1

Các loại thuốc điều trị bàng quang tăng hoạt

Co nhiều loại thuốc điều trị bàng quang tăng hoạt, gồm có thuốc kháng cholinergic và thuốc làm giãn cơ bàng quang.
Các loại thuốc điều trị bàng quang tăng hoạt Các loại thuốc điều trị bàng quang tăng hoạt

Bàng quang tăng hoạt (overactive bladder - OAB) là tập hợp các triệu chứng xảy ra do cơ bàng quang hoạt động quá mức và co thắt một cách không tự chủ. Các triệu chứng gồm có:

  • Buồn tiểu liên tục
  • Đi tiểu nhiều vào ban đêm
  • Đột ngột buồn tiểu dữ dội, khó kiểm soát
  • Tiểu són khi buồn tiểu

Những triệu chứng này sẽ cản trở cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Hiện không có cách chữa khỏi bàng quang tăng hoạt nhưng có nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng, gồm có liệu pháp hành vi, thay đổi lối sống, kích thích điện, phẫu thuật và dùng thuốc.

Dưới đây là các loại thuốc phổ biến để điều trị bàng quang tăng hoạt.

Thuốc kháng cholinergic

Nhóm thuốc lớn nhất được sử dụng để điều trị bàng quang tăng hoạt là thuốc kháng cholinergic.

Nhóm thuốc này điều trị bàng quang tăng hoạt bằng cách ngăn cản một chất hóa học có tên là acetylcholine trong cơ thể. Chất này truyền tín hiệu thần kinh đến bàng quang báo cho cơ bàng quang co bóp. Ngăn chặn acetylcholine sẽ giúp làm giảm các cơn co thắt cơ bàng quang không tự chủ.

Thuốc kháng cholinergic có cả dạng biệt dược và thuốc gốc. Một số loại thuốc thuộc nhóm này gồm có:

  • oxybutynin (biệt dược: Ditropan XL, Oxytrol)
  • tolterodine (biệt dược: Detrol, Detrol LA)
  • trospium (biệt dược: Sanctura)
  • darifenacin (biệt dược: Enablex)
  • solifenacin (biệt dược: Vesicare)
  • fesoterodine (biệt dược: Toviaz)

Tất cả các loại thuốc này đều có dạng viên nén hoặc viên nang để dùng qua đường uống, ngoại trừ Oxytrol (có dạng miếng dán ngoài da).

Các tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc kháng cholinergic gồm có:

  • Khô miệng
  • Mờ mắt
  • Táo bón

>>> Tìm hiểu thêm về các loại thuốc kháng cholinergic.

Thuốc chủ vận thụ thể beta-3-adrenergic

Hai loại thuốc thuộc nhóm này là mirabegron (Myrbetriq) và vibegron (Gemtesa). Cơ chế tác dụng của thuốc chủ vận thụ thể beta-3-adrenergic là làm giãn các cơ trơn trong thành bàng quang, giúp bàng quang giữ được nhiều nước tiểu hơn.

Những loại thuốc này có dạng viên nén, uống một lần mỗi ngày. Thuốc chủ vận thụ thể beta-3-adrenergic có thể tương tác với nhiều loại thuốc khác, do đó người bệnh cần cho bác sĩ biết về các loại thuốc đang dùng để bác sĩ kê thuốc cho phù hợp.

Tác dụng phụ phổ biến nhất của mirabegron là tăng huyết áp. Các tác dụng phụ của vibegron gồm có buồn nôn, nhức đầu, tiêu chảy và các triệu chứng giống như cảm lạnh thông thường, ví dụ như ngạt mũi, chảy mũi, hắt hơi.

Thuốc chống trầm cảm

Trong những trường hợp không thể dùng các loại thuốc trị bàng quang tăng hoạt khác hoặc đã dùng nhưng không hiệu quả, bác sĩ có thể kê thuốc chống trầm cảm.

Những loại thuốc này có tác dụng điều trị chứng trầm cảm nhưng có thể giúp làm giảm một số triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Đây là một mục đích sử dụng ngoài hướng dẫn (off-label) của thuốc chống trầm cảm (sử dụng ngoài hướng dẫn có nghĩa là một loại thuốc được sử dụng cho những mục đích chưa được phê duyệt). Một số thuốc chống trầm cảm được dùng cho hội chứng bàng quang tăng hoạt gồm có:

  • desipramin (Norpramin)
  • duloxetin (Cymbalta)
  • imipramine (Tofranil)

Khi được dùng để điều trị bàng quang tăng hoạt, thuốc chống trầm cảm có thể gây ra các tác dụng phụ như:

  • Buồn ngủ
  • Mệt mỏi
  • Lo âu, hồi hộp
  • Giảm ham muốn tình dục

Liệu pháp hormone

Đôi khi, bàng quang tăng hoạt xảy ra khi mô hỗ trợ xung quanh bàng quang và niệu đạo trở nên suy yếu do sự sụt giảm estrogen. Estrogen là một loại hormone giúp duy trì sức mạnh của các cơ xung quanh bàng quang, âm đạo và niệu đạo. Vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, mức estrogen trong cơ thể người phụ nữ sẽ sụt giảm và điều này khiến các cơ bị suy yếu. Nếu đây là nguyên nhân gây bàng quang tăng hoạt thì giải pháp là liệu pháp estrogen tại chỗ.

Estrogen tại chỗ đặc biệt hiệu quả cho những trường hợp bàng quang tăng hoạt sau mãn kinh.

