Đái tháo đường type 4 là gì?
Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe nói đến bệnh đái tháo đường type 1 và type 2. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, có khoảng 422 triệu người đang sống chung với bệnh tiểu đường nhưng con số thực tế có thể cao hơn thế rất nhiều. Một nghiên cứu được thực hiện trên chuột vào năm 2015 chỉ ra rằng bệnh đái tháo đường có thể không được phát hiện ở những người lớn tuổi không bị thừa cân hoặc béo phì. (1) Mặc dù không được chính thức coi là một loại đái tháo đường nhưng các nhà nghiên cứu gọi đây là bệnh đái tháo đường type 4.
Đái tháo đường type 4 không phải là một bệnh tự miễn giống như đái tháo đường type 1 và không liên quan đến cân nặng như đái tháo đường type 2. Thay vào đó, đái tháo đường type 4 có liên quan đến sự lão hóa. Các nghiên cứu về loại đái tháo đường này hiện được tiến hành nhưng các nhà khoa học đã phát hiện ra một số mối liên hệ.
Các loại đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường được chia thành hai loại chính là đái tháo đường type 1 và type 2, mặc dù đái tháo đường thai kỳ cũng khá phổ biến. Tất cả các loại đái tháo đường đều có đặc trưng là lượng đường trong máu cao do cơ thể không sản xuất insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả. Insulin là một loại hormone có vai trò quan trọng trong quá trình vận chuyển đường từ máu vào tế bào và dự trữ đường trong mô cơ và mỡ.
Các loại đái tháo đường phổ biến nhất
- Đái tháo đường type 1: Bệnh đái tháo đường type 1 thường được chẩn đoán ở trẻ em và thanh thiếu niên. Đây là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công các tế bào chịu trách nhiệm sản xuất insulin trong tuyến tụy.
- Đái tháo đường type 2: Bệnh đái tháo đường type 2 xảy ra khi cơ thể ngừng phản ứng với insulin mà tuyến tụy tạo ra. Điều này dẫn đến hậu quả là đường không được vận chuyển vào tế bào mà tích tụ trong máu. Sau một thời gian, tuyến tụy ngừng sản xuất insulin. Nguyên nhân gây đái tháo đường type 2 thường là do sự kết hợp của các yếu tố di truyền và lối sống.
- Đái tháo đường thai kỳ: Loại bệnh đái tháo đường này là do những thay đổi về nội tiết tố xảy ra trong thời gian mang thai. Các hormone được tạo ra trong nhau thai có thể làm giảm độ nhạy của các tế bào cơ thể với insulin. Điều này dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao.
Đái tháo đường type 1, type 2 và đái tháo đường thai kỳ rất phổ biến nhưng ngoài ra còn có các loại đái tháo đường khác, trong đó có một số loại chưa được chính thức công nhận.
Đái tháo đường do các nguyên nhân khác
- Đái tháo đường khởi phát ở người trẻ tuổi (mature onset diabetes of the young - MODY): Loại bệnh đái tháo đường này xảy ra do sự biến đổi gen và di truyền trong gia đình. Đái tháo đường thể MODY thường khởi phát trước tuổi 25 tuổi.
- Đái tháo đường ở trẻ sơ sinh: Loại đái tháo đường này thường được chẩn đoán ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Đây là một bệnh lý di truyền khác với bệnh đái tháo đường type 1 vì không phải là một bệnh tự miễn. Đái tháo đường ở trẻ sơ sinh xảy ra ở những trẻ mang đột biến gen ảnh hưởng đến khả năng sản xuất insulin.
- Đái tháo đường do các bệnh lý khác: Loại đái tháo đường này xảy ra sau khi mắc các bệnh gây cản trở khả năng sản xuất insulin của tuyến tụy, gồm có xơ nang, ung thư tuyến tụy hoặc viêm tụy.
- Đái tháo đường do steroid: Loại đái tháo đường này xảy ra khi steroid gây gián đoạn sự sản xuất hormone trong cơ thể.
Một số loại đái tháo đường kể trên còn được gọi bằng những cái tên khác như:
- Đái tháo đường đơn nguyên: là tất cả những loại đái tháo đường do đột biến gen di truyền gây ra, gồm có đái tháo đường MODY và đái tháo đường ở trẻ sơ sinh.
- Đái tháo đường type 3c: là loại đái tháo đường do các bệnh lý khác gây ra, chẳng hạn như xơ nang và ung thư tuyến tụy.
- Đái tháo đường tự miễn tiềm ẩn ở người lớn (latent autoimmune diabetes in adult - LADA): còn được gọi là bệnh đái tháo đường type 1.5. Một số chuyên gia y tế cho rằng đây là một dạng đái tháo đường type 1. Mặc dù cũng là một bệnh tự miễn như đái tháo đường type 1 nhưng LADA tiến triển chậm hơn. Loại đái tháo đường này thường bị chẩn đoán nhầm là đái tháo đường type 2 vì ở giai đoạn đầu, cơ thể vẫn còn khả năng sản xuất insulin.
Các loại đái tháo đường mới
Gần đây, một số nhà nghiên cứu cho rằng cần đưa thêm hai loại đái tháo đường vào danh sách các loại đái tháo đường chính thức:
- Bệnh đái tháo đường type 3: Thuật ngữ “đái tháo đường type 3” được sử dụng để chỉ mối liên hệ giữa tình trạng kháng insulin và bệnh Alzheimer - một dạng sa sút trí tuệ. Một đánh giá nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 có nguy cơ bị bệnh Alzheimer cao hơn. Các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để xác minh mối liên hệ này.
- Bệnh đái tháo đường type 4: Đái tháo đường type 4 là thuật ngữ được sử dụng để chỉ bệnh đái tháo đường do kháng insulin ở những người lớn tuổi không bị thừa cân hoặc béo phì. Một nghiên cứu trên chuột vào năm 2015 cho thấy loại đái tháo đường này có thể không được phát hiện hoặc bị chẩn đoán nhầm trong nhiều trường hợp. Lý do là vì đái tháo đường type 4 xảy ra ở những người không bị thừa cân hoặc béo phì nhưng lại có tuổi tác cao.
Nguyên nhân gây đái tháo đường type 4
Các nhà khoa học chỉ mới bắt đầu nghiên cứu bệnh đái tháo đường type 4, vì vậy nên chưa có nhiều thông tin về nguyên nhân gây ra loại đái tháo đường này.
Một nghiên cứu được thực hiện trên chuột vào năm 2015 cho thấy bệnh đái tháo đường type 4 có liên quan đến tình trạng dư thừa tế bào T điều hòa – một loại tế bào miễn dịch. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng điều này có thể xảy ra do quá trình lão hóa nhưng vẫn cần phải nghiên cứu thêm trên người để xác minh.
Triệu chứng đái tháo đường type 4
Bệnh đái tháo đường type 4 có nhiều triệu chứng giống như các loại bệnh đái tháo đường khác. Tuy nhiên, vì đái tháo đường type 4 thường xảy ra ở những người có cân nặng bình thường nên có thể không được phát hiện. Các triệu chứng phổ biến gồm có:
- Mệt mỏi
- Khát nước thường xuyên
- Hay cảm thấy đói
- Mờ mắt
- Vết thương lâu lành
- Đi tiểu nhiều lần
- Sụt cân
Tuy nhiên, đây cũng là triệu chứng của rất nhiều vấn đề sức khỏe khác. Do đó, cần đi khám khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào kể trên để tìm ra nguyên nhân chính xác.
Điều trị đái tháo đường type 4
Bệnh đái tháo đường type 4 vẫn chưa được chính thức công nhận và nhiều điều về loại đái tháo đường này, bao gồm cả cách điều trị, hiện vẫn đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, các nhà khoa học đang nghiên cứu một loại thuốc kháng thể. (2) Loại thuốc này có thể làm giảm số lượng tế bào T điều hòa trong cơ thể và điều trị bệnh đái tháo đường type 4.
Hiện tại, bệnh đái tháo đường type 4 chủ yếu được điều trị bằng các loại thuốc dùng cho bệnh đái tháo đường type 2.
Những người bị đái tháo đường type 2 cần thực hiện một số thay đổi về lối sống để kiểm soát đường huyết nhưng những thay đổi này thường không mấy hiệu quả đối với người bị đái tháo đường type 4. Ví dụ, những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 và bị thừa cân hoặc béo phì cần phải giảm cân nhưng điều này là không cần thiết đối với đa số người mắc đái tháo đường type 4. Nhìn chung, những người bị loại đái tháo đường này có cân nặng bình thường và việc giảm cân không có tác dụng làm giảm số lượng tế bào T điều hòa.
Phòng ngừa đái tháo đường type 4
Cho đến thời điểm hiện tại, các nghiên cứu trên chuột cho thấy bệnh đái tháo đường type 4 có liên quan đến sự lão hóa. Cần có thêm nhiều nghiên cứu trên người để chứng minh giả thuyết này và tìm ra các biện pháp phòng ngừa đái tháo đường type 4.
Tóm tắt bài viết
Kháng insulin là nguyên nhân dẫn đến bệnh đái tháo đường type 2 và loại đái tháo đường này thường có liên quan đến béo phì. Tuy nhiên, bệnh đái tháo đường type 4 lại không liên quan đến cân nặng.
Các nghiên cứu trên chuột đã chỉ ra rằng quá trình lão hóa có thể khiến cơ thể tạo ra quá nhiều tế bào T điều hòa. Sự dư thừa những tế bào này có thể dẫn đến đái tháo đường type 4.
Cần có thêm nghiên cứu trên người để kiểm chứng điều này, từ đó có biện pháp chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Tìm hiểu về vai trò của insulin trong cơ thể và lợi ích của liệu pháp insulin trong kiểm soát, điều trị đái tháo đường type 2.
Bệnh đái tháo đường là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất trên khắp thế giới. Ước tính có khoảng 8,5% người lớn trên toàn thế giới hiện đang sống với bệnh đái tháo đường. Có hai loại bệnh đái tháo đường chính là đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2.
Đái tháo đường là một bệnh lý phức tạp xảy ra do sự kết hợp của nhiều yếu tố, chẳng hạn các yếu tố về môi trường như béo phì hoặc ít vận động. Di truyền cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Mặc dù cùng đực gọi là đái tháo đường nhưng đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2 có nhiều điểm khác nhau về nguyên nhân, yếu tố nguy cơ, ảnh hưởng đến cơ thể, triệu chứng, độ tuổi khởi phát và phương pháp điều trị.
Khi đường huyết không được kiểm soát và ở mức cao trong thời gian dài, người mắc bệnh đái tháo đường sẽ có nguy cơ gặp phải các biến chứng mà một trong số đó là mất thính giác.