1

U Nang Buồng Trứng

U nang buồng trứng là gì?

Buồng trứng là một bộ phận trong hệ sinh dục nữ. Đa số phụ nữ đều có hai buồng trứng nằm ở hai bên tử cung ở vùng bụng dưới. Đây là nơi sản xuất trứng cũng như là hormone estrogen và progesterone.

U nang buồng trứng là những túi chứa dịch hình thành trong hoặc trên bề mặt của buồng trứng. Đây là vấn đề thường gặp ở rất nhiều phụ nữ. Trong hầu hết các trường hợp, u nang không gây đau và cũng không biểu hiện triệu chứng. Phần lớn u nang buồng trứng đều tự biến mất sau khoảng vài tháng mà không cần điều trị.

Tuy nhiên, đôi khi, u nang buồng trứng, đặc biệt là khi bị vỡ, lại có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Do đó, để bảo vệ sức khỏe thì cần nắm rõ các triệu chứng bất thường và đi khám phụ khoa định kỳ.

Các loại u nang buồng trứng và nguyên nhân

Hầu hết các u nang buồng trứng đều là kết quả bình thường của chu kỳ kinh nguyệt, được gọi là u nang chức năng. Ngoài ra còn có các loại u nang khác nhưng ít phổ biến hơn nhiều.

U nang chức năng

Buồng trứng hình thành nên các nang trứng hay còn gọi là nang noãn vào mỗi tháng. Các nang trứng có nhiệm vụ sản xuất hormone estrogen và progesterone cũng như là giải phóng trứng khi đến thời điểm rụng trứng.

U nang chức năng hình thành khi có những thay đổi nhỏ trong cách mà buồng trứng tạo ra hoặc giải phóng trứng. Có hai loại u nang chức năng với hai nguyên nhân gây ra khác nhau là:

  • U nang noãn (Follicular cyst): Vào khoảng giữa của chu kỳ kinh nguyệt, một quả trứng sẽ tách ra khỏi nang trứng và đi vào ống dẫn trứng. U nang noãn bắt đầu hình thành khi nang trứng không vỡ hoặc không giải phóng trứng mà tiếp tục phát triển.
  • U nang hoàng thể (Corpus luteum syst): Khi một nang trứng giải phóng trứng, nó sẽ bắt đầu tạo ra estrogen và progesterone để thụ thai. Từ lúc này, nang đó được gọi là hoàng thể. Đôi khi, chất dịch lỏng tích tụ lại ở bên trong nang trứng, khiến cho hoàng thể phát triển thành u nang.

Các u nang chức năng thường vô hại, hiếm khi gây đau và thường tự biến mất sau khoảng 2 đến 3 chu kỳ kinh nguyệt.

Các loại u nang khác

Các loại u nang không phải do chức năng bình thường của buồng trứng trong chu kỳ kinh nguyệt gồm có:

  • U nang bì: Còn được gọi là u quái buồng trứng. Loại u nang này có chứa các loại mô khác nhau, chẳng hạn như tóc, da hoặc răng, vì chúng hình thành từ các tế bào gốc phôi thai. U bì buồng trứng hiếm khi là khối u ác tính (ung thư).
  • U nang tuyến: Loại u nang này phát triển trên bề mặt buồng trứng và có chứa dịch lỏng như nước hoặc đặc như chất nhầy.
  • U lạc nội mạc tử cung: Loại u này là kết quả của lạc nội mạc tử cung - một bệnh lý mà các tế bào nội mạc tử cung phát triển ở bên ngoài tử cung. Một số mô nội mạc tử cung hình thành ở buồng trứng và hình thành u nang.

U nang bì và u nang tuyến có thể phát triển và tăng kích thước, khiến buồng trứng bị lệch khỏi vị trí bình thường. Điều này làm tăng nguy cơ xoắn buồng trứng và gây đau. Xoắn buồng trứng còn làm giảm hoặc cắt đứt sự lưu thông máu đến buồng trứng.

Ngoài ra, nhiều phụ nữ còn gặp phải một tình trạng gọi là hội chứng buồng trứng đa nang. Đây là tình trạng mà buồng trứng hình thành một số lượng lớn các nang nhỏ. Hội chứng này khiến cho buồng trứng phình to và nếu không được điều trị, buồng trứng đa nang có thể gây vô sinh.

Các yếu tố nguy cơ

Nguy cơ hình thành u nang buồng trứng sẽ tăng cao nếu:

  • Mất cân bằng nội tiết tố: Một nguyên nhân phổ biến gây mất cân bằng nội tiết tố nữ là dùng các loại thuốc kích rụng trứng, ví dụ như clomiphene (Clomid).
  • Thai kỳ: Đôi khi, u nang hình thành khi rụng trứng vẫn tồn tại trên buồng trứng trong suốt thai kỳ.
  • Lạc nội mạc tử cung: Đây là tình trạng mà các tế bào nội mạc tử cung phát triển ở bên ngoài tử cung. Một số mô nội mạc tử cung có thể phát triển ở buồng trứng và hình thành u nang.
  • Viêm vùng chậu nghiêm trọng: Nếu tình trạng viêm nhiễm lan đến buồng trứng thì có thể gây ra u nang.
  • Có u nang buồng trứng trước đây: Nếu trước đây bạn đã từng có u nang buồng trứng thì khả năng hình thành một u nang khác sẽ cao hơn so với người chưa từng bị.

