Bệnh đái tháo đường type 2 thay đổi như thế nào sau tuổi 50?
Thay đổi về các triệu chứng
Khi có tuổi, các triệu chứng đái tháo đường có thể sẽ khác so với khi còn trẻ và một số triệu chứng không bộc lộ ra ngoài.
Ví dụ, đường trong máu cao thường gây khát nước nhưng khi về già, người bệnh có thể sẽ mất đi cảm giác này khi lượng đường trong máu tăng cao. Một số người thậm chí còn không cảm nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào khi đường huyết dao động.
Điều quan trọng là phải chú ý đến các triệu chứng để có thể phát hiện sự thay đổi về lượng đường trong máu. Nếu nhận thấy có triệu chứng mới thì phải báo ngay cho bác sĩ.
Nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn
Theo Johns Hopkins Medicine, người lớn tuổi bị đái tháo đường type 2 có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ cao hơn so với những bệnh nhân trẻ tuổi. (1)
Kiểm soát huyết áp và cholesterol sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Một số cách để kiểm soát huyết áp và cholesterol là tập thể dục thường xuyên, thay đổi chế độ ăn uống và dùng thuốc. Người bị cao huyết áp hoặc cholesterol cao cần dùng thuốc điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Triệu chứng đái tháo đường vào thời kỳ mãn kinh
Độ tuổi mãn kinh ở mỗi người là khác nhau nhưng trung bình, phụ nữ bắt đầu mãn kinh ở tuổi 51. Khi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh, lượng estrogen trong cơ thể sẽ giảm. Sự sụt giảm estrogen sẽ càng làm tăng thêm nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch.
Bệnh đái tháo đường vốn đã đi kèm với nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch nên người bệnh cần phải theo dõi huyết áp và mức cholesterol một cách cẩn thận. Những phụ nữ đã mãn kinh và mắc bệnh đái tháo đường có thể sẽ không gặp phải các triệu chứng điển hình của bệnh tim mạch, vì vậy nên cần chú ý đến tất cả các biểu hiện bất thường có thể chỉ ra vấn đề về tim, chẳng hạn như:
- Đau ngực âm ỉ hoặc đau nhói
- Đau lan đến cổ, hàm, cánh tay hoặc lưng
- Đau bụng
- Nôn hoặc buồn nôn
- Mệt mỏi
- Chóng mặt
- Khó thở
- Sưng khớp
- Tim đập nhanh
Một nghiên cứu vào năm 2012 cho thấy những phụ nữ lớn tuổi bị đái tháo đường gặp phải một số triệu chứng khác so với phụ nữ trẻ tuổi, gồm có tiểu không tự chủ và dễ ngã, dẫn đến gãy xương hông hoặc vai.
Dễ bị hạ đường huyết nghiêm trọng
Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp) là một tác dụng phụ nghiêm trọng của một số loại thuốc điều trị đái tháo đường.
Một nghiên cứu vào năm 2012 chỉ ra rằng nguy cơ hạ đường huyết tăng theo độ tuổi. Lý do là vì khi có tuổi, thận không còn thực hiện tốt chức năng lọc máu và do đó không thể đào thải thuốc điều trị đái tháo đường ra khỏi cơ thể một cách hiệu quả.
Điều này có nghĩa là thuốc tồn tại trong cơ thể lâu hơn và khiến lượng đường trong máu giảm xuống mức quá thấp. Ngoài tuổi tác, dùng nhiều loại thuốc khác nhau, bỏ bữa, mắc bệnh thận hoặc các bệnh lý khác cũng làm tăng nguy cơ hạ đường huyết ở người bệnh đái tháo đường.
Các triệu chứng của hạ đường huyết gồm có:
- Đầu óc mơ hồ, không tỉnh táo
- Chóng mặt
- Run tay chân
- Mờ mắt
- Đổ mồ hôi
- Đói cồn cào
- Châm chích ở môi và lưỡi
Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu thường xuyên bị hạ đường huyết. Có thể liều thuốc điều trị đái tháo đường hiện tại đang quá cao và cần phải giảm liều.
Mức đường huyết bình thường
Trong những trường hợp có triệu chứng đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường, bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm A1C (HbA1C) để đánh giá mức đường huyết trung bình trong 3 tháng qua.
Xét nghiệm A1C đo tỷ lệ phần trăm hồng cầu có chứa protein hemoglobin gắn với glucose. Những người có lượng đường trong máu cao sẽ có nhiều glucose gắn với hemoglobin trong máu hơn.
Bằng cách này, xét nghiệm A1C sẽ cho biết lượng đường trong máu có đang nằm trong phạm vi bình thường hay không.
Kết quả xét nghiệm A1C được chia thành 3 mức như sau:
- Bình thường: dưới 5,7%
- Tiền đái tháo đường: 5,7% – 6,4%
- Đái tháo đường: 6,5% trở lên
Tuy nhiên, những người trên 50 tuổi thường mắc thêm các bệnh lý khác làm tăng nguy cơ hạ đường huyết.
Ngoài chỉ số A1C, bác sĩ có thể còn yêu cầu theo mõi mức đường huyết lúc đói và trước khi đi ngủ. Đường huyết lúc đói được đo sau khi nhịn ăn ít nhất 8 tiếng. Các chỉ số này giúp đánh giá hiệu quả kiểm soát đường huyết trong ngày của các loại thuốc và chế độ ăn uống, từ đó bác sĩ có thể đưa ra điều chỉnh nếu cần thiết.
Theo khuyến nghị của ADA, tùy vào tình trạng sức khỏe mà người lớn tuổi nên duy trì chỉ số A1C, đường huyết lúc đói và đường huyết trước khi đi ngủ trong phạm vi dưới đây: (2)
Tình trạng sức khỏe | Chỉ số A1C | Đường huyết lúc đói | Đường huyết trước khi đi ngủ |
Khỏe mạnh, hầu như không có bệnh lý đồng mắc | Dưới 7,0 –7 ,5% | 80 – 130 mg/dL | 80 – 180 mg/dL |
Phức tạp/trung bình với nhiều bệnh lý đồng mắc; bị suy giảm khả năng vận động hoặc nhận thức nhẹ đến vừa | Dưới 8,0% | 90 – 150 mg/dL | 100 – 180 mg/dL |
Rất phức tạp/kém với nhiều bệnh mãn tính giai đoạn cuối, suy giảm khả năng vận động hoặc nhận thức mức độ nặng |
Không phụ thuộc hoàn toàn vào chỉ số A1C; Mục đích chính của kế hoạch kiểm soát đường huyết là tránh hạ đường huyết và khôi phục đường huyết về bình thường khi có triệu chứng | 110 – 180 mg/dL | 110 – 200 mg/dL |
Khó giảm cân hơn
Giảm cân khi mắc bệnh đái tháo đường type 2 vốn đã không phải chuyện đơn giản và ở người lớn tuổi, việc giảm cân sẽ càng khó khăn hơn nữa. Tình trạng kháng insulin sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi có tuổi và điều này sẽ dẫn đến tích nhiều mỡ thừa ở vùng bụng. Tốc độ trao đổi chất cũng bị chậm lại khi về già.
Giảm cân không phải là điều không thể nhưng đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn. Về chế độ ăn uống, người bệnh cần cắt giảm đáng kể lượng carbohydrate tinh chế bằnng cách thay thực phẩm chứa carb tinh chế bằng ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau củ
Ghi nhật ký thực phẩm cũng là một cách hiệu quả để giảm cân. Điều quan trọng là phải thực hiện đều đặn hàng ngày và duy trì trong thời gian dài. Có thể trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn kế hoạch giảm cân an toàn và hiệu quả.
Phải chú ý chăm sóc bàn chân cẩn thận hơn
Theo thời gian, tổn thương dây thần kinh và các vấn đề về tuần hoàn do bệnh đái tháo đường gây ra có thể dẫn đến các vấn đề ở bàn chân, chẳng hạn như loét.
Bệnh đái tháo đường còn ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, có nghĩa là khả năng chống lại nhiễm trùng của cơ thể. Điều này khiến cho vết loét ở bàn chân có nguy cơ bị nhiễm trùng nghiêm trọng. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, tình trạng này sẽ dẫn đến hoại thư và phải cắt cụt chân.
Đối với người có tuổi bị đái tháo đường, việc chăm sóc bàn chân càng trở nên quan trọng. Người bệnh nên giữ bàn chân sạch sẽ, khô ráo và tránh bị thương, mang giày vừa chân, thoải mái và đi tất bằng chất liệu tự nhiên, mềm mại.
Kiểm tra kỹ bàn chân hàng ngày và đi khám ngay nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như mảng đỏ, vết loét hoặc vết phồng rộp.
Đau thần kinh
Sống chung với bệnh đái tháo đường càng lâu thì nguy cơ bị tổn thương dây thần kinh và đau thần kinh càng cao.Tình trạng này được gọi là bệnh thần kinh đái tháo đường. Tổn thương dây thần kinh có thể xảy ra ở bàn tay và bàn chân (bệnh thần kinh ngoại biên) hoặc ở các dây thần kinh điều khiển các cơ quan trong cơ thể (bệnh thần kinh tự trị).
Các triệu chứng gồm có:
- Da nhạy cảm, đau khi chạm
- Tê, châm chích hoặc nóng ở bàn tay hoặc bàn chân
- Mất thăng bằng hoặc mất khả năng phối hợp động tác
- Yếu cơ
- Đổ mồ hôi quá nhiều hoặc quá ít
- Các vấn đề về bàng quang, chẳng hạn như vừa đi tiểu xong lại buồn hoặc tiểu són
- Rối loạn cương dương
- Khó nuốt
- Vấn đề về thị lực, chẳng hạn như song thị (nhìn một thành hai)
Nên đi khám nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này.
Cách kiểm soát bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường type 2 là một bệnh mãn tính hiện chưa có cách chữa khỏi nhưng có thể kiểm soát tình trạng bệnh bằng thuốc và lối sống lành mạnh.
Dưới đây là một số biện pháp mà người mắc bệnh đái tháo đường type 2 nên thực hiện để tận hưởng cuộc sống khỏe mạnh sau tuổi 50:
- Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ: Một nguyên nhân khiến nhiều người không thể kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường type 2 là vì không dùng thuốc theo chỉ định. Điều này có thể là do không có khả năng chi trả, lo sợ tác dụng phụ hoặc đơn giản là thường xuyên quên uống thuốc.
- Tập thể dục thường xuyên: ADA khuyến nghị tập cardio cường độ vừa phải đến cao 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày mỗi tuần, kết hợp tập thể hình ít nhất 2 lần mỗi tuần.
- Tránh thực phẩm nhiều đường, carb và thực phẩm chế biến sẵn: Cố gắng cắt giảm lượng đường và thực phẩm chế biến sẵn có hàm lượng carbohydrate cao, chẳng hạn như bánh ngọt, kẹo, đồ uống có đường, bánh mì trắng, cơm trắng và mì.
- Uống nhiều nước: Hãy nhớ uống đủ nước hàng ngày. Uống nhiều nước hỗ trợ giảm cân và giảm lượng đường trong máu.
- Giảm căng thẳng: Dù ở độ tuổi nào, giảm căng thẳng và thư giãn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn sức khỏe và điều nay càng cần thiết khi có tuổi. Hãy dành thời gian cho các hoạt động thư giãn như thiền, tập thể dục, yoga, mát-xa hay sở thích cá nhân. Đây đều là những cách giúp giảm căng thẳng rất hiệu quả.
- Duy trì cân nặng vừa phải: Hỏi bác sĩ về mức cân nặng phù hợp với chiều cao và độ tuổi cũng như chế độ ăn uống và tập luyện để giảm cân hoặc duy trì cân nặng. Giảm cân khi có tuổi sẽ khó khăn hơn nhưng không phải là điều không thể.
- Khám sức khỏe định kỳ: Khi có tuổi, việc tái khám định kỳ sẽ càng quan trọng hơn nữa. Khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp đánh giá sự tiến triển của bệnh đái tháo đường, hiệu quả của các phương pháp điều trị và phát hiện các vấn đề sức khỏe từ sớm để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Tóm tắt bài viết
Bệnh đái tháo đường type 2 không thể chưa khỏi nhưng có nhiều cách để kiểm soát tình trạng bệnh.
Sau 50 tuổi, điều quan trọng là phải theo dõi huyết áp, mức cholesterol và nhận biết các triệu chứng mới. Có thể cần thay đổi thuốc điều trị đái tháo đường để tránh xảy ra tác dụng phụ.
Nếu điều trị đúng cách và kiểm soát tốt mức đường huyết, người mắc bệnh đái tháo đường type 2 vẫn hoàn toàn có thể sống lâu và khỏe mạnh.
Khi đường huyết không được kiểm soát và ở mức cao trong thời gian dài, người mắc bệnh đái tháo đường sẽ có nguy cơ gặp phải các biến chứng mà một trong số đó là mất thính giác.
Khi mắc bệnh tiểu đường type 2, thực hiện lối sống lành mạnh có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ biến chứng. Thay đổi thói quen sống không phải điều đơn giản nhưng có thể điều chỉnh từng thói quen một. Ngay cả những thay đổi nhỏ cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn.
Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao gặp phải một số biến chứng và các biến chứng này sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ.
Tiểu đường type 2 là một căn bệnh phổ biến, xảy ra khi cơ thể mất khả năng sử dụng hết glucose (đường) trong máu. Bệnh tiểu đường type 2 có nhiều triệu chứng khác nhau, trong đó có những triệu chứng bắt đầu xuất hiện từ sớm.
Các nhà nghiên cứu cho biết phụ nữ mắc bệnh tiểu đường type 1 có nguy cơ sinh con bị bệnh tự kỷ cao hơn. Mặc dù chưa rõ chính xác nguyên nhân tại sao nhưng nồng độ glucose trong máu cao có thể là một yếu tố góp phần dẫn đến mối liên hệ này.