Đái tháo đường type 1 và type 2 có gì khác nhau?
Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường
Mặc dù cùng được gọi là đái tháo đường nhưng đái tháo đường type 1 và type 2 là hai căn bệnh riêng biệt do những nguyên nhân khác nhau gây ra.
Bệnh đái tháo đường type 1 xảy ra do phản ứng tự miễn trong cơ thể và đa số khởi phát từ khi còn nhỏ hoặc ở độ tuổi thanh thiếu niên. Bệnh đái tháo đường type 2 phát triển từ từ trong nhiều năm và chủ yếu là do các yếu tố về lối sống như ít vận động hay thừa cân, béo phì. Loại đái tháo đường này thường được chẩn đoán ở người trưởng thành.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường type 1 không rõ ràng như đái tháo đường type 2 nhưng một trong những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ là tiền sử gia đình.
Nguyên nhân gây đái tháo đường type 1
Hệ miễn dịch có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi những “kẻ xâm lược” từ bên ngoài, chẳng hạn như virus và vi khuẩn có hại.
Bệnh đái tháo đường type 1 được cho là do phản ứng tự miễn gây ra. Ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 1, hệ miễn dịch nhầm lẫn các tế bào khỏe mạnh của cơ thể là những tác nhân gây hại. Hệ miễn dịch tấn công và phá hủy tế bào beta (tế bào sản xuất insulin) của tuyến tụy. Khi các tế bào beta này bị phá hủy, cơ thể sẽ không còn khả năng tạo ra insulin.
Các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được lý do tại sao hệ miễn dịch lại tấn công chính các tế bào khỏe mạnh của cơ thể nhưg tình trạng này có thể liên quan đến các yếu tố di truyền và môi trường, chẳng hạn như tiếp xúc với virus.
Nghiên cứu về các bệnh tự miễn hiện đang được tiến hành. Bệnh đái tháo đường type 1 không phải do chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt gây ra.
Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường type 2
Bệnh đái tháo đường type 2 bắt nguồn từ kháng insulin - tình trạng mà tuyến tụy vẫn sản xuất insulin nhưng các tế bào của cơ thể lại không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả.
Insulin là loại hormone giúp các tế bào lấy đường (glucose) từ máu và chuyển hóa đường thành năng lượng. Khi các tế bào phản ứng kém với insulin, đường sẽ không thể di chuyển vào tế bào mà ứ lại trong máu, dẫn đến lượng đường trong máu cao (tăng đường huyết). Để bù đắp, tuyến tụy sẽ tăng sản xuất insulin nhưng sau một thời gian, chức năng của tuyến tụy sẽ bị suy giảm và không còn tạo ra đủ lượng insulin cần thiết cho cơ thể nữa. Dần dần, điều này dẫn đến tiền đái tháo đường và cuối cùng là đái tháo đường type 2.
Chưa rõ nguyên nhân nào gây ra kháng insulin nhưng tình trạng này có thể một phần là do yếu tố về lối sống, chẳng hạn như lười vận động và thừa cân.
Các yếu tố về môi trường khác và yếu tố di truyền cũng có thể góp phần dẫn đến kháng insulin.
Bệnh đái tháo đường ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?
Có hai loại bệnh đái tháo đường chính là đái tháo đường type 1 và type 2.
Cả hai đều là những bệnh mãn tính ảnh hưởng đến cách cơ thể điều hòa lượng đường (glucose) trong máu. Glucose là nguồn năng lượng chính của các tế bào trong cơ thể nhưng để glucose đi vào tế bào thì cần phải có một chiếc chìa khóa và hormone insulin chính là chiếc chìa khóa đó.
Cơ thể của người mắc bệnh đái tháo đường type 1 không sản xuất insulin, có nghĩa là không có chìa khóa để glucose đi vào tế bào.
Ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 2, mặc dù cơ thể vẫn tạo ra insulin trong giai đoạn đầu nhưng các tế bào lại không đáp ứng tốt với insulin và sau một thời gian thì cơ thể không còn tạo đủ insulin nữa. Có thể ví insulin ở những người bị đái tháo đường type 2 như một chiếc chìa khóa bị hỏng.
Cả hai loại bệnh đái tháo đường đều có đặc trưng là lượng đường trong máu cao mãn tính. Điều đó làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường type 1 và type 2
Yếu tố nguy cơ của đái tháo đường type 1
Các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường type 1 không rõ ràng như đái tháo đường type 2.
Các yếu tố nguy cơ đã được xác định gồm có:
- Tiền sử gia đình: Những người có bố mẹ hoặc anh chị em ruột bị đái tháo đường type 1 có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Tuổi tác: Bệnh đái tháo đường type 1 có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Yếu tố nguy cơ của đái tháo đường type 2
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2:
- Bị tiền đái tháo đường hoặc lượng đường trong máu hơi cao so với bình thường
- Thừa cân hoặc béo phì
- Có nhiều mỡ bụng
- Ít hoạt động thể chất (tập thể dục dưới 3 lần/tuần)
- Trên 45 tuổi
- Có tiền sử đái tháo đường thai kỳ
- Từng sinh con nặng hơn 4kg
- Thuộc một số nhóm chủng tộc như người da đen, gốc tây ban nha hoặc la tinh, người da đỏ hoặc thổ dân alaska
- Có người thân trong gia đình bị đái tháo đường type 2
- Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang
Triệu chứng của bệnh đái tháo đường
Nếu không được kiểm soát, bệnh đái tháo đường type 1 và type 2 sẽ gây ra các triệu chứng như sau:
- Đi tiểu nhiều lần
- Thường xuyên cảm thấy khát và uống rất nhiều nước
- Thường xuyên cảm thấy đói cồn cào
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng
- Nhìn mờ
- Vết thương lâu lành
- Da khô
- Thường xuyên bị nhiễm trùng
Người mắc bệnh đái tháo đường type 1 hoặc type 2 còn bị thay đổi tâm trạng thất thường, dễ cáu kỉnh và sụt cân.
Triệu chứng tê bì tay chân ở bệnh nhân đái tháo đường
Những người mắc bệnh đái tháo đường type 1 hoặc type 2 có thể bị tê bì và châm chích ở bàn tay hoặc bàn chân. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), kiểm soát tốt đường huyết có thể làm giảm đáng kể nguy cơ gặp phải những vấn đề này ở người bị đái tháo đường type 1. (1)
Mặc dù đái tháo đường type 1 và type 2 có nhiều triệu chứng giống nhau nhưng các triệu chứng này biểu hiện theo những cách khác nhau.
Nhiều người mắc đái tháo đường type 2 không có triệu chứng trong suốt nhiều năm và các triệu chứng thường phát triển chậm trong một thời gian dài.
Một số người bị đái tháo đường type 2 hoàn toàn không có triệu chứng và do đó không biết mình mắc bệnh cho đến khi biến chứng phát sinh.
Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường type 1 phát triển nhanh chóng, thường là trong vòng vài tuần.
Bệnh đái tháo đường type 1 trước đây còn được gọi là đái tháo đường vị thành niên vì thường xảy ra ở trẻ nhỏ hoặc thiếu niên. Tuy nhiên loại đái tháo đường này cũng có thể xảy ra ở tuổi trưởng thành.
Điều trị bệnh đái tháo đường type 1 và type 2
Hiện chưa có cách chữa khỏi bệnh đái tháo đường type 1. Những người bị đái tháo đường type 1 không còn khả năng sản xuất insulin nên phải bổ sung insulin từ bên ngoài và phải đo đường huyết thường xuyên.
Insulin có thể được đưa vào cơ thể qua nhiều cách, gồm có tiêm và máy bơm insulin. Nếu chọn phương pháp tiêm, người bệnh sẽ phải chủ động tiêm nhiều lần trong ngày bằng bơm kim tiêm hoặc bút tiêm. Insulin thường được tiêm vào lớp mỡ dưới da ở bụng, cánh tay hoặc mông. Máy bơm insulin sẽ tự cung cấp một lượng insulin ổn định vào cơ thể thông qua một ống thông nhỏ.
Đo đường huyết thường xuyên là một phần quan trọng để kiểm soát bệnh đái tháo đường type 1 vì lượng đường trong máu có thể tăng giảm nhanh chóng.
Đái tháo đường type 2 có thể được kiểm soát và ngăn ngừa bằng chế độ ăn uống và tập thể dục. Nhưng nếu thay đổi lối sống là không đủ thì bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc giúp cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn.
Theo dõi lượng đường trong máu cũng là một phần không thể thiếu trong việc kiểm soát bệnh đái tháo đường type 2. Đó là cách duy nhất để biết phác đồ điều trị có hiệu quả hay không cũng như là để điều chỉnh chế độ ăn uống và thuốc cho phù hợp.
Nếu đường huyết vẫn ở mức cao dù đã dùng thuốc đường uống, bệnh nhân có thể sẽ phải dùng insulin.
Phòng ngừa bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường type 1 không thể ngăn ngừa được.
Có thể giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 bằng cách thực hiện một số thay đổi về lối sống, chẳng hạn như:
- Duy trì cân nặng vừa phải
- Giảm cân khoa học, lành mạnh nếu thừa cân
- Tăng cường hoạt động thể chất
- Ăn uống cân bằng, giảm lượng thức ăn có đường và thực phẩm chế biến sẵn
Ngay cả khi không thể phòng ngừa bệnh, việc điều trị đúng cách và theo dõi cẩn thận cũng sẽ giúp đưa lượng đường trong máu trở lại mức khỏe mạnh và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường.
Mức độ phổ biến của bệnh đái tháo đường
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, 37,3 triệu người dân Mỹ mắc bệnh đái tháo đường, có nghĩa là cứ 11 người thì có hơn 1 người bị căn bệnh này.
CDC ước tính có 8,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường mà chưa được chẩn đoán, tương đương khoảng 3,4% dân số trưởng thành.
Tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường tăng dần theo độ tuổi. Ở những người từ 65 tuổi trở lên, tỷ lệ này là 29,2%.
Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường của nam giới có cao hơn phụ nữ không?
Nam giới và phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tương đương nhau.
Tuy nhiên, ở Mỹ, tỷ lệ mắc bệnh này cao hơn ở một số chủng tộc nhất định.
Nghiên cứu cho thấy rằng điều này một phần là do các yếu tố về môi trường, chẳng hạn như khả năng tiếp cận đến nguồn thực phẩm tốt cho sức khỏe, giáo dục, y tế và tỷ lệ béo phì cao hơn – đây là một yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường type 2.
Người da đỏ và Alaska bản địa có tỷ lệ mắc đái tháo đường cao hơn gần như gấp ba lần so với người da trắng không phải gốc Latinh và Tây Ban Nha.
Số ca được chẩn đoán đái tháo đường cao nhất ở người Mỹ da đỏ, người Alaska bản địa, người da đen không phải gốc Latinh và Tây Ban Nha và người gốc Latinh và Tây Ban Nha, bất kể giới tính.
Tỷ lệ phổ biến ở những người gốc Mexico hoặc Puerto Rico cao hơn so với những người gốc Trung và Nam Mỹ hoặc Cuba.
Trong số những người gốc Á, những người có gốc Ấn Độ và Phillipine có tỷ lệ mắc đái tháo đường cao hơn so với những người gốc Hoa hoặc các gốc Á khác.
Mức độ phổ biến của bệnh đái tháo đường type 1
Bệnh đái tháo đường type 1 ít phổ biến hơn đái tháo đường type 2.
Chỉ có khoảng 5 đến 10% tổng số người mắc bệnh đái tháo đường là type 1. Bệnh lý này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu được chẩn đoán ở trẻ em, thiếu niên và người trẻ tuổi.
Mức độ phổ biến của bệnh đái tháo đường type 2
Bệnh đái tháo đường type 2 phổ biến hơn nhiều so với đái tháo đường type 1. Loại đái tháo đường này chiếm 90 đến 95% tổng số ca đái tháo đường.
Chế độ ăn uống dành cho người mắc bệnh đái tháo đường
Kiểm soát chế độ dinh dưỡng và lượng đường trong máu là điều rất quan trọng khi phải sống chung với bệnh đái tháo đường.
Những người bị đái tháo đường type 1 cần trao đổi với bác sĩ về liều insulin cần tiêm sau khi ăn một số loại thực phẩm nhất định.
Ví dụ, các loại thực phẩm chứa carbohydrate tinh chế sẽ khiến lượng đường trong máu tăng lên nhanh chóng ở những người bị đái tháo đường type 1. Để tránh xảy ra điều này thì cần phải bổ sung insulin nhưng điều quan trọng là phải sử dụng liều insulin phù hợp.
Người mắc bệnh đái tháo đường type 2 cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh.
Giảm cân là điều bắt buộc đối với những người thừa cân và bị đái tháo đường type 2. Một trong những cách giảm cân hiệu quả là thực hiện chế độ ăn ít calo, giảm mỡ động vật và đồ ăn vặt.
Bệnh nhân đái tháo đường type 2 hoặc tiền đái tháo đường nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, chất béo chuyển hóa, đồ uống có đường và rượu bia.
Người mắc bệnh đái tháo đường có thể sẽ phải thử nhiều chế độ ăn kiêng khác nhau để tìm ra một chế độ ăn phù hợp nhất với bản thân.
Tìm hiểu về vai trò của insulin trong cơ thể và lợi ích của liệu pháp insulin trong kiểm soát, điều trị đái tháo đường type 2.
Bệnh đái tháo đường là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất trên khắp thế giới. Ước tính có khoảng 8,5% người lớn trên toàn thế giới hiện đang sống với bệnh đái tháo đường. Có hai loại bệnh đái tháo đường chính là đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2.
Đái tháo đường là một bệnh lý phức tạp xảy ra do sự kết hợp của nhiều yếu tố, chẳng hạn các yếu tố về môi trường như béo phì hoặc ít vận động. Di truyền cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Đái tháo đường type 4 không phải là một bệnh tự miễn giống như đái tháo đường type 1 và không liên quan đến cân nặng như đái tháo đường type 2. Đái tháo đường type 4 là thuật ngữ được sử dụng để chỉ bệnh đái tháo đường do kháng insulin ở những người lớn tuổi không bị thừa cân hoặc béo phì.
Khi đường huyết không được kiểm soát và ở mức cao trong thời gian dài, người mắc bệnh đái tháo đường sẽ có nguy cơ gặp phải các biến chứng mà một trong số đó là mất thính giác.