Triệu chứng của u nang buồng trứng

Thông thường, u nang buồng trứng không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể xuất hiện khi u nang phát triển. Các triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Căng tức, đau hoặc trướng ở bụng dưới. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc đau nhói từng cơn.
  • Đau khi đại tiện
  • Đau vùng chậu trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt
  • Đau khi quan hệ
  • Đau ở lưng dưới hoặc đùi
  • Vú căng và nhạy cảm
  • Tăng cân không rõ nguyên nhân
  • Ra máu âm đạo bất thường
  • Tiểu tiện hoặc đại tiện không hết
  • Buồn tiểu thường xuyên hơn bình thường

Các triệu chứng nghiêm trọng hơn gồm có:

  • Đột ngột đau buốt vùng chậu
  • Đau kèm theo cảm giác buồn nôn, nôn mửa
  • Lên cơn sốt
  • Ngất xỉu hoặc chóng mặt
  • Thở gấp

Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu cho thấy u nang đã bị vỡ hoặc gây xoắn buồng trứng và cần can thiệp ngay lập tức. Cả hai biến chứng đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu không được can thiệp kịp thời.

Chẩn đoán u nang buồng trứng

Bác sĩ có thể phát hiện u nang buồng trứng trong quá trình kiểm tra vùng chậu vào các buổi khám phụ khoa định kỳ. Khi nhận thấy có dấu hiệu phình to ở một trong hai buồng trứng thì sẽ cần siêu âm để xác nhận sự hiện diện của u nang. Siêu âm là phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng âm thanh tần số cao để cho thấy hình ảnh của các cơ quan nội tạng. Phương pháp siêu âm buồng trứng được thực hiện bằng đầu dò được đưa trên bụng (siêu âm ổ bụng) hoặc đưa vào trong âm đạo (siêu âm qua đường âm đạo), phát và nhận sóng âm thanh để hiển thị hình ảnh tử cung và buồng trứng trên màn hình. Siêu âm giúp xác định kích thước, vị trí, hình dạng và thành phần (rắn hay lỏng) của một u nang.

Ngoài ra còn có các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác cũng được sử dụng để chẩn đoán u nang buồng trứng:

  • CT scan: chụp cắt lớp vi tính hay CT scan là phương pháp sử dụng thiết bị tạo hình ảnh mặt cắt ngang của các cơ quan nội tạng.
  • Nội soi ổ bụng: Đưa ống nội soi qua một đường mổ nhỏ vào ổ bụng để có thể quan sát hình ảnh buồng trứng. Kỹ thuật này cũng được sử dụng để loại bỏ khối u nang buồng trứng. Quy trình nội soi này cần được thực hiện dưới phương pháp gây mê.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: phương pháp này sử dụng từ trường để tạo hình ảnh rõ nét của các cơ quan nội tạng.

Vì phần lớn u nang buồng trứng đều tự biến mất sau một thời gian nên khi phát hiện, bác sĩ chưa chỉ định điều trị ngay mà sẽ chờ một vài tuần hoặc vài tháng rồi người bệnh quay lại siêu âm để kiểm tra sự phát triển của khối u nang.

Nếu khối u không nhỏ lại hoặc tăng kích thước thì sẽ cần làm các xét nghiệm bổ sung để tìm ra các nguyên nhân khác gây ra triệu chứng.

Các xét nghiệm này gồm có:

  • Xét nghiệm thai để xem các triệu chứng có phải do mang thai hay không
  • Xét nghiệm nồng độ hormone để chẩn đoán các vấn đề liên quan đến hormone, ví dụ như nồng độ estrogen hoặc progesterone quá cao
  • Xét nghiệm CA 125: Nồng độ của kháng nguyên ung thư 125 hay CA-125 (một loại protein trong máu) thường tăng cao ở phụ nữ bị ung thư buồng trứng. Nếu u nang có kết cấu rắn và bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao bị ung thư buồng trứng thì sẽ cần làm xét nghiệm này. Tuy nhiên, nồng độ CA-125 tăng cao không phải khi nào cũng có nghĩa là ung thư mà có thể là dấu hiệu của các vấn đề không phải ung thư, chẳng hạn như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung hay bệnh viêm vùng chậu.

Điều trị u nang buồng trứng

Chờ u nang tự tiêu

Trong nhiều trường hợp, khi phát hiện u nang buồng trứng thì cũng chưa cần điều trị mà có thể chờ đợi một thời gian rồi kiểm tra lại để xem u nang có tự biến mất hay không.

Trong trường hợp u nang không tự biến mất hoặc phát triển to lên thì mới cần điều trị để thu nhỏ hoặc loại bỏ khối u. Các phương pháp điều trị gồm có:

Thuốc tránh thai

Với những người bị u nang buồng trứng tái phát, bác sĩ sẽ kê thuốc tránh thai đường uống để ngăn rụng trứng và ngăn ngừa sự phát triển của u nang mới. Thuốc tránh thai còn có tác dụng làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng.

Phẫu thuật cắt bỏ u nang

Nếu u nang có kích thước nhỏ và kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy không phải u ác tính thì có thể cắt bỏ u nang bằng phương pháp phẫu thuật nội soi. Đây là quy trình đơn giản, được thực hiện qua một đường rạch nhỏ gần rốn và sau đó đưa dụng cụ vào để loại bỏ u nang.

Trong trường hợp có u nang lớn thì sẽ cần phẫu thuật cắt khối u qua một vết mổ lớn ở trên bụng. Sau khi lấy u nang ra, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết ngay lập tức và nếu xác định khối u đó là u ác tính (ung thư) thì sẽ cần tiến hành cắt tử cung và buồng trứng.

Ở phụ nữ vẫn trong độ tuổi sinh sản, khi phát hiện u nang buồng trứng thì bác sĩ thường khuyên nên theo dõi một thời gian nhưng ở phụ nữ đã mãn kinh thì sẽ cần phẫu thuật để loại bỏ và kiểm tra bất kỳ u nang nào phát triển trên buồng trứng. Lý do là bởi nguy cơ hình thành u ác tính hay ung thư buồng trứng tăng cao sau mãn kinh. Tuy nhiên, u nang buồng trứng không làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng. Ngoài ra, cũng cần phẫu thuật loại bỏ nếu đường kính u nang lớn hơn 5cm.

Biến chứng u nang buồng trứng

Hầu hết các u nang buồng trứng đều lành tính và tự hết mà không cần can thiệp điều trị. Những u nang này hiếm khi gây biến chứng. Tuy nhiên, một số phụ nữ lại có khối u nang ác tính ở buồng trứng.

Ngoài ra, xoắn buồng trứng cũng là một biến chứng hiếm gặp khác của u nang buồng trứng. Điều này xảy ra khi một u nang quá lớn và khiến cho buồng trứng xoắn lại hoặc di chuyển lệch khỏi vị trí ban đầu. Sự lưu thông máu đến buồng trứng bị cắt đứt và nếu không được điều trị, tình trạng này sẽ khiến mô buồng trứng bị tổn thương hoặc chết. Các triệu chứng xoắn buồng trứng thường là đột ngột đau đớn dữ dội ở vùng chậu, buồn nôn và nôn, lên cơn sốt. Mặc dù không phổ biến nhưng xoắn buồng trứng vẫn là nguyên nhân của gần 3% các ca phẫu thuật phụ khoa khẩn cấp.

U nang buồng trứng có thể bị vỡ và gây đau dữ dội cũng như là chảy máu trong. U nang càng lớn thì nguy cơ vỡ càng cao. Các hoạt động mạnh ảnh hưởng đến khoang chậu, chẳng hạn như quan hệ đường âm đạo quá thô bạo là những nguyên nhân có thể gây vỡ u nang. Biến chứng này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và có thể đe dọa tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời.

Phòng ngừa u nang buồng trứng

Không có cách nào ngăn ngừa u nang buồng trứng. Tuy nhiên, khám phụ khoa định kỳ là cách để phát hiện sớm u nang. U nang buồng trứng lành tính sẽ không trở thành ung thư và không phải vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, các triệu chứng của ung thư buồng trứng thường tương tự như triệu chứng của u nang buồng trứng. Do vậy, khi có các biểu hiện không bình thường dưới đây thì cần đi khám để được chẩn đoán chính xác:

  • Thay đổi về kỳ kinh nguyệt
  • Đau vùng chậu dai dẳng
  • Ăn không ngon
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Đầy trướng bụng

Bị u nang buồng trứng có còn mang thai được không?

Nhìn chung, tiên lượng của những phụ nữ chưa mãn kinh bị u nang buồng trứng thường rất khả quan. Hầu hết u nang đều tự biến mất trong vòng một vài tháng. Tuy nhiên, u nang buồng trứng có thể tái phát ở phụ nữ tiền mãn kinh và phụ nữ bị mất cân bằng hormone.

Đôi khi, nếu không được điều trị, u nang buồng trứng có thể làm giảm khả năng sinh sản. Đây là điều xảy ra phổ biến trong những trường hợp u lạc nội mạc tử cung và hội chứng buồng trứng đa nang. Để cải thiện khả năng sinh sản, người bệnh sẽ cần cắt bỏ hoặc thu nhỏ u nang. U nang chức năng, u nang tuyến và u nang bì đều không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

U nang buồng trứng trong thai kỳ

Nếu phát hiện u nang buồng trứng trong thời gian mang thai thì việc điều trị sẽ phụ thuộc vào loại và kích thước của u nang. Hầu hết các u nang là lành tính và không cần can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, có thể cần phẫu thuật nếu nghi ngờ khối u là ác tính, u nang quá to, bị vỡ hoặc gây xoắn buồng trứng.

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 8 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây