Buồng Trứng Đa Nang
Hội chứng buồng trứng đa nang là gì?
Buồng trứng đa nang là vấn đề xảy ra ở buồng trứng của phụ nữ - cơ quan sinh dục có vai trò sản sinh estrogen và progesterone, các hormone điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Buồng trứng cũng sản xuất ra một lượng nhỏ nội tiết tố nam androgen.
Vào mỗi tháng, buồng trứng giải phóng trứng để được tinh trùng thụ tinh. Quá trình giải phóng trứng này mỗi tháng được gọi là sự rụng trứng.
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là tình trạng xảy ra do cơ thể phụ nữ bị rối loạn cân bằng nội tiết tố. Cụ thể, những phụ nữ bị hội chứng này có nồng độ hormone sinh dục nam androgen cao hơn bình thường, ảnh hưởng đến chức năng của buồng trứng, khiến cho buồng trứng hình thành nhiều nang nhỏ hay các túi chứa dịch và không thể giải phóng trứng đều đặn.
Sự mất cân bằng hormone này khiến chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ trở nên bất thường và gây khó khăn cho khả năng thụ thai.
Hội chứng buồng trứng đa nang có ba đặc điểm chính là:
- Nhiều nang nhỏ trong buồng trứng
- Nồng độ hormone sinh dục nam cao
- Kinh nguyệt không đều hoặc lỡ kinh nguyệt
Hội chứng buồng trứng đa nang cũng gây ra những vấn đề khác như mọc lông trên mặt cũng như là ở những vị trí không mong muốn trên cơ thể, da dầu, nổi mụn và rụng tóc. Hội chứng này còn góp phần gây nên các vấn đề sức khỏe về lâu dài như bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch.
Thuốc tránh thai và thuốc trị tiểu đường có thể khắc phục sự mất cân bằng hormone và cải thiện các triệu chứng của buồng trứng đa nang.
Hội chứng buồng trứng đa nang thường chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi sinh nở (từ 15 đến 44 tuổi). Thống kê cho thấy có từ 2.2 đến 26.7% phụ nữ trong độ tuổi này bị buồng trứng đa nang, tùy theo từng độ tuổi cụ thể.
Nhiều phụ nữ bị buồng trứng đa nang nhưng không hề hay biết. Theo một nghiên cứu, có tới 70% phụ nữ mắc hội chứng này mà không hề được chẩn đoán.
Hội chứng buồng trứng đa nang là một vấn đề được phát hiện ra vào năm 1721.
Hội chứng buồng trứng đa nang xảy ra như thế nào?
Hormone kích thích nang trứng (Follicle-stimulating hormone - FSH) và hormone luteinizing (LH) là hai hormone có vai trò kiểm soát sự rụng trứng. FSH kích thích buồng trứng tạo ra nang trứng (các túi chứa trứng) và sau đó LH kích hoạt buồng trứng giải phóng trứng khi đã trưởng thành.
Ở những phụ nữ có buồng trứng đa nang, buồng trứng hình thành nên nhiều túi nhỏ chứa dịch bên trong. Những túi này là các nang trứng, mỗi nang chứa một quả trứng. Khác với những phụ nữ bình thường, ở phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang, trứng không bao giờ đủ trưởng thành để bắt đầu rụng trứng.
Khi quá trình rụng trứng không diễn ra, nồng độ estrogen, progesterone, FSH và LH sẽ có sự thay đổi. Nồng độ estrogen và progesterone thấp hơn bình thường, trong khi nồng độ androgen lại cao hơn bình thường.
Hormone androgen tăng cao bất thường làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt, vì vậy phụ nữ bị buồng trứng đa nang thường có kinh nguyệt không đều.
Ngoài hormone androgen, ở đa số phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang, cơ thể còn có sự mất cân bằng ở một số hormone khác, gồm có:
- Nồng độ testosterone (cũng là một loại hormone sinh dục nam) tăng cao hơn bình thường.
- Tăng nồng độ hormone luteinizing (LH).
- Nồng độ globulin liên kết với hormone giới tính (SHBG) ở mức thấp. Đây là một loại protein trong máu, có nhiệm vụ liên kết với testosterone và làm giảm tác dụng của hormone này.
- Tăng nồng độ prolactin (chỉ có ở một số phụ nữ bị buồng trứng đa nang) – đây là một loại hormone kích thích tuyến vú sản xuất sữa trong thai kỳ.
Hiện vẫn chưa rõ nguyên do dẫn đến những thay đổi về nồng độ các hormone này.
giả thuyết cho rằng vấn đề có thể phát sinh từ chính buồng trứng, ở các tuyến khác sản xuất các hormone này hoặc ở não bộ điều khiển quá trình sản xuất hormone.
Nguyên nhân
Đến nay vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây ra hội chứng buồng trứng đa nang, chỉ biết là do nồng độ hormone nam androgen cao ngăn cản buồng trứng sản sinh các hormone khác và cản trở quá trình tạo trứng bình thường. Gen di truyền, kháng insulin và phản ứng viêm đều là những yếu tố góp phần khiến cơ thể tạo ra quá nhiều androgen.
Gen di truyền
Các nghiên cứu cho thấy hội chứng buồng trứng đa nang di truyền trong gia đình.
Nếu có người thân ruột thịt trong gia đình, chẳng hạn như mẹ, chị gái hoặc dì bị buồng trứng đa nang thì bạn cũng sẽ có nguy cơ cao mắc hội chứng này. Có khả năng không chỉ một mà nhiều gen cùng tham gia vào hội chứng này.
Kháng insulin
Có tới 70% phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang bị kháng insulin, một tình trạng mà các tế bào trong cơ thể không đáp ứng với insulin một cách bình thường.
Insulin là một loại hormone được tuyến tụy sản sinh ra để kiểm soát lượng đường trong máu. Nó thực hiện chức năng này bằng cách giúp glucose từ máu đi vào tế bào, tại đây glucose được xử lý để tạo ra năng lượng cung cấp cho cơ thể và từ đó làm giảm lượng đường trong máu.
Khi các tế bào không phản ứng với insulin như bình thường và không lấy glucose từ máu, nhu cầu insulin của cơ thể sẽ tăng lên và tuyến tụy sẽ tạo ra nhiều insulin hơn để đáp ứng.
Nồng độ insulin cao khiến buồng trứng sản sinh ra quá nhiều testosterone, gây cản trở sự phát triển của nang trứng và ngăn cản quá trình rụng trứng bình thường.
Kháng insulin còn dẫn đến tăng cân và điều này làm cho các triệu chứng của buồng trứng đa nang trở nên nghiêm trọng hơn vì mỡ thừa khiến cơ thể càng sản xuất nhiều insulin hơn.
Chính vì vậy mà béo phì là một nguyên nhân chính gây ra tình trạng kháng insulin. Cả béo phì và kháng insulin đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Phản ứng viêm
Những phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang thường có mức độ phản ứng viêm cao trong cơ thể. Thừa cân cũng là một nguyên nhân góp phần gây phản ứng viêm. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh phản ứng viêm quá mức làm tăng nồng độ androgen.
Triệu chứng thường gặp
Một số phụ nữ bắt đầu có các triệu chứng của buồng trứng đa nang ngay khi có kinh nguyệt lần đầu tiên nhưng có người chỉ phát hiện ra điều bất thường khi tăng cân quá nhiều hoặc khó thụ thai.
Các triệu chứng phổ biến nhất của buồng trứng đa nang gồm có:
- Kinh nguyệt không đều: Sự gián đoạn trong quá trình rụng trứng sẽ khiến niêm mạc tử cung không bong ra vào mỗi tháng và làm cho chu kỳ kinh nguyệt không đều, số lần có kinh ít hơn bình thường. Nhiều phụ nữ bị buồng trứng đa nang chỉ có 8 kỳ kinh nguyệt một năm.
- Ra máu nhiều: Do lớp niêm mạc tử cung tích tụ trong một khoảng thời gian dài hơn nên khi có kinh sẽ bị ra máu nặng hơn bình thường.
- Mọc lông: Hơn 70% phụ nữ bị buồng trứng đa nang đều gặp hiện tượng mọc lông trên mặt và những vị trí không mong muốn trên cơ thể, như trên lưng, bụng và ngực. Sự mọc lông quá mức này được gọi là chứng rậm lông ở phụ nữ.
- Mụn trứng cá: Nội tiết tố nam khiến cho tuyến bã nhờn trong da tiết dầu nhiều hơn bình thường và gây ra mụn trên các vùng như mặt, ngực và phần trên của lưng.
- Tăng cân: Có tới 80% phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang bị thừa cân hoặc béo phì.
- Rụng tóc: Buồng trứng đa nang khiến tóc rụng và trở nên mỏng hơn, thậm chí còn dẫn đến hói đầu.
- Da tối màu: Người bị hội chứng buồng trứng đa nang thường có các mảng da sậm màu ở các vị trí có nếp nhăn trên cơ thể như cổ, háng và bên dưới vú.
- Nhức đầu: Sự thay đổi nội tiết tố có thể gây ra triệu chứng đau nhức đầu.
Ngoài ra buồng trứng đa nang còn có các biểu hiện khác như:
- Mức độ căng thẳng tăng cao, thường xuyên trong tình trạng bồn chồn, lo âu
- Cao huyết áp
- Xuất hiện các mụn thịt thừa
- Khó thụ thai
- Đầu nhiều gàu
- Nồng độ cholesterol và triglyceride cao
- Người mệt mỏi
- Đau nhức vùng chậu
- Khó kiểm soát cân nặng: dễ tăng cân và khó giảm cân
- Giảm ham muốn
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Cần đi khám bác sĩ nếu như:
- Lỡ kinh nguyệt hai tháng trở lên nhưng không phải có thai.
- Có các triệu chứng nêu trên của hội chứng buồng trứng đa nang, chẳng hạn như mọc tóc trên mặt và cơ thể.
- Cố gắng thụ thai hơn 12 tháng nhưng không thành công.
- Có các triệu chứng của bệnh tiểu đường, chẳng hạn như thường xuyên khát nước hoặc đói cồn cào, mờ mắt hoặc sụt cân không rõ nguyên do.
Nếu bị hội chứng buồng trứng đa nang thì cần đi khám thường xuyên và làm các xét nghiệm để kiểm tra bệnh tiểu đường, cao huyết áp và các biến chứng có thể xảy ra khác.
Buồng trứng đa nang ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?
Nồng độ androgen cao hơn bình thường sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và gây ra một số vấn đề khác về sức khỏe.
Vô sinh
Để thụ thai thì buồng trứng phải giải phóng trứng. Khi không rụng trứng đều đặn thì trứng không thể được thụ tinh. Do đó, hội chứng buồng trứng đa nang là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở phụ nữ.
Hội chứng chuyển hóa
Có tới 80% phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang bị thừa cân hoặc béo phì. Cả béo phì và hội chứng buồng trứng đa nang đều làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về chuyển hóa như đường huyết cao, cao huyết áp, cholesterol HDL thấp (cholesterol tốt) và cholesterol LDL cao (cholesterol xấu).
Những vấn đề này được gọi là hội chứng chuyển hóa và đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường và đột quỵ.
Chứng ngưng thở khi ngủ
Buồng trứng đa nang gây ra chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là tình trạng hô hấp bị gián đoạn lặp đi lặp lại trong đêm và ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Ngưng thở khi ngủ là chứng bệnh phổ biến ở những phụ nữ thừa cân hơn là phụ nữ có cân nặng khỏe mạnh, nhất là những người còn bị cả hội chứng buồng trứng đa nang. Nguy cơ ngưng thở khi ngủ ở phụ nữ béo phì mắc hội chứng buồng trứng đa nang cao gấp 5 đến 10 lần so với những người bình thường.
Ung thư nội mạc tử cung
Trong quá trình rụng trứng, niêm mạc tử cung bong ra. Nếu không rụng trứng vào mỗi tháng thì lớp niêm mạc tử cung sẽ tích tụ lại và ngày càng dày lên. Niêm mạc tử cung quá dày sẽ làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
Căng thẳng
Những thay đổi về sự cân bằng nội tiết tố sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc, gây ra tình trạng căng thẳng, lo âu thường xuyên. Bên cạnh đó, các triệu chứng của buồng trứng đa nang như mọc lông ở vị trí không mong muốn hay nổi mụn, da sạm màu cũng khiến cho người bệnh càng thấy chán nản, phiền muộn.
Hội chứng buồng trứng đa nang được chẩn đoán như thế nào?
Các bác sĩ thường chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang nếu phụ nữ có ít nhất 2 trong số 3 triệu chứng sau đây:
- Nồng độ androgen tăng cao
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều
- Có nhiều nang nhỏ trong buồng trứng
Bác sĩ sẽ bắt đầu hỏi về các triệu chứng cũng như là chu kỳ kinh nguyệt và thay đổi về cân nặng. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám để tìm các dấu hiệu như mọc lông, kháng insulin và nổi mụn trứng cá.
Sau đó sẽ cần tiến hành thêm các phương pháp kiểm tra, xét nghiệm như:
- Kiểm tra vùng chậu: Bác sĩ sẽ quan sát và dùng tay kiểm tra các cơ quan sinh dục để tìm khối u, những vùng tăng trưởng mô bất thường hoặc các dấu hiệu khác.
- Xét nghiệm máu: Bạn sẽ được lấy mẫu máu để đo nồng độ các hormone trong máu. Mục đích là để loại trừ các nguyên nhân khác cũng có thể gây ra hiện tượng kinh nguyệt không đều hoặc lượng androgen quá cao giống như hội chứng buồng trứng đa nang.
- Siêu âm: Phương pháp siêu âm giúp kiểm tra tình trạng của buồng trứng và độ dày của niêm mạc tử cung. Đầu dò siêu âm được đưa vào bên trong âm đạo (siêu âm qua đường âm đạo). Đầu dò phát ra sóng âm thanh và được chuyển thành hình ảnh trên màn hình để quan sát, đánh giá.
Sau khi chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang, bác sĩ sẽ tiến hành thêm một số phương pháp xét nghiệm khác để xác định tình trạng sức khỏe và những ảnh hưởng của hội chứng này lên cơ thể. Các phương pháp xét nghiệm bổ sung này cho biết các chỉ số như:
- Chỉ số lipid trong máu để xác định nồng độ cholesterol và triglyceride. Hội chứng buồng trứng đa nang có thể khiến các chỉ số này tăng cao và dễ dẫn đến bệnh tim mạch.
- Chỉ số glucose trong máu để kiểm tra có bị tiểu đường hay không. Hơn một nửa số phụ nữ bị buồng trứng đa nang mắc bệnh tiểu đường.
- Chỉ số insulin để xác định mức độ phản ứng của cơ thể với insulin. Nếu cơ thể không đáp ứng với insulin thì có nghĩa là bị kháng insulin. Đây là tình trạng phổ biến ở phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang và có thể dẫn đến bệnh tiểu đường.
Phương pháp điều trị
Chế độ ăn uống và lối sống
Để điều trị hội chứng buồng trứng đa nang, người bệnh sẽ cần bắt đầu thay đổi lối sống ví dụ như giảm cân, ăn kiêng và tập thể dục.
Đôi khi, chỉ cần giảm từ 5 đến 10% trọng lượng cơ thể thôi là đã có thể điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và cải thiện các triệu chứng buồng trứng đa nang. Giảm cân còn cải thiện được nồng cholesterol, insulin, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường.
Bất kỳ chế độ ăn kiêng nào giúp giảm cân đều có ích cho tình trạng buồng trứng đa nang. Tuy nhiên, thử nghiệm so sánh các chế độ ăn dành cho người bị buồng trứng đa nang đã cho thấy rằng chế độ ăn ít carbohydrate vừa cho hiệu quả giảm cân và vừa giảm nồng độ insulin. Trong khi đó, chế độ ăn có chỉ số đường huyết (GI) thấp với nguồn carbohydrate chính từ trái cây, rau và ngũ cốc lại giúp điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt hiệu quả hơn so với chế độ ăn kiêng giảm cân thông thường.
Tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất ba lần một tuần và mỗi lần 30 phút cũng là cách giúp phụ nữ bị buồng trứng đa nang giảm cân. Giảm cân bằng cách tập thể dục còn giúp cải thiện sự rụng trứng và nồng độ insulin.
Nên kết hợp tập thể dục với chế độ ăn kiêng lành mạnh để có hiệu quả giảm cân tối đa. Ăn kiêng và tập thể dục giúp bạn giảm cân nhiều và nhanh hơn so với khi chỉ thực hiện một trong hai biện pháp và còn giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cũng như là bệnh tim mạch.
Dùng thuốc
Để điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, bác sĩ sẽ chỉ định dùng:
- Thuốc tránh thai kết hợp: Các loại thuốc có chứa estrogen và progestin làm giảm sự sản sinh androgen và điều chỉnh nồng độ estrogen. Việc điều chỉnh sự cân bằng nội tiết tố sẽ làm giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung và cải thiện các triệu chứng của buồng trứng đa nang như tình trạng chảy máu bất thường, mọc lông và nổi mụn. Ngoài thuốc tránh thai đường uống, bạn cũng có thể sử dụng miếng dán hoặc vòng âm đạo có chứa estrogen và progestin.
- Liệu pháp progestin: Điều trị bằng liệu pháp progestin trong 10 đến 14 ngày và cách một đến hai tháng một lần có thể điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt và ngăn ngừa ung thư nội mạc tử cung. Tuy nhiên, liệu pháp progestin không cải thiện nồng độ androgen và không có tác dụng tránh thai. Nếu còn muốn tránh thai thì nên dùng các loại viên uống tránh thai chỉ chứa progestin hoặc vòng tránh thai âm đạo có chứa progestin.
Để kích thích rụng trứng, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc sau:
- Clomiphene (Clomid): đây là thuốc kháng estrogen đường uống và được dùng trong thời gian đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt.
- Letrozole (Femara): đây là thuốc điều trị ung thư vú và có tác dụng để kích thích buồng trứng.
- Metformin (Glucophage, Fortamet,…): đây là thuốc đường uống điều trị tiểu đường tuýp 2, có tác dụng cải thiện tình trạng kháng insulin và làm giảm nồng độ insulin. Nếu dùng clomiphene mà vẫn không thể thụ thai thì bác sĩ sẽ kê thêm metformin. Với những trường hợp bị tiền tiểu đường, metformin còn giúp làm chậm quá trình bệnh tiến triển thành tiểu đường tuýp 2 và giúp giảm cân.
- Gonadotropin: đây là những loại thuốc nội tiết tố được dùng bằng cách tiêm tĩnh mạch.
Để giảm tình trạng mọc lông, bác sĩ sẽ chỉ định dùng các loại thuốc và phương pháp điều trị sau:
- Thuốc tránh thai đường uống: có tác dụng làm giảm sự sản xuất androgen – nguyên nhân gây mọc lông quá mức.
- Spironolactone (Aldactone): thuốc này có tác dụng ngăn chặn tác động của androgen lên da. Spironolactone có tác dụng phụ là có thể gây dị tật bẩm sinh, vì vậy cần phải có biện pháp tránh thai trong thời gian dùng thuốc này và không nên dùng spironolactone khi đang mang thai hoặc dự định có thai trong tương lai gần.
- Eflornithine (Vaniqa): đây là một loại kem bôi có tác dụng làm chậm sự phát triển của lông trên mặt.
- Điện phân: đây là phương pháp đưa kim nhỏ phát ra xung điện vào từng nang lông để phá hủy nang lông. Mỗi liệu trình điều trị thường gồm có nhiều buổi để khắc phục hoàn toàn vấn đề.
Phẫu thuật
Phẫu thuật cũng là một lựa chọn để cải thiện khả năng sinh sản cho phụ nữ bị buồng trứng đa nang nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Phương pháp phẫu thuật thường được sử dụng là khoan buồng trứng. Đây là thủ thuật tạo các lỗ nhỏ trong buồng trứng bằng laser hoặc kim mảnh được đốt nóng để khôi phục quá trình rụng trứng lại như bình thường. Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở bụng và sử dụng ống nội soi có gắn kim để chọc vào buồng trứng và phá hủy một phần nhỏ của buồng trứng. Phương pháp này giúp thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể và giúp dễ rụng trứng hơn.
Biến chứng
Các biến chứng của hội chứng buồng trứng đa nang gồm có:
- Vô sinh
- Bệnh tiểu đường thai kỳ hoặc cao huyết áp khi mang thai
- Sảy thai hoặc sinh non
- Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu – một tình trạng viêm gan nghiêm trọng do mỡ tích tụ trong gan
- Hội chứng chuyển hóa - một nhóm các bệnh lý gồm có tăng huyết áp, lượng đường trong máu cao (đường huyết cao) và nồng độ cholesterol hoặc triglyceride cao bất thường. Những vấn đề này làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Bệnh tiểu đường tuýp 2 hoặc tiền tiểu đường
- Chứng ngưng thở khi ngủ
- Trầm cảm, lo âu và rối loạn ăn uống
- Chảy máu tử cung bất thường
- Ung thư nội mạc tử cung
Béo phì cũng là một vấn đề thường xảy ra ở người bị hội chứng buồng trứng đa nang và ngược lại, béo phì có thể làm trầm trọng thêm các biến chứng của hội chứng này.
Buồng trứng đa nang có ảnh hưởng đến khả năng sinh nở không?
Hội chứng buồng trứng đa nang làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt bình thường và khiến việc thụ thai trở nên khó khăn. Trên thực tế, 70 đến 80% phụ nữ mắc hội chứng này có vấn đề về khả năng sinh sản.
Buồng trứng đa nang còn làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng thai kỳ như cao huyết áp, tiểu đường, tiền sản giật, sinh non, sảy thai,... Những phụ nữ mắc hội chứng này có nguy cơ sinh thiếu tháng cao gấp hai lần so với phụ nữ bình thường.
Tuy nhiên, phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang vẫn có thể mang thai nhờ các phương pháp điều trị vô sinh để cải thiện sự rụng trứng. Giảm cân và giảm lượng đường trong máu là những cách mà người bệnh có thể tự thực hiện để tăng khả năng thụ thai thành công và có thai kỳ khỏe mạnh.
- Thông tin về bảng giá Buồng Trứng Đa Nang
- Hỏi đáp về Buồng Trứng Đa Nang
- Video Buồng Trứng Đa Nang của các khách hàng
- Hình ảnh trước sau Buồng Trứng Đa Nang