Nguyên nhân nào gây đau bụng trong kỳ kinh nguyệt và cách điều trị
Nội dung chính của bài viết:
- Tình trạng đau bụng kinh thường xảy ra ở những người dưới 20 tuổi, có tiền sử gia đình bị đau bụng kinh, hút thuốc lá, máu kinh ra nhiều, chu kỳ kinh nguyệt không đều, chưa từng sinh con và dậy thì trước 11 tuổi.
- Đau bụng kinh là một trong những triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn, như: lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, viêm vùng chậu, cơ tuyến tử cung hay hẹp cổ tử cung.
- Đa số những trường hợp đau bụng kinh đều chỉ cần các biện pháp điều trị tại nhà là đủ để làm dịu cơn đau.
- Nếu các biện pháp điều trị tại nhà không có tác dụng đối với các cơn đau bụng kinh thì có thể sẽ cần đến các biện pháp can thiệp như uống thuốc hay dùng các biện pháp tránh thai nội tiết.
- Nếu cơn đau bụng kinh dữ dội đến mức gây cản trở đến việc sinh hoạt, làm việc hay học tập hàng ngày mỗi khi đến kỳ thì bạn nên đi khám bác sĩ phụ khoa để tìm ra nguyên nhân của vấn đề.
Đau bụng trong kỳ kinh nguyệt là như thế nào?
Kinh nguyệt là giai đoạn diễn ra khi tử cung bong lớp niêm mạc (lớp mô bao phủ thành bên trong của tử cung) mỗi tháng một lần. Tình trạng đau đớn khi đến kỳ kinh nguyệt được gọi là thống kinh. Có hai dạng đau trong kỳ kinh nguyệt là đau bụng kinh nguyên phát và đau bụng kinh thứ phát.
Đau bụng kinh nguyên phát là những cơn đau xảy ra trước và trong kỳ kinh nguyệt với nguyên nhân đơn thuần là do những thay đổi trong cơ thể. Nhưng nếu các kỳ kinh nguyệt trước đây vẫn bình thường và gần đây mới bị đau đớn thì nguyên nhân có thể là do các vấn đề xảy ra ở tử cung hoặc các cơ quan khác trong vùng chậu, chẳng hạn như lạc nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung và đây được gọi là đau bụng kinh thứ phát.
Nguyên nhân nào gây đau bụng kinh?
Không phải lúc nào cũng có thể xác định rõ nguyên nhân khiến cho phụ nữ bị đau đớn trong kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, tình trạng đau bụng kinh thường chủ yếu xảy ra ở những người:
- Dưới 20 tuổi
- Có tiền sử gia đình (bà, mẹ hoặc chị) cũng bị đau bụng kinh
- Hút thuốc lá
- Máu kinh ra nhiều
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều
- Chưa từng sinh con
- Dậy thì trước 11 tuổi
Trước khi bắt đầu hành kinh, cơ thể tăng sản xuất một loại hormone có tên là prostaglandin. Hormone này gây ra các cơn co thắt cơ trong tử cung để làm bong và đẩy lớp niêm mạc ra ngoài cơ thể. Những cơn co thắt này gây đau và viêm trong kỳ kinh nguyệt. Nồng độ prostaglandin càng cao thì càng gây đau đớn nhiều. Prostaglandin còn là nguyên nhân gây ra hiện tượng nôn mửa, tiêu chảy và đau đầu trong kỳ kinh nguyệt.
Đau bụng kinh là một trong những triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). Ngoài ra, hội chứng này còn có các triệu chứng khác như đầy bụng, căng, đau ngực, nổi mụn trứng cá, thèm ăn, đặc biệt là đồ ngọt, táo bón, tiêu chảy, đau đầu, mệt mỏi, khó ngủ, buồn bã, thay đổi tâm trạng thất thường,… Đây là một tình trạng phổ biến do những sự thay đổi về nội tiết tố trong cơ thể diễn ra từ 1 đến 2 tuần trước khi bắt đầu có kinh nguyệt. Các triệu chứng này thường tự biến mất sau khi bắt đầu hiện tượng ra máu.
Ngoài ra, đau bụng vào kỳ kinh cũng có thể là dấu hiệu cho thấy một vấn đề tiềm ẩn ở các cơ quan sinh sản như:
- Lạc nội mạc tử cung: Đây là một bệnh lý trong đó các tế bào vốn hình thành ở niêm mạc tử cung lại hình thành và phát triển ở các bộ phận khác của cơ thể, thường là ở ống dẫn trứng, buồng trứng hoặc lớp mô ở bề mặt khung xương chậu.
- U xơ tử cung: U xơ là khối u lành tính, không phải ung thư hình thành ở bên trong tử cung. U xơ có thể gây áp lực lên tử cung, dẫn đến kinh nguyệt bất thường và đau đớn trong kỳ kinh nhưng cũng có nhiều trường hợp u xơ tử cung không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.
- Bệnh viêm vùng chậu (PID): Viêm vùng chậu là một bệnh nhiễm trùng xảy ra ở các cơ quan sinh sản nữ như tử cung, ống dẫn trứng hoặc buồng trứng, thường do vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục gây nên. Bệnh lý này cũng gây ra những cơn đau bất thường.
- Bệnh cơ tuyến tử cung: Đây là một bệnh hiếm gặp trong đó mô niêm mạc tử cung phát triển vào các cơ trong thành tử cung, gây viêm, tạo áp lực và đau đớn. Bệnh này cũng có thể khiến cho kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn hoặc ra nhiều máu hơn bình thường.
- Hẹp cổ tử cung: Hẹp cổ tử cung là một vấn đề hiếm gặp trong đó cổ tử cung quá nhỏ hoặc hẹp đến mức gây cản trở dòng chảy của máu kinh, làm tăng áp lực ở bên trong tử cung và gây đau.
Cách chẩn đoán nguyên nhân
Để xác định được căn nguyên gây nên tình trạng đau bụng kinh, trước tiên bác sĩ sẽ phải lấy bệnh sử và tiến hành thăm khám lâm sàng. Quá trình thăm khám sẽ bao gồm cả bước kiểm tra vùng chậu để phát hiện những dấu hiệu bất thường trong hệ sinh dục cũng như là tìm các dấu hiệu nhiễm trùng.
Nếu bác sĩ nghi ngờ có vấn đề tiềm ẩn gây ra các triệu chứng đau đớn vào kỳ kinh nguyệt thì sẽ cần tiến hành thêm các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như:
- Siêu âm
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan)
- Chụp cộng hưởng từ MRI
Tùy thuộc vào kết quả chẩn đoán hình ảnh mà bác sĩ có thể yêu cầu nội soi. Đây là một thủ thuật trong đó bác sĩ rạch một đường rất nhỏ ở bụng, sau đó đưa một ống dài có gắn camera và đèn chiếu sáng để quan sát các cơ quan bên trong khoang bụng.
Phương pháp điều trị
Biện pháp điều trị tại nhà
Đa số những trường hợp đau bụng kinh đều chỉ cần các biện pháp điều trị tại nhà là đủ để làm dịu cơn đau. Bạn có thể thử các biện pháp như:
- Áp túi chườm nóng hoặc một chai nước đựng nước ấm lên vùng bụng dưới hoặc thắt lưng
- Mát-xa bụng
- Tắm nước ấm
- Tập thể dục nhẹ nhàng
- Ăn uống nhẹ nhàng, đầy đủ chất dinh dưỡng và hạn chế tối đa các món dầu mỡ
- Thử các biện pháp thư giãn hoặc tập yoga
- Dùng các loại thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen vài ngày trước và trong kỳ kinh nguyệt.
- Dùng các loại viên uống bổ sung vitamin và khoáng chất như:
- Vitamin B6
- Vitamin B1
- Vitamin E
- Axit béo omega-3
- Canxi
- Magiê
- Kê cao chân khi ngủ hoặc nằm gập đầu gối
- Giảm lượng muối, đồ uống có cồn, caffeine và đường để giảm tình trạng đầy hơi
- Uống nhiều nước
Nếu các biện pháp điều trị tại nhà không có tác dụng đối với các cơn đau bụng kinh thì có thể sẽ cần đến các biện pháp can thiệp khác như:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Bạn có thể tự tìm mua các loại thuốc này tại các hiệu thuốc hoặc được bác sĩ kê khi đi khám.
- Các loại thuốc giảm đau khác: gồm có các loại thuốc không kê đơn như acetaminophen hoặc thuốc giảm đau kê đơn mạnh hơn.
- Thuốc chống trầm cảm: Đôi khi bác sĩ sẽ kê thuốc chống trầm cảm để giúp giảm bớt những vấn đề về cảm xúc và thay đổi tâm trạng do hội chứng tiền kinh nguyệt gây nên.
Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ bị đau bụng kinh phải dùng đến các biện pháp tránh thai nội tiết. Các biện pháp này có thể là thuốc tránh thai dạng viên uống, miếng dán, vòng đặt âm đạo, thuốc tiêm, que cấy... Hormone trong các biện pháp tránh thai có tác dụng ngăn cản rụng trứng và điều này có thể giúp kiểm soát tình trạng đau đớn trong kỳ kinh nguyệt.
Phương pháp điều trị cụ thể sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây nên cơn đau. Nếu nguyên nhân gây đau không đơn thuần là do co thắt tử cung trong kỳ kinh nguyệt mà là do các vấn đề với cơ quan sinh sản ví dụ như bệnh viêm vùng chậu hoặc các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) thì bác sĩ sẽ chỉ định hướng điều trị cụ thể dựa trên từng vấn đề. Ví dụ, nếu là do viêm vùng chậu thì sẽ cần dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.
Trong trường hợp bị lạc nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung thì sẽ cần làm phẫu thuật để loại bỏ lớp mô nội mạc tử cung phát triển ở những bộ phận khác hay cắt khối u xơ. Đôi khi, bệnh nhân sẽ còn phải phẫu thuật cắt tử cung. Một khi đã phẫu thuật cắt bỏ tử cung thì sẽ không thể có con nữa. Do đó, đây là những lựa chọn cuối cùng khi vấn đề quá nghiêm trọng và các phương pháp điều trị khác đều không có tác dụng.
Khi nào cần đi khám?
Nếu cơn đau bụng kinh dữ dội đến mức gây cản trở đến việc sinh hoạt, làm việc hay học tập hàng ngày mỗi khi đến kỳ thì bạn nên đi khám bác sĩ phụ khoa để tìm ra nguyên nhân của vấn đề.
Ngoài ra, bạn cũng nên đi khám nếu như:
- Đau liên tục sau khi đặt vòng tránh thai
- Máu kinh có các cục máu đông lớn
- Đau bụng kèm theo hiện tượng tiêu chảy và buồn nôn
- Đau vùng chậu kể cả khi không có kinh nguyệt
Đau quặn đột ngột hoặc đau ở vùng chậu có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Nếu không được điều trị thì tình trạng nhiễm trùng có thể gây hình thành mô sẹo, làm tổn thương đến các cơ quan vùng chậu và có thể dẫn đến vô sinh.
Nếu bạn có các triệu chứng nhiễm trùng sau thì cần đi khám ngay lập tức:
- Sốt
- Đau đớn dữ dội ở vùng chậu, đặc biệt là bị đau đột ngột
- Dịch tiết âm đạo có mùi hôi tanh khó chịu và màu bất thường
Có nhiều nguyên nhân gây ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt. Một số trong đó là những nguyên nhân vô hại nhưng cũng có những nguyên nhân cần can thiệp điều trị kịp thời.
Nguyên nhân kinh nguyệt đến sớm từ đâu? Thi thoảng kinh nguyệt đến sớm hơn bình thường không phải điều gì đáng lo ngại. Bạn đừng quá lo lắng, hãy tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm chi tiết nhé!
Nồng độ hormone hay nội tiết tố dao động trong chu kỳ kinh nguyệt sẽ gây ra nhiều thay đổi ở cơ thể. Ngoài những biểu hiện như đau bụng hay đau mỏi thắt lưng, nhiều phụ nữ còn gặp phải các cơn đau đầu trong những ngày đèn đỏ.
Nếu kinh nguyệt thường kéo dài 5 hoặc 6 ngày và đột nhiên bị rút ngắn xuống còn 2 ngày thì có thể là do những nguyên nhân như thay đổi trong cuộc sống, mới dùng biện pháp kiểm soát sinh sản hoặc bị căng thẳng.
Nguyên nhân nào gây ngứa vùng kín trước kỳ kinh nguyệt? Cảm giác ngứa này có thể xảy ra ở âm đạo (tức là ở bên trong) hoặc ở âm hộ, có nghĩa là xung quanh âm đạo, môi âm hộ và vùng mu. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên hiện tượng này.