1

Bàng quang tăng hoạt ở trẻ em: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Hãy đưa trẻ đi khám khi nhận thấy trẻ có các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Trong hầu hết các trường hợp, bàng quang tăng hoạt ở trẻ em tự khỏi theo thời gian. Nhưng nếu không tự khỏi thì sẽ cần phải điều trị. Có những phương pháp điều trị y tế và biện pháp khắc phục tại nhà giúp kiểm soát các triệu chứng bàng quang tăng hoạt.
Bàng quang tăng hoạt ở trẻ em: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị Bàng quang tăng hoạt ở trẻ em: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Bàng quang tăng hoạt là gì?

Bàng quang tăng hoạt (OAB), một dạng tiểu không tự chủ, là một vấn đề phổ biến ở trẻ em, có triệu chứng đặc trưng là đột ngột buồn tiểu, không kiểm soát được. Tình trạng này có thể dẫn đến tiểu không tự chủ. Bàng quang tăng hoạt không giống như đái dầm. Đái dầm là vấn đề phổ biến hơn, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt có thể ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của trẻ. Điều quan trọng là cha mẹ phải hiểu rõ các triệu chứng và để ý những thay đổi bất thường ở con mình. Những triệu chứng này có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của trẻ.

Nếu không được kiểm soát tốt, hội chứng bàng quang tăng hoạt có thể dẫn đến các vấn đề về thể chất như:

  • Khó làm rỗng bàng quang hoàn toàn khi đi tiểu
  • Tăng nguy cơ tổn thương thận
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu

Hãy đưa trẻ đi khám khi nhận thấy trẻ có các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Trong hầu hết các trường hợp, bàng quang tăng hoạt ở trẻ em tự khỏi theo thời gian. Nhưng nếu không tự khỏi thì sẽ cần phải điều trị. Có những phương pháp điều trị y tế và biện pháp khắc phục tại nhà giúp kiểm soát các triệu chứng bàng quang tăng hoạt.

Bao nhiêu tuổi thì trẻ có thể kiểm soát việc tiểu tiện?

Đái dầm ở trẻ dưới 3 tuổi rất phổ biến. Hầu hết trẻ em có thể kiểm hoạt động tiểu tiện sau khi lên 3 nhưng độ tuổi này ở mỗi trẻ là khác nhau. bàng quang tăng hoạt thường được chẩn đoán ở trẻ từ 5 đến 6 tuổi trở lên. Đến 5 tuổi, khoảng 90% trẻ em có thể kiểm soát việc tiểu tiện trong ngày. Chứng tiểu không tự chủ vào ban đêm đa phần không được chẩn đoán trước 7 tuổi.

Khoảng 16% trẻ em 5 tuổi bị đái dầm. Trẻ càng lớn thì tỷ lệ này càng giảm. Khoảng 10% trẻ 7 tuổi và 1 - 2% trẻ 15 tuổi vẫn đái dầm vào ban đêm.

Triệu chứng bàng quang tăng hoạt ở trẻ em

Triệu chứng phổ biến nhất của bàng quang tăng hoạt ở trẻ em là đi tiểu nhiều lần hơn bình thường. Tần suất đi tiểu bình thường của trẻ là khoảng 4 đến 5 lần mỗi ngày. Bàng quang tăng hoạt xảy ra khi cơ bàng quang co thắt không tự chủ và điều này gây ra cảm giác buồn tiểu ngay cả khi bàng quang không đầy. Trẻ có thể sẽ không cho người lớn biết khi cảm thấy buồn tiểu. Hãy chú ý đến các biểu hiện bất thường của trẻ như vặn vẹo khi đứng, ngồi, tay giữ vùng kín hay thường xuyên vội vàng vào nhà vệ sinh.

Các dấu hiệu khác của bàng quang tăng hoạt ở trẻ gồm có:

  • Trẻ vào nhà vệ sinh đi tiểu nhưng không có nước tiểu
  • Thường xuyên nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Tiểu không tự chủ trong ngày

Mặc dù ít gặp hơn bàng quang tăng hoạt nhưng trẻ có thể bị chứng tiểu không tự chủ do tăng áp lực với biểu hiện là rò rỉ nước tiểu khi thực hiện các hoạt động như chạy nhảy, cười, ho, hắt xì.

Đái dầm

Đái dầm là tình trạng trẻ tiểu không tự chủ khi ngủ vào ban đêm. Đây là một dạng rối loạn chức năng có thể xảy ra cùng với bàng quang tăng hoạt nhưng thường không liên quan đến bàng quang tăng hoạt. Đái dầm được coi là bình thường nếu xảy ra ở trẻ từ 5 tuổi trở xuống. Ở trẻ lớn hơn, tình trạng này được gọi là rối loạn chức năng bài tiết nếu đi kèm với táo bón và đại tiện không tự chủ.

Nguyên nhân gây bàng quang tăng hoạt ở trẻ em

Bàng quang tăng hoạt có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thay đổi theo độ tuổi của trẻ. Ví dụ, ở trẻ em từ 4 đến 5 tuổi, nguyên nhân gây bàng quang tăng hoạt có thể là:

  • Xáo trộn trong cuộc sống, chẳng hạn như trẻ có thêm em, điều này gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ và có thể dẫn đến bàng quang tăng hoạt
  • Trẻ mải chơi và quên đi vệ sinh
  • Bệnh tật

Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như:

  • Lo lắng, căng thẳng
  • Uống đồ uống chứa caffeine hoặc đồ uống có ga
  • Cáu gắt
  • Táo bón mãn tính
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu thường xuyên
  • Tổn thương hoặc rối loạn thần kinh khiến trẻ khó nhận biết bàng quang đầy
  • Nhịn tiểu
  • Ngưng thở khi ngủ

Ở một số trẻ, bàng quang tăng hoạt là một sự cố xảy ra trong quá trình trưởng thành và tự hết theo thời gian. Tuy nhiên, vì các cơn co thắt cơ bàng quang được điều khiển bởi các dây thần kinh nên có thể bàng quang tăng hoạt là do rối loạn thần kinh gây ra.

Bàng quang tăng hoạt có thể khiến trẻ có thói quen nhịn tiểu và điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng làm trống hoàn toàn bàng quang khi đi tiểu. Thói quen nhịn tiểu còn có thể dẫn đến những vấn đề về lâu dài như nhiễm trùng đường tiết niệu, tăng tần suất đi tiểu và tổn thương thận. Nếu tình trạnng bàng quang tăng hoạt của trẻ kéo dài mà không cải thiện thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám.

Khi nào cần đi khám?

Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ nhi khoa khi nhận thấy trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào của hội chứng bàng quang tăng hoạt, đặc biệt là trẻ từ 7 tuổi trở lên. Hầu hết trẻ em ở độ tuổi này đều đã kiểm soát được việc tiểu tiện.

Khi đi khám, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và hỏi về các triệu chứng. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về các vấn đề khác mà trẻ gặp phải như táo bón và yêu cầu xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra xem trẻ có bị nhiễm trùng hay các bất thường khác hay không.

Ngoài ra có thể còn phải thực hiện các phương pháp kiểm tra chức năng tiểu tiện, gồm có đo lượng nước tiểu tồn dư (lượng nước tiểu còn lại trong bàng quang sau khi đi tiểu) hoặc niệu dòng đồ (đo tốc độ dòng nước tiểu). Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm để kiểm tra xem nguyên nhân gây ra các triệu chứng có phải do vấn đề về cấu trúc của bàng quang hay không.

Điều trị bàng quang tăng hoạt ở trẻ em

Hội chứng bàng quang tăng hoạt thường tự hết khi trẻ lớn lên vì khi trẻ lớn lên:

  • Bàng quang sẽ chứa được nhiều nước tiểu hơn
  • Cơ chế truyền dẫn tín hiệu thần kinh và cảnh báo khi bàng quang đầy hoạt động tốt hơn
  • Tình trạng cơ bàng quang co thắt không tự chủ giảm đi
  • Phản ứng cơ thể được cải thiện.
  • Sự sản xuất hormone chống bài niệu ổn định hơn. Hormone chống bài niệu (ADH hay vasopressin) là một loại hormone làm chậm quá trình sản xuất nước tiểu.

Tuy nhiên, nếu cần phải điều trị thì các giải pháp gồm có:

Rèn luyện bàng quang

Trước tiên, bác sĩ có thể sẽ đề xuất các biện pháp tự khắc phục ví dụ như rèn luyện bàng quang. Để rèn luyện bàng quang, trẻ sẽ phải đi tiểu vào những thời điểm định sẵn trong ngày thay vì đi khi cảm thấy buồn tiểu, có nghĩa là trẻ sẽ phải nhịn tiểu nếu chưa đến giờ và cứ đến đúng giờ là phải đi tiểu, bất kể có buồn hay không. Trẻ sẽ dần dần học cách chú ý hơn đến nhu cầu đi tiểu. Điều này sẽ giúp làm trống bàng quang hoàn toàn khi đi tiểu và tần suất đi tiểu sẽ giảm.

Cha mẹ có rèn cho trẻ đi vệ sinh hai giờ một lần. Phương pháp này hiệu quả nhất với những trẻ bị buồn tiểu liên tục nhưng vào nhà vệ sinh lại không tiểu được và những trẻ không bị chứng tiểu không tự chủ.

Một phương pháp khác là đi tiểu hai lần (double voiding), có nghĩa là trẻ đi tiểu như bình thường, sau vài phút thì tiếp tục đi thêm một lần nữa để làm trống bàng quang hoàn toàn, tránh bị buồn tiểu liên tục.

Cha mẹ cũng có thể cân nhắc cho trẻ điều trị bằng liệu pháp phản hồi sinh học (biofeedback). Trong quá trình điều trị, chuyên gia trị liệu sẽ hướng dẫn trẻ học cách tập trung vào các cơ bàng quang và cách thả lỏng cơ khi đi tiểu.

Thuốc

Nếu các biện pháp kể trên không hiệu quả, bác sĩ sẽ kê thuốc để điều trị bàng quang tăng hoạt. Thuốc sẽ giúp làm giãn cơ bàng quang, nhờ đó giảm triệu chứng tiểu gấp và tiểu nhiều lần. Một loại thuốc thường được dùng cho người bị bàng quang tăng hoạt là oxybutynin. Loại thuốc này thuộc nhóm thuốc kháng cholinergic, có tác dụng ngăn chặn một chất dẫn truyền thần kinh khiến cơ bàng quang co thắt. Mặc dù là một loại thuốc hiệu quả nhưng oxybutynin có thể gây ra các tác dụng phụ như khô miệng và táo bón. Cha mẹ nên hỏi kỹ bác sĩ về các tác dụng phụ của thuốc trước khi cho trẻ sử dụng. Cần lưu ý, các triệu chứng bàng quang tăng hoạt có thể quay trở lại khi ngừng dùng thuốc.

Ngoài ra, trẻ có thể cần điều trị bằng các loại thuốc khác, tùy vào vấn đề gặp phải, ví dụ như thuốc nhuận tràng nếu trẻ bị táo bón hay thuốc kháng sinh nếu trẻ bị nhiễm trùng.

Biện pháp khắc phục tại nhà

Một số biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp kiểm soát các triệu chứng bàng quang tăng hoạt gồm có:

  • Tránh đồ ăn và đồ uống chứa caffeine: Caffeine có thể gây kích thích bàng quang và làm tăng các triệu chứng.
  • Thưởng cho trẻ: Thay vì trách mắng mỗi khi trẻ tiểu không tự chủ, cha mẹ nên khen ngợi và thưởng cho trẻ khi trẻ có thể kiểm soát việc tiểu tiện.
  • Chọn thực phẩm và đồ uống thân thiện với bàng quang, ví dụ như nước lọc, nước ép nam việt quất, các loại quả như chuối, táo, lê.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: nguyên nhân, trẻ em
Tin liên quan
Những điều cần biết về bàng quang tăng hoạt
Những điều cần biết về bàng quang tăng hoạt

Bàng quang tăng hoạt là vấn đề rất khó kiểm soát và có ảnh hưởng lớn đến công việc và sinh hoạt thường ngày, dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống cũng như là tác động tiêu cực đến tâm lý của người mắc phải.

Các phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt cho phụ nữ
Các phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt cho phụ nữ

Hội chứng bàng quang tăng hoạt là tình trạng buồn tiểu liên tục hoặc tiểu gấp, khó kiểm soát. Tình trạng này làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và còn khiến người bệnh cảm thấy không thoải mái. Bàng quang tăng hoạt còn có thể gây tiểu không tự chủ. Có một số liệu pháp và bài tập có thể giúp tăng cường cơ bàng quang và cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang, nhờ đó giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Hai trong số những phương pháp phổ biến là bài tập Kegel và rèn luyện bàng quang.

Rèn luyện bàng quang để điều trị bàng quang tăng hoạt
Rèn luyện bàng quang để điều trị bàng quang tăng hoạt

Bàng quang tăng hoạt (overactive bladder) là một nhóm các triệu chứng rối loạn tiểu tiện, trong đó nổi bật nhất là tiểu gấp (đột ngột buồn tiểu). Một trong những phương pháp đơn giản và được sử dụng đầu tiên để điều trị bàng quang tăng hoạt là rèn luyện bàng quang (bladder training). Rèn luyện bàng quang giúp nhịn tiểu được lâu hơn và giảm tần suất đi tiểu trong một ngày. Dưới đây là những điều cơ bản về phương pháp rèn luyện bàng quang, gồm có cách thực hiện và những lợi ích.

Cannabidiol (CBD) có tác dụng điều trị bàng quang tăng hoạt không?
Cannabidiol (CBD) có tác dụng điều trị bàng quang tăng hoạt không?

Có nhiều phương pháp kiểm soát bàng quang tăng hoạt, từ các biện pháp tự nhiên như thảo dược, thay đổi chế độ ăn uống, tập cơ sàn chậu cho đến các phương pháp điều trị y tế như tiêm Botox, dùng thuốc, kích thích điện hay phẫu thuật. Nghiên cứu mới đây đã phát hiện thêm một phương pháp nữa để điều trị chứng bàng quang tăng hoạt, đó là cannabidiol (CBD).

Điều trị bàng quang tăng hoạt bằng phương pháp kích thích điện thần kinh chày
Điều trị bàng quang tăng hoạt bằng phương pháp kích thích điện thần kinh chày

Có nhiều phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt, gồm có thay đổi lối sống, dùng thuốc làm giãn cơ bàng quang hay tiêm Botox vào bàng quang. Kích thích điện thần kinh chày qua da (percutaneous tibial nerve stimulation) cũng là một phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây