1

Lạc Nội Mạc Tử Cung

Lạc nội mạc tử cung là gì?

Nội mạc tử cung hay niêm mạc tử cung là lớp mô bao phủ bề mặt bên trong của thành tử cung. Lạc nội mạc tử cung là tình trạng mà lớp mô này lại phát triển ở bên ngoài tử cung. Lạc nội mạc tử cung chủ yếu ảnh hưởng đến buồng trứng, ống dẫn trứng và lớp mô bề mặt khung xương chậu nhưng trong một số ít trường hợp, vấn đề còn lan rộng ra bên ngoài các cơ quan vùng chậu.

Khi bị lạc nội mạc tử cung, lớp mô giống như niêm mạc tử cung mặc dù hình thành ở bên ngoài tử cung nhưng vẫn có đặc điểm giống như niêm mạc thông thường, cũng dày lên, bong ra và chảy máu vào mỗi kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, vì chúng không thể thoát ra ngoài cơ thể nên bị mắc kẹt lại trong khoang chậu. Các mô xung quanh sẽ bị kích ứng, cuối cùng hình thành mô sẹo và dải mô xơ, khiến cho các cơ quan trong vùng chậu dính vào nhau. Tình trạng này gây ra các cơn đau đớn dữ dội khi đến tháng và thậm chí còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Khi lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng đến buồng trứng, một lọai u nang gọi là u nội mạc tử cung sẽ hình thành.

Lạc nội mạc tử cung là một vấn đề phụ khoa phổ biến, xảy ra ở 10% phụ nữ.

Triệu chứng lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung có nhiều triệu chứng khác nhau, với mức độ từ nhẹ đến nặng. Tuy nhiên, mức độ của cơn đau không chỉ ra mức độ hay giai đoạn của bệnh. Có nghĩa là, kể cả khi bệnh mới chỉ ở giai đoạn nhẹ nhưng vẫn có thể gây đau đớn dữ dội. Ngược lại, có những trường hợp mặc dù đã bệnh nặng nhưng lại chỉ biểu hiện những triệu chứng nhẹ.

Đau nhức vùng chậu là triệu chứng phổ biến nhất của lạc nội mạc tử cung nhưng ngoài ra người bệnh có thể còn gặp phải các triệu chứng khác như:

  • Đau đớn khi đến tháng
  • Đau bụng dưới trước và trong kỳ kinh nguyệt
  • Chuột rút 1 đến 2 tuần quanh kỳ kinh nguyệt
  • Ra máu nhiều khi đến tháng hoặc giữa hai kỳ kinh nguyệt
  • Khó thụ thai
  • Đau đớn sau khi quan hệ
  • Đau rát khó chịu khi đi đại tiện và tiểu tiện
  • Đau mỏi ở vùng lưng dưới trong chu kỳ kinh nguyệt

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bị lạc nội mạc tử cung mà không hề có triệu chứng. Vì thế, cần phải đi khám phụ khoa thường xuyên để bác sĩ phụ khoa có thể theo dõi mọi thay đổi bất thường, cho dù có triệu chứng hay không.

Giai đoạn lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung có 4 giai đoạn, tương ứng với 4 mức độ từ nhẹ nhất đến nặng nhất:

Các giai đoạn được xác định dựa trên các yếu tố như vị trí, số lượng, kích thước và độ sâu của lớp tế bào nội mạc “bị lạc” bên ngoài tử cung.

Giai đoạn 1

Giai đoạn 1 la giai đoạn mới có những vùng tổn thương nhỏ và lớp tế bào nội mạc tử cung nông trên buồng trứng. Giai đoạn này có thể đi kèm với hiện tượng viêm trong hoặc xung quanh khoang chậu.

Giai đoạn 2

Lạc nội mạc tử cung giai đoạn 2 vẫn chỉ có tổn thương nhẹ và lớp tế bào nội mạc tử cung nông trên buồng trứng và bề mặt xương chậu.

Giai đoạn 3

Giai đoạn 3 là giai đoạn đã có lớp tế bào nội mạc tử cung sâu trên bề mặt buồng trứng và xương chậu. Lúc này đã có nhiều tổn thương hơn.

Giai đoạn 4

Đây là giai đoạn nghiêm trọng nhất và có lớp tế bào nội mạc sâu trên bề mặt xương chậu và buồng trứng, thường đi kèm tổn thương trên ống dẫn trứng và ruột.

Nguyên nhân gây ra lạc nội mạc tử cung?

Cho đến hiện tại, nguyên nhân chính xác gây lạc nội mạc tử cung vẫn chưa được xác định rõ nhưng có một số giải thích như sau:

  • Kinh nguyệt trào ngược: Đây là tình trạng mà máu kinh có chứa các tế bào nội mạc tử cung chảy ngược qua ống dẫn trứng và vào khoang chậu thay vì ra khỏi cơ thể. Các tế bào nội mạc tử cung này bám vào thành chậu và bề mặt của các cơ quan vùng chậu, tại đây chúng phát triển, tiếp tục dày lên và chảy máu vào mỗi kỳ kinh nguyệt
  • Biến đổi tế bào phúc mạc: Nhiều chuyên gia cho rằng các hormone hoặc các yếu tố miễn dịch thúc đẩy sự biến đổi của các tế bào phúc mạc - các tế bào bao phủ bề mặt bên trong của khoang bụng - thành các tế bào giống như tế bào nội mạc tử cung và gây lạc nội mạc tử cung.
  • Biến đổi tế bào gốc: Các hormone như estrogen có thể biến đổi các tế bào gốc - các tế bào trong giai đoạn phát triển đầu tiên của con người - thành tế bào giống như nội mạc tử cung trong giai đoạn dậy thì.
  • Sẹo sau phẫu thuật: Sau khi phẫu thuật, chẳng hạn như cắt tử cung hoặc sinh mổ, các tế bào nội mạc tử cung có thể dính với vết sẹo.
  • Sự di chuyển của tế bào nội mạc tử cung: Các tế bào nội mạc tử cung có thể được đưa ra khỏi tử cung qua hệ bạch huyết hoặc mạch máu.
  • Vấn đề hệ miễn dịch: Một số rối loạn trong hệ miễn dịch có thể khiến cho cơ thể không thể nhận ra và tiêu diệt các tế bào nội mạc hình thành bên ngoài tử cung.
  • Bẩm sinh: Một số giả thuyết cho rằng, các tế bào nội mạc tử cung có thể phát triển sai vị trí từ thời kỳ bào thai và sau đó bắt đầu đáp ứng với hormone trong giai đoạn dậy thì và dẫn đến lạc nội mạc tử cung. Ngoài ra, vấn đề này còn được cho là do di truyền hoặc thậm chí là do các chất độc hại từ môi trường.

Các yếu tố nguy cơ

Lạc nội mạc tử cung thường phát triển nhiều năm sau khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt và dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ xảy ra vấn đề này.

Tuổi tác

Phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị lạc nội mạc tử cung. Mặc dù bệnh đa phần xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 40 nhưng cũng có nhiều trường hợp các triệu chứng bắt đầu xuất hiện ngay từ độ tuổi dậy thì.

Tiền sử gia đình

Nên đi khám bác sĩ nếu có một thành viên trong gia đình bị lạc nội mạc tử cung bởi bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường.

Chưa từng mang thai

Mang thai sẽ tạm thời làm giảm các triệu chứng lạc nội mạc tử cung. Những phụ nữ chưa từng có con thường có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn. Tuy nhiên, lạc nội mạc tử cung vẫn có thể xảy ra ở cả những phụ nữ đã có con.

Vấn đề về kinh nguyệt

Nên đi khám bác sĩ phụ khoa nếu bạn có vấn đề về kinh nguyệt như chu kỳ ngắn, ra nhiều máu và kinh nguyệt kéo dài hoặc kinh nguyệt bắt đầu sớm hơn bình thường. Những yếu tố này đều làm tăng nguy cơ lạc nội mạc tử cung.

Các yếu tố nguy cơ khác:

  • Bắt đầu mãn kinh muộn
  • Chu kỳ kinh nguyệt ngắn, dưới 27 ngày
  • Kỳ kinh kéo dài quá 7 ngày
  • Có nồng độ estrogen cao trong cơ thể
  • Chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp
  • Mắc các bệnh lý gây cản trở dòng chảy của máu kinh ra khỏi cơ thể

Chẩn đoán

Các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung thường tương tự như triệu chứng của các vấn đề khác, chẳng hạn như u nang buồng trứng và bệnh viêm vùng chậu. Do đó, cần chẩn đoán chính xác để có biện pháp điều trị thích hợp.

Để chẩn đoán lạc nội mạc tử cung, bác sĩ sẽ thực hiện một hoặc các phương pháp sau:

Khai thác bệnh sử

Bác sĩ sẽ hỏi các triệu chứng và bệnh sử cá nhân hoặc gia đình bị lạc nội mạc tử cung. Ngoài ra có thể cần khám sức khỏe tổng quát để kiểm tra xem có dấu hiệu, triệu chứng của vấn đề sức khỏe nào khác hay không.

Thăm khám lâm sàng

Hay kiểm tra vùng chậu. Trong đó, bác sĩ sẽ dùng mỏ vịt đưa vào âm đạo để quan sát bên trong và sờ nắn bằng tay trong khoang chậu để tìm những dấu hiệu bất thường, chẳng hạn như u nang hoặc sẹo đằng sau tử cung. Thường thì sẽ không thể cảm nhận thấy các vùng mô lạc nội mạc tử cung nhỏ trừ khi chúng gây hình thành u nang.

Siêu âm

Đây là phương pháp sử dụng sóng âm thanh cao tần để tạo hình ảnh bên trong cơ thể. Để lấy hình ảnh, đầu dò siêu âm được di trên bụng hoặc đưa vào âm đạo. Cả hai kỹ thuật siêu âm này đều cho thấy hình ảnh của cơ quan sinh dục. Với phương pháp siêu âm tiêu chuẩn thì không thể xác định chắc chắn có phải lạc nội mạc tử cung hay không nhưng có thể xác định được u nang do lạc nội mạc tử cung (u nội mạc tử cung).

Chụp cộng hưởng từ

Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một công nghệ sử dụng từ trường và sóng radio để tạo hình ảnh rõ nét của các cơ quan và mô bên trong cơ thể. Công nghệ này cung cấp thông tin chi tiết về vị trí và kích thước của mô lạc nội mạc tử cung.

Nội soi

Một số trường hợp cần nội soi để bác sĩ quan sát bên trong khoang bụng (nội soi ổ bụng). Sau khi bạn được gây mê toàn thân, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ gần rốn và đưa dụng cụ nội soi vào để tìm các dấu hiệu của mô nội mạc bên ngoài tử cung.
Phương pháp này còn cung cấp thông tin về vị trí, mức độ và phạm vi của mô nội mạc ngoài tử cung. Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể lấy mẫu mô (sinh thiết) để xét nghiệm thêm. Trong nhiều trường hợp, lạc nội mạc tử cung còn được điều trị ngay trong quá trình nội soi để người bệnh chỉ cần một lần phẫu thuật duy nhất.

Điều trị lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống thường ngày và gây nên những vấn đề nghiêm trọng nếu không được điều trị. Vấn đề này có thể được khắc phục bằng các loại thuốc, thủ thuật không hoặc ít xâm lấn và phẫu thuật nhằm làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa nguy cơ xảy ra biến chứng. Mỗi một người sẽ cần điều trị bằng phương pháp khác nhau nhưng bác sĩ thường sẽ chỉ định các phương pháp điều trị không hoặc ít xâm lấn trước. Sau đó nếu như tình trạng vẫn không cải thiện thì mới cần tiến hành phẫu thuật.

Thuốc giảm đau

Đầu tiên, bạn có thể dùng các loại thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thành phần ibuprofen (Advil, Motrin IB,…) hoặc naproxen natri (Aleve) để giảm đau bụng kinh.

Nếu như không có ý định mang thai thì bác sĩ sẽ đề nghị điều trị bằng liệu pháp hormone kết hợp với thuốc giảm đau.

Liệu pháp hormone

Bổ sung hormone là một cách hiệu quả nhằm làm giảm hoặc chấm dứt các cơn đau do lạc nội mạc tử cung. Sự tăng hoặc giảm của nồng độ hormone trong chu kỳ kinh nguyệt làm cho niêm mạc tử cung dày lên, bong ra và chảy máu. Các loại thuốc nội tiết giúp làm chậm sự phát triển của mô niêm mạc và ngăn chặn sự hình thành lớp mô mới.

Tuy nhiên, liệu pháp hormone lại không phải là một phương pháp điều trị lạc nội mạc tử cung vĩnh viễn. Các triệu chứng có thể sẽ quay trở lại sau khi ngừng điều trị.

Các liệu pháp hormone được sử dụng để điều trị lạc nội mạc tử cung:

  • Thuốc tránh thai nội tiết: Thuốc uống, miếng dán và vòng tránh thai âm đạo có tác dụng kiểm soát các hormone đảm nhận trách nhiệm làm dày lớp niêm mạc tử cung mỗi tháng. Các biện pháp này giúp làm giảm lượng máu kinh và chấm dứt kinh nguyệt sớm hơn, ngoài ra còn có thể giảm nhẹ hoặc chấm dứt hẳn cơn đau vào mỗi kỳ kinh.
  • Các chất chủ vận và chất đối kháng hormone giải phóng Gonadotropin (Gn-RH): Những loại thuốc này ngăn cản quá trình sản sinh các hormone kích thích buồng trứng, làm giảm nồng độ estrogen và chặn kinh nguyệt. Điều này làm cho mô niêm mạc tử cung co lại. Vì những loại thuốc này đưa cơ thể vào thời kỳ mãn kinh tạm thời nên cần bổ sung estrogen hoặc proestin liều thấp để giảm các triệu chứng đi kèm với thời kỳ mãn kinh như bốc hỏa, khô âm đạo và tiêu xương. Khi ngừng thuốc, chu kỳ kinh nguyệt và khả năng mang thai sẽ trở lại bình thường.
  • Liệu pháp progestin: Có nhiều phương pháp điều trị bằng progestin khác nhau, bao gồm sử dụng vòng tránh thai có chứa levonorgestrel (Mirena, Skyla), que cấy tránh thai (Nexplanon), tiêm thuốc ngừa thai (Depo-Provera) hoặc dùng thuốc đường uống (Camila). Các lựa chọn này có tác dụng ngăn kinh nguyệt và sự phát triển của lớp nội mạc bị “lạc” bên ngoài tử cung, từ đó làm giảm các triệu chứng của vấn đề.
  • Thuốc ức chế Aromatase: Thuốc ức chế Aromatase là một nhóm thuốc có công dụng làm giảm lượng estrogen trong cơ thể. Thuốc này thường được dùng cùng với progestin hoặc kết hợp các biện pháp tránh thai nội tiết để điều trị lạc nội mạc tử cung.

Phẫu thuật cắt bỏ nội mạc

Trong những trường hợp bị lạc nội mạc tử cung và đang muốn thụ thai thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để loại bỏ lớp mô nội mạc bên ngoài tử cung mà vẫn giữ lại tử cung và buồng trứng. Điều này làm tăng khả năng thụ thai thành công. Nếu bị đau đớn dữ dội do lạc nội mạc tử cung thì cũng có thể tiến hành phương pháp phẫu thuật này nhưng vấn đề và tình trạng đau đớn có thể sẽ quay trở lại.

Quy trình phẫu thuật có thể được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi hoặc qua đường rạch trên bụng nhưng cách này hiện nay đã ít phổ biến hơn. Ngay cả các trường hợp lạc nội mạc tử cung nghiêm trọng thì vẫn có thể phẫu thuật nội soi.

Trong quá trình phẫu thuật nội soi, bác sĩ sẽ luồn một ống nội soi qua đường rạch nhỏ gần rốn và đưa dụng cụ vào để loại bỏ mô nội mạc tử cung qua một đường rạch nhỏ khác. Sau phẫu thuật, người bệnh thường cần dùng thuốc nội tiết để giảm cơn đau.

Điều trị vô sinh

Lạc nội mạc tử cung thường gây khó thụ thai. Trong những trường hợp này, người bệnh có thể cần tiến hành các phương pháp điều trị vô sinh như kích thích buồng trứng để tạo ra nhiều trứng hơn hoặc thụ tinh trong ống nghiệm. Phương pháp được lựa chọn sẽ tùy thuộc vào tình hình của từng người.

Cắt tử cung và cắt buồng trứng

Phẫu thuật cắt tử cung (hysterectomy) và cắt buồng trứng (oophorectomy) trước đây được coi là giải pháp điều trị hiệu quả nhất cho vấn đề lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên, hiện nay phương pháp này không còn được sử dụng nhiều nữa mà thay vào đó đa số bác sĩ đều chọn cách loại bỏ một cách cẩn thận và triệt để toàn bộ mô nội mạc bên ngoài tử cung.

Việc cắt bỏ buồng trứng sẽ khiến cơ thể bước vào thời kỳ mãn kinh sớm. Sự thiếu hụt các nội tiết tố do buồng trứng sản sinh có thể cải thiện các cơn đau do lạc nội mạc tử cung ở một số người nhưng cũng có không ít trường hợp, dù đã phẫu thuật nhưng vấn đề vẫn không được khắc phục hết và tiếp tục gây ra các triệu chứng. Mãn kinh sớm còn đi kèm với nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, một số vấn đề về chuyển hóa và tử vong sớm.

Cắt bỏ tử cung là biện pháp được thực hiện nhằm điều trị các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung, chẳng hạn như ra máu nhiều, đau đớn, chuột rút khi đến tháng và thường dành cho những người không muốn có thai. Tuy nhiên, ngay cả khi để lại buồng trứng thì phẫu thuật cắt tử cung vẫn có những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, đặc biệt là những trường hợp phải phẫu thuật trước 35 tuổi.

Thay đổi lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà

Nếu cơn đau kéo dài dai dẳng và vẫn chưa tìm được phương pháp điều trị phù hợp thì bạn có thể thử các biện pháp sau để giảm bớt cảm giác đau đớn, khó chịu:

Tắm nước ấm và chườm túi sưởi để thư giãn các cơ vùng chậu, giảm chuột rút và đau.

Dùng thuốc chống viêm không steroid không kê đơn, chẳng hạn như thuốc có ibuprofen (Advil, Motrin IB, các loại khác) hoặc naproxen natri (Aleve) để giảm tình trạng đau bụng kinh.

Biến chứng lạc nội mạc tử cung

Vấn đề về khả năng sinh sản là một biến chứng nghiêm trọng của lạc nội mạc tử cung. Những phụ nữ chỉ bị nhẹ vẫn có khả năng thụ thai và sinh con nhưng có khoảng 30 - 40% phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung gặp khó khăn khi thụ thai.

Để mang thai, trứng phải được phóng ra khỏi buồng trứng, đi qua ống dẫn trứng và được thụ tinh bởi một tinh trùng rồi bám vào thành tử cung để bắt đầu phát triển. Lạc nội mạc tử cung có thể gây tắc nghẽn ống dẫn trứng và khiến cho tinh trùng không gặp được trứng. Lạc nội mạc tử cung cũng có thể làm hỏng tinh trùng hoặc trứng và giảm khả năng thụ thai thành công.

Các loại thuốc không có tác dụng cải thiện khả năng sinh sản nhưng nhiều phụ nữ đã thụ thai thành công sau khi phẫu thuật cắt bỏ nội mạc tử cung. Nếu sau phẫu thuật mà khả năng thụ thai vẫn không được cải thiện thì sẽ cần đến các phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn như thụ tinh trong ống nghiệm để tăng cơ hội có con.

Nếu bạn được chẩn đoán mắc lạc nội mạc tử cung thì nên lên kế hoạc có con sớm vì các triệu chứng của bệnh sẽ ngày càng trở nên nặng hơn và việc thụ thai tự nhiên sẽ càng khó khăn hơn. Khi bị mắc bệnh này, bạn sẽ cần được bác sĩ kiểm tra trước và trong thời gian mang thai.

Ngay cả khi không nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, lạc nội mạc tử cung vẫn gây ra các cơn đau mãn tính cũng như là các vấn đề về tinh thần cho người mắc.

Lạc nội mạc tử cung có chữa khỏi được không?

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh mãn tính hiện chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn.

Tuy nhiên, đã có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả nhằm kiểm soát triệu chứng đau đớn và cải thiện khả năng sinh sản, ví dụ như dùng thuốc, liệu pháp hormone và phẫu thuật để bệnh không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống hàng ngày. Hơn nữa, các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung thường tự cải thiện sau khi mãn kinh.

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 8 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây