Nguyên Nhân Nào Gây Ngứa Vùng Kín Trước Kỳ Kinh Nguyệt?
Nội dung chính của bài viết:
- Ngứa ngáy trước và trong kỳ kinh nguyệt là hiện tượng tương đối phổ biến và thường thì không có gì phải lo lắng.
- Có nhiều nguyên nhân gây ngứa âm đạo và âm hộ khi đến ngày đèn đỏ, bao gồm: nhiễm trùng nấm men; nhiễm khuẩn âm đạo; trichomonas; do kích ứng; rối loạn tiền kinh nguyệt.
- Đa phần hiện tượng ngứa âm hộ trước, trong và sau kỳ kinh nguyệt có thể điều trị được tại nhà.
- Tuy nhiên, nếu nghi ngờ mình bị nhiễm trùng hoặc nếu tình trạng ngứa không giảm hay còn đi kèm những triệu chứng khác thì tốt nhất là nên đi khám bác sĩ.
Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ngứa ngáy âm đạo và âm hộ khi đến ngày đèn đỏ.
Nhiễm trùng nấm men
Không ít phụ nữ bị nhiễm trùng nấm men hay viêm âm đạo do nấm theo chu kỳ. Viêm âm hộ – âm đạo theo chu kỳ là tình trạng với các triệu chứng là nóng rát và ngứa ngáy ở âm hộ và/hoặc bên trong âm đạo xảy ra vào cùng một giai đoạn trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Một số người gặp phải tình trạng này trước hoặc trong thời gian có kinh nguyệt. Các triệu chứng có thể càng trở nên nặng hơn sau khi quan hệ tình dục.
Viêm âm hộ - âm đạo theo chu kỳ là do nhiễm trùng nấm men gây ra mà thường là do nấm Candida phát triển quá mức. Candida là loại nấm có tự nhiên trong âm đạo nhưng bình thường vẫn được kiểm soát bởi Lactobacillus hay vi khuẩn có lợi trong âm đạo.
Trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, nồng độ hormone có sự dao động. Điều này làm thay đổi sự cân bằng độ pH của âm đạo, từ đó ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn tự nhiên. Khi vi khuẩn bị yếu thế, nấm Candida sẽ phát triển vượt tầm kiểm soát.
Ngoài ngứa, các triệu chứng khác của nhiễm nấm âm đạo còn có:
- Sưng đỏ quanh âm đạo
- Nóng rát khi đi tiểu hoặc sau khi quan hệ tình dục
- Đau đớn
- Nổi mẩn
- Dịch tiết âm đạo (khí hư) có màu trắng xám và vón cục giống như óc đậu
Tình trạng nhiễm trùng nấm men có thể được điều trị bằng thuốc kháng nấm dạng bôi hoặc dạng uống không kê đơn. Nhưng tốt nhất là đi khám bác sĩ nếu thường xuyên có các triệu chứng nêu trên.
Nhiễm khuẩn âm đạo
Nhiễm khuẩn âm đạo hay viêm âm đạo do vi khuẩn, có nhiều triệu chứng giống như nhiễm trùng nấm men. Sự khác biệt rõ rệt nhất là nhiễm khuẩn âm đạo thường khiến vùng kín có mùi tanh giống như cá.
Ngoài ra, trong khi nhiễm trùng nấm men thường có biểu hiện là dịch tiết màu trắng hoặc xám thì nhiễm khuẩn âm đạo thường gây hiện tượng dịch tiết màu xanh, vàng hoặc xám. Các triệu chứng khác của nhiễm khuẩn âm đạo còn có đau, cảm giác nóng rát khi đi tiểu và ngứa ngáy âm đạo.
Nhiễm khuẩn âm đạo có thể lây từ người này sang người khác nếu dùng chung các món đồ tiếp xúc với vùng kín như quần lót hay đồ chơi tình dục. Nguyên nhân gây ra vấn đề này cũng có thể là do thói quen thụt rửa. Giống như nhiễm trùng nấm men, nhiễm khuẩn âm đạo cũng có thể xảy ra do sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai hoặc có kinh nguyệt. Vì vậy nếu bạn thường xuyên bị ngứa khi đến kỳ thì thủ phạm có thể là nhiễm khuẩn âm đạo.
Khi có các triệu chứng nhiễm khuẩn âm đạo thì cần đi khám bác sĩ ngay lập tức vì cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Trichomonas
Khi gặp tình trạng âm hộ hoặc âm đạo bị ngứa thì các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI) có thể là nguyên nhân. Trichomonas, hay còn gọi là trich, là một bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục rất phổ biến, do trùng roi âm đạo (trichomonas vaginalis) gây ra và một trong các triệu chứng là ngứa ngáy vùng kín. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC, có 3.7 triệu người ở Hoa Kỳ bị nhiễm trichomonas vào một thời điểm nào đó trong đời.
Các triệu chứng khi bị trichomonas thường xuất hiện sau khoảng từ 5 đến 28 ngày kể từ khi nhiễm bệnh. Tuy nhiên, theo CDC thì chỉ có 30% những người mắc bệnh trichomonas có triệu chứng. Ngoài ngứa ngáy, các triệu chứng khác khi nhiễm trichomonas còn có:
- Nóng rát và đau, đặc biệt là khi đi tiểu hoặc khi quan hệ tình dục
- Dịch tiết âm đạo có mùi tanh, màu trắng, vàng, xanh hoặc xám và có bọt
- Chảy máu âm đạo hoặc ra máu nhỏ giọt
- Âm hộ sưng đỏ
- Đi tiểu thường xuyên
Trichomonas là bệnh có thể chữa khỏi được bằng thuốc kháng sinh. Nếu nghi ngờ mình bị nhiễm trichomonas thì cần đi khám bác sĩ để được kê thuốc điều trị.
Kích ứng
Nếu bạn thường cảm thấy ngứa trong kỳ kinh thì nguyên nhân có thể đến từ băng vệ sinh hoặc tampon. Những sản phẩm này có thể được làm từ chất liệu hoặc chứa thành phần gây kích ứng và dẫn đến hiện tượng nổi mẩn đỏ.
Tampon còn có thể gây khô âm đạo và dẫn đến ngứa ngáy. Để tránh xảy ra những vấn đề này thì phải thay băng vệ sinh/tampon thường xuyên và tránh sử dụng những sản phảm có độ thấm hút cao, trừ khi thực sự cần thiết. Tốt nhất nên chọn băng vệ sinh thay vì tampon.
Bên cạnh băng vệ sinh và tampon thì phụ nữ còn một lựa chọn khác an toàn hơn để sử dụng vào ngày đèn đỏ, đó là cốc nguyệt san.
Các sản phẩm vệ sinh khác cũng có thể khiến âm hộ và âm đạo bị ngứa, ví dụ như xà phòng thơm, gel bôi trơn và dung dịch thụt rửa do những sản phẩm này có thể ảnh hưởng đến độ pH của âm đạo. Mùi hương và thành phần trong những sản phẩm này có thể gây kích ứng cho làn da nhạy cảm ở vùng kín. Điều này sẽ dẫn đến các triệu chứng ngứa ngáy và khó chịu.
Lưu ý, chỉ nên vệ sinh vùng bên ngoài của “cô bé” bằng nước khi tắm là đủ. Không cần phải làm sạch bên trong âm đạo, kể cả với nước vì âm đạo có khả năng tự làm sạch một cách tự nhiên. Nếu muốn sử dụng các sản phẩm vệ sinh cho vùng kín thì cần chọn những sản phẩm dịu nhẹ, không màu, không mùi nhưng điều này là không cần thiết.
Rối loạn tiền kinh nguyệt
Rối loạn tiền kinh nguyệt (premenstrual dysphoric disorder) là một nhóm các triệu chứng cả về thể chất và tinh thần bắt đầu khoảng một tuần trước khi có kinh nguyệt và có thể kéo dài đến cuối kỳ kinh. Các triệu chứng cũng tương tự như hội chứng tiền kinh nguyệt nhưng nghiêm trọng hơn. Các triệu chứng về tâm lý, cảm xúc của rối loạn tiền kinh nguyệt gồm có:
- Phiền muộn
- Lo âu
- Dễ tức giận và cáu kỉnh
- Tâm trạng thay đổi thất thường
- Dễ khóc vì những lý do nhỏ nhặt
- Hoảng loạn
- Xuất hiện nhiều suy nghĩ tiêu cực, thậm chí là ý định tự tử
Các triệu chứng về thể chất gồm có:
- Đau bụng
- Buồn nôn, tiêu chảy và nôn ói
- Vú căng đau, nhạy cảm
- Đau nhức cơ hoặc khớp
- Mệt mỏi
- Da dầu, nổi mụn trứng cá
- Khó ngủ
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Ngứa ngáy
Nếu bạn nghi ngờ mình bị rối loạn tiền kinh nguyệt thì nên đi khám bác sĩ để được hướng dẫn các phương pháp điều trị.
Các triệu chứng khác
Nếu còn có các triệu chứng dưới đây đi kèm với ngứa khi đến kỳ kinh nguyệt thì nên đi khám bác sĩ:
- Dịch tiết âm đạo màu xanh, vàng hoặc trắng xám
- Dịch tiết âm đạo vón cục giống như phô mai hoặc có bọt
- Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu hoặc khi quan hệ tình dục
- Sưng âm hộ
- Dịch tiết có mùi hôi hoặc mùi tanh khó chịu
Chẩn đoán nguyên nhân
Dù là bất kỳ vấn đề nào thì cũng cần đi khám bác sĩ để chẩn đoán nguyên nhân. Trong những trường hợp nhiễm trùng nấm men thì bác sĩ có thể dễ dàng chẩn đoán bằng cách đánh giá triệu chứng. Hoặc bác sĩ cũng có thể sẽ dùng tăm bông vô trùng lấy mẫu mô bên trong âm đạo và gửi đến phòng thí nghiệm để xác nhận có phải là nhiễm trùng nấm men hay không và xác định loại nấm gây nhiễm trùng.
Trong trường hợp nhiễm khuẩn âm đạo thì bác sĩ cũng sẽ dùng phương pháp tương tự rồi phân tích dưới kính hiển vi và xác định loại vi khuẩn.
Bệnh trichomonas cần được chẩn đoán bằng cách kiểm tra mẫu dịch âm đạo chứ không thể đưa ra chẩn đoán chỉ dựa trên các triệu chứng.
Biện pháp khắc phục tại nhà
Có một số biện pháp khắc phục tại nhà để làm giảm tình trạng ngứa ngáy trước và trong thời kỳ kinh nguyệt, ví dụ như:
- Mặc đồ lót cotton rộng rãi, tránh mặc quần jean, quần bó sát và quần lót làm bằng chất liệu tổng hợp
- Không thụt rửa và chỉ vệ sinh bên ngoài vùng kín bằng nước hoặc những sản phẩm không có mùi thơm
- Vệ sinh vùng kín bằng baking soda
- Sử dụng băng vệ sinh hoặc tampon không mùi hoặc cốc nguyệt san
Khi bị ngứa, bạn có thể sử dụng kem hydrocortisone nhưng chỉ được bôi ngoài da chứ không được đưa vào âm đạo.
Nếu bị nhiễm trùng nấm men thì các triệu chứng sẽ được cải thiện đáng kể sau khi sử dụng các loại kem và thuốc chống nấm không kê đơn. Ngoài ra còn có một số biện pháp khắc phục tại nhà khi bị nhiễm trùng nấm men mà bạn có thể thử, ví dụ như:
- Uống men vi sinh để tăng cường lợi khuẩn, cân bằng hệ vi sinh vật tự nhiên trong âm đạo
- Sử dụng viên đặt âm đạo có chứa tinh dầu tràm trà (tea tree oil)
- Pha loãng nửa cốc giấm táo vào bồn tắm và ngâm trong 20 phút
Nếu tình trạng nhiễm trùng nấm men tái đi tái lại nhiều lần thì sẽ cần đi khám bác sĩ để được kê đơn thuốc mạnh hơn nhằm tiêu diệt nấm.
Khi nào cần đi khám?
Mặc dù các biện pháp khắc phục tại nhà có thể làm giảm hiện tượng ngứa ngáy trước và trong thời gian có kinh nguyệt nhưng tốt nhất vẫn nên đi khám bác sĩ nếu nghi ngờ bị nhiễm khuẩn âm đạo, các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục hoặc nhiễm trùng nấm men tái phát vì những vấn đề này cần được điều trị bằng thuốc theo đơn của bac sĩ.
Bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu bị ngứa dữ dội hoặc tình trạng không có cải thiện khi tự điều trị tại nhà.
Nếu bạn nghi ngờ mình bị rối loạn tiền kinh nguyệt thì cần đi khám ngay để điều trị sớm và tránh những vấn đề tiêu cực tiếp tục xảy ra trong những kỳ kinh sau.
Trên đây là những chia sẻ của chuyên gia phụ khoa về vấn đề "Nguyên nhân gây ra hiện tượng ngứa vùng kín trước kỳ kinh nguyệt". Hy vọng giúp chị em có thêm những kiến thức, thông tin cần thiết để chăm sóc sức khỏe bản thân mình tốt hơn.
>>> Xem thêm bài viết: Ngứa Vùng Kín Xuất Hiện Do Những Nguyên Nhân Nào?
Có nhiều nguyên nhân gây ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt. Một số trong đó là những nguyên nhân vô hại nhưng cũng có những nguyên nhân cần can thiệp điều trị kịp thời.
Nguyên nhân kinh nguyệt đến sớm từ đâu? Thi thoảng kinh nguyệt đến sớm hơn bình thường không phải điều gì đáng lo ngại. Bạn đừng quá lo lắng, hãy tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm chi tiết nhé!
Nồng độ hormone hay nội tiết tố dao động trong chu kỳ kinh nguyệt sẽ gây ra nhiều thay đổi ở cơ thể. Ngoài những biểu hiện như đau bụng hay đau mỏi thắt lưng, nhiều phụ nữ còn gặp phải các cơn đau đầu trong những ngày đèn đỏ.
Nếu kinh nguyệt thường kéo dài 5 hoặc 6 ngày và đột nhiên bị rút ngắn xuống còn 2 ngày thì có thể là do những nguyên nhân như thay đổi trong cuộc sống, mới dùng biện pháp kiểm soát sinh sản hoặc bị căng thẳng.
Nguyên nhân gây chóng mặt trước kỳ kinh là gì? Hội chứng tiền kinh nguyệt, rối loạn tiền kinh nguyệt và đau bụng kinh là những nguyên nhân phổ biến nhất.