1

Tiền mãn kinh ảnh hưởng đến kinh nguyệt như thế nào?

Những thay đổi của thời kỳ tiền mãn kinh diễn ra không theo quy luật nên sẽ có ảnh hưởng đến sự rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng.
Tiền mãn kinh ảnh hưởng đến kinh nguyệt như thế nào? Tiền mãn kinh ảnh hưởng đến kinh nguyệt như thế nào?

Nội dung chính của bài viết:

  • Khoảng thời gian trước khi mãn kinh được gọi là tiền mãn kinh.
  •  Phụ nữ sẽ gặp phải các hiện tượng như chu kỳ kinh nguyệt bất thường, ra máu màu sẫm hoặc lỡ kinh nguyệt trong giai đoạn tiền mãn kinh.
  • Tiền mãn kinh không phải là lý do duy nhất gây kinh nguyệt không đều mà còn có thể là do các vấn đề khác. Nếu thấy hiện tượng chảy máu bất thường thì cần đi khám bác sĩ vì có thể đó là dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn. 

Tiền mãn kinh và chu kỳ kinh nguyệt

Mãn kinh là giai đoạn đánh dấu sự kết thúc của chu kỳ kinh nguyệt. Khi không có kinh nguyệt trong 12 tháng liên tiếp thì bạn đã bước vào thời kỳ mãn kinh. Mãn kinh thường diễn ra trong độ tuổi từ 45 đến 55 nhưng cũng có thể sớm hơn hoặc muộn hơn.

Các triệu chứng tiền mãn kinh có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm và thậm chí có thể lên đến 10 năm. Trong thời gian này, nồng độ các hormone sinh dục nữ estrogen và progesterone có sự thay đổi, biến động tăng giảm liên tục. Phụ nữ sẽ gặp phải các hiện tượng như chu kỳ kinh nguyệt bất thường hoặc lỡ kinh nguyệt.

Ngoài ra, các triệu chứng khác cũng có thể xảy ra trong thời kỳ tiền mãn kinh còn có:

  • Bốc hỏa
  • Đổ mồ hôi về đêm
  • Vú nhạy cảm
  • Người mệt mỏi
  • Khó ngủ
  • Hay quên
  • Khó tiểu
  • Khô âm đạo
  • Giảm ham muốn tình dục

Dưới đây là những thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt mà bạn có thể gặp phải trong thời kỳ tiền mãn kinh và những cách khắc phục.

1. Ra máu giữa chu thời kỳ

Nếu bạn phát hiện thấy có máu trên đồ lót trong khoảng thời gian sau khi kết thúc kỳ kinh trước và trước khi đến kỳ kinh sau và lượng máu không nhiều đến mức phải dùng đến băng vệ sinh thì đây có thể là kết quả do sự thay đổi hormone và hiện tượng nội mạc tử cung dày lên.

Nhiều phụ nữ gặp phải hiện tượng ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt này. Ra máu quanh thời điểm rụng trứng cũng là một hiện tượng phổ biến.

Nếu bị ra máu cách hai tuần một lần và xảy ra đều đặn thì đó thường là dấu hiệu của sự mất cân bằng nội tiết tố. Bạn nên đi khám để được bác sĩ kiểm tra.

Cách khắc phục

Nên ghi lại chu kỳ kinh nguyệt mỗi tháng vào một cuốn sổ để tiện theo dõi, bao gồm các thông tin như: thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc, kéo dài bao lâu, ra máu nhiều hay ít và cả hiện tượng ra máu giữa chu kỳ. Hoặc bạn cũng có thể sử dụng các ứng dụng theo dõi kỳ kinh nguyệt trên điện thoại.

Ngoài ra, nếu thường xuyên bị ra máu giữa chu kỳ thì nên căn thời gian và mang băng vệ sinh để tránh làm bẩn quần.

2. Ra máu nhiều bất thường

Khi nồng độ estrogen tăng cao hơn so với nồng độ progesterone thì niêm mạc tử cung sẽ dày lên. Điều này dẫn đến hiện tượng ra máu kinh nhiều hơn khi lớp niêm mạc bong ra.

Lỡ kinh nguyệt cũng là nguyên nhân khiến cho lớp niêm mạc tử cung dày hơn bình thường và gây ra máu nhiều.

Máu kinh được coi là nhiều nếu như:

  • Thấm qua một tampon hoặc tràn qua băng vệ sinh chỉ trong vòng 1 – 2 tiếng.
  • Cần phải thay băng vệ sinh hoặc tampon trong khi ngủ
  • Kinh nguyệt kéo dài quá 7 ngày

Khi ra máu nặng thì thường mỗi lần có kinh nguyệt hàng tháng cũng kéo dài hơn và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Ra máu nhiều còn khiến cho cơ thể mệt mỏi và tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác, như thiếu máu.

Cần làm gì?

Có thể dùng thuốc giảm đau ibuprofen khi có kinh nguyệt để giảm đau bụng kinh. Ngoài ra, khi bị ra nhiều máu, loai thuốc giảm đau này còn giúp làm giảm lượng máu đi tới 30%. Nên dùng 200mg sau 4 đến 6 tiếng.

Nếu vẫn bị co thắt và đau đớn thì có thể đi khám bác sĩ để được kê các loại thuốc điều trị nội tiết tố.

3. Máu sẫm màu

Thông thường, máu kinh có màu từ đỏ tươi đến màu nâu sẫm, đặc biệt là vào những ngày cuối. Máu có màu nâu hoặc sẫm màu là máu kinh ứ đọng thoát ra ngoài cơ thể.

Phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh có thể còn gặp hiện tượng ra máu nhỏ giọt hoặc dịch tiết màu nâu sau khi đã hết kinh nguyệt.

Ngoài ra, dịch tiết âm đạo cũng có sự thay đổi. Dịch tiết có thể lỏng như nước hoặc cũng có thể lợn cợn và đặc.

Cần làm gì?

Nếu bạn cảm thấy lo lắng về hiện tượng máu sẫm màu thì có thể đi khám để bác sĩ kiểm tra. Màu sắc máu kinh thường phụ thuộc vào thời gian mà máu chảy ra ngoài cơ thể, ví dụ khi lượng máu ít thì sẽ mất nhiều thời gian hơn để thoát ra khỏi cơ thể và bị oxy hóa, dẫn đến sẫm màu. Nhưng đôi khi đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn khác. Nếu dịch tiết âm đạo có mùi hôi tanh khó chịu thì đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng âm đạo và cần đi khám bác sĩ phụ khoa để kiểm tra

4. Kỳ kinh ngắn hơn

Khi nồng độ estrogen ở mức thấp, niêm mạc tử cung sẽ mỏng hơn. Do đó dẫn đến hiện tượng ra ít máu hơn và cũng nhanh hết hơn, có thể hết kinh sớm hơn hai đến ba ngày so với bình thường. Kỳ kinh ngắn là điều phổ biến trong giai đoạn đầu của tiền mãn kinh.

Ngoài ra, chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể rút ngắn xuống còn hai hoặc ba tuần thay vì 4 tuần tiêu chuẩn.

Cần làm gì?

Nếu thời gian giữa các kỳ kinh ngắn hơn bình thường thì nên theo dõi để có cách chuẩn bị trước. Nếu mỗi lần có kinh chỉ ra ít máu và nhanh hết thì chỉ nên dùng các loại băng vệ sinh mỏng, không nên dùng tampon và cốc nguyệt san vì việc đưa những dụng cụ này vào âm đạo sẽ hơi khó khăn hoặc gây đau rát do thiếu dịch bôi trơn. Ngoài ra, có thể bạn sẽ quên thay tampon hoặc cốc nguyệt san và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

5. Chu kỳ dài hơn

Trong những năm cuối của thời kỳ tiền mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt có thể trở nên dài hơn, có nghĩa là mỗi lần có kinh cách xa nhau và cũng kéo dài nhiều ngày hơn. Chu kỳ dài là chu kỳ từ 36 ngày trở lên.

Cần làm gì?

Nếu mỗi lần có kinh kéo dài thì nên đầu tư mua cốc nguyệt san. Bên cạnh đó, nên theo dõi chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng để áng chừng ngày có kinh và mang sẵn băng vệ sinh đề phòng.

6. Lỡ kinh nguyệt

Nồng độ hormone thay đỏi thất thường còn có thể gây lỡ kinh nguyệt, có nghĩa là một hoặc vài tháng không có kinh. Thậm chí có những trường hợp lỡ kinh nguyệt nhiều tháng liền, các kỳ kinh cách xa nhau đến mức không thể nhớ được kỳ kinh gần nhất là lúc nào. Khi bị lỡ kinh nguyệt 12 tháng liên tiếp thì bạn đã bước sang giai đoạn mãn kinh.

Nhưng nếu sau một thời gian lại có kinh nguyệt trở lại thì có nghĩa là sự rụng trứng vẫn đang diễn ra và bạn vẫn còn có khả năng mang thai.

Cần làm gì?

Việc đều đặn bị lỡ kinh nguyệt một hai tháng rồi có lại là hiện tượng thường không đáng lo ngại. Nhưng nếu bị lỡ nhiều tháng liên tiếp thì nên thử thai để xem có phải mang thai không hay sắp chuyển sang giai đoạn mãn kinh.

Các dấu hiệu sớm khi mang thai còn có:

  • Buồn nôn
  • Vú căng và nhạy cảm
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Thính giác nhạy hơn bình thường
  • Ợ nóng
  • Mệt mỏi không rõ nguyên nhân
  • Thay đổi tâm trạng thất thường
  • Mùi nước tiểu nồng
  • Thèm ăn

Để chắc chắn thì sau khi thử thai tại nhà, bạn có thể đến bệnh viện làm xét nghiệm. Bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm máu để xác định xem các triệu chứng bạn đang gặp phải là do tiền mãn kinh, mãn kinh hay mang thai.

Nếu bạn không mang thai và không muốn có con thì hãy sử dụng biện pháp tránh thai mỗi khi quan hệ tình dục vì khả năng sinh sản chỉ kết thúc khi mãn kinh.

7. Rối loạn kinh nguyệt

Ngoài các hiện tượng như chu kỳ dài, chu kỳ ngắn, ra máu giữa kỳ kinh, ra máu nhiều, ít hơn bình thường… chu kỳ kinh nguyệt trong giai đoạn tiền mãn kinh cũng có thể trở nên rối loạn, có nghĩa là tháng dài tháng ngắn, tháng ra nhiều tháng ra ít, đặc biệt là khi đến gần thời kỳ mãn kinh. Điều này gây bất tiện, cơ thể mệt mỏi và rất khó theo dõi.

Cần làm gì?

  • Mặc đồ lót màu đen để tránh máu kinh ra bất ngờ gây ố quần.
  • Mang sẵn băng vệ sinh để tránh ra máu bất thường hay ra máu giữa kỳ kinh
  • Theo dõi kỳ kinh nguyệt bằng ứng dụng điện thoại hoặc lịch.
  • Để ý đến những hiện tượng ra máu bất thường, đau, khó chịu hoặc các triệu chứng khác mà bạn gặp phải.

Những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt mà bạn phải trải qua là một phần bình thường của quá trình chuyển đổi từ độ tuổi sinh sản sang tuổi mãn kinh. Ngay khi thời kỳ mãn kinh bắt đầu, bạn sẽ ngừng rụng trứng và ngừng kinh nguyệt.

Các nguyên nhân khác làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt

Tiền mãn kinh không phải là lý do duy nhất gây kinh nguyệt không đều mà còn có thể là do các vấn đề khác.

Vì kinh nguyệt của phụ nữ thường không đều trong giai đoạn tiền mãn kinh nên cần chú ý hơn đến các triệu chứng bất thường khác như màu, kết cấu của khí hư hay cảm giác ngứa ngáy ở âm đạo. Nguy cơ xảy ra những vấn đề ở cơ quan sinh dục thường tăng cao trong và sau thời kỳ tiền mãn kinh.

Những nguyên nhân khiến phụ nữ bị ra máu âm đạo bất thường còn có:

  • Teo nội mạc tử cung: Estrogen thấp trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh có thể khiến cho các mô tử cung trở nên mỏng đi và gây ra máu bất thường.
  • Polyp tử cung: Đây là những vùng tăng trưởng mô lành tính phát triển bên trong tử cung và cổ tử cung. Polyp không phải lúc nào cũng gây ra các triệu chứng nhưng một số người lại gặp hiện tượng ra máu sau khi quan hệ.
  • Tăng sản nội mạc tử cung: Khi nồng độ estrogen trong cơ thể tăng quá cao mà không có đủ progesterone thì sẽ làm cho niêm mạc tử cung dày lên bất thường trong giai đoạn tiền mãn kinh và gây ra máu. Đây là triệu chứng phổ biến nhất của tăng sản nội mạc tử cung. Tăng sản nội mạc tử cung là vấn đề có thể điều trị được nhưng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
  • Ung thư tử cung: Ung thư tử cung xảy ra khi các tế bào bình thường trong tử cung trở nên bất thường và biến thành tế bào ung thư. Một trong các dấu hiệu của ung thư tử cung là ra máu nhiều hoặc ra máu sau mãn kinh.

Chế độ ăn

Một số thay đổi về chế độ ăn uống có thể giúp bạn duy trì sức khỏe và vượt qua khoảng thời gian tiền mãn kinh này một cách dễ dàng hơn.

Dưới đây là những lưu ý về chế độ ăn uống cho phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh:

  • Chế độ ăn uống đa dạng, bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe: Ở nhiều phụ nữ tiền mãn kinh, sự trao đổi chất bị chậm lại, gây ra tăng cân nhiều hơn bình thường. Do đó, nên duy trì chế độ ăn uống cân bằng, đa dạng, tránh ăn nhiều đồ dầu mỡ và bổ sung nhiều rau xanh cũng như là trái cây.
  • Bổ sung canxi và vitamin D: nên ăn nhiều loại thực phẩm giàu canxi và vitamin D trong chế độ ăn uống để ngăn ngừa loãng xương và gãy xương. Các loại thực phẩm giàu canxi gồm có sữa như phô mai, sữa chua và các loại rau lá xanh đậm,… và các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin D gồm có cá hồi, tôm, lòng đỏ trứng, nấm, hàu... Ngoài thực phẩm, bạn có thể sử dụng viên uống bổ sung.
  • Uống nhiều nước để tránh mất nước. Điều này còn giúp cải thiện tình trạng khô da và khô âm đạo.

Khi nào cần đi khám?

Trong một số trường hợp, chảy máu bất thường có thể là dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn.

Cần đi khám bác sĩ nếu bạn gặp phải hiện tượng:

  • Ra máu quá nhiều đến mức phải thay băng vệ sinh một tiếng một lần
  • Tình trạng ra máu kéo dài quá 7 ngày
  • Ra máu thường xuyên (không chỉ nhỏ giọt), khoảng cách giữa các lần chưa đến 3 tuần.

Khi đi khám, bác sĩ sẽ lấy bệnh sử và hỏi về các triệu chứng mà bạn gặp phải. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra vùng chậu và làm các xét nghiệm chẩn đoán, chẳng hạn như xét nghiệm máu, siêu âm hoặc sinh thiết, để phát hiện các vấn đề nghiêm trọng hơn.

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Phân biệt tiền mãn kinh và mãn kinh
Phân biệt tiền mãn kinh và mãn kinh

Cả tiền mãn kinh và mãn kinh đều là những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời người phụ nữ. Ở những giai đoạn này chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi xảy đến với cơ thể và không ít trong số đó có ảnh hưởng đến cuộc sống.

Các triệu chứng tiền mãn kinh kéo dài bao lâu?
Các triệu chứng tiền mãn kinh kéo dài bao lâu?

Ở mỗi phụ nữ, các triệu chứng tiền mãn kinh sẽ diễn ra trong khoảng thời gian khác nhau nhưng thường tồn tại trong suốt giai đoạn tiền mãn kinh và có thể kéo dài lên đến 7 năm sau mãn kinh.

Đau vú có phải là một dấu hiệu tiền mãn kinh?
Đau vú có phải là một dấu hiệu tiền mãn kinh?

Ngoài những triệu chứng như bốc hỏa hay người mệt mỏi, khi sắp mãn kinh, nhiều phụ nữ còn gặp hiện tượng ngực căng đau.

Vòng tránh thai nội tiết ảnh hưởng thế nào đến thời kỳ mãn kinh?
Vòng tránh thai nội tiết ảnh hưởng thế nào đến thời kỳ mãn kinh?

Rất nhiều phụ nữ còn chưa hiểu rõ về những gì có thể xảy ra trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh sau khi đặt vòng tránh thai nội tiết. Một số người cho rằng khi đặt loại vòng tránh thai này thì các dấu hiệu, triệu chứng tiền mãn kinh sẽ không còn biểu hiện rõ hoặc vòng tránh thai sẽ giúp phụ nữ cảm thấy dễ chịu hơn trong giai đoạn này. Liệu có đúng là như thế không?

Phân biệt dấu hiệu mang thai hay tiền mãn kinh
Phân biệt dấu hiệu mang thai hay tiền mãn kinh

Mang thai và giai đoạn tiền mãn kinh có chung rất nhiều biểu hiện giống nhau. Ở những phụ nữ từ 40 tuổi trở lên thì đôi khi sẽ khó mà phân biệt giữa dấu hiệu mang thai và triệu chứng tiền mãn kinh. Tuy nhiên, việc hiểu được sự khác biệt giữa những dấu hiệu này sẽ giúp bạn có thể nhận biết được mình đang trải qua điều gì.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây