Kinh nguyệt ra cục máu đông có bình thường không?
Nội dung chính của bài viết:
- Kinh nguyệt ra kèm các cục máu đông một hiện tượng bình thường vào mỗi kỳ kinh.
- Các cục máu đông nhỏ là vấn đề không đáng lo ngại. Kể cả khi có các cục máu đông lớn thì không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của vấn đề bất thường, trừ khi chúng xuất hiện thường xuyên.
- Nếu kinh nguyệt thường xuyên có lẫn các cục máu đông cỡ lớn (trên 2.5cm) thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề về sức khỏe.
- Một số vấn đề sức khỏe và sự thay đổi nội tiết tố có thể tác động đến chu kỳ kinh nguyệt và khiến kinh nguyệt ra nhiều. Kinh nguyệt ra nhiều sẽ làm tăng khả năng hình thành cục máu đông.
- Những vấn đề sức khỏe đó là: tắc nghẽn tử cung; u xơ tử cung; lạc nội mạc tử cung; bệnh cơ tuyến vú tử cung; ung thư; mất cân bằng nội tiết tố; sảy thai; bệnh Von Willebrand.
- Tình trạng kinh nguyệt ra nhiều hay kéo dài không chỉ ảnh hưởng về thể chất, như đau bụng và mệt mỏi mà còn gây cản trở các hoạt động trong công việc và học tập.
- Nếu kinh nguyệt thường xuyên đi kèm các cục máu đông lớn thì cần đi khám để xác định nguyên nhân và điều trị.
Kinh nguyệt ra cục máu đông có bình thường không?
Kinh nguyệt ra kèm cục máu đông là hiện tượng rất bình thường. Các cục máu đông này được tạo thành từ mô và máu bị đảo thải ra khỏi tử cung trong kỳ kinh nguyệt, có nhiều kích thước và màu sắc khác nhau, từ đỏ tươi cho đến đỏ sẫm.
Cục máu đông bình thường và bất thường
Nếu các cục máu có kích thước nhỏ - dưới 2.5cm - và chỉ thỉnh thoảng xuất hiện thì thường không có gì phải lo lắng cả. Không giống như các cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch, bản thân các cục máu đông trong máu kinh không gây nguy hiểm.
Tuy nhiên, nếu kinh nguyệt thường xuyên có lẫn các cục máu đông cỡ lớn (trên 2.5cm) thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề về sức khỏe.
Các cục máu đông bình thường có những đặc điểm như:
- Đường kính nhỏ hơn 2.5cm
- Chỉ thi thoảng xuất hiện, thường là vào đầu kỳ kinh
- Có màu sáng hoặc đỏ sẫm
Mặt khác, cục máu đông bất thường có kích thước lớn hơn 2.5cm và xuất hiện thường xuyên hơn.
Cần đi khám bác sĩ nếu kinh nguyệt ra nhiều bất thường hoặc có lẫn các cục máu đông cỡ lớn. Kinh nguyệt được coi là ra nhiều khi phải thay băng vệ sinh hoặc tampon sau mỗi 2 tiếng hoặc sớm hơn và tình trạng này tiếp diễn trong trong vài tiếng liên tục.
Bạn cũng nên đến bệnh viện khám ngay lập tức nếu nhận thấy có các cục máu đông đi ra từ âm đạo và nghi ngờ mình có thể đã mang thai. Đó có thể là dấu hiệu của sảy thai.
Nguyên nhân
Hầu hết phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đều sẽ trải qua hiện tượng bong lớp niêm mạc tử cung hay nội mạc tử cung khoảng 28 đến 35 ngày một lần. Khoảng thời gian này được tính là một chu kỳ kinh nguyệt.
Niêm mạc tử cung phát triển và dày lên trong suốt tháng để đáp ứng với sự tăng cao của nồng độ estrogen - một loại nội tiết tố nữ. Mục đích của hiện tượng niêm mạc tử cung dày lên này là để chuẩn bị cho trứng sau khi được thụ tinh sẽ bám vào và làm tổ. Nếu sự thụ tinh không diễn ra thì nồng độ estrogen giảm, các nội tiết tố khác sẽ có sự thay đổi và báo hiệu lớp niêm mạc bong ra và tạo nên hiện tượng hành kinh.
Khi lớp niêm mạc này bong ra thì sẽ đi ra ngoài cùng với:
- máu
- sản phẩm phụ của máu
- dịch nhầy
- mô
Hỗn hợp này sau đó được đào thải ra khỏi tử cung qua cổ tử cung, âm đạo rồi ra khỏi cơ thể.
Sau khi bong ra, niêm mạc tử cung tích tụ ở bên trong buồng tử cung, chờ cổ tử cung co bóp và trục xuất ra ngoài. Để hỗ trợ quá trình niêm mạc tử cung và máu được đào thải ra ngoài, cơ thể sẽ giải phóng các chất chống đông máu để làm loãng hỗn hợp và giúp cho hỗn hợp này đi ra ngoài một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khi lượng máu quá nhiều, vượt quá khả năng sản xuất chất chống đông máu của cơ thể thì các cục máu đông sẽ hình thành.
Sự hình thành cục máu đông này thường xảy ra phổ biến nhất trong những ngày mà kinh nguyệt ra nhiều nhất. Ở những phụ nữ có kinh nguyệt ở mức bình thường, mức độ ra máu thường cao nhất vào đầu kỳ kinh và chỉ 1 đến 2 ngày là lượng máu sẽ giảm đi. Mức độ ra máu được coi là bình thường nếu thời gian hành kinh kéo dài 4 đến 5 ngày và chỉ bị mất từ 30 – 45ml máu.
Ở những phụ nữ có kinh nguyệt ra nhiều, lượng máu sẽ lớn hơn, lâu giảm và hiện tượng hình thành cục máu đông cũng kéo dài hơn. Theo thống kê, một phần ba phụ nữ có kinh nguyệt ra nhiều đến mức cần thay băng vệ sinh hoặc tampon mỗi tiếng một lần và tiếp diễn trong trong vài tiếng liên tục.
Cục máu đông có thể là dấu hiệu của vấn đề bất thường
Một số vấn đề sức khỏe và sự thay đổi nội tiết tố có thể tác động đến chu kỳ kinh nguyệt và khiến kinh nguyệt ra nhiều. Kinh nguyệt ra nhiều sẽ làm tăng khả năng hình thành cục máu đông. Những vấn đề này gồm có:
Tắc nghẽn tử cung
Các vấn đề gây giãn rộng hoặc tắc nghẽn tử cung đều có thể làm gia tăng thêm áp lực lên thành tử cung. Điều này sẽ làm tăng mức độ ra máu và hình thành cục máu đông.
Tình trạng tắc nghẽn cũng có thể gây cản trở khả năng co bóp của tử cung. Khi tử cung không co bóp một cách bình thường thì máu sẽ dồn ứ và đông lại bên trong buồng tử cung và hình thành các cục máu đông, sau đó được đẩy ra ngoài.
Một số nguyên nhân gây tắc nghẽn tử cung:
- U xơ
- Lạc nội mạc tử cung
- Bệnh cơ tuyến tử cung
- Khối u ác tính (ung thư)
U xơ tử cung
U xơ là khối u lành (không phải ung thư), được hình thành từ mô cơ trong thành tử cung. Ngoài triệu chứng là kinh nguyệt ra nhiều, u xơ tử cung còn có những triệu chứng khác như:
- Kinh nguyệt bất thường
- Đau vùng thắt lưng
- Đau khi quan hệ tình dục
- Bụng dưới to lên
- Khó thụ thai
Số liệu thống kê cho thấy có đến 80% phụ nữ bị u xơ tử cung trước khi bước sang tuổi 50. Nguyên nhân hiện vẫn chưa được xác định rõ nhưng di truyền cũng như là nội tiết tố nữ estrogen và progesterone có thể là những yếu tố góp phần gây hình thành u xơ tử cung.
Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng mô niêm mạc tử cung phát triển ở các cơ quan bên ngoài tử cung, thường là những cơ quan trong vùng chậu. Những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung thường gặp những triệu chứng như:
- Đau đớn dữ dội khi đến kỳ
- Buồn nôn, ói mửa và tiêu chảy trong thời gian có kinh nguyệt
- Đau đớn, khó chịu khi quan hệ
- Khó thụ thai
- Đau vùng chậu
- Chảy máu âm đạo bất thường, có thể có hoặc không đi kèm cục máu đông
Hiện các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gốc rễ gây lạc nội mạc tử cung nhưng di truyền, hormone và việc từng phẫu thuật ở vùng chậu trước đây được cho là những yếu tố góp phần dẫn đến bệnh này.
Bệnh cơ tuyến tử cung
Tương tự như bệnh lạc nội mạc tử cung, bệnh cơ tuyến tử cung (adenomyosis) cũng là tình trang mà mô niêm mạc tử cung hình thành “nhầm chỗ” nhưng thay vì phát triển ở những cơ quan khác bên ngoài tử cung thì ở những người bị cơ tuyến tử cung, mô niêm mạc tử cung lại phát triển vào trong lớp cơ của thành tử cung. Điều này khiến tử cung to ra và dày lên.
Ngoài hiện tượng ra máu nhiều và kéo dài, bệnh cơ tuyến tử cung còn khiến tử cung phát triển to hơn gấp hai đến ba lần kích thước bình thường.
Ung thư
Mặc dù hiếm gặp nhưng các khối u ác tính (ung thư) trong tử cung và cổ tử cung cũng có thể gây ra tình trạng kinh nguyệt ra nhiều và kèm cục máu đông.
Mất cân bằng nội tiết tố
Sự phát triển và dày lên của niêm mạc tử cung trong chu kỳ kinh nguyệt phụ thuộc vào sự cân bằng nội tiết tố estrogen và progesterone. Nếu nồng độ của một trong hai hoặc cả hai tăng lên quá cao hoặc giảm xuống quá thấp thì đều có thể gây nên tình trạng kinh nguyệt ra nhiều.
Một số nguyên nhân có thể gây mất cân bằng nội tiết tố:
- Tiền mãn kinh
- Mãn kinh
- Căng thẳng/stress
- Tăng hoặc giảm cân nhiều
Dấu hiệu chính của sự mất cân bằng nội tiết tố là kinh nguyệ bất thường. Ví dụ, kinh nguyệt đến muộn hơn hoặc lâu hết hơn bình thường hoặc cũng có thể lỡ kinh nguyệt hoàn toàn, có nghĩa là kinh nguyệt không đến (được gọi là vô kinh hay mất kinh nguyệt).
Sảy thai
Sảy thai là tình trạng mất thai xảy ra trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Nhiều trường hợp bị sảy thai từ trước khi biết mình đã có thai. Trên thực tế, các trường hợp sảy thai đều xảy ra trong giai đoạn đầu của thai kỳ.Theo thống kê, 8 trên 10 ca sảy thai xảy ra trong 3 tháng đầu.
Khi bị sảy thai sớm thì sẽ có dấu hiệu là ra máu nhiều, có lẫn các cục máu đông và đau bụng. Vì nhiều người đến khi bị sảy thai vẫn không biết mình có thai nên những dấu hiệu này có thể bị nhầm là kinh nguyệt bình thường.
Bệnh Von Willebrand
Tình trạng kinh nguyệt ra nhiều là một trong những triệu chứng của bệnh von Willebrand. Mặc dù đây là một bệnh hiếm gặp nhưng khoảng 5 đến 24% phụ nữ bị ra máu nhiều hay kéo dài khi đến kỳ là do bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này.
Nếu kinh nguyệt thường xuyên ra nhiều, dễ bị chảy máu dù chỉ có vết cắt nhỏ hoặc hay bị chảy máu lợi, chảy máu cam thì nguyên nhân có thể là do bệnh von Willebrand. Cần đi khám khi bạn phát hiện những triệu chứng của bệnh này để chẩn đoán chính xác và có biện pháp điều trị.
Kinh nguyệt ra cục máu đông có ảnh hưởng đến sức khỏe không?
Cần đến gặp bác sĩ nếu kinh nguyệt thường xuyên ra các cục máu đông lớn. Một trong những hậu quả của tình trạng kinh nguyệt ra nhiều là thiếu máu do thiếu sắt. Thiếu máu là tình trạng xảy ra khi không có đủ chất sắt trong máu để tạo ra các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Các triệu chứng khi bị thiếu máu gồm có:
- Người mệt mỏi, uể oải
- Da xanh xao
- Khó thở, hụt hơi
- Hoa mắt, choáng váng, nhất là khi đứng lên hoặc ngồi dậy đột ngột
- Đau tức ngực
Chẩn đoán nguyên nhân
Để xác định nguyên nhân gốc rễ gây hiện tượng kinh nguyệt ra các cục máu đông thì trước tiên, bác sĩ sẽ sẽ hỏi về bệnh sử và những yếu tố có thể ảnh hưởng đến kinh nguyệt, ví dụ như từng phẫu thuật vùng chậu trước đây, sử dụng biện pháp tránh thai hoặc đã từng sinh con hay chưa. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tử cung.
Ngoài ra có thể sẽ cần làm xét nghiệm máu để phát hiện dấu hiệu mất cân bằng nội tiết tố. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như chụp cộng hưởng từ MRI hoặc siêu âm cũng có thể được sử dụng để phát hiện u xơ, lạc nội mạc tử cung hoặc các vấn đề khác.
Phương pháp điều trị
Kiểm soát mức độ ra máu trong kỳ kinh là cách tốt nhất để hạn chế sự hình thành cục máu đông. Một số biện pháp thường được sử dụng gồm có:
Thuốc tránh thai nội tiết và các biện pháp tránh thai khác
Các biện pháp tránh thai nội tiết có tác dụng ức chế sự dày lên của niêm mạc tử cung. Ví dụ, vòng tránh thai nội tiết giải phóng progestin có thể làm giảm 90% mức độ ra máu kinh và hiệu quả này của thuốc tránh thai nội tiết là 50%.
Các biện pháp tránh thai nội tiết cũng có thể làm chậm sự phát triển của u xơ và các chất gây dính buồng tử cung khác.
Đối với những phụ nữ không thể hoặc không muốn sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết thì một giải pháp thay thế là thuốc tranexamic acid (Cyklokapron, Lysteda) – đây là một loại thuốc can thiệp vào quá trình đông máu.
Phẫu thuật
Đôi khi, vấn đề kinh nguyệt ra nhiều, kéo dài và hình thành nhiều cục máu đông cần được điều trị bằng cách phẫu thuật, ví dụ như thủ thuật nong cổ tử cung và nạo tử cung (D&C).
Đây là thủ thuật thường được sử dụng sau khi sảy thai hoặc sinh con để giảm mức độ và thời gian ra máu nhưng cũng có thể được thực hiện nhằm xác định nguyên nhân gốc rễ gây nên tình trạng kinh nguyệt ra nhiều hoặc điều trị vấn đề khác về kinh nguyệt.
Nong cổ tử cung và nạo tử cung là quy trình mà bác sĩ sẽ mở rộng cổ tử cung và nạo niêm mạc tử cung. Quy trình này có thể được thực hiện với phương pháp gây tê hoặc gây mê và sau khi xong, bệnh nhân có thể về nhà ngay trong ngày. Mặc dù thủ thuật này không chữa được dứt điểm tình trạng kinh nguyệt ra nhiều nhưng sẽ giúp khắc phục được vấn đề trong vòng vài tháng cho đến khi lớp niêm mạc tử cung lại dày lên.
Đối với những phụ nữ có khối u lành trong tử cung, ví dụ như u xơ và không đáp ứng tốt với thuốc thì sẽ cần phẫu thuật để loại bỏ khối u. Phương pháp phẫu thuật cụ thể cần thực hiện sẽ phụ thuộc vào kích thước và vị trí của khối u.
Nếu có khối u lớn thì sẽ cần phẫu thuật cắt bỏ khối u bằng kỹ thuật mổ mở, trong đó bác sĩ rạch một đường dài ở bụng để tiếp cận đến tử cung.
Nếu khối u có kích thước nhỏ thì có thể chỉ cần cắt bỏ bằng kỹ thuật mổ nội soi. Quy trình mổ nội soi cũng cần tạo đường rạch ở bụng nhưng ngắn hơn nhiều so với mổ mở và có thể rút ngắn thời gian phục hồi một cách đáng kể.
Ở một số phụ nữ thì giải pháp là phải cắt bỏ tử cung. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ không còn khả năng mang thai được nữa.
Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị thích hợp dựa trên nguyên nhân được chẩn đoán và mong muốn của bệnh nhân.
Kiểm soát kinh nguyệt ra nhiều bằng cách nào?
Tình trạng kinh nguyệt ra nhiều hay kéo dài sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh những vấn đề về thể chất, chẳng hạn như đau bụng và mệt mỏi thì tình trạng này còn gây cản trở cho việc thực hiện các hoạt động bình thường, công việc và học tập.
Dưới đây là một số biện pháp để tạm thời kiểm soát tình trạng kinh nguyệt ra nhiều:
- Dùng thuốc chống viêm không steroid không kê đơn (NSAID), ví dụ như ibuprofen vào những ngày nhiều nhất của kỳ kinh. Bên cạnh tác dụng giảm đau bụng kinh và các cơn đau khác, thuốc chống viêm không steroid còn có thể giúp giảm mức độ ra máu từ 20 đến 50%. Tuy nhiên, nếu mắc bệnh von Willebrand thì không được dùng các loại thuốc này.
- Sử dụng biện pháp bảo vệ kép trong những ngày kinh nguyệt ra nhiều nhất, ví dụ mang cả tampon và băng vệ sinh, dùng hai miếng băng vệ sinh cùng một lúc hoặc dùng những loại băng vệ sinh và tampon có độ thấm hút cao để có thể thấm hút được lượng máu lớn và cục máu đông.
- Sử dụng miếng lót chống thấm nước hoặc trải một chiếc khăn bên dưới khi đi ngủ vào ban đêm.
- Mặc quần tối màu vào ngày đèn đỏ để nhỡ có bị tràn băng thì cũng không bị lộ.
- Luôn luôn mang theo băng vệ sinh hay tampon dự phòng khi ra ngoài.
- Trong những ngày kinh nguyệt ra nhiều thì chỉ nên đến những nơi có nhà vệ sinh để tiện thay băng khi nhận thấy máu ra quá nhiều.
- Thường xuyên kiểm tra và thay băng vệ sinh/tampon.
- Ăn theo chế độ ăn uống lành mạnh và uống đủ nước. Mất nhiều máu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, ví dụ như thiếu máu và mất nước. Vì thế, cần uống nhiều nước và ăn một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là những loại thực phẩm giàu chất sắt, chẳng hạn như gan, thịt đỏ, đậu phụ và các loại rau lá xanh đậm.
Khí hư màu trắng thường là hiện tượng hoàn toàn bình thường trước khi bắt đầu có kinh nguyệt. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu của những vấn đề với sức khỏe, ví dụ như nhiễm trùng nấm men.
Kinh nguyệt ra ít có thể là hiện tượng bình thường và không phải điều đáng lo ngại. Kể cả khi hiện tượng ra máu kinh chỉ diễn ra trong 2 – 3 ngày thì vẫn được coi là bình thường.
Kinh nguyệt ở đa số phụ nữ sẽ đến theo chu kỳ hàng tháng và thường kéo dài từ 2 đến 8 ngày, tùy theo cơ địa của từng người.
Đa số phụ nữ đều có kinh nguyệt mỗi tháng một lần nhưng đôi khi, kinh nguyệt có thể đến hai lần trong cùng một tháng.
Thông thường, ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt không phải là điều đáng lo ngại nhưng có thể gây bất tiện và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.