1

U Xơ Tử Cung

U xơ tử cung là gì?

U xơ tử cung, còn được gọi là u cơ trơn tử cung, là tình trạng hình thành các khối u lành tính ở tử cung. U xơ tử cung không phải ung thư tử cung và hầu như không bao giờ phát triển thành ung thư.

U xơ tử cung có nhiều kích thước khác nhau, từ chỉ nhỏ như hạt đậu mà mắt thường không thể phát hiện được cho đến kích thước lớn hơn, gây biến dạng và khiến cho tử cung phình to. Một người có thể chỉ có một khối u xơ đơn lẻ hoặc nhiều khối u cùng một lúc. Trong những trường hợp nghiêm trọng, tử cung có nhiều khối u xơ và bị to lên đến mức chạm khung xương sườn và dẫn đến tăng cân.

Rất nhiều phụ nữ bị u xơ tử cung nhưng lại không hề hay biết vì các khối u xơ thường không biểu hiện triệu chứng. Nhiều khi, u xơ chỉ được phát hiện khi kiểm tra vùng chậu hoặc siêu âm trước khi sinh.

Các loại u xơ tử cung

Có nhiều loại u xơ tử cung khác nhau và được phân loại dựa trên vị trí mà u xơ hình thành trong tử cung.

U xơ trong vách

U xơ trong vách là loại u xơ tử cung phổ biến nhất. Loại u xơ này hình thành ở trong thành của tử cung. Khi phát triển lớn dần, u xơ trong vách sẽ khiến cho tử cung to lên.

U xơ dưới thanh mạc

U xơ dưới thanh mạc là u xơ hình thành ở bên ngoài lớp niêm mạc tử cung và phát triển hướng ra ngoài. Loại u xơ này có thể khiến cho một bên tử cung to hẳn lên so với bên còn lại.

U xơ có cuống

Khi khối u xơ dưới phúc mạc gắn với thành tử cung bởi một cuống mảnh thì nó được gọi là u xơ có cuống.

U xơ dưới niêm mạc

Loại u xơ này hình thành và phát triển trong lớp niêm mạc tử cung và hướng vào bên trong. U xơ dưới niêm mạc không phổ biến như các loại khác.

Nguyên nhân gây u xơ tử cung

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân gây nên u xơ tử cung nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành các khối u này.

Hormone

Estrogen và progesterone là những hormone do buồng trứng tạo ra với vai trò làm cho niêm mạc tử cung bong ra và tái tạo lại vào mỗi chu kỳ kinh nguyệt nhưng cũng có thể là yếu tố kích thích sự phát triển của u xơ tử cung.

Các khối u xơ tử cung chứa nhiều thụ thể estrogen và progesterone hơn các tế bào tử cung bình thường. U xơ tử cung thường co lại sau mãn kinh do sự suy giảm trong mức độ sản sinh hormone.

Tiền sử gia đình

U xơ tử cung có thể di truyền trong gia đình. Nếu có mẹ, chị gái hoặc bà từng bị u xơ tử cung thì bạn cũng có thể bị vấn đề này.

Mang thai

Mang thai làm tăng sự sản sinh hormone estrogen và progesterone trong cơ thể. Do đó, u xơ tử cung có thể hình thành và phát triển nhanh chóng trong thời gian mang thai.

Yếu tố nguy cơ khác

Bắt đầu có kinh nguyệt sớm hơn bình thường, béo phì, thiếu hụt vitamin D, chế độ ăn nhiều thịt đỏ và ít rau xanh, trái cây và sữa, tiêu thụ nhiều đồ uống có cồn, bao gồm cả bia đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành u xơ tử cung.

Đối tượng có nguy cơ cao bị u xơ tử cung là những phụ nữ:

  • Đang mang thai
  • Có tiền sử gia đình bị u xơ tử cung
  • Từ 30 tuổi trở lên
  • Béo phì

Quá trình phát triển của u xơ tử cung ở mỗi người là khác nhau, có thể nhanh hoặc chậm hoặc không hề thay đổi kích thước. Ở một số người, khối u to lên đột biến nhưng đôi khi, khối u lại tự teo đi.

Ở những trường hợp mà u xơ tử cung hình thành trong thai kỳ, khối u thường teo lại và biến mất sau khi sinh con khi tử cung co lại về kích thước ban đầu.

Các triệu chứng của u xơ tử cung

Các triệu chứng của u xơ tử cung phụ thuộc vào số lượng khối u, vị trí và kích thước của chúng. Ví dụ, u xơ dưới niêm mạc thường gây ra tình trạng ra nhiều máu khi tới tháng và khó thụ thai.

Còn nếu khối u có kích thước quá nhỏ hoặc bạn bắt đầu bước vào thời kỳ mãn kinh thì thường không có bất kỳ triệu chứng nào. U xơ tử cung có thể co lại trong và sau khi mãn kinh. Lý do là bởi phụ nữ khi trải qua thời kỳ mãn kinh sẽ bị giảm nồng độ estrogen và progesterone – các hormone kích thích sự phát triển của u xơ tử cung.

Nếu có thì các triệu chứng chung khi hình thành u xơ tử cung thường là:

  • Ra máu nhiều khi đến tháng, lẫn cục máu đông lớn
  • Đau nhức ở vùng chậu hoặc vùng lưng dưới
  • Liên tục bị chuột rút khi đến kỳ kinh nguyệt
  • Đi tiểu nhiều
  • Đau đớn khi quan hệ
  • Kinh nguyệt kéo dài hơn bình thường
  • Cảm giác tức hoặc đầy ở bụng dưới
  • Bụng đột nhiên to lên
  • Tiểu không hết
  • Táo bón

Khi nào cần khám bác sĩ?

Cần đi khám bác sĩ ngay nếu có các dấu hiệu sau:

  • Đau nhức dai dẳng ở vùng chậu và không có dấu hiệu thuyên giảm
  • Ra máu quá nhiều, kỳ kinh kéo dài hoặc đau đớn dữ dội
  • Ra máu giữa các kỳ kinh
  • Thường xuyên tiểu không hết
  • Có các biểu hiện của thiếu máu như hoa mắt, chóng mặt, nhịp tim nhanh,…
  • Đột ngột đau buốt vùng chậu

Chẩn đoán u xơ tử cung bằng cách nào?

Để được chẩn đoán chính xác, bạn cần đi khám bác sĩ phụ khoa để tiến hành kiểm tra vùng chậu. Phương pháp này được tiến hành nhằm mục đích kiểm tra tình trạng, kích thước và hình dạng của tử cung. Ngoài ra sẽ cần thực hiện một số phương pháp kiểm tra chẩn đoán khác như:

Siêu âm

Siêu âm là phương pháp sử dụng sóng âm thanh tần số cao để hiển thị hình ảnh của các cơ quan bên trong cơ thể, bao gồm cả tử cung. Hình ảnh siêu âm giúp bác sĩ quan sát cấu trúc bên trong của tử cung và bất kỳ khối u xơ nào nếu có. Kỹ thuật siêu âm qua đường âm đạo (đầu dò siêu âm được đưa vào âm đạo) cho hình ảnh rõ nét hơn vì tiếp cận gần với tử cung hơn so với siêu âm qua thành bụng.

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác

Nếu phương pháp siêu âm không cung cấp đủ thông tin thì bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác, ví dụ như:

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu cho thấy hình ảnh của tử cung, buồng trứng, và các cơ quan khác trong vùng chậu, cho phép quan sát chi tiết hơn kích thước và vị trí của u xơ trong tử cung, xác định loại khối u và từ đó đưa ra phương án điều trị thích hợp. MRI thường được sử dụng cho những phụ nữ có tử cung lớn hoặc những phụ nữ sắp mãn kinh (tiền mãn kinh).
  • Siêu âm bơm nước buồng tử cung (Hysterosonography): đây là phương pháp sử dụng nước muối vô trùng để mở rộng buồng tử cung, giúp cho việc lấy hình ảnh của nội mạc tử cung và các khối u xơ dưới niêm mạc được dễ dàng hơn.
  • Chụp HSG: Chụp X–quang buồng tử cung vòi trứng có cản quang (Hysterosalpingography - HSG) là phương pháp tiêm một loại thuốc nhuộm chuyên dụng để làm nổi bật buồng tử cung và ống dẫn trứng trên hình ảnh X-quang. Phương pháp này thường được sử dụng cho những trường hợp khó mang thai, giúp bác sĩ kiểm tra xem ống dẫn trứng có bị tắc hay không và cho phép phát hiện u xơ dưới niêm mạc.
  • Nội soi buồng tử cung (Hysteroscopy): Bác sĩ đưa một ống nhỏ, có gắn đèn qua cổ tử cung vào tử cung. Sau đó, tiêm nước muối vào tử cung để mở rộng buồng tử cung và kiểm tra thành tử cung cũng như là các ống dẫn trứng.

Điều trị u xơ tử cung bằng cách nào?

Phương án điều trị sẽ dựa trên tuổi tác, kích thước khối u xơ và tình trạng sức khỏe tổng thể. Đôi khi sẽ cần kết hợp các phương pháp điều trị lại với nhau.

Chờ đợi

Nhiều phụ nữ bị u xơ tử cung không bộc lộ bất kỳ triệu chứng nào hoặc chỉ có các dấu hiệu rất nhẹ, không ảnh hưởng gì nhiều đến cuộc sống hàng ngày. Nếu vậy thì có thể tiếp tục theo dõi và chưa cần can thiệp.

U xơ tử cung không phải là ung thư và hiếm khi gây ảnh hưởng đến việc mang thai. Các khối u xơ thường phát triển chậm hoặc hoàn toàn không phát triển và có thể teo lại sau khi mãn kinh, khi nồng độ hormone sinh sản giảm xuống.

Biện pháp khắc phục tại nhà và điều trị tự nhiên

Một số biện pháp khắc phục tại nhà và phương pháp điều trị tự nhiên có thể có tác động tích cực đến u xơ tử cung. Các biện pháp này gồm có:

  • Châm cứu
  • Tập yoga
  • Mát-xa
  • Điều trị bằng quế chi phục linh thang (Gui Zhi Fu Ling Tang)
  • Chườm nóng để cải thiện hiện tượng chuột rút (nếu bị ra máu nhiều thì không được chườm)

Ngoài ra, thay đổi chế độ ăn uống cũng là một cách để cải thiện tình trạng bệnh. Nên hạn chế tối đa các loại thịt và thực phẩm nhiều calo. Thay vào đó, nên lựa chọn thực phẩm chứa nhiều flavonoid, rau xanh, trà xanh và các loại cá nước lạnh như cá ngừ hoặc cá hồi.

Hạn chế căng thẳng và giảm cân nếu thừa cân cũng là những điều có lợi cho phụ nữ bị u xơ tử cung.

Dùng thuốc

Các loại thuốc điều trị u xơ tử cung thường nhắm vào các hormone kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt và có tác dụng điều trị các triệu chứng u xơ như ra máu nhiều khi đến kỳ và đau tức vùng chậu. Mặc dù các loại thuốc này đều không thể loại bỏ hoàn toàn u xơ tử cung nhưng có thể thu nhỏ kích thước khối u. Các loại thuốc thường được dùng phổ biến gồm có:

Thuốc chủ vận hormone giải phóng Gonadotropin (GnRH):

Loại thuốc này điều trị u xơ tử cung bằng cách ngăn chặn sự sản sinh estrogen và progesterone, tạm thời đưa cơ thể vào trạng thái mãn kinh. Có nghĩa là, kinh nguyệt sẽ tạm ngừng, u xơ tử cung co lại và tình trạng thiếu máu được cải thiện.

Các loại thuốc trong nhóm này gồm có leuprolide (Lupron, Eligard,…), goserelin (Zoladex) và triptorelin (Trelstar, Triptodur Kit).

Thuốc này có tác dụng phụ là gây hiện tượng bốc hỏa và thường chỉ được sử dụng trong thời gian từ 3 đến 6 tháng vì các triệu chứng sẽ quay trở lại khi ngừng thuốc và việc sử dụng thuốc lâu dài có thể gây tiêu xương.

Bác sĩ thường kê các loại thuốc chủ vận GnRH để thu nhỏ kích thước u xơ tử cung trước khi phẫu thuật hoặc dùng cho những người sắp bước vào thời kỳ mãn kinh.

Vòng tránh thai giải phóng progestin

Dụng cụ tránh thai này thường được sử dụng cho những trường hợp bị ra máu nặng do u xơ tử cung. Vòng tránh thai giải phóng progestin chỉ làm giảm triệu chứng chứ không thu nhỏ u xơ tử cung hay làm cho khối u biến mất.

Acid tranexamic (Lysteda, Cyklokapron):

Đây là những loại thuốc không phải hormone được sử dụng nhằm giảm nhẹ triệu chứng ra nhiều máu khi đến tháng. Chỉ uống các loại thuốc này vào những ngày ra nhiều máu.

Các loại thuốc khác

Ngoài các loại thuốc kể trên, bác sĩ có thể sẽ còn kê thêm các loại thuốc khác, ví dụ như thuốc tránh thai đường uống để kiểm soát mức độ ra máu kinh nhưng thuốc tránh thai không có tác dụng làm giảm kích thước u xơ. Ngoài ra, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) cũng thường được sử dụng nhằm làm dịu các cơn đau do u xơ tử cung nhưng lại không có tác dụng giảm mức độ ra máu. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể sẽ chỉ định uống bổ sung vitamin và sắt nếu bị ra nhiều máu và thiếu máu.

Thủ thuật không xâm lấn

U xơ tử cung có thể được điều trị bằng phương pháp FUS-MRI. Đây là một giải pháp điều trị u xơ tử cung không xâm lấn, không cần cắt rạch và nhanh chóng, người bệnh có thể ra về ngay sau khi hoàn thành. Phương pháp này được thực hiện bằng máy chụp cộng hưởng từ MRI có gắn đầu dò siêu âm cường độ cao. Hình ảnh hiển thị giúp bác sĩ xác định được vị trí chính xác của khối u. Khi vị trí của u xơ được xác định, đầu dò siêu âm sẽ tập trung sóng âm thanh để làm nóng và tiêu diệt khối u.

FUS-MRI là một phương pháp điều trị u xơ tử cung an toàn và hiệu quả.

Thủ thuật xâm lấn tối thiểu

Một số phương pháp xâm lấn tối thiểu nhằm tiêu diệt khối u xơ gồm có:

Nút mạch u xơ tử cung

Tiêm các hạt nhỏ vào động mạch cung cấp máu cho tử cung nhằm cắt đứt nguồn máu nuôi dưỡng khối u, khiến chúng co lại và chết đi.

Phương pháp này có tác dụng thu nhỏ u xơ tử cung và làm giảm các triệu chứng mà chúng gây ra. Tuy nhiên, nút mạch u xơ tử cung lại có rủi ro là có thể ảnh hưởng cả các mạch máu dẫn đến buồng trứng hoặc các cơ quan khác và gây nên biến chứng.

Đốt u xơ bằng sóng cao tần

Phương pháp này sử dụng năng lượng tần số vô tuyến (radiofrequency) để phá hủy các khối u xơ và thu nhỏ các mạch máu nuôi dưỡng chúng. Quy trình này có thể được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi hoặc qua cổ tử cung.

Với phương pháp đốt u xơ bằng kỹ thuật nội soi, bác sĩ sẽ rạch hai đường nhỏ ở bụng để đưa ống nội soi vào cơ thể. Nhờ máy ảnh có gắn ở ống nội soi và dụng cụ siêu âm, bác sĩ sẽ xác định được vị trí u xơ cần xử lý.

Sau khi xác định vị trí u xơ, bác sĩ sử dụng một thiết bị chuyên dụng để đưa các kim nhỏ vào khối u. Các kim này làm nóng mô xơ và phá hủy khối u. Khối u bị phá hủy sẽ ngay lập tức thay đổi kết cấu từ cứng sang mềm. Trong từ 3 đến 12 tháng tiếp theo, khối u xơ sẽ tiếp tục co lại và các triệu chứng được cải thiện.

Do không cần cắt mô tử cung nên phương pháp này được coi là giải pháp thay thế ít xâm lấn hơn cho phương pháp phẫu thuật cắt tử cung hay cắt u xơ tử cung. Hầu hết phụ nữ đốt u xơ bằng kỹ thuật nội soi đều có thể hoạt động trở lại bình thường sau từ 5 đến 7 ngày phục hồi.

Phương pháp đốt u xơ bằng sóng cao tần qua cổ tử cung cũng sử dụng sóng siêu âm để xác định vị trí u xơ.

Cắt u xơ qua nội soi ổ bụng hoặc phẫu thuật bằng robot

Với phương pháp phẫu thuật cắt u xơ tử cung, bác sĩ sẽ chỉ loại bỏ khối u và giữ lại tử cung.

Nếu số lượng khối u ít thì có thể phẫu thuật bằng phương pháp nội soi ổ bụng hoặc dùng robot, hay nói một cách đơn giản là sử dụng các dụng cụ mảnh đưa vào qua các đường rạch nhỏ ở bụng để loại bỏ u xơ.

Đối với khối u kích thước lớn thì có thể cắt khối u thành nhiều mảnh nhỏ và lấy ra ngoài qua đường rạch ngắn hoặc tạo đường rạch dài và lấy toàn bộ khối u.

Camera nhỏ gắn ở ống nội soi cho phép bác sĩ quan sát hình ảnh ổ bụng qua màn hình hiển thị.

Phẫu thuật cắt u xơ bằng robot cung cấp hình ảnh 3D, phóng đại của tử cung, nhờ đó mà có độ chính xác và linh hoạt cao hơn so với một số kỹ thuật khác.

Cắt u xơ qua nội soi tử cung:

Kỹ thuật này thường được sử dụng khi u xơ hình thành bên trong tử cung (dưới niêm mạc). Bác sĩ đưa dụng cụ nội soi qua âm đạo và cổ tử cung vào tử cung nhằm tiếp cận và loại bỏ u xơ.

Cắt bỏ nội mạc tử cung

Phương pháp này được thực hiện bằng một dụng cụ chuyên dụng, được đưa vào tử cung, sau đó sử dụng năng lượng nhiệt, vi sóng, nước nóng hoặc dòng điện để phá hủy niêm mạc tử cung, có thể dẫn đến kết quả là làm ngừng kinh nguyệt hoặc giảm lượng máu trong kỳ kinh.

Thông thường, phương pháp này được sử dụng cho những trường hợp bị ra máu bất thường. U xơ sẽ được loại bỏ tại thời điểm nội soi tử cung nhưng phương pháp này không có tác dụng đối với u xơ hình thành ở bên ngoài niêm mạc tử cung.

Sau khi cắt bỏ nội mạc tử cung, phụ nữ cần có biện pháp tránh thai để ngăn ngừa phôi thai bám vào ống dẫn trứng (thai ngoài tử cung).

Vì tất cả các phương pháp phẫu thuật trên đều không cắt bỏ tử cung nên sẽ có nguy cơ hình thành u xơ mới và tiếp tục gây ra các triệu chứng.

Phẫu thuật truyền thống

Các phương pháp phẫu thuật truyền thống để điều trị u xơ tử cung gồm có:

Phẫu thuật cắt u xơ qua thành bụng

Trong những trường hợp có nhiều u xơ, u xơ có kích thước lớn hoặc bám sâu trong tử cung thì sẽ cần phẫu thuật cắt u xơ qua đường mổ trên thành bụng để loại bỏ khối u.

Đôi khi, phương pháp này có thể thay thế cho phẫu thuật cắt tử cung nhưng sẹo sau phẫu thuật có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai trong tương lai.

Cắt tử cung

Đây vẫn là giải pháp duy nhất cho hiệu quả vĩnh viễn trong số tất cả các phương pháp điều trị u xơ tử cung. Tuy nhiên, cắt tử cung đồng nghĩa với việc người đó sẽ không thể mang thai được nữa. Nếu như còn cắt bỏ cả buồng trứng thì người bệnh sẽ bước vào thời kỳ mãn kinh sớm và có thể cần tiến hành liệu pháp hormone thay thế. Hầu hết phụ nữ bị u xơ tử cung đều có thể chọn giữ lại buồng trứng.

Biến chứng

Mặc dù u xơ tử cung thường không nguy hiểm nhưng vẫn gây khó chịu và có thể dẫn đến các biến chứng như giảm số lượng hồng cầu (thiếu máu), gây mệt mỏi và mất máu nặng. Đôi khi, người bệnh còn phải truyền máu do mất máu.

Nguy cơ hình thành u xơ mới

Khi điều trị bằng bất cứ phương pháp nào khác ngoài phẫu thuật cắt tử cung thì đều sẽ có khả năng bác sĩ không phát hiện và để sót những khối u có kích thước nhỏ. Cuối cùng, những khối u này có thể tiếp tục to lên và gây ra các triệu chứng cần điều trị. Đôi khi, các khối u xơ mới cũng có thể hình thành sau điều trị.

Ngoài ra, một số thủ thuật, chẳng hạn như cắt u xơ qua nội soi ổ bụng hoặc phẫu thuật bằng robot, đốt bằng sóng cao tần, FUS-MRI chỉ có thể xử lý một vài trong số các khối u xơ có mặt tại thời điểm điều trị.

Mang thai và u xơ tử cung

U xơ tử cung thường không ảnh hưởng đến việc mang thai. Tuy nhiên, đôi khi u xơ tử cung, đặc biệt là u xơ dưới niêm mạc, có thể gây vô sinh hoặc sảy thai.

U xơ tử cung cũng có thể làm tăng nguy cơ xảy ra một số biến chứng nhất định trong thai kỳ, chẳng hạn như bong nhau non, sự phát triển của thai nhi bị hạn chế và sinh non.

Phòng ngừa

Vì vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân cụ thể gây u xơ tử cung nên vẫn chưa có cách nào ngăn ngừa nhưng cũng chỉ có một số ít trường hợp u xơ tử cung cần điều trị.

Bằng cách duy trì một lối sống lành mạnh, chẳng hạn như giữ cân nặng bình thường và ăn nhiều trái cây, rau xanh, bạn có thể giảm nguy cơ u xơ tử cung.

Ngoài ra, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các biện pháp tránh thai nội tiết cũng giúp làm giảm nguy cơ u xơ tử cung.

Tiên lượng khi bị u xơ tử cung

Tiên lượng bệnh phụ thuộc vào kích thước và vị trí của u xơ trong tử cung. Nếu u xơ chỉ có kích thước nhỏ và không gây ra triệu chứng thì có thể không cần điều trị.

Nếu bạn đang mang thai và bị u xơ tử cung thì bác sĩ sẽ theo dõi cẩn thận hơn mặc dù trong hầu hết các trường hợp thì u xơ tử cung không gây ra bất kỳ vấn đề gì trong thai kỳ. Nếu bạn đang bị u xơ tử cung và đang có ý định mang thai thì cũng nên nói chuyện với bác sĩ.

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 8 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Video U Xơ Tử Cung
U XƠ TỬ CUNG KHI MANG THAI! U XƠ TỬ CUNG KHI MANG THAI! 02:15
U XƠ TỬ CUNG KHI MANG THAI!
2 năm trước
·
583 Lượt xem

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây