1

Mất thính giác ở bệnh nhân đái tháo đường type 2

Khi đường huyết không được kiểm soát và ở mức cao trong thời gian dài, người mắc bệnh đái tháo đường sẽ có nguy cơ gặp phải các biến chứng mà một trong số đó là mất thính giác.
Mất thính giác ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 Mất thính giác ở bệnh nhân đái tháo đường type 2

Đái tháo đường và mất thính giác

Đái tháo đường là một căn bệnh có đặc trưng là lượng đường trong máu ở mức cao. Có hai loại đái tháo đường chính là đái tháo đường type 1type 2. Đái tháo đường type 2 phổ biến hơn, chiếm từ 90 đến 95% tổng số ca bệnh đái tháo đường. Loại đái tháo đường này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường là điều rất quan trọng. Khi đường huyết không được kiểm soát và ở mức cao trong thời gian dài, bệnh nhân sẽ có nguy cơ gặp phải các biến chứng mà một trong số đó là mất thính giác.

Kết quả nghiên cứu

Các nghiên cứu cho thấy rằng tỷ lệ mất thính giác ở những người mắc bệnh đái tháo đường cao hơn gấp đôi so với những người không mắc bệnh. (1)

Trong một nghiên cứu vào năm 2008, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ các cuộc kiểm tra thính giác ở người trưởng thành trong độ tuổi từ 20 đến 69. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng bệnh đái tháo đường có thể làm hỏng các dây thần kinh và mạch máu, điều này góp phần làm giảm thính lực. Các nghiên cứu tương tự đã chỉ ra mối liên hệ giữa mất thính giác và tổn thương thần kinh.

Nghiên cứu không phân biệt giữa đái tháo đường type 1 và type 2 nhưng hầu hết những người tham gia đều mắc đái tháo đường type 2.

Vào năm 2013, một nhóm nghiên cứu đã phân tích các nghiên cứu được thực hiện từ năm 1974 đến năm 2011 về bệnh đái tháo đường và mất thính lực. Họ kết luận rằng những người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị mất thính lực cao hơn gấp đôi so với những người không bị đái tháo đường. Tuy nhiên, hầu hết dữ liệu đều đến từ các nghiên cứu quan sát.

Nguyên nhân gây mất thính giác ở bệnh nhân đái tháo đường type 2

Nguyên nhân gây mất thính giác ở những người mắc bệnh đái tháo đường vẫn chưa được xác định rõ.

Tuy nhiên, lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng các mạch máu khắp cơ thể, bao gồm cả mạch máu ở tai. Bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt sẽ gây tổn thương mạng lưới các mạch máu nhỏ trong tai và ảnh hưởng đến thính lực.

Nghiên cứu cho thấy phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường, kể cả những người kiểm soát tốt tình trạng bệnh, có nguy cơ mất thính lực cao hơn so với những người không mắc bệnh.

Một biến chứng khác của bệnh đái tháo đường là tổn thương dây thần kinh. Tổn thương dây thần kinh thính giác có thể dẫn đến mất thính giác.

Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để hiểu rõ về mối liên hệ giữa bệnh đái tháo đường và mất thính giác.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mất thính giác ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 cũng chưa được xác định rõ.

Bệnh nhân sẽ dễ bị mất thính giác hơn nếu gặp khó khăn trong việc kiểm soát lượng đường trong máu. Đó là lý do tại sao cần phải tuân thủ kế hoạch điều trị, theo dõi đường huyết sát sao và tái khám định kỳ.

Mất thính giác không phải lúc nào cũng là do bệnh đái tháo đường gây ra. Còn có nhiều nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến mất thính giác, chẳng hạn như:

  • Tiếp xúc với âm thanh lớn, chẳng hạn như tiếng nổ
  • Thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn
  • Lão hóa
  • Tiền sử gia đình bị mất thính giác
  • Ráy tai hoặc dị vật trong tai
  • Nhiễm virus hoặc sốt
  • Bất thường trong cấu tạo của tai
  • Thủng màng nhĩ
  • Sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc hóa trị

Chẩn đoán mất thính giác

Mất thính giác có thể xảy ra đột ngột hoặc thính lực bị suy giảm từ từ theo thời gian.

Một số biểu hiện cho thấy thính lực đang có vấn đề:

  • Thường xuyên không nghe rõ người khác nói và phải yêu cầu họ nhắc lại
  • Luôn có cảm giác người xung quanh nói lí nhí, không rõ tiếng
  • Không bắt kịp các cuộc trò chuyện có từ 3 người trở lên
  • Thường xuyên bị người khác nhắc nhở về việc bật tiếng TV hay loa ngoài quá lớn
  • Âm thanh lẫn lộn khi ở trong phòng đông người

Nếu có các biểu hiện kể trên thì nên đi khám để phát hiện sớm vấn đề và điều trị, tránh cho tình trạng ngày càng thêm nghiêm trọng.

Trước tiên, bác sĩ sẽ khám lâm sàng để xem bên trong tai có bị tắc nghẽn, chảy dịch hay nhiễm trùng hay không.

Bác sĩ thường sử dụng âm thoa để đánh giá thính lực. Dụng cụ này giúp xác định xem vấn đề bắt nguồn từ dây thần kinh ở tai giữa hay tai trong.

Một biện pháp chẩn đoán khác là sử dụng máy đo thính lực hay thính lực kế. Trong quá trình kiểm tra, người bệnh sẽ đeo một bộ tai nghe. Từng bên tai nghe sẽ phát ra âm thanh ở các phạm vi và mức độ khác nhau. Người bệnh sẽ cho bác sĩ biết khi nghe thấy âm thanh.

Điều trị mất thính giác

Máy trợ thính là giải pháp điều trị phổ biến nhất cho những người bị mất thính giác. Có nhiều loại máy trợ thính khác nhau. Bác sĩ sẽ giúp lựa chọn loại thích hợp nhất dựa trên tình trạng và nhu cầu của người bệnh.

Tùy vào nguyên nhân mà mất thính giác còn có thể được điều trị bằng các phương pháp khác như:

  • Dùng thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng cấp tính
  • Loại bỏ ráy tai hoặc vật gây tắc nghẽn
  • Cấy ốc tai điện tử, tùy thuộc vào tình trạng của các dây thần kinh trong tai

Người bệnh có thể sẽ phải phẫu thuật nếu nguyên nhân gây mất thính lực là do:

  • Dị tật bẩm sinh
  • Chấn thương đầu
  • Ứ dịch tai giữa mãn tính
  • Nhiễm trùng tai mãn tính
  • Khối u

Nếu được kê loại thuốc mới, hãy hỏi bác sĩ về tương tác thuốc. Thuốc điều trị mất thính lực có thể tương tác với thuốc điều trị đái tháo đường.

Thính giác có trở về bình thường được không?

Một số dạng mất thính giác chỉ là tạm thời. Điều trị sớm có thể giúp khôi phục thính giác trở lại bình thường. Khi mắc một số dạng mất thính giác nhất định, những người bị đái tháo đường hoặc cao huyết áp có khả năng hồi phục thấp hơn so với người khỏe mạnh.

Khả năng hồi phục phụ thuộc vào nguyên nhân gây mất thính giác và cách điều trị. Sau khi chẩn đoán và đánh giá sức khỏe tổng thể, bác sĩ sẽ cho biết cụ thể về khả năng khôi phục thính giác.

Ngăn ngừa mất thính giác khi bị đái tháo đường 

Những người bị đái tháo đường nên kiểm tra thính giác định kỳ hàng năm.

Cách tốt nhất để tránh bị mất thính giác và các biến chứng khác của bệnh đái tháo đường là:

  • Dùng thuốc điều trị theo đúng chỉ định
  • Theo dõi sát sao mức đường huyết
  • Tránh tăng huyết áp
  • Kiểm soát cân nặng
  • Tập thể dục đều đặn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: thính giác
Tin liên quan
6 điều cần biết về bệnh đái tháo đường type 2
6 điều cần biết về bệnh đái tháo đường type 2

Bệnh đái tháo đường là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất trên khắp thế giới. Ước tính có khoảng 8,5% người lớn trên toàn thế giới hiện đang sống với bệnh đái tháo đường. Có hai loại bệnh đái tháo đường chính là đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2.

Loét bàn chân ở người bệnh đái tháo đường: Nguyên nhân và điều trị
Loét bàn chân ở người bệnh đái tháo đường: Nguyên nhân và điều trị

Loét bàn chân là một biến chứng phổ biến của bệnh đái tháo đường khi không được kiểm soát tốt bằng các phương pháp như điều chỉnh chế độ ăn, tập thể dục, thuốc đường uống và liệu pháp insulin. Các vết loét hình thành do mô da bị phân hủy và để lộ các lớp mô bên dưới.

Các nguyên nhân gây bệnh tiểu đường type 2
Các nguyên nhân gây bệnh tiểu đường type 2

Bệnh tiểu đường type 2 không phải chỉ do một nguyên nhân duy nhất gây ra. Trên thực tế, bệnh lý này có thể là kết quả của nhiều yếu tố khác nhau. Dưới đây là một số yếu tố chính có thể dẫn đến tiểu đường type 2.

Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 2: Nguyên nhân và điều trị
Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 2: Nguyên nhân và điều trị

Hạ đường huyết xảy ra phổ biến nhất ở những người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, một số vấn đề sức khỏe khác (hầu hết đều hiếm gặp) cũng có thể khiến cho lượng đường trong máu giảm xuống mức thấp.

Bệnh đái tháo đường type 2 thay đổi như thế nào sau tuổi 50?
Bệnh đái tháo đường type 2 thay đổi như thế nào sau tuổi 50?

Bệnh đái tháo đường có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 sẽ tăng cao hơn khi có tuổi và sau tuổi 50, việc kiểm soát tình trạng bệnh thường sẽ trở nên phức tạp hơn. Dưới đây là một số thay đổi mà người mắc bệnh đái tháo đường type 2 có thể gặp phải sau 50 tuổi và các biện pháp để kiểm soát bệnh.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây