
Các yếu tố khác có thể khiến kinh nguyệt không đều hay gây ra những thay đổi với chu kỳ kinh nguyệt gồm có:
- Giảm cân quá nhiều, đặc biệt là giảm trong thời gian ngắn
- Tập thể dục quá nặng
- Nhiễm trùng các cơ quan sinh dục, ví dụ như bệnh viêm vùng chậu (PID)
- Các bệnh lý như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
- Căng thẳng, áp lực, phiền muộn
- Thay đổi chế độ ăn uống
Làm thế nào để điều hòa kinh nguyệt?
Kinh nguyệt đều đặn mỗi tháng là điều mà phụ nữ nào cũng muốn và với những người mà tình trạng rối loạn kinh nguyệt tiếp diễn trong thời gian dài thì bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp điều hòa kinh nguyệt.
Các biện pháp điều hòa kinh nguyệt đều nhằm mục đích là làm cho kỳ kinh nguyệt của phụ nữ diễn ra trong vào thời điểm cố định hàng tháng (hoặc có thể chỉ chênh lệch vài ngày) và kéo dài trong một khoảng thời gian bình thường (từ 2 - 8 ngày).
Cách phổ biến nhất để điều hòa kinh nguyệt là bằng thuốc tránh thai hoặc các biện pháp tránh thai nội tiết khác như miếng dán hoặc vòng đặt. Một số biện pháp tránh thai này có tác dụng kích hoạt kinh nguyệt mỗi tháng một lần những có những biện pháp lại chỉ có thể làm cho kinh nguyệt đến 3 hoặc 6 tháng một lần.
Các phương pháp khác để điều hòa kinh nguyệt còn có điều trị chứng rối loạn ăn uống – nguyên nhân gây sụt cân hoặc điều chỉnh chế độ ăn uống cũng như là lối sống. Nếu bạn thường xuyên bị căng thẳng và bị rối loạn kinh nguyệt thì cần có biện pháp làm giảm căng thẳng.
Khi nào cần đi khám?
Mặc dù chu kỳ kinh nguyệt ở mỗi phụ nữ có đôi chút khác biệt nhưng có những dấu hiệu thật sự chỉ ra vấn đề không bình thường và nếu gặp phải thì cần đi khám bác sĩ. Những dấu hiệu này gồm có:
- Đột nhiên bị rối loạn kinh nguyệt sau một thời gian dài kinh nguyệt ổn định.
- Không có kinh nguyệt từ 90 ngày trở lên và không có thai.
- Bạn nghĩ rằng có thể mình mang thai.
- Kinh nguyệt kéo dài quá 8 ngày.
- Bị ra máu nhiều hơn bình thường.
- Phải thay băng vệ sinh hoặc tampon cách 1 tiếng một lần.
- Đột nhiên bị ra máu giữa chu kỳ.
- Bị đau bụng dữ dội khi có kinh nguyệt.
- Hai kỳ kinh nguyệt cách nhau quá 35 ngày hoặc dưới 21 ngày.
Ngoài ra, nếu đột nhiên bị sốt và gặp các triệu chứng giống như cúm khi sử dụng tampon thì cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của một vấn đề nguy hiểm gọi là hội chứng sốc độc.
Kết luận
Về thời gian kéo dài của kỳ kinh nguyệt thì mỗi một phụ nữ là khác nhau và cách duy nhất để biết là theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình vào mỗi tháng. Ngoài ngày bắt đầu và ngày kết thúc, bạn còn cần ghi lại những yếu tố khác như lượng máu kinh, những triệu chứng và hiện tượng ra máu giữa chu kỳ (nếu có) để phát hiện bất kỳ thay đổi nào không bình thường.
Nếu gần đây bạn không bị căng thẳng nhưng lại nhận thấy có thay đổi đột ngột với chu kỳ kinh nguyệt của mình, đặc biệt là còn đi kèm các triệu chứng mới thì nên đi khám bác sĩ phụ khoa để kiểm tra.
Thông thường, ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt không phải là điều đáng lo ngại nhưng có thể gây bất tiện và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
Khí hư màu trắng thường là hiện tượng hoàn toàn bình thường trước khi bắt đầu có kinh nguyệt. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu của những vấn đề với sức khỏe, ví dụ như nhiễm trùng nấm men.
Kinh nguyệt ra ít có thể là hiện tượng bình thường và không phải điều đáng lo ngại. Kể cả khi hiện tượng ra máu kinh chỉ diễn ra trong 2 – 3 ngày thì vẫn được coi là bình thường.
Nếu kinh nguyệt thường kéo dài 5 hoặc 6 ngày và đột nhiên bị rút ngắn xuống còn 2 ngày thì có thể là do những nguyên nhân như thay đổi trong cuộc sống, mới dùng biện pháp kiểm soát sinh sản hoặc bị căng thẳng.
Kinh nguyệt ra kèm các cục máu đông một hiện tượng bình thường vào mỗi kỳ kinh. Các cục máu đông nhỏ là vấn đề không đáng lo ngại.