Các loại estrogen tại chỗ thường được dùng để điều trị bàng quang tăng hoạt gồm có kem estradiol và estrogen liên hợp. Tất cả các sản phẩm estrogen đều có tác dụng phụ là làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Tìm hiểu thêm về mối liên hệ giữa thời kỳ mãn kinh và bàng quang tăng hoạt.

Tiêm Botox

Tiêm Botox (onabotulinumtoxinA) không chỉ là một phương pháp làm mờ nếp nhăn mà còn có tác dụng điều trị bàng quang tăng hoạt. Giống như thuốc kháng cholinergic, Botox cũng ngăn chặn acetylcholine. Botox còn làm giảm hoạt động của cơ bàng quang.

Thông thường, liệu pháp tiêm Botox được chỉ định khi các phương pháp điều trị bước đầu như thay đổi lối sống và thuốc không hiệu quả.

Tiêm Botox đi kèm một số rủi ro, gồm có nguy cơ tê liệt bàng quang.

Thuốc điều trị bàng quang tăng hoạt không rõ nguyên nhân

Cho dù không xác định được nguyên nhân gây bàng quang tăng hoạt thì vẫn có thể điều trị bằng thuốc.

Một số loại thuốc có tác dụng làm giãn cơ bàng quang. Các loại thuốc này ngăn chặn các cơn co thắt không tự chủ gây ra triệu chứng tiểu gấp. Một số loại thuốc khác giúp củng cố các mô bị suy yếu xung quanh bàng quang. Mô khỏe hơn sẽ giúp cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang.

Nguyên nhân gây bàng quang tăng hoạt

Bàng quang tăng hoạt có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Đôi khi, nguyên nhân là do các bệnh lý gây rối loạn sự truyền tín hiệu thần kinh, khiến cơ bàng quang co bóp bất thường, ví dụ như bệnh Parkinson và bệnh đa xơ cứng. Trong những trường hợp này, điều trị nguyên nhân gốc rễ sẽ giúp làm giảm hoặc chấm dứt các triệu chứng bàng quang tăng hoạt.

Phì đại tuyến tiền liệt, sỏi bàng quang và ung thư có thể gây áp lực lên bàng quang và dẫn đến bàng quang tăng hoạt.

Nếu có thể tìm ra nguyên nhân gây bàng quang tăng hoạt, việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân. Giải quyết nguyên nhân sẽ làm giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể xác định chính xác nguyên nhân gây ra vấn đề. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ kê thuốc nhắm đến các triệu chứng.

Tóm tắt bài viết

Có nhiều loại thuốc giúp kiểm soát các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt, gồm có thuốc kháng cholinergic, một số thuốc chống trầm cảm, thuốc chủ vận thụ thể beta-3-adrenergic và liệu pháp hormone.

Phương pháp điều trị cụ thể sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và nguyên nhân gốc rễ gây bàng quang tăng hoạt.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Những điều cần biết về bàng quang tăng hoạt
Những điều cần biết về bàng quang tăng hoạt

Bàng quang tăng hoạt là vấn đề rất khó kiểm soát và có ảnh hưởng lớn đến công việc và sinh hoạt thường ngày, dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống cũng như là tác động tiêu cực đến tâm lý của người mắc phải.

Các phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt cho phụ nữ
Các phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt cho phụ nữ

Hội chứng bàng quang tăng hoạt là tình trạng buồn tiểu liên tục hoặc tiểu gấp, khó kiểm soát. Tình trạng này làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và còn khiến người bệnh cảm thấy không thoải mái. Bàng quang tăng hoạt còn có thể gây tiểu không tự chủ. Có một số liệu pháp và bài tập có thể giúp tăng cường cơ bàng quang và cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang, nhờ đó giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Hai trong số những phương pháp phổ biến là bài tập Kegel và rèn luyện bàng quang.

Rèn luyện bàng quang để điều trị bàng quang tăng hoạt
Rèn luyện bàng quang để điều trị bàng quang tăng hoạt

Bàng quang tăng hoạt (overactive bladder) là một nhóm các triệu chứng rối loạn tiểu tiện, trong đó nổi bật nhất là tiểu gấp (đột ngột buồn tiểu). Một trong những phương pháp đơn giản và được sử dụng đầu tiên để điều trị bàng quang tăng hoạt là rèn luyện bàng quang (bladder training). Rèn luyện bàng quang giúp nhịn tiểu được lâu hơn và giảm tần suất đi tiểu trong một ngày. Dưới đây là những điều cơ bản về phương pháp rèn luyện bàng quang, gồm có cách thực hiện và những lợi ích.

Cannabidiol (CBD) có tác dụng điều trị bàng quang tăng hoạt không?
Cannabidiol (CBD) có tác dụng điều trị bàng quang tăng hoạt không?

Có nhiều phương pháp kiểm soát bàng quang tăng hoạt, từ các biện pháp tự nhiên như thảo dược, thay đổi chế độ ăn uống, tập cơ sàn chậu cho đến các phương pháp điều trị y tế như tiêm Botox, dùng thuốc, kích thích điện hay phẫu thuật. Nghiên cứu mới đây đã phát hiện thêm một phương pháp nữa để điều trị chứng bàng quang tăng hoạt, đó là cannabidiol (CBD).

Điều trị bàng quang tăng hoạt bằng phương pháp kích thích điện thần kinh chày
Điều trị bàng quang tăng hoạt bằng phương pháp kích thích điện thần kinh chày

Có nhiều phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt, gồm có thay đổi lối sống, dùng thuốc làm giãn cơ bàng quang hay tiêm Botox vào bàng quang. Kích thích điện thần kinh chày qua da (percutaneous tibial nerve stimulation) cũng là một phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây