1

Tiền tiểu đường là gì? Ngăn tiền tiểu đường trở thành tiểu đường

Bước đầu tiên để kiểm soát tiền tiểu đường là hiểu rõ tiền tiểu đường có nghĩa là gì và từ đó có kế hoạch điều trị phù hợp để ngăn tình trạng tiến triển thành tiểu đường.
tien tieu duong Tiền tiểu đường là gì? Ngăn tiền tiểu đường trở thành tiểu đường

Tiền tiểu đường là gì?

Tiền tiểu đường có nghĩa là lượng đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đủ cao để được coi là bệnh tiểu đường.

Theo một nghiên cứu vào năm 2014, can thiệp lối sống có thể làm giảm nguy cơ tiền tiểu đường tiến triển thành bệnh tiểu đường trong khoảng thời gian 10 năm. Một nghiên cứu trước đó cho thấy có 5 đến 10% người bị tiền tiểu đường tiến triển thành tiểu đường mỗi năm.

Tiền tiểu đường cũng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác, gồm có bệnh tim mạch và đột quỵ.

Tuy nhiên, có thể đảo ngược được tiền tiểu đường. Các phương pháp điều trị gồm có thay đổi lối sống, chẳng hạn như điều chỉnh chế độ ăn uống và thường xuyên tập thể dục, đồng thời kết hợp dùng thuốc.

Bước đầu tiên để kiểm soát tiền tiểu đường là hiểu rõ tiền tiểu đường có nghĩa là gì và từ đó có kế hoạch điều trị phù hợp để ngăn tình trạng tiến triển thành tiểu đường.

Tên gọi khác của tiền tiểu đường

Tiền tiểu đường còn được gọi là:

  • Rối loạn dung nạp glucose, có nghĩa là lượng đường trong máu cao hơn bình thường sau bữa ăn
  • Rối loạn đường huyết lúc đói, có nghĩa là lượng đường trong máu cao hơn bình thường vào buổi sáng trước khi ăn
  • Nồng độ hemoglobin A1C cao (từ 5,7 đến 6,4%)

Dấu hiệu tiền tiểu đường

Tiền tiểu đường không có dấu hiệu rõ ràng. Một số người có thể gặp phải một tình trạng gọi là bệnh gai đen (anthosis nigricans) - một dấu hiệu của kháng insulin liên quan đến hội chứng buồng trứng đa nang. Không phải ai bị buồng trứng đa nang cũng bị bệnh gai đen nhưng khi xảy ra, bệnh này có triệu chứng là xuất hiện các các mảng da sẫm màu, dày và mượt như nhung ở quanh những vị trí như cùi chỏ, đầu gối, cổ, nách và đốt ngón tay.

Những người đã bị tiền tiểu đường cần đi khám khi nhận thấy những triệu chứng dưới đây:

  • Khát nước liên tục
  • Đi tiểu nhiều lần, đặc biệt là vào ban đêm
  • Mệt mỏi
  • Mờ mắt
  • Vết loét hoặc vết thương không lành

Đây là những triệu chứng điển hình của bệnh tiểu đường type 2 và có thể chỉ ra rằng tiền tiểu đường đã tiến triển thành tiểu đường type 2. Sẽ cần thực hiện một số xét nghiệm để xác nhận điều này.

Nguyên nhân gây tiền tiểu đường

Tuyến tụy tiết ra một loại hormone có tên là insulin khi chúng ta ăn uống để giúp vận chuyển đường từ máu vào các tế bào của cơ thể và tại đây, đường được chuyển hóa thành năng lượng. Như vậy, insulin giúp làm giảm hay kiểm soát lượng đường trong máu.

Nguyên nhân gây tiền tiểu đường cũng tương tự như nguyên nhân của bệnh tiểu đường, chỉ khác ở chỗ tiền tiểu đường xảy ra trước tiểu đường. Các nguyên nhân chính gây tiền tiểu đường gồm có:

  • Kháng insulin – tình trạng các tế bào không đáp ứng tốt với insulin.
  • Tăng rối loạn trao đổi chất do tình trạng tăng đường huyết và kháng insulin tiến triển nặng.

Mức đường huyết bình thường là dưới 70 mg/dL. Tiền tiểu đường xảy ra khi mức đường huyết dao động trong khoảng 100 đến 125 mg/dL. Khi mức đường huyết vượt quá 125 mg/dL thì có nghĩa là đã mắc bệnh tiểu đường.

Các yếu tố nguy cơ của tiền tiểu đường

Tiền tiểu đường có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng một số yếu tố nhất định có thể làm tăng nguy cơ gặp phải tình trạng này.

Nghiên cứu cho thấy rằng tiền tiểu đường có liên quan chặt chẽ đến các yếu tố lối sống và di truyền. Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ chính của tiền tiểu đường:

  • Tuổi tác: Những người trên 45 tuổi có nguy cơ bị tiền tiểu đường cao hơn.
  • Khối lượng cơ thể: Những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 25 nên tầm soát tiền tiểu đường.
  • Kích thước vòng eo: Có nhiều mỡ thừa vùng eo có thể làm tăng nguy cơ tiền tiểu đường. Nam giới có số đo vòng eo từ 101cm trở lên và nữ giới có vòng eo từ 89cm trở lên có nguy cơ tiền tiểu đường cao hơn.
  • Chủng tộc: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số chủng tộc có tỷ lệ mắc tiền tiểu đường cao hơn, gồm có người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Á, Tây Ban Nha và người Mỹ bản địa.
  • Chế độ ăn uống: Thường xuyên ăn thịt đỏ, thịt chế biến sẵn và đồ uống có đường có thể làm tăng nguy cơ tiền tiểu đường.
  • Ít hoạt động thể chất: Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh mà còn giúp làm giảm nguy cơ tiền tiểu đường.
  • Tiền sử gia đình: Những người có người thân trong gia đình mắc bệnh tiểu đường type 2 thường có nguy cơ bị tiền tiểu đường cao hơn.
  • Sử dụng thuốc lá: Không chỉ làm tăng nguy cơ kháng insulin, hút thuốc còn làm tăng kích thước vòng eo và đây là một yếu tố nguy cơ của tiền tiểu đường.
  • Bệnh sử: Một số vấn đề sức khỏe, gồm có ngưng thở khi ngủ, tiểu đường thai kỳ, hội chứng buồng trứng đa nang, cao huyết áp và cholesterol hoặc triglyceride cao có thể làm tăng nguy cơ kháng insulin và tiền tiểu đường.

Ngăn ngừa tiểu đường type 2

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), đối với những người thừa cân hoặc béo phì, chỉ cần giảm từ 5 đến 7% khối lượng cơ thể là có thể làm giảm đáng kể nguy cơ tiểu đường type 2. (1)

Ngoài cân nặng, các yếu tố khác như thường xuyên căng thẳng và hút thuốc lá cũng có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.

Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống là một trong những cách hiệu quả nhất để duy trì cân nặng khỏe mạnh và ngăn ngừa tiểu đường type 2:

  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như trái cây, rau củ không chứa tinh bột, các loại quả hạch, hạt, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu.
  • Hạn chế ăn đồ ngọt và đồ uống có đường như bánh kẹo, nước ngọt có ga, trà sữa,…
  • Cố gắng dành ít nhất 150 phút tập thể dục mỗi tuần hoặc khoảng 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần.
  • Bỏ thuốc lá
  • Kiểm soát căng thẳng bằng các cách như thiền, yoga, bài tập hít thở sâu và các phương pháp giảm căng thẳng khác.

Chẩn đoán tiền tiểu đường

Xét nghiệm máu là cách duy nhất để chẩn đoán chính xác tiền tiểu đường. Có nhiều xét nghiệm máu khác nhau được sử dụng để đánh giá tình trạng đường huyết.

Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) khuyến nghị nên thực hiện một xét nghiệm hai lần để xác nhận chẩn đoán.

Các loại máy đo đường huyết sử dụng tại nhà đều không có tác dụng chẩn đoán tiền tiểu đường hay tiểu đường.

Có 3 xét nghiệm chính được sử dụng để chẩn đoán tiền tiểu đường là xét nghiệm A1C, xét nghiệm đường huyết lúc đói và nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống.

Xét nghiệm A1C

Xét nghiệm A1C còn có nhiều tên gọi khác như xét nghiệm HbA1c, hemoglobin A1C, xét nghiệm hemoglobin glycated,… Xét nghiệm này đo lượng đường trong máu trung bình trong 2 đến 3 tháng gần nhất. Xét nghiệm A1C không yêu cầu nhịn ăn và có thể thực hiện bất cứ thời điểm nào trong ngày.

Chỉ số A1C từ 5,7 đến 6,4% là tiền tiểu đường. Nên lấy máu và xét nghiệm thêm một lần nữa để xác nhận kết quả. Chỉ số A1C càng cao thì tiền tiểu đường càng dễ tiến triển thành tiểu đường type 2.

Xét nghiệm đường huyết lúc đói

Trước khi lấy máu làm xét nghiệm đường huyết lúc đói hay xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói, bệnh nhân sẽ phải nhịn ăn trong ít nhất 8 tiếng hoặc qua đêm. Mức đường huyết từ 100 – 125 mg/dL có nghĩa là tiền tiểu đường.

Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống

Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống cũng yêu cầu phải nhịn ăn. Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được lấy máu để đo đường huyết lúc đói, sau đó uống một loại dung dịch có đường và sau đó 2 tiếng thì lấy máu một lần nữa để kiểm tra sự thay đổi đường huyết.

Nếu đường huyết sau khi uống dung dịch có đường là 140 – 199 mg/dL thì có nghĩa là tiền tiểu đường.

Điều trị tiền tiểu đường

Điều trị tiền tiểu đường cũng chính là đang ngăn ngừa tiểu đường type 2. Những người được chẩn đoán tiền tiểu đường cần thực hiện một số thay đổi về lối sống. Một nghiên cứu có tên là Chương trình Phòng ngừa Bệnh tiểu đường (Diabetes Prevention Program) cho thấy mức đường huyết giảm khoảng 58% khi thực hiện những thay đổi này trong thời gian dài.

Các cách phổ biến nhất để kiểm soát tiền tiểu đường là:

  • Duy trì chế độ ăn uống giàu chất xơ
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Giảm cân nếu thừa cân
  • Dùng thuốc theo đơn của bác sĩ

Một số người mắc bệnh tiểu đường chọn sử dụng các phương pháp điều trị bổ sung và thay thế (complementary and alternative medicine - CAM) để kiểm soát tình trạng bệnh. Các phương pháp CAM thường được sử dụng là dùng thực phẩm chức năng, thiền định và châm cứu.

Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ phương pháp CAM nào vì các phương pháp này có thể tương tác với thuốc đang dùng.

Chế độ ăn ít carbohydrate

Nghiên cứu cho thấy rằng chế độ ăn ít carbohydrate (low-carb) có thể giúp cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết, giảm tình trạng kháng insulin và giảm cân.

Mặc dù hầu hết các nghiên cứu hiện có đều tập trung vào bệnh tiểu đường type 2 nhưng vì bản chất hai tình trạng này là giống nhau nên chế độ ăn ít carbohydrate cũng sẽ có lợi cho những người bị tiền tiểu đường.

Trong chế độ ăn ít carbohydrate, lượng carbohydrate chỉ chiếm chưa đến 26% tổng lượng calo nạp vàp hàng ngày, có nghĩa là khoảng 130 gram carb mỗi ngày.

Chế độ ăn ít carbohydrate không được khuyến khích cho những người có cholesterol cao, mắc bệnh thận hoặc tim mạch. Trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện những thay đổi lớn trong chế độ ăn uống.

Thực phẩm nên ăn:

  • Các loại cá chứa axit béo omega-3, chẳng hạn như cá hồi và cá ngừ
  • Rau củ
  • Trái cây
  • Thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu…

Thực phẩm cần hạn chế:

  • Thực phẩm chứa nhiều natri (không tiêu thụ quá 1.500 mg natri mỗi ngày)
  • Đồ uống có cồn (không tiêu thụ quá 1 đơn vị cồn hay 10 gram cồn nguyên chất/ngày)
  • Thực phẩm chứa nhiều đường bổ sung và chất béo xấu như bánh kẹo, nước ngọt và đồ chiên

Tiền tiểu đường có thể đảo ngược được. Có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm sự phát triển của tiền tiểu đường và tiểu đường bằng cách thay đổi lối sống và duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Theo một đánh giá tài liệu vào năm 2017, ở những người bị tiền tiểu đường, cứ giảm 1kg cân nặng là có thể làm giảm 16% nguy cơ tiểu đường type 2. (2)

Một lối sống tốt cho tim mạch gồm có những điều sau đây:

Chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng

  • Chủ yếu ăn các loại thực phẩm toàn phần, giàu dinh dưỡng và hạn chế các loại thực phẩm đã qua chế biến công nghiệp và đồ uống có đường.
  • Các loại thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như trái cây, rau và ngũ cốc nguyên cám đặc biệt có lợi cho sức khỏe.

Tập thể dục thường xuyên

Có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường bằng cách thường xuyên hoạt động thể chất. Cố gắng tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần và mỗi ngày tập khoảng 30 phút. Có thể chọn bất kỳ bài tập hay môn thể thao nào làm tăng nhịp tim đến mức mục tiêu, chẳng hạn như đi bộ, đạp xe, bơi lội, đánh cầu lông...

Ngoài ra nên tăng cường vận động trong suốt cả ngày bằng cách đạp xe đi làm, đi bộ thay vì đi xe, leo thang bộ thay vì đi thang máy,…

Theo CDC, tập thể dục 30 phút mỗi ngày và giảm 5 - 7% khối lượng cơ thể có thể làm giảm hơn 58% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.

Biến chứng của tiền tiểu đường

Nếu không được điều trị, tiền tiểu đường có thể tiến triển thành tiểu đường type 2 và các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như:

  • Bệnh tim mạch
  • Nhồi máu cơ tim
  • Tổn thương thần kinh
  • Bệnh thận
  • Suy giảm thị lực
  • Vết thương ở chân chậm lành do lưu thông máu kém, nếu nghiêm trọng thì có thể bị hoại tử và phải cắt cụt
  • Nhiễm trùng da
  • Vấn đề về thính giác
  • Bệnh Alzheimer

Tuy nhiên, thay đổi lối sống đúng cách và dùng thuốc theo chỉ định có thể giúp đảo ngược tiền tiểu đường.

Tóm tắt bài viết

Nếu không được điều trị, tiền tiểu đường có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, gồm có tiểu đường type 2, bệnh tim mạch và đột quỵ.

Tuy nhiên, tiền tiểu đường có thể đảo ngược. Phương pháp chính để điều trị tiền tiểu đường là thay đổi lối sống và điều chỉnh chế độ ăn uống, có thể kết hợp dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Điều trị tiểu/đại tiện không tự chủ do đái tháo đường
Điều trị tiểu/đại tiện không tự chủ do đái tháo đường

Thông thường, việc mắc một bệnh lý nào đó có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như mắc đái tháo đường làm tăng nguy cơ tiểu hoặc đại tiện không tự chủ - tình trạng không thể kiểm soát được việc tiểu tiện hay đại tiện. Tiểu không tự chủ cũng có thể là một triệu chứng của bàng quang tăng hoạt.

8 thay đổi lối sống giúp đảo ngược tiền tiểu đường một cách tự nhiên
8 thay đổi lối sống giúp đảo ngược tiền tiểu đường một cách tự nhiên

Không phải cứ bị tiền tiểu đường là sẽ mắc bệnh tiểu đường type 2. Hoàn toàn có thể đảo ngược tiền tiểu đường bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và lối sống.

Bệnh tiểu đường type 2 tiến triển như thế nào theo thời gian?
Bệnh tiểu đường type 2 tiến triển như thế nào theo thời gian?

Bệnh tiểu đường type 2 chiếm khoảng 90 đến 95% số trường hợp mắc bệnh tiểu đường. Nhiều người không biết mình đang mắc bệnh tiểu đường cho đến khi lượng đường trong máu tăng cao đến mức gây ra triệu chứng hoặc tình cờ phát hiện bệnh khi khám sức khỏe định kỳ.

Chế độ ăn uống khi bị tiền tiểu đường
Chế độ ăn uống khi bị tiền tiểu đường

Tiền tiểu đường có thể tiến triển thành bệnh tiểu đường type 2 nhưng không phải ai bị tiền tiểu đường cũng sẽ mắc tiểu đường type 2. Nếu biết cách điều chỉnh chế độ ăn uống thì sẽ có thể làm giảm và kiểm soát lượng đường trong máu, nhờ đó làm chậm hoặc ngăn chặn quá trình tiến triển từ tiền tiểu đường sang tiểu đường type 2.

Các biến chứng của bệnh tiểu đường và cách ngăn ngừa
Các biến chứng của bệnh tiểu đường và cách ngăn ngừa

Bệnh tiểu đường hay đái tháo đường có thể khiến lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp. Điều này có thể dẫn đến bệnh thận, tổn thương thần kinh, các vấn đề về da, mắt và bàn chân.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây